Bụng bảo dạ, rằng tạm thời ngưng viết cho Phattuvietnam.net một thời gian, sau đó cần phải tạo một blog riêng cho cá nhân, để có thể sòng phẳng với mọi ý kiến, song dư luận đang nóng với những chuyện liên quan đến vai trò của Giáo hội, cụ thể là Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước một số vấn đề, nên đành phải “thẳng ruột ngựa” cho liền cái mạch thẳng ấy trên diễn đàn này vậy.
Trước tiên, để tiếp tục cho bài viết, tôi xin cảm ơn độc giả Trúc Pháp Đăng của Phattuvietnam.net, dù tôi không biết rõ độc giả là ai, có làm việc trong ban ngành nào của Trung ương Giáo hội hay không, nhưng bởi độc giả cũng đã cho mọi người thấy được họ có một cái “quyền” (rất cơ bản, xét về quyền tự do ngôn luận): “Chúng ta có quyền nêu ý kiến thắc mắc thậm chí là tranh luận cho ra lẽ, nhưng tôi cho rằng không nên lợi dụng cái bức xúc đó để mạt sát quý chư tôn đức nhất là với một tổ chức tôn giáo”.
Tuy nhiên, thực tế những cái “quyền” ở dạng có thể “cho ra lẽ” được ấy, thì thường lại dễ bị những cái mũ như “lợi dụng”, “mạt sát”, “xỉ vả”… chụp lên đầu, bởi giới hạn của nó rất mong manh (49,99 trên 50), và phụ thuộc nhiều đến cái “tai” và cái “đầu” nữa…
Những người làm thông tin, tạo diễn đàn đều ý thức đó là điều khó có thể tránh khỏi.
Xin được vào chuyện:
1. Giáo hội (tập thể chức sắc) có phải một “tổ chức” bất khả đụng chạm về mặt dư luận hay không?
Các tổ chức tôn giáo, cũng như tất cả các tổ chức xã hội dù muốn hay không, không ai dại gì khẳng định điều này. Còn đối với đạo Phật, ai dẫn dắt cái đầu người khác đi theo hướng đó, là đi ngược với tinh thần của đạo Phật.
Phật giáo Việt Nam, truyền thống vốn theo sơn môn và theo pháp môn tu tập (Thiền, Mật, Tịnh, hay kết hợp cả ba) là chủ yếu. Chính vì điểm này, mà có ý kiến cho rằng “Đừng trông chờ gì vào hai từ “Giáo hội”, nghe thì rôm rả vậy chứ, nhưng nhiều khi tê liệt vì cha chung không ai khóc. Thôi bản thân mình làm được cái gì thì làm…”.
Với các ý kiến dạng này, đã xuất hiện những luồng dư luận trong tăng ni, Phật tử cho rằng nên trở về với truyền thống tu tập sơn môn, theo thanh quy của chư Tổ, chẳng tranh cãi chuyện “Giáo hội” nọ, “Giáo hội” kia, thì Phật giáo Việt Nam sẽ phát triển thanh bình, lành mạnh và bớt chia rẽ.
Cái chia rẽ, có thể là “tất yếu” ấy, cho đến hôm nay vẫn chưa có Chư vị tôn đức nào đủ sức hàn gắn được.
Hơn nữa, mọi giáo hội có thể “biến mất” nếu thể chế xã hội thay đổi, nhưng sơn môn, pháp môn tu tập thì bền vững khó có thể thay đổi. Chả lẽ chúng ta cứ “bóc ngắn, cắn dài” mãi hay sao?
Không những thế, ở một số hội nghị tôn giáo, có những cán bộ tôn giáo cũng đặt ra vấn đề, có nên duy trì tổ chức “Giáo hội” như hiện nay hay không, hay nên để Phật giáo quay về với các giá trị sơn môn, quản lý theo truyền thống và nội quy sơn môn, vì tình trạng chạy chức chạy quyền trong tôn giáo hiện nay biến tướng quá, làm đau đầu ban ngành nhà nước. Nếu để như vậy thì phải điều chỉnh ra sao?
Cán bộ tôn giáo bên ngoài mà đặt ra được những câu hỏi dạng này, thì quả thật rất thú vị, đáng ngưỡng mộ.
Một đặc điểm khác, cũng là “tất yếu” (lịch sử), rằng tuy Phật giáo Việt Nam chia làm một vài ba “Giáo hội”, cả chính thống, lẫn không chính thống, với những nhân vật có tầm vóc ảnh hưởng xã hội khác nhau, nhưng đối với tăng ni, Phật tử Việt Nam, khoảng cách ấy nhiều khi không phải là một khoảng cách mang tính “chính trị” (lắt léo, vòng vo tam quốc, ngụy biện và cả thủ đoạn), mà với họ, đạo tình, đạo nghĩa ứng xử với nhau mới là hơn hết!
Càng “nỗ lực” tham gia “Giáo hội” và tập trung mô hình “quyền lực” dạng thế tục, càng đẩy mâu thuẫn, hiềm khích gia tăng, một khi người này muốn thay “quyền” người khác. Thực tiễn đang diễn ra như vậy, sao chúng ta lại phủ nhận? Mà thói thường muốn đứng vào chỗ của người khác thì phải đẩy người kia lên, mà đẩy người kia lên, thì phải tạo ra bè phái, nhóm lợi ích.
Như thế, là phúc hay là họa, thời gian sẽ có câu trả lời!
2. Vai trò của Giáo hội trước dư luận
Tổng hợp những ý kiến ở trên, Giáo hội đã bao giờ ngồi cùng nhau để “bàn” về những luồng dư luận này hay chưa? Có những dạng dư luận “gói” được, có những dạng dư luận không “gói” được. Có những dạng dư luận là sóng nổi, có những dạng dư luận là sóng ngầm.
Mọi ý kiến thuận, nghịch đều cần được nhìn nhận, phân tích một cách nghiêm túc qua các dạng dư luận kể trên. Một Giáo hội trí tuệ phải nhìn xa hơn những điều đó.
Tôi xin trở lại với câu hỏi của anh Nguyễn Kha: “Có một Phật giáo Việt Nam ở Việt Nam không, thưa quý Thầy lãnh đạo?”. Câu hỏi trên tác động trực tiếp đến vai trò “đại diện” cho tăng ni, Phật tử Việt Nam, nên ngay lúc này, Giáo hội cần phải thể hiện bản lĩnh cho vai trò của một tổ chức giữ tư cách “đại diện” ấy.
Tôi thích câu hỏi này, cũng như một vài ý ở bài trước tôi đã nói, tôi thích cách đặt vấn đề “Phật giáo Việt Nam” hơn là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, bởi chí ít nó còn động lực để người ta có thể phát biểu được câu “làm được gì thì làm”.
Dĩ nhiên là làm cho Phật giáo, chứ không phải chỉ là làm cho một cái bản “tổng kết” nào đó. Cứ “AQ” với mình như thế cho nhẹ cái đầu!
Mặt khác, một khi dư luận với tần số xuất hiện những trạng thái thất vọng, than vãn, chỉ trích, trông chờ vào sự thay đổi, điều chỉnh của Giáo hội (theo chiều hướng cả chủ quan lẫn khách quan), thì đây là cơ hội vàng để Giáo hội tự nhìn lại mình, thậm chí phải tự kiểm điểm mình.
Nguyễn Trãi từng viết: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc… Dám mong Bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm nuôi muôn dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy”.
Chỉ riêng công văn hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản trong suốt một nhiệm kỳ qua, kéo sang đến đầu nhiệm kỳ này đã gây ra bao nhiêu thất vọng, chán nản, ngán ngẩm đối với tăng ni, Phật tử rồi, chưa kể đến việc không màng gì đến sự kiện 50 năm Pháp nạn lịch sử.
Muốn “giữ được cái gốc của nhạc” thì hãy lưu tâm đến dư luận. Thế nên, kiểm điểm là phải có những cá nhân đứng ra tự chịu trách nhiệm, chứ không phải đổ hết vào vài từ “Giáo hội nó thế” là xong chuyện.
Tôi xin hỏi, chuyện rải tiền lẻ khắp chùa chiền ở miền Bắc, lãnh đạo nào của Giáo hội đứng ra nhận trách nhiệm? Ai đang cung phụng, nuôi dưỡng tổ chức này, có một Giáo hội không cần màng đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của tăng ni, Phật tử hay sao?
Một Giáo hội mà lãnh đạo tỏ ra không thấy nghe gì hết đối với dư luận của tăng ni, Phật tử ngoài kia, thì bản thân nó đã và đang tự mình đánh mất vai trò của mình, đâu cần ai phải ra sức làm mất uy tín của nó.
Hơn nữa, một vô danh tiểu tốt như tôi, viết bài để bảo vệ, xây dựng Giáo hội mà tôi đang phục vụ này còn nhiều hơn là phê bình yếu kém của nó, thì làm được gì. Huống chi là trong vài bài phê bình, có bài được đăng, có bài bị rút xuống và chịu biết bao nhiêu đe dọa, trù dập.
Ngay cả ngôi chùa tôi đang tu học, sư đệ của tôi được cố Hoà thượng Thích Giác Hải, Trưởng Hệ phái Vĩnh Nghiêm, trụ trì chùa Trấn Quốc, Giác Tâm, Giác Hải, giao quyền kế nhiệm trụ trì cho sự đệ tôi, được Hệ phái Vĩnh Nghiêm biểu quyết tán thành, mà còn bị trù dập đến 4 năm nay không tác động gì để bổ nhiệm, 3 ngôi chùa tê liệt vì tranh chấp, mọi Phật sự bị đình trệ, Phật tử tứ tán khắp nơi, tổ chức diễu hành xe đạp hoa kính mừng Phật đản, không tán thán thì thôi, còn bị một số người trong BTS quy cho cái tội “vi phạm pháp luật”.
Chẳng lẽ tôi không có một hiện thực như thế để làm thước đo cho trình độ quản lý của Giáo hội này hay sao? Những ai, quý vị có cho phép tôi viết rõ ra để điểm mặt, cùng những mưu toan đằng sau hay không?
Tôi cũng đã nhìn ra sự “giật mình”, hay những “luồng run rẩy” xuất hiện trong truyền thông Phật giáo, khi bắt đầu “phân tán” sang các nhóm lợi ích khác nhau. Theo dõi cách đưa tin của một vài trang mạng, tôi chưa thấy dấu hiệu khả quan, dù các website truyền thông xuất hiện ngày càng nhiều.
Nếu cho tôi đánh giá một cách sòng phẳng, thì chí ít ở diễn đàn Phattuvietnam.net này, tôi còn có thể viết những dạng bài mà tôi biết khi viết xong thì mũ xanh, mũ đỏ sẽ loạn xạ trên đầu. Nhưng tôi vẫn thấy thú vị, vì ở đây không phải chỉ có những thông tin vô thưởng vô phạt, dù đôi khi về mặt điểm tin ngắn và chọn đăng hình ảnh của phóng viên cộng tác với Phattuvietnam.net là khá yếu, nếu không muốn nói là rất yếu.
Giáo hội muốn lập ra một website truyền thông để định hướng dư luận với cả một cơ chế phát ngôn đi cùng, thì phải tạo ra một phẩm chất mang giá trị truyền thông Phật giáo đúng nghĩa, tức khác với truyền thông thế tục.
Bằng không nhìn vào cách đưa tin và bình luận (có khi “ném đá giấu tay”), người ta sẽ nhìn ra “bộ mặt” truyền thông của Giáo hội, không khéo nó lại chính là đòn hồi mã thương, hay gậy ông đập lưng ông, làm mất uy tín truyền thông Phật giáo.
Truyền thông Phật giáo chí ít phải quy tụ được những cộng tác viên tên tuổi, những trí thức, nhân sĩ Phật tử, thậm chí các nhà khoa học, để hàng ngày họ có một diễn đàn thể hiện quan điểm, tư tưởng một cách thẳng thắn nhất có thể đối với Phật giáo, Giáo hội cũng như xã hội.
Hãy tạo ra một truyền thông Phật giáo đúng nghĩa, bắt đầu từ thói quen sử dụng tên thật của mình để chịu trách nhiệm trước dư luận từ những ý kiến phản hồi ngắn. Khi ấy, truyền thông Phật giáo mới thực sự là một môi trường thảo luận nghiêm túc và đem đến nhiều tri thức và những cách nhìn đa chiều (thậm chí trái chiều) để có thể học hỏi và tiến bộ.
Một Giáo hội mạnh cũng là một Giáo hội làm chủ được dư luận. Muốn làm chủ được dư luận không có gì khác hơn là đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của tăng ni, Phật tử cả nước.
Nghệ An, ngày 28/3/2013