Trang chủ Blog chùa TT.Thích Chân Quang hướng dẫn khóa tu lần 12 tại TV Di...

TT.Thích Chân Quang hướng dẫn khóa tu lần 12 tại TV Di Đà – Hà Nội

76

Vào những ngày này khí hậu Hà Nội đêm và ngày mưa, thời tiết rét nhẹ, dù vậy các Thiền sinh vẫn đến chùa tu tập rất đông, con số hiện diện không thua gì những khóa tu trước. Và đến ngày thứ ba của khóa tu thì từ con số hơn 600 thiền sinh tham gia tu tập, đã vượt trên 1000 người tham dự Pháp hội, do có đông đảo Phật tử từ các tỉnh thành khác đến thính Pháp, để được nghe tiếp chủ đề NHỮNG QUY LUẬT CỦA TÂM LÝ THEO CÁI NHÌN CỦA PHẬT GIÁO.

Đây là đề tài thuộc lĩnh vực tâm lý học theo cái nhìn của đạo Phật, được nhiều Phật tử, thiện hữu tri thức quan tâm, vì nó nhìn sâu vào tâm lý con người, từ đó giúp cho sự tu học của họ được mở ra. Trong bài giảng này, vấn đề tâm lý được TT.Thích Chân Quang đề cập với nhiều lĩnh vực mà ta sẽ bắt gặp, đặc biệt là THỌ ẤM.

Trong lời dạy của Đức Phật Thân tâm được cấu thành bởi 5 yếu tố: Sắc Thọ, Tưởng, Hành, Thức. 

Thọ là yếu tố liên quan đến cảm xúc, cảm giác, xuất hiện nơi thân và tâm ta. Thọ vô hình vô tướng, không nhìn thấy mặt mày rõ ràng lắm, nhưng nó chi phối cả tâm hồn, chi phối cuộc sống ta, chi phối cả thế giới, cả vũ trụ này, là động cơ đẩy chúng sinh vào luân hồi sinh tử. Ta làm bất cứ điều gì chỉ vì mục tiêu đi tìm cái thọ. 

Quan sát mọi điều trong cuộc sống, chúng ta thấy tất cả chúng sinh đều là nô lệ của thọ, nô lệ của cảm giác. Tất cả những quảng cáo ngoài trời, sự mời gọi buôn bán kinh doanh trên đời… đều khai thác mời gọi kích động cái thọ của ta cả (cảm giác). Chúng sinh yêu thương thù hận hay ghét bỏ (thuộc ái) cũng đều vì cái thọ này mà ra. Ví dụ khi bị ai mắng chửi, ta mắng chửi lại cho đã, cho khoái trá. Cái đã, khoái trá đó thuộc về thọ, nó thúc đẩy ta tạo biết bao nhiêu nghiệp trên đời. Nếu hiểu về thọ là ta đã hiểu rất lớn về nghiệp của chúng sinh; hoạt động, cuộc sống của chúng sinh; sức mạnh của luân hồi sinh tử và bắt đầu tìm được đầu mối, gỡ ra, để có thể vén bức màn mà đi dần ra, thoát khỏi luân hồi sinh tử. Cho nên hiểu về thọ là trí tuệ hết sức lớn lao. 

Kỳ trước, chúng ta đã được nghe bài về SẮC (tức là hình hài), mà ta nghe đã phức tạp liên quan đến rất nhiều. Nhưng hôm nay qua tới bài THỌ, bắt đầu đi vào sự trừu tượng gấp bội lần, và đòi hỏi chúng ta phải rất trí tuệ mới có thể hiều được. 

Thọ là cảm giác, nếu chia ra thì nhiều lắm nhưng thường xếp vào hai loại chính là: khổ đau hay hạnh phúc. Cái cảm giác hạnh phúc đến với ta gọi là lạc thọ và ta có cảm giác đau khổ thì gọi là khổ thọ. Nhiều khi có một cảm giác làm ta trơ trơ và nhạt nhẻo thì gọi là không khổ – không lạc (cảm thọ trơ).

Thế nào gọi là cảm giác nhạt nhẻo? ví dụ như có ai đó đứng lên sân khấu biểu diễn khúc nhạc hay làm ta thích quá thì đó gọi là lạc thọ, nhưng nếu ai đó biểu diễn buổi bi kịch, họ diễn tả về nổi khổ cuộc đời, làm ta xem xong phải khóc thì đó là khổ thọ. Và với người nào họ nói lải nhải mà không làm cho ta có có cảm giác hạnh phúc hay đau khổ, ngược lại ta phát chán, nhạt nhẻo và trơ ra đó, chứ nó không phải không cảm thọ.  Thường cảm thọ ở giữa (tức nhạt nhẻo hờ hợt) thì chẳng quan trọng vì không tạo nên động lực gì cho ta lắm, nhưng lạc thọ và khổ thọ (tức là hạnh phúc hay khổ đau) thì nó chi phối, lôi kéo, cuốn hút ta rất mạnh, làm cho ta đem cả cuộc đời mình đi theo.

Chúng ta hiểu cái đau khổ hay hạnh phúc là mục đích của cuộc sống đều như vậy. Tất cả các tôn giáo nói gì thì nói, cũng đều xoay quanh khổ đau hay hạnh phúc này, phải xử lý cái việc khổ đau hay hạnh phúc này. Tất cả mọi triết lý, mọi việc làm con người đều xoay quanh trục khổ vui mà làm việc. Tất cả các nhà chính trị, xử lý gì cũng đi theo cái ý niệm mục tiêu khổ hay vui này, không ai thoát ra được. Bằng nhiều ví dụ ở lĩnh vực chính trị, tôn giáo vào thời Vua chúa xa xưa hay vào thời thế kỷ XVII, XVIII, Thượng tọa trình bày cho thấy mọi chủ thuyết xử lý trong cuộc sống đều giải quyết xoay quanh vấn đề sung sướng hay khổ đau.

Riêng Đức Phật thì nhìn thẳng vào vấn đề đó, nên bài Pháp đầu tiên Ngài nói Tứ Diệu Đế mà chân lý đầu tiên là KHỔ ĐẾ. Chỉ có Đức Phật mới là bậc trí tuệ tột bực để nhìn ra vấn đề đó, và nói ngay điểm chính yếu nhất của con người, đó là khổ đế (tức khổ đau hay hạnh phúc). Thực chất nhìn cho kỹ tất cả đều chỉ là khổ đau. Còn tất cả những điều chúng sinh cho rằng hạnh phúc, sự thật cũng chỉ là tạm bợ (vì bản chất cũng là khổ đau). Hạnh phúc thật sự là Niết bàn – Giải thoát. Chỉ có Đức Phật mới nói toạt ra điều đó, ngoài Đức Phật không ai nói được. Trước Đức phật không ai có thể nói điều đó và sau Đức Phật cũng không ai có thể nói khác hơn được.  

Đức Phật đã nói rồi và mình nói lại mà tưởng mình hay, thậm chí có người còn xem thường Tứ Diệu Đế, mà đâu biết rằng đó chính là chân lý cốt lõi vào tận cùng trung tâm bản chất của cuộc sống này, và giải quyết được hết mọi thứ chân lý trong vũ trụ. Chúng ta càng hiểu đạo, càng tu hành thì lòng tôn kính của ta đối với Đức Phật dâng trào không còn bờ bến. Do đó, chỉ những người có tu hành, có hiểu giáo lý thì mới đủ cái tâm để tôn kính Phật. Chúng ta thấy rằng hạnh phúc hay khổ đau là mục đích của cuộc sống, cũng là mục đích tu của tất cả các tôn giáo và là mục tiêu của các nhà hoạt động xã hội, chính trị, v.v…

Do vậy, người tu của ta phải hiểu rõ cảm giác, để biết tránh những cái “Tiếp xúc” (những điều kiện) mà nó gây nên cái cảm xúc bất lợi – bất an cho tâm hồn ta. Ví dụ đứa trẻ mới lớn bị rủ rê hút chích ma túy. Khi đứa trẻ tiếp xúc với thuốc thì có cảm giác lâng lâng sung sướng mà làm cho nó lệ thuộc và nghiện. Thì cái cảm giác đó là cảm giác xấu (một loại thọ rất xấu) nhưng mà nó bị lệ thuộc và đi tìm cái thọ đó để trở thành con nghiện, thành kẻ tội lỗi, hết cả phước lành, thân tàn ma dại. Và khi cơ thể hết sức đề kháng thì phát sinh bệnh, khi đó gia đình rẻ rúng, xã hội coi thường. Lúc chết chỉ là hồn ma bóng quế dật dờ, tìm đại con nào mà đầu thai vì hết phước, không còn trở lại làm người.

Do đó, khi tu hành hiểu rõ về cảm xúc, mà ai gợi cho ta cảm xúc thì phải đánh giá liền (Cái xúc này là xấu để tránh xa), nên ta phải hiểu rõ về cảm xúc, cảm giác của mình để biết nên hay không nên tiếp xúc với cái gì. Người tu phải có trí tuệ để biết cái cảm xúc của mình. Và ngang đây Thượng tọa cho vài ví dụ điển hình, phân tích cho thấy thế nào là cảm giác xấu và nhắc nhở “Cái quan trọng của người tu là đánh giá được cảm giác để biết nên tiếp tục hay bỏ qua”. Để có thể đánh giá được cảm giác tốt hay xấu thì người đó phải rất trí tuệ, rất kiên quyết và bản lĩnh. Mà muốn được vậy ta phải có công đức, có bề dầy tu hành chứ không phải khi không. Tức là đã có nhiều ngày tháng lạy Phật với lòng tôn kính, đã ngồi thiền để lắng tâm, kiểm soát trong thanh tịnh, nếu có cảm giác lạ (rộn ràng) khởi lên là thấy liền, chứ không bị nó sai sử để chạy ra bên ngoài, đi theo cái bóng hư ảo của trần gian. Ta thật là dại khờ, luôn bị hoàn cảnh bên ngoài đánh lừa và sai sử.

Nhìn thấy được tâm mình, thấy được cảm giác khởi lên là loại gì thì đó là điều hết sức trí tuệ chứ không phải dễ. Thượng tọa nhấn mạnh “Ta biết cảm giác đó là gì để tránh đi sự tiếp xúc không tốt chứ không phải là ta hết cảm giác như một bậc Thánh. Lại nữa, ta biết rõ cảm xúc (cảm giác) đó để kiểm soát cái tình cảm thương ghét (ái). Vì xúc sinh thọ; thọ sinh ái. Để có thể phát sinh ra được cái cảm giác thì trước đó phải có tiếp xúc với ngoại cảnh (xúc), thì xúc sinh ra thọ. Sau khi sinh ra cảm giác rồi thì mới phát sinh tình cảm thương ghét.

Chúng ta tu tập đến mức độ tinh tế của nội tâm để thấy được cảm giác nó khởi lên trong lòng là cảm giác gì, và phía sau đó là cái thương, ghét, giận, hờn, mê say, đắm luyến, nó khởi lên như thế nào để biết mà kiểm soát. Tất cả những đệ tử Phật và những ai trên đời phải làm sao đạt được mức độ tinh tế của nội tâm như thế. Khi ta kiểm soát đến mức độ này thì ta hiểu được ta và hiểu được con người rất nhiều.

Tiếp theo, Thượng tọa trình bày một số tâm lý bình thường có liên quan đến thọ ấm:

1/ Có tiền và mất tiền. Có tiền thì phát sinh cảm giác vui sướng và mất tiền thì cảm giác buồn, thay vì vật chất là điều cơ bản của cuộc sống này, nó gắn với miếng ăn miếng mặc, với cuộc sống của ta và cao hơn nữa nó trở thành phẩm giá hay danh dự của chúng ta. Vì vậy đồng tiền quan trọng lắm, quan trọng đến nổi có khi người ta xem nó vượt hơn phẩm giá của mình, muốn tìm cách có tiền với bất cứ giá nào. Đúng ra đồng tiền cho ta miếng ăn miếng mặc, làm cho ta có phẩm giá trước mặt mọi người. Thì nó chỉ phục vụ cho những điều đó thôi nhưng người ta mê nó quá, đến mức kiếm tiền bằng mọi cách bất kể lỗi lầm. Vì vậy có những tổ chức hay dùng tiền để mua chuộc con người. Nên người nào sống trên đời mà đối với tiền có sự thản nhiên đến chừng mực nào đó thì là người tốt rồi, không lệ thuộc vào nó. Có tiền hay không có tiền, nó thuộc về phước quá khứ, chứ đừng quá bươn chải, lo toan, tham cầu vất vả để mất cả đạo đức của mình. Chúng ta tu đến mức độ làm sao lòng vẫn bình thản trước sự được mất của tiền bạc.

2/ Có tình và mất tình: Có ai đó yêu thương mình và ngược lại có người nào đó để mình yêu thương thì rất hạnh phúc. Đây là quy luật có sự tương tác. Đó là lý do tại sao bố mẹ rất yêu thương con. Thương con là một điều hạnh phúc, mặc dù đứa bé mới sinh ra hoàn toàn không có tình thương yêu. Đến khi qua 30 tuổi, có tu tập; có trí tuệ và đạo đức thì người ta mới biết yêu thương bố mẹ, yêu thương con người, còn dưới tuổi đó đừng nói chuyện yêu thương, chỉ là cảm tính thôi. Riêng tình cảm nam nữ nó thuộc về bản năng được lập trình trong cơ thể, nó không phải là yêu thương thật sự.

Chúng sinh vì không biết nhân quả nên rất thèm khát yêu thương mà cứ đi gieo rắc điều thù hận. Và chính thái độ bất cần tình yêu thương của người khác, sau này cuộc đời mình cô độc, chẳng ai yêu thương mình cả, đó là những ngôi sao có nhiều fan hâm mộ, những cô gái đẹp có quá nhiều người theo đuổi, những người có phúc, có tiền rất nhiều người ân cần cầu lụy nên đâm ra coi thường người khác. Cả người tu cũng vậy, nhất là Chư Tăng Ni có phước được nhiều Phật tử yêu quý mà nếu bất cần, xem thường họ thì đều gây cái nhân quả cô độc.

3/ Có quyền lực và mất quyền lực: Quyền lực có nghĩa là ta điều khiển được cuộc đời người khác, buộc người khác phải làm theo lệnh của mình và tại sao điều đó làm cho ta khoái chí sung sướng, vì bản ngã ta mở rộng ra. Nhiều người đã chết mê vì cái khoái chí đó. Vì vậy nếu một khi bị mất quyền thì ta hụt hẩng, đau khổ.

4/ Cái thưởng thức nghệ thuật cũng làm ta phát sinh rất nhiều cảm thọ như bài hát hay, những vở kịch, những cuốn phim, những bài múa và có những tấu hài làm ta thổn thức, yêu thích người biểu diễn.

5/ Có một cái mà người ta tưởng là hạnh phúc, đó là sự tư do, tức là muốn làm gì thì làm và người ta nghĩ đó là hạnh phúc. Còn cấm đoán tự do là làm cho người ta đau khổ. Cho nên sự đấu tranh giữa tự do và không tự do, nó cứ kéo dài triền miên trên thế giới. Mục tiêu tận cùng không phải tự do mà là hạnh phúc, trong khi người ta cứ nghĩ tự do là con đường đi đến hạnh phúc. Tại sao khi áp bức người thấy đau khổ rồi muốn tự do? Có nhiều trường hợp:

Có những điều ta muốn làm và đó là chánh đáng thì ta phải được tự do để làm. Ấy là quyền con người, nhưng có những điều ta muốn làm mà điều đó không chánh đáng, ta không được quyền làm. Khi muốn làm mà ta không được làm thì cảm thấy như bị áp bức, bị cấm đoán nhưng kỳ thực vì cái muốn của ta sai. Muốn gì để làm được cái đó vẫn là một cảm thọ hạnh phúc của con người. Tuy nhiên con người ta hay bị lầm ở chổ cứ tưởng mọi cái mình muốn là đúng hết. Và các nhà chính trị cứ nêu cao những khầu hiệu tự do là không đúng, vì không phải con người muốn gì là được nấy. Lớp trẻ vừa lớn lên đâu có trưởng thành, đâu có chính chắn, mười cái muốn thì trật hết chín cái mà nói muốn gì được nấy mới là nhân quyền. Điều đó làm hỗn loạn xã hội thêm. Một đất nước ít tự do thôi, cái điều gì chính đáng thì cho, ngược lại thì đừng thì đất nước đó mới ổn định phát triển, vì tự do không phải là hạnh phúc mà nó là một yếu tố của cảm giác hạnh phúc thôi. Có nhiều ý muốn đã không phải là luôn luôn đúng, cần được kiểm soát, điều chỉnh lại.

6/ Cái đánh vào cảm giác ta khủng khiếp là cái no và cái đói, đây là nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Khi đói cùng cực, ta chỉ nghĩ đến ăn thôi, đánh mất phẩm giá, làm bất cứ điều tệ hại, miễn kiếm ăn thì người đó gieo cái nhân làm thú. Còn người trong lúc thiếu đói vẫn giữ phẩm giá mình thì gieo nhân trở lại làm người, vượt lên. Lúc đói chúng ta mới thấy bản năng của mình bị thử thách tột độ, cái cảm giác khổ vì đói nó khởi lên tâm lý thù hận, thương yêu, thèm khát dữ dội, nếu lúc đó ta không đủ lý trí để kiểm soát thì mình tụt xuống bằng con thú liền. 

7/ Sự tuyệt vọng cũng liên quan đến cảm thọ. Sự tuyệt vọng là không còn hy vọng về cái gì tươi sáng trong tương lai, hết đường đi. Thượng tọa phân tích cho thấy cái cảm giác khủng khiếp của dạng tuyệt vọng của sinh mạng và dạng tuyệt vọng của danh vọng, của tình cảm. Trong sự tu hành cũng vậy, ta cũng đặt ra nhiều điều để hy vọng nhưng khi gặp trắc trở quá, trong sự bế tắc thành ra tuyệt vọng, không hy vọng cuộc đời mình sẽ có sự tu chứng nữa. Tuy nhiên, sự tuyệt vọng trong tu hành là điều đáng thương nhất, do ta mất hết nhân lành tu tập ở đời sau. Thượng tọa đánh giá cái phản ứng phía sau của sự tuyệt vọng thường là sai lầm nếu ta không biết đạo. Vì vậy khi tu rồi, ta đừng để cảm giác tuyệt vọng xuất hiện, lúc nào cũng còn niềm hy vọng trong chánh pháp. 

8/ Một cảm giác khác đáng sợ là sự đau đớn của thân xác, đó là thọ khổ. Tùy theo hoàn cảnh mà khi đau làm phát sinh tình cảm. Ví dụ có cái đau làm ta thích thú, làm ta ghét, ta giận, làm ta sợ điếng người. Cho nên không phải tình cảm nó giống nhau sau cái đau đó. Sợ nhất là cái đau làm ta sợ, lúc đó ta bị nô lệ, họ nói gì cũng phải nghe hết, như khi bị ai bắt cóc tống tiền chẳng hạn. Họ lợi dụng cái thọ của ta mà khai thác, khống chế con người.

Ngoài ra, có những cảm giác đi theo giác quan của mình và Thượng tọa phân tích đi kèm với ví dụ cho thấy chúng sinh chỉ chạy theo thọ (khoái cảm) chứ không gì khác, đó là:

Xúc giác sinh thọ; thị giác sinh thọ; thính giác sinh thọ; vị giác – khứu giác sinh thọ; ma túy sinh thọ, sinh dục sinh thọ; động tác sinh thọ; hơn thua sinh thọ; sức khỏe và bệnh tật cũng sinh thọ; giấc ngủ sinh thọ; thiền định sinh thọ; trò chuyện sinh thọ; nghịch cảnh sinh thọ; thuận cảnh sinh thọ, tò mò sinh thọ, v.v…

Đặc biệt, người nào được người khác sai bảo mà sinh ra cảm giác hạnh phúc, sung sướng, đó là người đệ tử Phật chân chính, họ biết tu, biết khống chế bản ngã của mình, đạt đến trình độ đạo đức nhu thuận, lúc đó  vở lẽ: Nào giờ cứ tưởng sai bảo người khác thì mới hạnh phúc, giờ mới hiểu có cái hạnh phúc ngược lại là được người khác sai bảo. 

Khi cảm giác vui kéo dài mãi thì nhàm chán. Do đó người ta đổi không khí, đi tìm cảm giác lạ, và họa sẽ sinh ra từ điều này. Chỉ có Thánh quả giải thoát mới là hạnh phúc thật sự, vì niềm an lạc đó càng kéo dài thì ta càng sáng suốt, trí tuệ, giác ngộ, đạo đức. Do đó cái con đường hạnh phúc thật sự trên đời là tu tập thiền định.

Cùng một đối tượng, cùng hoàn cảnh nhưng sự tu tập và trí tuệ khác nhau thì cảm giác sinh ra khác nhau.

Tóm lại, tất cả chúng ta trên đời này ai cũng bị cảm thọ chi phối, lôi cuốn, thúc đẩy, nhưng khi theo đạo Phật, ta biết nhìn lại để kiểm soát cái cảm thọ đó, không làm nô lệ cho nó nữa, để vượt lên đi tìm con đường siêu thoát, chân chính.

Đến đây, khóa tu Thiền lần thứ XII tại Thiền Viện Di Đà cũng đã hoàn mãn. Tiếp theo là Lễ truyền giới Quy y cho gần 100 hành giả phát tâm, muốn mình trở thành Phật tử. Tại buổi lễ, ĐĐ.Thích Nghiêm Tịnh thay mặt cho vị Thầy Bổn sư đã giải thích và trao truyền Tam quy, Ngũ giới. Và để Phật Pháp năng động, mạnh mẽ hơn, đem lại lợi ích phước báo vô lượng cho người tu tập, Đại đức còn khuyến tấn Phật tử hành trì thêm 7 điều nguyện trong đời sống hàng ngày, đó là: tập ăn chay, học Pháp, thực hành tu tập, làm việc từ thiện, Phật hóa gia đình, phổ biến giáo Pháp và kiên cường hộ đạo, cho những Phật tử mới, để họ nắm vững về phương pháp tu học của một người tu tại gia cần phải biết.

Nhân khóa tu đầu năm, để trưởng dưỡng lòng từ, để diệt ngã xả tâm, để cứu vớt chính mình và chúng sinh, các Phật tử trong và ngoại thành Hà Nội cùng với các thiền sinh của khóa tu Thiền viện Di Đà, đã tổ chức Lễ phóng sinh đầu năm. Tham dự Lễ phóng sinh có TT.Thích Chân Quang (BRVT); TT.Thích Minh Tuân – Trụ trì chùa Di Đà, và Chư Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang.

Đúng 15h00 cùng ngày, đoàn Phật tử đã có mặt tại bãi sông Hồng, sắp  hàng dọc kéo dài hơn 500m để chuyền tay nhau những rỗ cá, mang tận ra giữa dòng sông để thả, trong sự chú nguyện của TT.Thích Chân Quang và tiếng tụng bài kệ phóng sinh rất thành tâm, vang dội cả một khúc sông của các Phật tử đứng trên bờ. Nhìn những con cá được thả về với thiên nhiên, tự do tung tăng bơi lội mà ta cảm thấy vui mừng cho chúng. Chỉ cần mỗi chúng ta phóng sinh một con ốc hay một con cá, con chim thôi thì số lượng chúng sinh được cứu vớt đã rất nhiều rồi. Phóng sinh là biểu tỏ tinh thần yêu mến tự do, đức hiếu sinh và lòng thương cảm của người con Phật. Cho dù chưa có hành động phóng sinh, mà chúng ta không động lòng trắc ẩn, không có ý nghĩ phóng sinh là giết chết lòng từ bi ngay trên tâm mình. Tổng số cá cho đợt phóng sinh này là 3 tấn./. 

Dưới đây là hình ảnh của khóa tu thiền lần thứ XII tại Thiền Viện Di Đà và toàn cảnh buổi lễ phóng sinh của đoàn Phật tử khóa tu tại bãi sông Hồng – Gia lâm – Hà Nội: