Có thể nói, ngày Lễ Vu lan có tác dụng rất lớn đến quan điểm về cuộc sống của nhân sinh.
Nho giáo có câu: “Thân giả dã, phụ mẫu chi di thể dã”. Nghĩa là, thân thể của ta chính do cha mẹ để lại. Không những thế, mà tài sản và tri thức ta đang có đều được tác thành từ công ơn to lớn của cha mẹ. Vì vậy, mỗi mùa Vu lan về là chúng ta càng thương kính cha mẹ nhiều hơn. Hiếu đạo là chuẩn mực đạo đức của một con người, là căn bản đạo đức cho sự ổn định của gia đình và phát triển xã hội. Đã mang thân con người thì nhất thiết ai cũng mang nặng cái ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Thời đại văn minh, thời đại công nghệ thông tin, truyền thống giữ gìn hiếu đạo vẫn phải được đề cao. Như một nhà khoa học đã từng nói: “Khoa học không lương tâm chỉ là sự hủy hoại tâm hồn”.
Trong chúng ta, ai cũng có những cung bậc của tình phụ tử, tình mẫu tử. Hiếu đạo là chuẩn mực đạo đức có giá trị chung cho toàn thể nhân loại. Giáo dục hiếu đạo góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và ổn định trật tự xã hội.
Những biểu hiện suy thoái đạo đức từ căn bản bất hiếu mà ra. Con cái không phụng dưỡng cha mẹ, học trò chửi mắng thầy cô giáo, đệ tử nói xấu thầy đều là biểu hiện hành vi vô đạo đức. Chúng ta không biết ơn thì không bao giờ nghĩ đến việc báo ơn. Chúng ta ai cũng chịu cái ơn liên hệ của cộng đồng xã hội theo lý duyên sinh. Vì ý thức sâu sắc sự liên hệ hỗ tương duyên sinh mà nhà Phật đề cao tinh thần biết ơn và đền ơn. Chính hai nhân tố này nói lên phẩm cách giá trị của một con người.
Nếu cha mẹ lo cho chúng ta về phần thể xác, thì thầy cô giáo cũng chính là cha mẹ chăm sóc nâng đỡ mình trong công tác văn hóa, tri thức. Còn thầy dạy đạo tạo dựng cho mình hành trang vững vàng trên lộ trình tâm linh. Do vậy, ân nghĩa thế gian và ân nghĩa xuất thế gian người Phật tử ai cũng cưu mang và tìm cách đáp đền. Chính ngày Vu lan và nội dung báo hiếu đã góp phần trong công tác văn hóa tư tưởng, thúc đẩy xã hội phát triển hòa nhịp giữa vật chất, đạo đức và tri thức. Cũng vì thế, hiếu đạo được xem là nền móng giáo dục căn bản của kinh điển nhà Phật. Các vị Bồ tát vào đời giáo hóa chúng sanh là nêu cao tinh thần biết ơn và đền ơn. Vì thấu tột lý duyên sinh mà các ngài phát đại nguyện độ khắp muôn loài chúng sanh. Trong kinh Vu Lan Bồn Sớ có bốn câu kệ:
“Khể thủ tam giới chủ
Đại hiếu Thích Ca Văn
Lụy kiếp báo thâm ân
Tích nhân thành Chánh giác”.
(Cúi đầu đảnh lễ Bậc Giáo chủ ba cõi
Ngài là Bậc Đại hiếu Thích Ca Văn
Đã trải qua nhiều kiếp báo thâm ân
Do nhân duyên đó nay thành
Chánh giác).
Như vậy, tiền thân quá khứ của Đức Phật Thích Ca đã thể hiện vô số công hạnh hiếu đạo, nay đủ thời tiết nhân duyên mới thành Chánh giác. Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, Đức Phật nhìn thấy tất cả chúng sanh trong quá khứ, hiện tại đều là cha mẹ của nhau. Hiểu được điều này, thì dù chúng ta phải bôn ba, ngược xuôi với dòng đời để kiếm tìm từng miếng cơm manh áo, tạo dựng sinh kế, lo những điều phải lo, làm những điều phải làm, nhưng hãy thu xếp quỹ thời gian để sớm hôm phụng dưỡng cha mẹ, đáp đền ơn sâu. Sự hiện diện của cha mẹ là một niềm hạnh phúc, việc đền đáp ân sâu nghĩa nặng của cha mẹ là điều may mắn hạnh phúc không gì hơn.
Ngày nay trong xu thế khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa đạo đức đang được quan tâm, thì tự nhiên ngày Lễ hội Vu lan có tác dụng rất lớn đến quan điểm về cuộc sống nhân sinh trong tinh thần biết ơn và đền ơn. Việc giữ gìn giềng mối đạo đức, nêu cao hiếu đạo vốn là căn bản đạo đức của đạo làm người, mang đậm tính nhân văn. Chúng ta sống như thế nào để ngày nào cũng là ngày Vu lan, chứ không riêng chỉ có rằm tháng Bảy.