Trang chủ PGVN Cửa thiền Mùa Vu lan ở chùa An Lạc (TP. Hồ Chí Minh) với...

Mùa Vu lan ở chùa An Lạc (TP. Hồ Chí Minh) với các em khiếm thị

87

Mùa của Hoa Hồng


Hàng năm, đến thông lệ ngày rằm tháng Bảy là mùa gợi nhớ đến cánh hoa Hồng. Dòng người vội vã cùng nhau đến chùa dự Le Bông Hồng Cài Ao để được hiện diện với đóa hoa trên ngực áo như một thông điệp truyền thống của Lễ Hội Vu lan. Những cánh hồng biểu trưng cho Đấng sinh thành còn hiện hữu hay đã mất đối với những người con. Nên mỗi dịp Vu lan, khắp nơi lại tràn ngập những cánh hồng lung linh với hai sắc màu đỏ trắng thi nhau đậu xuống ngực áo các cụ già, bạn trẻ cho đến những em bé chập chững theo mẹ đến chùa.



Giữa hình ảnh sinh động đó có một góc riêng hàng năm được dành cho những dấu chân lặng lẽ của các bạn trẻ khiếm thị. Đó là ngôi chùa An Lạc (Phạm Ngũ Lão, Q1). Nơi đây, đến mùa Hiếu Hạnh mọi người lại bắt gặp hình ảnh quen thuộc đầy cảm động. Lẫn trong dòng người, từng đoàn các em tiếp nối nhẹ nhàng dìu dắt nhau tìm về với ngôi chùa dự lễ, nơi đặc biệt tổ chức buổi lễ Bông Hồng cài áo dành riêng cho mấy em – những tâm hồn hiếu hạnh song phải chịu thiếu đi ánh sáng.


Thì nơi đây, ngôi chùa như một “điểm hẹn” để các em lần lượt trở về tập trung dưới sự dẫn dắt của chị Kim Nga, Phó Chủ tịch Hội Người Mù Q4 – Người chị và cũng là người Thầy dạy chữ cho các em. Chị như một nhịp cầu đầu tiên đưa các em đến với ánh sáng Phật pháp. Vì để có mùa lễ này, phải kể đến nhân duyên đầu tiên từ chính vị chủ nhiệm này, người luôn nhiệt tình hướng dẫn các em.



Thầy Trụ trì cùng các em khiếm thị


15 năm trước khi còn là người sáng mắt, chị vẫn hay thường xuyên đi chùa lễ Phật và tụng kinh vào các buổi  Sám hối. Khi ấy chị là giáo viên dạy xóa mù chữ cho các em khiếm thị. Từ ngày bệnh cận thị của chị ngày càng trở nặng (vô phương cứu chữa) khiến chị phải chịu đời sống khiếm thị hoàn toàn. Chị đã bắt đầu cuộc sống của những ngày trong bóng tối song từ tính can đảm, giàu nghị lực, chị đã sống với tinh thần lạc quan, vẫn đến chùa tụng kinh đều đặn và còn hướng dẫn cả các em trong trường khiếm thị đến chùa lễ Phật. Từ đó, cuộc hạnh ngộ giữa vị sư Trụ trì chùa An Lạc với đoàn Phật tử bị khiếm thị do chị dẫn đầu đã như một động lực để Thầy hướng đến tổ chức các buổi lễ Hoa Hồng cài áo dành riêng cho mấy em hàng năm vào chiều 14AL.



Chị Kim Nga


Mùa Vu lan năm nay, các em lại được dịp trở về cạnh nhau, cùng nhau nghe Kinh và đón nhận những phần quà Từ thiện của Chùa. Từ tầng hai chính điện, các em tựu về chật đầy với đủ khắp các khuôn mặt của Hội Người Mù Q4, Q. Tân Bình, Q11, Q. Thủ Đức cùng Hội Người Mù Thành Phố… mà hầu hết với độ tuổi từ 20 tới 30.



Nơi đây, các em đã được lắng nghe trọn vẹn về ý nghĩa của hai sắc hoa Hồng, về ngày Xá tội Vong nhân, Ngày Tự tứ… Và đặc biệt bài thơ Chiêu hồn (thơ Nguyễn Du) được chị Kim Phụng trình bày đầy xúc động, đã làm rơi không ít giọt nước mắt của các bạn trẻ qua giọng đọc biểu cảm của chị khiến buổi lễ càng trở nên lắng đọng. Tất cả như hòa quyện giữa một không gian trầm hùng trang trọng cùng tiếng trống Bát Nhã phối hợp, tạo thành không khí trang nghiêm đầy ấn tượng.



“Ai ai lấy Phật làm lòng”


Với người con Phật, được hiện diện với cánh hoa đỏ thắm hay trắng ngần đều là niềm hạnh phúc thiêng liêng. Thế nhưng, những điều chừng như rất đỗi bình thường ấy lại là niềm hạnh phúc trong khát khao của các em. Vì mãi mãi các em không còn niềm hạnh phúc được lựa chọn, được nhìn thấy những sắc hoa tượng trưng cho mùa hiếu hạnh mà chỉ còn cảm nhận với những hình dung về mùa Báo hiếu qua những lời kể, hướng dẫn của các anh chị, của Sư thầy.


Nhìn dòng người kính cẩn trước những đóa hồng được cài lên áo bên cạnh những đôi mắt trắng mờ đục, đứng lặng lẽ âm thầm chờ đón những chiếc hoa cùng với nụ cười sung sướng, chợt nghe mắt mình cay cay. Có cùng dự lễ với các em mới thấy mình thật hạnh phúc vì đang sở hữu được điều quí giá: ánh sáng đôi mắt.



Nổi bật trong đoàn khiếm thị hơn 50 em, một cô gái có khuôn mặt xinh xắn pháp danh Tường Nghĩa vui vẻ kể cho biết: “Em vẫn thường nghe băng Kinh và ăn chay hồi hướng cho cha mẹ. Em chỉ mong được chép đĩa Kinh sang cho bạn bè cùng nghe”.  Lời bộc bạch đơn sơ đủ khiến tôi xúc động trước lòng hiếu thảo mộc mạc. Bấy nhiêu đã là món quà quí giá em dành tặng cho cha mẹ hằng ngày rồi đó, em ạ! 


 


Phật tử Tuyết Thanh (PD Từ Vinh) thì chân tình thổ lộ “Hằng ngày đi làm công việc Matxa ở Hội Người Mù về em tranh thủ đến chùa An Lạc nghe Kinh Sám hối”, và em còn kể thêm rất nhiều về ý nghĩa ngày Vu lan bởi em cũng luôn “nghĩ đến công sinh thành của Ba Mẹ…”.


Những lời kể, những câu chuyện chắp nối hồn nhiên của các em luôn phảng phất nguồn “ánh sáng” Phật pháp. Vì có em còn rất siêng năng học thuộc lòng những bài Kinh Đại Bi, Bát Nhã bằng chữ nổi do chính Cô Nga soan. Để thấy rằng, “dầu thiếu đi ánh sáng nhưng nơi các em vẫn luôn tràn đầy tâm hồn nhạy cảm, sẵn sàng mở lòng đón nhận những nguồn sáng từ tinh hoa phật pháp”. Chị Nga cho biết. Bởi đó là con đường hướng thượng trong thế giới tăm tối của giác quan, để lúc nào các em cũng luôn ý thức nhớ về câu “lấy Phật làm lòng” (trong thơ Chiêu Hồn của ND) như một phương châm sống.


Để trở về, rời ngôi chùa rồi trong tôi vẫn hoài nao nao cảm xúc. Buổi lễ được tổ chức đơn sơ nhưng ý nghĩa, giúp các em đón nhận một mùa Vu lan hiếu hạnh đầy ấm áp. Để tôi  lại mong đến mùa Vu lan năm sau hòa vào dòng người dự lễ cùng các em. Để được nhìn thấy lại những nụ cười bình dị chân chất luôn rạng rỡ trên gương mặt thay cho đôi mắt – Những thế giới của tâm hồn.