Ngày 23/12/2022, Ban Văn hóa Trung ương tiếp tục làm việc với Ban Trị sự GHPGVN TP. Hà Nội tại ba điểm chùa: chùa Hương, chùa Diên Khánh và chùa Đậu về khảo sát kiến trúc Phật giáo.
Hòa thượng Thích Thọ Lạc – Trưởng Ban văn hóa Trung ương cùng các cộng sự đã đến làm việc tại chùa Hương (tên gọi là chùa Hương Sơn), nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Chùa được biết đến là một quần thể di tích cổ, tâm linh với nhiều nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là văn hoá tâm linh.
Tại đây, chư tôn đức, thành viên đã nắm được tổng quát về lịch sử hình thành và phát triển của chùa Hương.
Theo đó, chùa Hương có lịch sử từ thế kỷ XV. Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ XVII, sau đó bị hủy hoại trong chiến tranh Đông Dương năm 1947. Năm 1989, chùa được Hòa thượng Thích Viên Thành cho phục dựng lại dưới sự chỉ dạy của cố Hoà thượng Thích Thanh Chân. Từ đó đến nay, các khu vực trong quần thể thắng cảnh từng bước được phục dựng trên nền đất cũ với dáng vẻ bề thế nguy nga, xứng tầm đệ nhất trời Nam.
Trong đó đặc biệt phải kể đến chùa Thiên Trù, đây là ngôi chùa chính và có quy mô lớn nhất trong quần thể chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn. Chùa nằm trong một thung lũng Thong Mang theo thế “tay ngai linh ấn”, bởi hai bên là núi Phụ Mã. Chùa bao gồm các hạng mục công trình như: Nhà bia, cổng Nam Thiên môn, nhà dải vũ, gác chuông, tiền đường, thượng điện, nhà tổ, nhà mẫu, vườn tháp, nhà khách, Hương Nghiêm pháp đường… và các công trình khác.
Hương Tích là động tiêu biểu của toàn bộ quần thể chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn. Trông lên vách động là chữ của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm đề bút“Nam Thiên Đệ Nhất Động” khắc vào năm Canh Dần (1770). Giá trị nhất về mặt điêu khắc, chùa còn lưu giữu được pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn.
Bên cạnh đó, quần thể Chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn còn có giá trị khoa học rất lớn thể hiện ở phần sử liệu – văn tự cổ như tấm bia Chính Hoà 07 (1686) nói về việc Hoà thượng Trần Đạo Viên Quang chống tích tượng dạo gót thảo hài mở mang cõi Phật ở Thiên Trù và sửa sang động Hương Tích. Chùa còn bảo tồn được những tấm ma nhai, đặc bút của Trịnh Sâm, Bùi Dị… cùng những bích tượng tạc vào thành động đạt giá trị nghệ thuật rất cao. Đặc biệt, tại chùa Hương Tích còn lưu giữ bức tượng Phật Bà chúa Ba bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn.
Vào buổi chiều cùng ngày, phái đoàn Ban Văn hóa tiếp tục đến chùa Diên Khánh. Chùa nằm ven bờ sông Đáy gần cầu Tế Tiêu, tiếp giáp với sân vận động thị trấn Đại Nghĩa – nơi lưu dấu ngày Bác Hồ về thăm năm 1961 – hiện nay là nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chùa vốn có từ xa xưa nhưng binh lửa can qua, nhân tâm bất định nên chẳng còn lưu giữ chút thông tin lịch sử gốc tích di vật gì, nền móng chùa cũ cũng không còn, chỉ còn duy nhất một cái giếng của làng Ngọ Xá-nay là phố Văn Giang.
Ngôi Già lam được quy hoạch tổng thể theo “Lục điều” của thức kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Với diện tích xây dựng vào khoảng 1.400m2, mật độ xây dựng khoảng 25%, gồm 3 hạng mục chính và các công trình phụ trợ như cổng già lam, hành lang tả-hữu vu, khách đường, nhà trù, Tăng phòng, Phương trượng, thạch kinh, sân vườn… được liên kết với nhau bởi hành lang chạy vòng quanh.
Chùa là nơi thờ Phật, thờ Tổ và cũng là nơi tu học của chư Tăng chốn Tổ Tùng lâm Hương Tích mỗi khi xuống núi làm Phật sự. Ngoài ra, nơi đây còn là Văn phòng Ban trị sự GHPGVN huyện Mỹ Đức và Trụ sở Ban trị sự Phật giáo huyện thị đầu tiên được thiết lập của thành phố Hà Nội và cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong năm.
Tiếp đó, phái đoàn đã đến thăm chùa Đậu tọa lạc trên cánh đồng rìa làng Gia Phúc ven sông Nhuệ. Căn cứ vào các hiện vật, di vật, kiến trúc thì chùa Đậu có từ thời nhà Lý, song chủ yếu mang dấu tích của thời Trần, thời Mạc.
Chùa được xây dựng với một quy mô lớn, theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Tam quan, còn gọi là gác chuông, cao chừng 8m gồm hai tầng tám mái, có đao cong vút lên cổ kính. Trên gác chuông, treo quả chuông lớn đúc vào thời Tây Sơn năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801). Qua sân gạch là lên nhà tiền đường, ở bậc thang giữa có đôi rồng đá đầu to, mình mập uốn lượn như đang bò từ trên xuống. Hai con rồng đá này cũng tương truyền có từ thời Trần ở thế kỷ XIII-XIV. Tại chùa còn treo hai biển gỗ sơn son thếp vàng khắc hai bài thơ Nôm làm vào năm Chính Hòa Mậu Dần (1698) và năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718).
Hai bên nhà tiền đường là hai dẫy hành lang song song, đặt tượng của các vị La Hán và năm tấm bia đá. Trong số bia đó, có bia thời Mạc, dựng năm Sùng Khang thứ 4 (1565), chạm khắc khá tinh tế, trang trí mặt nguyệt, mây lửa và hoa văn tay mướp mềm mại.
Trong nhà tổ treo năm bức hoàng phi và bốn đôi câu đối cùng một chiếc khánh đồng cỡ lớn đúc năm Cảnh Hưng 35 (1774). Trên các bệ thờ có tượng của các vị sư trụ trì ở chùa đã qua đời, trong đó, có hai pho tượng mang cốt xương thật của hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường.
Có thể thấy, chùa Đậu là một kiến trúc Phật giáo đặc biệt của Nhà nước và nhân dân, mang đậm bản sắc dân tộc, đã đánh dấu một bước phát triển của tín ngưỡng dân gian, đồng thời, là một kiến trúc lớn quốc gia còn lưu giữ được nhiều dấu vết nghệ thuật của nhiều giai đoạn lịch sử dân tộc.
Tổ TTTT BAN VĂN HÓA