Gần đây khóa tu một ngày an lạc, lễ khánh đản bồ tát Quán Thế Âm của chùa Liên Phái do Thầy Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin và Truyền thông, trụ trì chùa đứng ra tổ chức mà số người tham dự cũng chỉ có hơn 100 người, cũng toàn người già và phụ nữ.
Thượng tọa Thích Chân Quang từ Vũng Tàu ra chia sẻ Phật pháp tại huyện Tiên Lữ mà thính pháp cũng toàn người già.
Khai giảng lớp giáo lý tại huyện Triệu Sơn Thanh Hóa mà cũng chỉ có hơn một trăm cụ già tham gia…
Có thể tìm được rất nhiều những tin tức Phật sự trên các trạng mạng Phật giáo mà ta thấy người đến chùa chủ yếu là người già và phụ nữ.
Phật giáo đang thiếu trầm trọng thanh thiếu niên đến chùa. Nhìn vào đó người ngoại đạo có thể vui mừng vì họ có cơ hội truyền đạo và cải đạo số đông thanh thiếu niên trong xã hội, còn những người nặng lòng với đạo pháp nhìn vào đó không khỏi trăn trở suy tư về tương lai PGVN.
1. NHU CẦU CẤP BÁCH
Câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử là tương lai của Phật pháp
Đối với đất nước, tuổi trẻ là người chủ tương lai của đất nước, là nguồn lực chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Đối với bất kỳ tổ chức nào thì đội ngũ trẻ là đội dự bị, là nguồn lực bổ sung, là nguồn kế cận sau này.
Đối với PG cũng không là ngoại lệ: thanh thiếu niên Phật tử là tương lai của đạo pháp, là người hộ trì và bảo vệ Phật pháp ngay hiện tại cũng như sau này. Nhưng thực trạng Phật giáo miền bắc hiện nay, người đến chùa sinh hoạt và tu học chủ yếu là người già và phụ nữ thì việc phát triển các câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử là một nhu cầu cấp bách, lấp đầy lỗ hổng (thiếu vắng Phật tử trẻ) mà chúng ta đã tạo ra và để tồn tại lâu nay.
Tổ chức thành lập câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử, duy trì hoạt động và phát triển các câu lạc bộ thanh niên Phật tử là một việc làm cấp thiết và quan trọng, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng lo cho tương lai lâu dài Phật giáo. Người già đi chùa có thể chỉ 10 năm 20 mươi năm nữa là khuất núi, và khi những người đó khuất núi thì còn ai đi chùa nữa? Nhưng nếu một thanh thiếu niên 14, 15 tuổi đã biết đi chùa học đạo và sinh hoạt Phật pháp thì 60 năm, 70 năm nữa họ vẫn là Phật tử vẫn đi chùa và tu học Phật pháp
Xây dựng câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử: là việc làm ích đạo lợi đời
Tuổi trẻ có sức khỏe, có kiến thức, có lòng nhiệt tình nếu họ tham gia vào các câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử, hiểu được giáo lý nhà Phật thì họ có đầy đủ những điều kiện để cống hiến cho Phật pháp, hộ trì Phật pháp. Những Phật sự lớn vừa qua như: Vesak 2008, đại lễ kỷ niệm 1000 năm Phật Giáo Thăng Long, đại hội PG các cấp được tổ chức thành công viên mãn trong đó có sự đóng góp rất lớn của các thanh niên Phật tử, các đội tình nguyện viên. Họ đảm nhận rất nhiều công việc từ khâu chuẩn bị, trang trí, lễ tân, hướng dẫn, công tác an ninh, hậu cần..
Ngày 19.2 vừa qua con được tham gia buổi lễ mừng khánh đản bồ tát Quán Thế Âm tại chùa Bửu Lâm quận 12 thành phố HCM. Chùa Bửu Lâm là một ngôi chùa nghèo, cơ sở vật chất đơn sơ, thế nhưng nhà chùa tổ chức được buổi lễ mừng Khánh đản rất thành công, do có các đội ngũ thanh niên Phật tử, tình nguyện viên đứng ra giúp nhà chùa gánh vác rất nhiều công việc.
Do đó nhận thấy rằng một Phật sự dù lớn hay nhỏ không thể thiếu sự chung vai góp sức của thanh niên Phật tử. Nếu những thanh niên đó được tổ chức trong các câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử thì họ càng có điều kiện để đóng góp nhiều hơn, nhà chùa và giáo hội cũng dễ huy động sự đóng góp của họ hơn.
Tuổi trẻ có sức khỏe, có kiến thức, có sự năng động, nếu họ là người tốt thì họ có điều kiện đóng góp nhiều cho xã hội. Nhưng nếu họ là người xấu thì họ cũng có điều kiện để làm việc xấu.
Những vấn nạn như bạo lực học đường, cướp của giết người, hiếp dâm, hành xử côn đồ kiểu xã hội đen của những đối tượng thanh niên xấu đang có chiều hướng gia tăng và trẻ hóa gây nhiều bất an cho xã hội như trường hợp của Lê Văn Luyện chẳng hạn. Nếu như những thanh niên ấy được tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ thanh niên Phật tử, được thấm nhuần giáo lý từ bi trí tuệ và nhân bản của nhà Phật thì sẽ không có những tệ nạn xã hội như thế.
Một thanh niên là Phật tử, có sinh hoạt trong câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử thì họ những người hướng thiện, giữ gìn tam quy ngũ giới, hành thập thiện, họ là những người biết làm lành lánh dữ, biết làm những việc đem lại lợi ích cho mình và cho cả số đông, chính họ là những người hữu ích cho xã hội. Tổ chức được các câu lạc bộ thanh niên Phật tử, thu hút được đông đảo các thanh thiếu niên tham gia câu lạc bộ là giáo hội đã đóng góp cho xã hội những người công dân tốt, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh.
Khuyến khích người trẻ đến chùa: thu hút người trẻ đến chùa không gì bằng chính giới trẻ thu hút nhau. Bởi cùng thế hệ có sự tương đồng về suy nghĩ về quan niệm sống, có chung tâm lý, nhận thức nên dễ chia sẻ, cảm thông và hiểu nhau hơn. Một thanh niên muốn đến chùa nhưng nhìn thấy chùa đó toàn những cụ già sinh hoạt thì họ cũng không muốn tham gia vì cảm thầy mình lạc lõng. Nhưng nếu chùa đó có câu lạc bộ thanh niên Phật tử sinh hoạt sôi động phù hợp với lứa tuổi của họ thì có một sức lôi cuốn mạnh mẽ đến họ, khiến họ đó muốn tham gia làm thành viên câu lạc bộ thanh niên Phật tử đó, để được hòa nhập vào đó cùng tham gia những hoạt động bổ ích.
Một chùa, mở rộng là đạo Phật mà có đông thanh niên Phật tử đến sinh hoạt nhìn vào đó ta thấy đạo Phật có một sức sống, có sức trẻ, có sinh khí mới. Phật tử nhìn vào đó sẽ tràn đầy niềm lạc quan về tương lai tươi sáng của PGVN. Điều đó xóa bỏ tâm lý đạo Phật là đạo của người già, người chết.
2. THỰC TRẠNG
Ngoài bắc có rất nhiều chùa nhưng phần đông các chùa mới chỉ đảm nhận vai trò là nơi thờ Phật, diễn ra lễ nghi tôn giáo thuần túy như cầu an, cầu siêu mà thiếu các sinh hoạt Phật pháp mang tính cộng đồng. Chừng nào nhà chùa vừa là trường đạo, trường đời thì mới thu hút được đông đảo Phật tử đến chùa, trong đó có thanh thiếu niên.
Người đi chùa ở miền bắc phần đông là các cụ già, phụ nữ, có ít người trẻ đến chùa. Tâm lý người trẻ đi chùa cũng chỉ chủ yếu là đến lễ Phật, cầu xin xong rồi về mà không thích tham gia các sinh hoạt Phật pháp, nên khó thu hút họ vào các câu lạc bộ Phật tử của chùa.
Số lượng các câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử rất ít, chủ yếu tập trung ở Hà Nội, một số tỉnh thành như Hải phòng, Nam Định, Thanh Hóa lác đác mới có câu lạc bộ. Còn lại nhiều tỉnh, nhiều ban trị sự huyện thị và nhiều chùa không có câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử.
Nhiều chùa không có đạo tràng thì chẳng dám mong gì đến có câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử sinh hoạt tại chùa.
Miền bắc có nhiều tỉnh miền núi, có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống, khác biệt về văn hóa tín ngưỡng, chưa biết Phật pháp, số lượng Phật tử ít, cá biệt có tỉnh còn chưa thành lập được ban trị sự PG cho nên mong đợi nơi đó có câu lạc bộ Phật tử là rất khó.
Các thầy trụ trì cũng chưa thực sự quan tâm chú trọng đến việc vận động thành lập câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử của chùa mình, ngay cả chùa do quý thầy lãnh đạo cao cấp của giáo hội, lãnh đạo của ban trị sự tỉnh thành làm trụ trì cũng không có câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử.
Thanh thiếu niên lại có tâm lý đám đông, câu lạc bộ nhiều người tham gia thì lại càng hấp dẫn, càng vui nhưng số lượng thành viên của các câu lạc bộ không đông.
Sinh hoạt của câu lạc bộ mang nặng nghi lễ, không phong phú, không sôi động nên không hấp dẫn và lôi cuốn được thanh thiếu niên Phật tử tham gia vào câu lạc bộ
Nhiều câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử trước đây do ban hoằng pháp thành lập, nay chuyển sang ban hướng dẫn Phật tử quản lý nên có sự chồng chéo, đã có lúc hoạt động của các câu lạc bộ bị sa sút có nguy cơ tan rã.
3. ĐỀ XUẤT
Thành lập và phát triển câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử là một nhu cầu cấp thiết, là chiến lược dài hạn do vậy cần có sự quyết tâm cao của các cấp giáo hội. Đề nghị giáo hội có chủ chương thành lập câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tự tại tất cả các tỉnh hội, huyện hội và các trung tâm Phật giáo lớn, phấn đấu mỗi một ban trị sự huyện thị thành phố có ít nhất một câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử để tập hợp và thu hút thanh thiếu niên đến tham gia sinh hoạt. Rất mong việc này nhận được sự quan tâm đôn đốc chỉ đạo sâu sắc của TƯ giáo hội đến các ban ngành, các ban trị sự và các tự viện.
Hiện nay, sau Đại hội VII GHPGVN, Phân ban thanh thiếu niên Phật tử thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử đã được thành lập. Phụ trách ban thanh thiếu niên Phật tử cần có các tăng ni trẻ, năng động, nhiệt tình, có uy tín và đã từng gắn bó với các câu lạc bộ, có kỹ năng quản lý điều hành các câu lạc bộ.
Chủ nhiệm các câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử là những người có tính cách trẻ trung, năng động, nhiệt tình, am hiểu Phật pháp và có kỹ năng kinh nghiệm tổ chức các sinh hoạt của câu lạc bộ.
Để thu hút các thanh thiếu niên tham gia các câu lạc bộ và giữ chân họ, gắn bó với câu lạc bộ thì phải trả lời 2 yêu cầu của họ là: tham gia câu lạc bộ được ích lợi gì và hấp dẫn gì với họ, họ có thời gian để tham gia hay không ?
Về mặt thời gian: phần đông thanh thiếu niên là các học sinh sinh viên, người đang đi học đi làm nên thời gian sinh hoạt của câu lạc bộ nên tổ chức vào các ngày cuối tuần, các buổi tối, cố gắng một tháng có một đến 2 buổi sinh hoạt để tăng thêm gắn kết các thành viên.
Về mặt bổ ích và hấp dẫn: tham gia câu lạc bộ họ có thêm những người bạn, có nhiều cơ hội để học hỏi, để hiểu biết và chia sẻ.
Tăng tính hấp dẫn thì nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ phải phù hợp với tâm lý giới trẻ, thị hiếu của giới trẻ. Các sinh hoạt, hoạt động phải thực chất, hữu ích, sôi nổi, tươi trẻ, mang đặc trưng của giới trẻ có như thế mới thu hút được các thanh thiếu niên. Các sinh hoạt luôn phải làm mới, cập nhật, thay đổi tránh đơn điệu lặp đi lặp lại qua các năm gây nhàm chán, thiếu sức hấp dẫn.
Giới trẻ thích các hoạt động sôi động, thích trải nghiệm, thích tìm tòi khám phá nên tổ chức sinh hoạt các hoạt động tập thể vui nhộn như các trò chơi: bịt mắt đập niêu, kéo co, đố vui Phật pháp, rung chuông chùa, đấu trường 100, chiếc nón kỳ diệu.. mang nội dung Phật pháp, khéo léo lồng ghép giáo lý nhà Phật vào các trò chơi đó một cách nhẹ nhàng.
Tổ chức các chuyến giã ngoại, cắm trại, lửa trại, chuyến đi làm từ thiện, các buổi hành hương về nguồn, tìm hiểu các danh lam cổ tự, trải nghiệm cuộc sống ở một nơi nào đó
Tổ chức giao lưu giữa các câu lạc bộ, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu văn nghệ, giao hữu thể thao, hội trại…
Thường xuyên mời các chuyên gia tư vấn, tâm lý, các Phật tử thành đạt đến giao lưu chia sẻ kinh nghiệm học tập, các kỹ năng sống, con đường lập nghiệp, kinh nghiệm thành công: như mời các nghệ sỹ nổi tiếng, doanh nhân thành đạt, thầy giáo, bác sỹ…chương trình tư vấn cầu nguyện mùa thi được tổ chức rất thành công ở chùa Bằng những năm qua là một ví dụ điển hình tổ chức các hoạt động bổ ích cho các thanh thiếu niên
Có thể thiết kế một đồng phục riêng cho thanh thiếu niên Phật tử: gọn gàng, đẹp, hợp thời trang, trẻ trung thể hiện đặc trưng của giới trẻ, hấp dẫn giới trẻ.
Tham gia câu lạc bộ được học Phật pháp tìm hiểu giáo lý nhà Phật: đã là thanh thiếu niên Phật tử thì phải là người hiểu đạo nên thường xuyên mời các thầy về giảng pháp cho câu lạc bộ, các buổi giảng pháp mang hơi thở cuộc sống, các tình huống ngoài đời, các quan hệ và ứng xử ở đời dưới góc nhìn Phật giáo. Các buổi hoằng pháp không khô khan, mang nặng triết lý cao siêu, không đề cập nhiều đến giải thoát giác ngộ, không nặng nghi lễ, lễ bái.
Giới trẻ có nhiều hoài bão, ham muốn, có nhu cầu hưởng thụ mà chúng ta đề cập nhiều đến vô thường, đến buông xả, thiểu dục chi túc, đến giải thoát thì sẽ xa rời giới trẻ, không sát thực tế, cách hoằng pháp như thế giống như một liều thuốc mạnh dễ gây sốc khi cơ thể chưa đủ sức tiếp nhận.
Các thanh niên Phật tử là những người có học thức, có hiểu biết nên nội dung bài hoằng pháp đề cao giáo lý từ bi, trí tuệ, tính khoa học, tính ứng dụng trong cuộc sống hiện tại, đó là đặc điểm vượt trội của PG so với các tôn giáo khác nên có sức thuyết phục hấp dẫn rất lớn đối với giới trẻ.
Tạo điều kiện cho các câu lạc bộ thanh niên Phật tử được thể hiện mình bằng việc tham gia đóng góp sức mình cho các hoạt động, các Phật sự quan trọng của các cấp giáo hội.
Xóa bỏ tâm quan điểm trẻ vui nhà, già vui chùa trong chính suy nghĩ, quan niệm của Phật tử và của xã hội. Đây là một quan điểm cổ hủ, cực đoan, rất nguy hiểm đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo. Cửa Phật từ bi đâu chỉ cho người già mới đến chùa. Ánh sáng trí tuệ nhà Phật là từ quang phổ chiếu, cứu độ tất cả chúng sinh đâu chỉ dành riêng cho người già. Nếu Phật giáo chúng ta tán đồng quan điểm trẻ vui nhà, già vui chùa là thể hiện tâm lý thụ động, và tự làm khó mình, giới hạn mình trong đối tượng người già. Chính vì có quan niệm như thế nên PG không thu hút được người trẻ đến chùa, còn xã hội đánh giá người trẻ mà đi chùa là khác người, là âm lịch là đồng bóng nên người trẻ có tâm lý e dè ngại ngùng không muốn đến chùa tham gia sinh hoạt.
Xã hội có quan niệm như vậy thì chúng ta tìm cách thay đổi điều đó, thay đổi đầu tiên từ suy nghĩ của quý thầy, thay đổi suy nghĩ của Phật tử rồi đến làm thay đổi quan điểm xã hội bằng những đóng góp thiết thực của Phật giáo đối với xã hội trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách sống cao đẹp thánh thiện, sống có ích, có trách nhiệm cho thanh thiếu niên.
Những khóa tu mùa hè tổ chức hằng năm cho học sinh sinh viên tại một số chùa, sau khi tham gia khóa tu các em đã ngoan hơn, từ bỏ các thói hư tật xấu, biết vâng lời hiếu thảo với ông bà cha mẹ, lễ phép với mọi người điều đó tạo ra hiệu quả rất lớn. Mỗi năm đến hè các bậc cha mẹ lại mong muốn cho con em mình đến chùa tham gia khóa tu. Cho nên các khóa tu như thế cần được nhân rộng hơn nữa.
Thành lập câu lạc bộ sinh viên Phật giáo tại các trường đại học, cao đẳng và trung học dậy nghề. Bên công giáo họ có tổ chức sinh viên công giáo hoạt động rất mạnh, nhưng PG chúng ta lại không có tổ chức này. Sinh viên là một lực lượng thanh niên đông đảo, có kiến thức, là những người thành đạt sau này, khi đã thành đạt họ có uy tín, có tiếng nói trong xã hôi và có đóng góp lớn cho xã hội, nếu họ là những Phật tử thì họ cũng có nhiều đóng góp cho Phật pháp và hộ trì Phật pháp.
Nếu chúng ta bỏ qua đối tượng này là chúng ta đang lãng phí một nguồn lực lớn. Do vậy thành lập câu lạc bộ sinh viên Phật tử tại các trường để tập hợp những sinh Phật tử và những sinh viên mến mộ đạo Phật, có cảm tình với đạo Phật là việc làm quan trọng hiện nay. Chúng ta cần hướng tới đối tượng đông đảo này, hoằng pháp và quy y cho họ và hướng dẫn họ tham gia vào câu lạc bộ của trường hoặc của chùa.
Một ví dụ: PGS.TS. Hàn Viết Thuận giảng viên của trường Đại học kinh tế quốc dân là một người Phật tử rất nhiệt tình trong việc gieo duyên cho các sinh viên củamình đến với đạo Phật, thầy đã đưa nhiều sinh viên của mình đến với đạo Phật và tham gia câu lạc bộ thanh niên Phật tử chùa Bằng, đó là một kinh nghiệm và là một bằng chứng sinh động về việc phát triển câu lạc bộ sinh viên Phật tử tại các trường đại học. Chúng ta mong có nhiều thầy cô giáo là Phật tử có tâm huyết với Phật pháp như thầy Thuận, giáo hội cần khuyến khích và vinh danh những thầy cô như thế.
Tổ chức thành lập các câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử là trách nhiệm không chỉ riêng ai:
Giáo hội có chủ trương nhất quán và đôn đốc chỉ đạo các ban ngành tự viện, Quý thầy trụ trì thành lập câu lạc bộ và vận động Phật tử của chùa mình tham gia, như vậy nhà chùa có một đội ngũ Phật tử trẻ hộ trì nhà chùa.
Quý Phật tử quán triệt thực hiện chủ trương Phật giáo hóa gia đình, các bậc ông bà, cha mẹ hãy gieo duyên cho con em đến với đạo Phật, quy y cho các em ngay từ nhỏ, dẫn dắt các em đến chùa học hỏi giáo lý, tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ. Các em là nguồn lực chính bổ sung vào các câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử. Làm như vậy các Phật tử đã thể hiện trách nhiệm của mình trong việc hộ trì Phật pháp và cũng là hướng con em mình có một con đường tâm linh chân chính, nhân cách sống cao đẹp.
Với thiết tha mong cho PGVN ngày càng hưng thịnh, PG là của mọi nhà mọi người, nên con mạnh dạn đưa ra những ý kiến đóng góp nêu trên. Nhưng vì tầm nhìn và hiểu biết của con còn hạn chế, có thể những ý kiến đó còn chưa thực sự được khách quan, sát thực tế, khó khả thi, có gì thiếu sót và bất lễ con xin thành tâm sám hối và kính mong quý thầy và quý Phật tử hoan hỷ lượng thứ cho.
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật !