I. Thực trạng hoạt động của các CLB Thanh thiếu nhi Phật tử tại khu vực phía Bắc trong giai đoạn hiện nay
Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử (Sau đây gọi tắt là CLB) là một tổ chức tự nguyện của những bạn trẻ ở độ tuổi thanh thiếu nhi cùng tin kính đạo Phật tập hợp lại để cùng giúp đỡ nhau chia sẻ kinh nghiệm trên bước đường tu học giáo pháp của Như Lai, cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cùng nhau ứng dụng những giáo lý của đạo Phật vào trong cuộc sống hàng ngày.
Với mục đích và tôn chỉ như vậy, trong những năm qua kể từ khi có Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2004, với chính sách tôn trọng tự do sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, tại cách cơ sở tự viện chùa chiền trên cả nước đã xuất hiện nhiều CLB, đạo tràng sinh hoạt tôn giáo cho Phật tử đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, cụ thể như sau:
– Số lượng các CLB, Đạo Tràng được thành lập ở các cơ sở tự viện chùa chiền ngày càng nhiều, nhiều CLB đã ngày càng trở nên quy củ, sinh hoạt thường xuyên tạo được tiếng vang lớn trong nhân dân và giáo hội.
– Ngày càng thu hút được nhiều bạn trẻ có tín tâm đến sinh hoạt đem lại lợi ích hướng thiện cho con em đồng bào Phật tử;
– Nhiều CLB đã dành được sự quan tâm đặc biệt của các cấp giáo hội, các bậc trưởng lão hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư; nhiều CLB đã góp phần quan trọng vào sự thành công của các hoạt động Phật sự trong giáo hội.
– Nhiều hoạt động từ thiện tương thân tương ái trong cộng đồng, ủng hộ đồng bào bị bão lụt, nạn nhân bị chất độc màu da cam, gây dựng quỹ từ thiện… đã được nhiều CLB làm rất tốt và vô cùng có ý nghĩa đúng với tinh thần từ bi bác ái, vị tha của tấm lòng người con Phật;
Tuy nhiên trước yêu cầu của thực tiễn sinh hoạt tôn giáo trong giai đoạn ngày nay, trước những tác động của ngoại cảnh việc sinh hoạt của các CLB thanh thiếu nhi Phật tử khu vực phía bắc vẫn còn có những mặt hạn chế, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Việc phát triển của các CLB vẫn còn mang tính tự phát chưa đồng đều giữa các tỉnh thành, chưa có sự hướng dẫn cụ thể của các cấp trong giáo hội;
Thứ hai: Số lượng và quy mô hoạt động của các CLB còn quá ít so với số lượng đồng bào theo đạo Phật trong cả nước và so với số lượng chùa chiền, tự viện được hình thành trong cả nước;
Thứ ba: Sinh hoạt trong các CLB còn đơn giản, chưa đi sâu vào chất lượng chủ yếu mới chỉ dùng lại ở việc cùng nhau tụng các thời kinh, việc giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trọng việc ứng ụng Phật pháp vào trong cuộc sồng hàng ngày còn hạn chế, việc trao đổi pháp thoại với các bậc thượng sư cũng chưa được tiến hành nhiều;
Thứ tư: Cơ cấu tổ chức quản lý của các CLB còn lỏng lẻo chưa có sự phê duyệt điều lệ CLB một cách rõ ràng, chưa định hình được các Ban chuyên môn trong câu lạc bộ vì vậy nhiều bạn trẻ đã tham gia vào CLB nhưng cũng chưa hiểu hết mục đích tôn chỉ, chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của CLB; Hoạt động của các CLB còn chưa xây dựng được kế hoạch định kỳ rõ ràng vì vậy chưa tạo được tính chủ động thường xuyên trong sinh hoạt CLB
Thư năm: Nhân sự Ban chủ nhiệm CLB còn nhiều hạn chế về trình độ quản lý và năng lực công tác hội đoàn, có một số bạn trẻ có kiến thức về Phật pháp nhưng lại chưa có kiến thức kinh nghiệm về quản lý hội đoàn vì vậy chưa biết cách tập hợp các bạn trẻ có cùng chí hương tâm nguyện tham gia CLB, chưa hình thành các Ban chuyên trách để thực hiện các công việc thường xuyên của CLB;
Thứ sáu: Đa phần các CLB chưa gắn kết được việc sinh hoạt CLB với việc đào tạo, bồi dưỡng định hướng về nhân cách cho các thành viên tạo ra được một sức mạnh lan tỏa lớn, chưa huy động được những chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham gia vào CLB;
Thứ bảy: Kinh phí hoạt động của các CLB còn eo hẹp, thiếu thốn, đây là một vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của CLB, tuy nhiên lại chưa được quan tâm đúng mức hiện mới chỉ dựng lại ở việc đòng góp của các hội viên theo tùy tâm, việc huy động những Phật tử tín tâm ủng hộ và tài trợ cho quỹ hoạt động của CLB chưa được nhiều.
II. Câu lạc bộ thanh thiếu nhi Phật tử trước yêu cầu đổi mới
Trước yêu cầu thực tiễn của việc sinh hoạt tôn giáo trong giai đoạn hiện nay, trước những biến cố của Phật giáo trong giai đoạn mới như tình trạng cải đạo ngày càng nhiều, một số các sinh hoạt tôn giáo lai căng xuất hiện và trước yêu cầu phải đưa Phật giáo gắn sát với đời sống tâm linh của người Việt, giúp ích cho đời và bảo vệ tổ quốc và gìn giữ những giá trị nhân văn cao cả, góp phần cùng các cấp các ngành đầu tranh từng bước hạn chế, loại trừ những tiêu cực xuất hiện trong xã hội trong thời kỷ bùng nổ thông tin như ngày nay, việc đó đỏi hỏi các CLB thanh thiếu nhi Phật tử phải có sự đổi mới toàn diện và là một việc làm vô cùng cấp thiết.
Việc đổi mới CLB sẽ giúp cho Phật giáo Việt Nam gắn sát với thực tiễng đời sống xã hội hơn, thông qua các sinh hoạt của CLB các bạn trẻ thanh thiếu niên Phật tử sẻ ứng dụng được những giáo lý về lòng từ bi, tinh thần vô ngã vị tha của đức Phật, loại bỏ những sân hận trong cuộc sống, qua đó Phật giáo sẽ góp phần cùng xã hội trong việc giáo dục, hun đúc nên nhân cách, tinh thần của con người Việt Nam, để thế hệ trẻ Việt Nam đủ sức mạnh và trí tuệ để đưa đất nước phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc trước những thay đổi như vũ bão của công nghệ thông tin và toàn cầu hóa kinh tế quốc tế.
III. Nội dung đổi mới mô hình và tổ chức hoạt động của các CLB thanh thiếu nhi Phật tử khu vực phía Bắc
– Trước hết sự đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của các CLB thanh thiếu nhi Phật tử khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung phải có sự quan tâm của các cấp giáo hội từ Trung ương đến cơ sở, Ban trị sự các tỉnh thành, Ban đại diện các huyện, thị trong các tỉnh thành, các bậc cao niên trưởng lão, phải coi đây là một việc rất hệ trọng, là kênh thông tin để hoằng dương chính pháp đến với công đồng, đưa những giáo lý của Đức Phật gieo mầm từ bi đối đến với thế hệ trẻ Việt Nam và cũng là những Phật tử của nước nhà.
– Việc hình thành các CLB phải có sự hướng dẫn thống nhất của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bằng việc ban hành điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của CLB thanh thiếu nhi Phật tử, thông qua điều lệ mẫu này các Ban trị sự các tỉnh thành hoặc Ban đại diện các huyện thì sẽ phê duyệt điều lệ khi các CLB được hình thành ở cơ sở, đây là văn bản quan trọng để khi các hội viên kết nạp vào CLB đều hiểu rõ tôn chỉ, mục đích của việc tham gia CLB và cũng là cơ sở để Giáo Hội Phật giáo Việt Nam các cấp kiểm tra, thanh tra khi xuất hiện những sinh hoạt lợi dụng tôn giáo, lợi dụng Phật giáo để truyền đạo lai căng.
– Phải tăng cường công tác nhân sự cho BCN CLB bằng việc lựa chọn những Phật tử có tín tâm, có sự am hiểu về Phật pháp và đặc biệt phải có kinh nghiệm quản lý trong công tác hội đoàn. Kinh nghiệm cho thấy tại các CLB thanh thiếu nhi Phật tử nào có bộ máy nhân sự BCN vững mạnh thì hoạt động của CLB đó trở nên phong phú sinh động và thu hút được nhiều hội viên tham gia. Vì vậy Ban hướng Phật tử TW phải quan tâm đến đội ngũ nhân sự làm công tác này, trước tiên là lựa chọn và thành lập các Ban vận động thành lập CLB, từ đó tạo thành các hạt nhân cho việc hình thành và nhân rộng mô hình hoạt động của các CLB;
– Các CLB đã hình thành phải xây dựng chương trình và kế hoạch hoạt động định kỳ hàng Quý, hàng Năm và tổ chức rút kinh nghiệm cho từng buổi sinh hoạt một cách cụ thể. Phải tăng cường công tác hướng dẫn định hướng của các cấp giáo hội nhất là Ban đại diện Phật giáo huyện trong việc quản lý và định hướng hoạt động của các CLB;
– Ban Chủ nhiệm CLB phải huy động được những chuyên gia, cán bộ nghiên cứu, nhà quản lý trong các lĩnh vực tâm lý, văn hóa, xã hội… tham gia vào CLB qua đó tạo kênh thông tin gắn kết những sinh hoạt của CLB với việc tuyên truyền các giáo lý về lòng vị tha, tình yêu thương của Đức Phật đối với thế hệ Phật tử trẻ tuổi, đặc biệt là gắn kết Phật giáo với tinh thần nhập cuộc, cứu đời chia sẻ những kinh nghiệm sống để khơi dậy lòng nhân ái trong mỗi con người Phật tử;
– Tăng cường những hình thức để thu hút kinh phí hoạt động cho CLB như vận động tài trợ, lòng hảo tâm của cư sỹ Phật tử, cơ quan tổ chức trong việc hình thành nguồn quỹ của CLB, qua đó để CLB có nguồn quỹ ổ định duy trì các hoạt động thường xuyên, đồng thời làm tốt vai trò của CLB theo đúng với tôn chỉ mục đích đã đề ra.
Trên đây là những ý kiến đóng góp của bản thân cá nhân tôi, xin kính chúc Quý vị đại biểu thân tâm thường an lạc, chúc hội thảo thành công rực rỡ!