Chiều, chùa yên ắng lạ. Nó mở mắt tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa, nhìn đồng hồ đã hơn hai giờ rồi sao? Mà cũng bình thường chứ có gì mà phải ngạc nhiên nhỉ, ngày nào mà nó chả ngủ nhiều như vậy chứ. Với cái cảm giác lâng lâng còn ngái ngủ của mình, nó mở cửa nhìn xuống dưới sân nhà Tổ, những chiếc lá đã lìa khỏi cành nhưng vẫn còn muốn lưu luyến một hơi thở của trần gian, và ở đó, cái thất nhỏ của thầy, vẫn vậy, thầy đã dậy từ lúc nào ngồi cặm cụi viết lách và nghiên cứu sách vở. Nó đi xuống dưới cầm cái chổi lại sân nhà Tổ để quét rác, nói là quét rác vậy thôi chứ thực ra đó chỉ là cái cớ để cho nó có cơ hội nhìn được cái vẻ suy tư khi nghiên cứu sách vở của thầy nó. Nó cũng thích viết lách, nhưng nó nghĩ không biết đến khi nào nó mới có được cái dáng vẻ đó và có được những tác phẩm như thầy mình.
Thầy nó, một người thầy sống, xuất gia và tu tập ở miền quê, và thầy luôn tự coi mình là một người nhà quê, ít học và chỉ biết lấy Pháp môn Tịnh độ làm thuyền để vượt qua biển sinh tử mà thôi. Và ngoại hình của thầy theo nó cũng chẳng hơn ai là bao,không cao ráo đẹp trai như những người khác. Nhưng:
Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh
Hữu tướng vô tâm, tướng tự tâm diệt.
Vậy đó, thầy nó dân dã và đậm nét quê vậy đó, nhưng trong mắt mọi người, thầy đẹp lạ, mà gần nhất là huynh đệ nó. Thầy cũng cầm chổi quét sân, cũng cầm khăn lau bàn thờ, thầy luôn gần gũi, quan tâm và chăm sóc đàn con trẻ tụi nó. Một gia đình bình thường ở ngoài chỉ có một vài đứa là đã điêu đứng, đã thấy mệt mỏi, đằng này thầy có cả mấy chục đứa, mà đứa nào cũng nghịch, cũng phá. Nhiều lúc thấy thật thương thầy, huynh đệ phá mà nó tưởng như là thầy nó sẽ la lên, rồi đánh đập hay đuổi ra khỏi chùa. Nhưng không, thầy chỉ im lặng, rồi dặn mấy anh em lớn gắng gần gũi quan tâm mấy đứa em nhỏ, rồi thầy lại phải để ý từng bữa ăn giấc ngủ của anh em nó. Ở địa vị của thầy, đáng lẽ thầy phải được nghỉ ngơi, rồi tập trung nghiên cứu chữ nghĩa, viết lách, dịch thuật, nhưng thầy của nó lại phải quán xuyến nhiều chuyện vậy đó, tấm lòng thầy là vậy đó, luôn tự dặn mình sống hết lòng.
Mới đây, thầy nó mới làm một cái thất nho nhỏ, đặt tên Thùy Ngữ Thất. Theo nó nghĩ thùy là ngủ, ngữ là lời nói, vậy dịch ra là thất ngừng nói. Nó không biết có phải không nữa, nhưng nó thấy rằng từ khi có được cái thất nhỏ đó, thầy cũng được thảnh thơi và có nhiều thời gian ở nhà hơn. Thầy nó là một vị giảng sư nổi tiếng, nhưng thầy luôn bận tâm về việc thầy cứ đi dạy, đi giảng ở ngoài mà chúng trong chùa thì thầy ít có thời gian để dạy dỗ, quan tâm, nên nó nghĩ thầy muốn được ở nhà nhiều hơn, nó thấy vui về điều đó.
Thất thầy nó cạnh bên gian thờ của Sư Ông, một cái thất gỗ hòa vào trong thiên nhiên như làm cho khung cảnh của nơi đây được đẹp lên phần nào. Nơi ấy cũng có suối chảy, cũng có bãi cỏ xanh, cũng có lan,… Nơi đó khác hẳn với cái phòng chật hẹp của thầy lúc trước, nên nó thấy từ khi có cái thất này, đối với người khác thì coi đó chỉ là một căn nhà nhỏ bé không đáng giá nhưng đối với thầy thì lại khác, thầy vui hẳn lên và coi như đã toại ý từ trước đến nay của thầy, có một nơi yên tĩnh để viết lách, nghiên cứu sách vở. Thầy nó chuyên về Hán, nên bên ngoài là những bức thư pháp chữ hán mà thầy ưng ý nhất, những câu thơ của Ngài Tuệ Sĩ viết tặng hay những nét bút của nhà thư pháp Hồ Công Khanh, và những lời dịch là của thầy nó, tất cả như một sự kết hợp hoàn hảo. Đối với thầy nó, Ngài Tuệ Sĩ là một vị thầy lớn, một người đi trước đáng nể phục, còn Hồ Công Khanh là một người bạn cùng quê, cùng sở thích về chữ nghĩa, tất cả như một nhân duyên lớn hòa quyện vào những bức thư pháp mà mỗi lần thầy nó nhìn lên có vẻ ưng ý lắm.
Trong phòng cũng chỉ là một gian thờ nho nhỏ để thầy lễ Phật, niệm Phật hay tịnh tâm khi làm việc mệt mỏi. Và phía sau là gian phòng của thầy, cũng đơn giản vậy thôi, một cái bàn nho nhỏ toàn sách là sách, có vài tờ giấy đã chuyển màu mà thầy dùng để viết văn, làm thơ, dịch thuật. Rồi cửa sổ bên cạnh nơi ngủ của thầy nó là nơi mở ra một khu vườn nho nhỏ và hòn non bộ có dòng nước chảy róc rách suốt ngày. Vậy thôi, chỉ vậy thầy cũng đủ vui, đủ thoải mái để thầy làm việc, để thầy phục vụ chúng sanh.
Nó đứng mơ màng suy nghĩ chóc lát, rồi tiếp tục quét sân, ngoài kia lan vẫn trổ, nước vẫn chảy, và nó mỉm cười vì nhân duyên đã được làm huynh đệ trong mái nhà Vĩnh Minh, từng chiếc lá hãy còn rơi, và con đường của chúng con theo thầy sẽ mãi mãi dài thêm, để cùng nhau được an lạc trong hiên tại và giải thoát về sau.