Trang chủ PGVN Nhân vật Đôi điều suy ngẫm từ tang lễ Tổ Hội Xá

Đôi điều suy ngẫm từ tang lễ Tổ Hội Xá

181

 

Như tin đã đưa, trái tim Bồ Tát Hội Xá – Đức Đại Trưởng lão HT Thích Thanh Bích đã ngừng đập hồi 8 giờ 20 phút ngày 23/03/2013, nhằm ngày 12/2/ Quý Tỵ tại chính phương trượng chùa Hội Xá, trụ thế 102 năm với trên 90 năm chân thật tu hành.

Trong những năm gần đây, chúng ta đã được nghe đôi chút, từ sự truyền tụng trong chốn Thiền môn về công hạnh tu hành bất khả tư nghị của Ngài, với sự tinh cần tu học, thật tu thật học, tinh nghiêm giới luật, khiêm cung, giản dị, nhẫn nhục, khiêm hạ; với nếp sống khổ hạnh đầu đà nhất quán, bền bỉ, không một giây phút ngưng nghỉ trong gần 100 năm.

Sẽ là phiến diện khi nói về Ngài mà không nói về Người bạn đồng tu, đồng sự của Ngài là Đức Đại Trưởng Lão HT Thích Phổ Tuệ. Đã nhiều chục năm nay nhị vị Trưởng lão là tiêu biểu, là thượng thủ, là linh hồn, là tinh hoa của Tăng già miền Bắc.

Không phải ngẫu nhiên mà nhất nhất tứ chúng đều xưng tán các Ngài là Tổ – Tổ Hội và Tổ Ráng với lòng kính ngưỡng và tin tưởng sâu sắc.

Sự thị tịch và tang lễ Tổ Hội từ ngày 12 đến ngày 16 tháng Hai năm Quý Tỵ – 2013 có nhiều điều mầu nhiệm không thể nghĩ bàn.

– Trước Tết Quý Tỵ, dường như đã biết trước ngày xả thân phàm, nên Tổ đã có những “điềm báo”.

– Ngày 14/11/ Nhâm Thìn, khi ban đạo từ cho Đoàn Đại biểu Tăng Ni Hà Nội về khánh chúc và cung thỉnh Ngài lên dự lễ trao giáo chỉ tấn phong do GHPGVN thành phố HN tổ chức vào ngày 4/12, Ngài đã có lời cáo lỗi và xin thoái thác rất kiên quyết. Nhưng rồi, do nhất mực từ bi, nên đến ngày đó, Ngài vẫn quang lâm cùng Đức Pháp Chủ lo Phật sự.

– Áp Tết âm lịch 2013, sức khỏe Tổ Hội, theo quy luật vô thường, có sự biến chuyển rệu rã. Ngài ít vận động hơn, thường ngồi dựa trên giường Thiền, thiêm thiếp trong đại định, tay không rời cỗ tràng, lần hạt, niệm Phật.

Khi giao tiếp, Tổ đã có những câu dặn dò, phó chúc. Cốt yếu vẫn là sách tấn các thế hệ hậu lai tinh tấn tu tập học hành.

– Tối mùng Tám Tết (17/02/2013), sức chống đỡ của căn nhà tứ đại trên 100 tuổi của Tổ Hội chao đảo mạnh. Ngài đã có những lời di nguyện về hậu sự, nhất quán với đời tu của Ngài.

Bệnh duyên kéo về ào ạt, Ngài đã thị hiện mấy điều, dường như sắp trút báo thân vô thường. Các đệ tử không đành lòng, chiều theo phàm tình nhân thế đã xin phép các bậc trưởng thượng, đưa Ngài vào cấp cứu, trị trọng bệnh tại Quân y viện 103 – Hà Đông – Hà Nội.

Do hết lòng lân mẫn, thương xót đoàn pháp tử, pháp tôn còn “trứng nước”, nên Ngài đã đồng ý nhập viện để chúng đệ tử có thời gian, có cơ hội được chăm sóc, hầu Thầy, ngõ hầu có thêm được chút công đức, tư lương trên con đường tu học, cũng là phương tiện để cho chúng đệ tử được báo ơn dưỡng dục của Thầy. Hơn nữa, ngày mùng Tám Tết, tiết xuân còn đang rạo rực phấn chấn, ai nấy bận rộn…  Quả thật là Từ – Bi – Hỉ – Xả, khéo đến khéo đi!

Cũng nói thêm, do hoàn cảnh thời cuộc, cũng là nhân duyên, nên ngót 80 tuổi, Tổ Hội mới độ được đệ tử. Thầy trò chênh lệch nhau tới 60 – 70 năm. Với Tổ Ráng cũng vậy. Đây cũng là cám cảnh và là đặc điểm một thời của PG miền Bắc nước ta.

– Sáng ngày mùng 9 Tết, Tứ chúng chùa Hội Xá thu dọn, xếp nép lại phương trượng của Tổ. Thật là xúc động, cảm động đến trào nước mắt khi nhìn thấy những vật dụng và “tài sản” của Ngài. Cả một đời trăm năm tu hành khiêm cung, giản dị, đơn bạc, nhẫn nhục, kiệm đức tới cùng cực.

Ngài đã điều trị tại Quân y viện 103 từ đêm mùng 8 đến chiều tối ngày 29 tháng Giêng âm lịch – 2013. Mặc dù tin tức về việc Ngài nhập viện được giấu kín những vẫn có nhiều Tăng Ni Phật tử vào thăm hỏi vấn an Ngài.

Tuy mọi phương tiện, thuốc men và đội ngũ cán bộ y tế tốt nhất đã được huy động, nhưng bệnh tình của Ngài vẫn không mấy biến chuyển. Trên giường bệnh, thần thức của Ngài vẫn tỉnh táo, tai nghe, mắt nhìn và sự phản ứng của hệ thần kinh vẫn nhanh nhạy, không hôn trầm, không xa rời chính niệm. Tiếng niệm Phật được duy trì luôn văng vẳng bên tai Ngài.

– Chiều tối ngày 29 tháng Giêng âm lịch 2013, sau 21 ngày điều trị trong viện, theo ý của Ngài, chư đệ tử đã đưa Ngài trở về chùa Hội Xá. Về lại với căn phòng giản dị, thân thuộc trong Thiền môn, trong câu kinh, tiếng kệ; trong tiếng niệm Phật, hồi chuông, tiếng mõ thanh tịnh, đầm ấm nơi nhà Tổ. Các phương tiện và nhân viên y tế được đưa mời về điều trị cho Ngài ngay tại phương trượng, nơi mà Ngài đã sinh hoạt hơn 30 năm qua.

Về điều trị tại chùa, bệnh tình của Ngài biến chuyển tuần tự từ bệnh nọ tới bệnh kia. Sau 9 ngày thì dường như tất thảy các bệnh đều đã lui cả. Tấm thân tứ đại của Ngài trong suốt, tịch mịch. Thần thức của Ngài hoan hỉ, an tĩnh. Cứ ngỡ chỉ vài hôm nữa là Ngài sẽ bình phục hoàn toàn. Chúng đệ tử đã có thể thở nhẹ, tạm cất đi gánh nặng lo âu…

Vậy mà, đúng 8 giờ 20 phút ngày 12 tháng Hai năm Quý Tỵ, tức ngày 23/03/2013 trái tim Bồ Tát Hội Xá – Đức Trưởng lão HT Thích Thanh Bích đã ngừng đập tại chính phương trượng chùa Hội Xá, thanh thản vô ngần, ra đi dường như trong suốt, nhẹ nhàng, không bệnh, không tật.

Trong tháng Hai âm lịch, ngày 13 giỗ Tổ Tố Liên, ngày 14 giỗ Tổ Như Trừng Lân Giác và ngày 15 là ngày giỗ Đức Phật Thích Ca.

Trước đó, chư Tôn đức của TWGHPGVN, Thành phố HN và môn đồ pháp quyến cũng đã chủ động nhóm họp, thống nhất chủ trương tổ chức hậu sự của Ngài.

 Với tuổi đời trên 100 năm, tuổi đạo gần 90 năm, lại đã kinh qua các trọng trách: Chánh Ban đại diện PG huyện Thường Tín; Trưởng BTS PG tỉnh Hà Tây (cũ); Hiệu trưởng Trường trung cấp Phật học Hà Tây; Chứng minh BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Ủy viên HĐTS, Thành viên HĐCM GHPGVN; Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN; Viện chủ Tổ đình Hội Xá; Trưởng sơn môn Tế Xuyên – Bảo Khám Hà Nam.

Trưởng lão Hòa thượng cũng là ngôi Thầy Hòa thượng, thầy A Xà Lê đăng đàn truyền trao giới châu tuệ mệnh cho hàng nghìn giới tử Hà Tây, Hà Nội, Hà Nam… Ngài cũng đã là ngôi Đường chủ nhiều năm của Hạ trường Mai Xá, Hội Xá, Mỗ Lao cùng nhiều trường Hạ khác trong và ngoài thành phố Hà Nội, tang lễ Ngài có thể được tổ chức thật lớn, thật hoành tráng; kim quan, bảo tháp có thể thật đồ sộ, thật to lớn…

Vậy mà, trước khi thị tịch, Ngài di nguyện hậu sự: “Giản dị, tiết kiệm, chỉ quàn 1 ngày, an táng không nhập bảo tháp”.

Các cấp GHPGVN và Sơn môn Pháp quyến cảm niệm ân đức và đường tu của Ngài đã nhất nhất “y giáo phụng hành”. Tang lễ của Ngài được tổ chức hết sức trang nghiêm, thành kính, chan chứa đạo vị trong sự đơn sơ, giản dị, mộc mạc theo quy phạm Thiền môn cổ truyền, đúng như cuộc đời tu hạnh đầu đà gần 100 năm qua của Ngài.

Xưa nay, ngoài đời cũng như trong Đạo, các bậc trước khi từ trần, viên tịch thường di nguyện làm tang lễ, hậu sự sao cho đơn giản để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc.

Vậy nhưng, con cháu và những người thừa kế thường ít khi tuân thủ theo di nguyện của người quá cố. Họ coi việc làm đám ma, tang lễ linh đình, xa hoa, dài ngày là cách để báo hiếu, đồng thời cũng là dịp để thể hiện sĩ diện với đời với đạo. Nay ngẫm lại thì điều này thật là xa lạ với chân giáo lý của Đạo Phật.

Tang lễ Tổ Hội thật giản dị mà trang nghiêm, chan chứa phong vị Thiền môn. Đây thực sự là đám tang của một nhà tu hành theo Phật, không hùa theo thói tục thế gian, không đua theo quyền quý cao sang, chỉ lấy tụng kinh, niệm Phật, trang nghiêm, kiệm ước làm trọng. Lấy việc hạ thủ công phu tu tập, truyền đăng tục diệm làm căn bản của Hiếu đạo nơi cửa Không.

Bậc Đại sĩ chân tu, lão thực Hội Xá đã lấy ngay sự chết của mình để giáo hóa môn đồ tứ chúng, răn dạy hậu côn không được bỏ gốc mà theo ngọn. Trọn đời Ngài đã để lại cho hậu thế gương lành “sống theo Đạo, chết theo Đạo”.

Sẽ là phúc duyên cho Phật giáo nếu như từ sau Tang lễ Tổ Hội, ở nơi đất Bắc này, tang lễ, giỗ chạp, hội hè, Phật sự… nơi cửa chùa chấn chỉnh được phần nào; bỏ dần được phần nào những lề thói xa hoa, phù phiếm làm sai lạc Giáo pháp Như Lai và nếp sống thanh bần, tịnh nghiêm của Thiền môn.

Tinh thần tổ chức tang lễ Tổ Hội được Tổ Ráng – Đức Đệ Tam Pháp chủ và chư Tôn đức Ban lễ tang nhất trí, tán thán và triệt để tuân thủ.

Kim quan và vật dụng khâm liệm thật bình thường, gọn nhẹ, đơn giản. Phông màn, hương hoa, đèn nến được dùng ở mức ít nhất. Kim quan bằng gỗ bình thường, nhỏ gọn, vừa mới được mua về sau khi Ngài tịch, được đặt trên cỗ sập cũ kỹ, vốn có của nhà Tổ, bên trên chỉ phủ một tấm Casa 25 điều.

Trong nhà Tổ nơi quàn kim quan, trên hương án giác linh chỉ treo 2 bức đại tự: “Tây phương cực lạc”, “tịch diệt vi lạc” và 2 đôi câu đối: “Giới pháp nan phùng bằng Hòa thượng  –  Sư tư hữu cảm ức Thanh văn”, “Tuệ mệnh giới thân mỗi vọng bách niên trường ấm tý  –  Hóa thừa duyên ứng thường tư di huấn ký âm văn” do đích thân Đức Đệ Tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ cảm đề.

Trong suốt tang lễ, Ban tổ chức không bày vẽ ăn uống gì cả, ngoài mấy mâm cơm chay đạm bạc dành cho khách xa lưu trú lại.

Không gian tang lễ, ngoài tiếng chuông tiếng mõ, tiếng niệm Phật và tiếng loa của xướng ngôn viên, không có tiếng trống, tiếng kèn kim nhạc hay cổ nhạc, chỉ có từng đoàn người nối dài trang nghiêm, thành kính niệm Phật cầu cho Giác linh Ngài được cao đăng Phật quốc.

Trong không gian ấy, tuyệt nhiên không có treo băng rôn, cờ phướn hoa đèn… Các vòng hoa và bức trướng của các đoàn phúng viếng được mang ra bên ngoài, để quanh khu vườn tháp Tổ, không có phân biệt danh tính, địa vị cao thấp của khách thăm viếng.

Trong mấy ngày tang lễ, đã có hàng trăm đoàn với hàng vạn lượt Tăng Ni Phật tử, quan khách và nhân dân phúng viếng. Các đoàn nhỏ được gộp thành một đoàn to để khỏi mất thời gian chờ đợi.

Đức Pháp Chủ thân lâm đến niêm hương viếng giác linh Ngài – người bạn đồng tu, đồng sự. Khi niêm hương và tuyên Pháp ngữ, Đức Pháp Chủ thật xúc động, cảm khái. Không bước vào nhà Tổ nhiễu kim quan, không chút vướng bận, không bi lụy phàm tình, không một lời phân ưu, sau vài phút hiện diện, Đức Pháp chủ ngay lập tức lên xe về chùa Ráng. Thật khó nghĩ bàn.

Trong tang lễ cũng không có lập các bàn ghi công đức hay phổ khuyến cúng dàng, thâu góp tịnh tài, tịnh vật.

Khi cung tống kim quan cũng không trần thiết xe hoa, kiệu hoa, tràng phan, bảo cái dù lọng hay rước sách dài dòng. Cỗ kim quan nhỏ và nhẹ và được khiêng trần, như trôi trên biển người thanh tịnh niệm Phật. Lúc này mới thấy có đội nhạc bát âm dẫn lộ, cho gọi là có “tiếng kèn tiếng trống”.

Buổi sáng, chừng hơn 8 giờ, trước thời cung tiễn kim quan, một đàn chim trời 12 con khá lớn, sải cánh bay ngang khu huyệt mộ rồi lượn ba vòng, cất tiếng kêu vang trước khi bay nhanh về phía chân trời.

Huyệt mộ an táng nhục thân Ngài cũng chỉ mới được đào vào chiều hôm trước, trong khu ruộng chùa. Lễ an táng đơn giản, gọn nhẹ trong tiếng niệm Phật của hàng ngàn người, bi tráng, trầm hùng như hải trào âm.

Trong suốt mấy ngày tang lễ, thời tiết thật là hài hòa, không nắng không mưa, ngoài trời giữa đồng không mà chẳng có ai phải che ô dù gì cả.

Ngay sau tang lễ, cả khu chùa Hội Xá giữa cánh đồng rộng mênh mông trở lại vắng vẻ, thanh tĩnh, như chưa từng có sự đến, sự đi./.

Đôi điều suy ngẫm trên đây xin được coi là nén tâm hương thành kinh dâng lên Giác Linh Tổ – Bậc Thầy Tôn kính mà con đã được gần gũi và được Ngài thương sót trong nhiều năm qua!

Phattuvietnam.net xin trân trọng giới thiệu chùm ảnh tư liệu về Tổ Hội và tang lễ của Ngài: