Ngày 22/12, đoàn công tác Ban Văn hoá Trung ương tiếp tục có chuyến làm việc tại các chùa tại tỉnh Hà Nam và thành phố Hà Nội.
Phái đoàn do Hòa Thượng Trưởng Ban Văn Hóa Trung Ương Thích Thọ Lạc làm Trưởng đoàn.
Sáng 22/12, Đoàn Văn hóa đã làm việc tại tỉnh Hà Nam tìm hiểu về huyền thoại Đọi Sơn – danh thắng nổi tiếng của thị trấn Sơn Nam
Tiếp đón đoàn có TT. Thích Thanh Vũ – Viện chủ Tổ đình Long Đọi Sơn; ĐĐ. Thích Minh Chính – Trụ trì chùa Đội Sơn.
Về phía chính quyền, đại diện xã Tiên Sơn có ông Nguỵ Văn Thức – Phó chủ tịch UBND xã; ông Lê Ngọc Sinh, Công chức văn hoá xã.
Theo báo cáo cho biết, Chùa Long Đọi Sơn, di tích Quốc gia đặc biệt 900 năm tuổi tại Hà Nam. Hiện nay, ngôi chùa còn đang lưu giữ nhiều hiện vật quý giá có từ thời Lý, đặc biệt là tấm bia mộ cổ độc đáo. Khuôn viên chùa toạ trên đỉnh ngọn núi Đọi, thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; do vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì cho xây dựng năm 1054 – 1058.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, vào thời thuộc Minh, chùa và tháp đã bị đánh đổ. Đến cuối thế kỷ XVI, dưới triều nhà Mạc, chùa được nhân dân xây dựng lại và làm cho thắng cảnh chốn tùng lâm lại trở nên mới mẻ. Giai đoạn sau, năm 1840, sư tổ Thích Chiếu Thường đã cho mở rộng chùa Đọi Sơn lên đến 125 gian, đúc tượng Di Lặc, in ấn và lưu hành nhiều bộ kinh phật. Năm 1947, chùa lại bị phá hủy trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau hòa bình, năm 1957, các tăng ni Phật tử và nhân dân đã tôn tạo, từng bước khôi phục lại chùa.
********
Buổi chiều cùng ngày, đoàn tiếp tục khảo sát và thăm chùa Bối Khê – ngôi cổ tự với niên đại 600 năm, lưu giữ nhiều nét độc đáo. Chùa còn là nơi lưu giữ huyền thoại đánh giặc giữ nước oai hùng của đức Thánh Bối Nguyễn Đình An và những dấu tích tôn giáo Việt Nam đặc sắc khác.
Theo sử sách ghi lại, thế đất chùa Bối Khê có đầy đủ cả Tứ linh và Ngũ xà, trên những phiến và dải đất cao mang dáng hình những con vật Long, Ly, Quy, Phụng, Xà.
Chùa Bối Khê là một ngôi chùa tiêu biểu cho lối thờ “tiền Phật, hậu Thánh”. Phía trước thờ Phật, phía sau thờ đức Thánh Bối. Tuy nhiên các pho tượng được văn bia mô tả trước thời nhà Nguyễn đều không còn, hiện chỉ còn hai pho tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn và tượng bà Hậu thời Mạc được tôn chủ ở ngôi thượng điện.
********
Tiếp đó, phái đoàn đến thăm chùa Trăm Gian, ngôi chùa được coi là di sản kiến trúc Phật giáo của Việt Nam.
Chùa Trăm Gian (Quảng Nghiêm tự) hay chùa Tiên Lữ tọa lạc trên một quả đồi cao khoảng 50m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa được khởi dựng từ niên hiệu Trinh Phù thứ 10 (1185) nhà Lý (Lý Cao Tông). Để có được ngôi chùa lớn và quy mô như hiện nay là đã được trùng tu và xây dựng qua nhiều thời đại.
Chùa có hơn 150 pho tượng bằng gỗ và đất nung phủ sơn. Tượng Tuyết Sơn bằng gỗ chạm, cao 1.63m, là tác phẩm nổi tiếng mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII-XVIII; tượng Bồ tát Văn Thù bằng gỗ sơn son thếp vàng, cao 1.24m, thế kỷ XVII-XVIII; tượng Bồ tát Phổ Hiền bằng gỗ sơn son thếp vàng, cao 1.28m, thế kỷ XVII-XVIII. Bộ tượng Thập Bát La Hán và Thập Điện Minh Vương là những tác phẩm nghệ thuật đắc sắc bằng phù điêu gỗ sơn, mỗi bức cao 1.14m, ngang 0.70m. Chùa còn có tượng hậu Đặng Thế Vinh bằng gỗ sơn son thếp vàng, cao 1.40m, thế kỷ XVIII-XIX.
********
Theo đó, Đoàn đã di chuyển, đến chùa Thầy (tên gọi khác là chùa Cả). Chùa được xây dựng vào thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127), nằm tại huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Nơi đây từng là chốn tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh – người có những đóng góp to lớn cho nhân dân và là ông tổ của bộ môn múa rối nước.
Ban đầu chùa chỉ là một cái am nhỏ, gọi là Hương Hải am. Sau đó, vua Lý Nhân Tông cho xây dựng lại, gồm hai cụm chùa là chùa Cao trên núi (Đỉnh Sơn Tự) và chùa Dưới (Thiên Phúc Tự).
Phần chính của chùa Thầy gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng : (1) Chùa Hạ là nhà tiền tế, bày các tượng Đức Ông, Thánh hiền. Ống muống để tượng Bát bộ Kim Cương; (2) Chùa Trung bày bàn thờ Phật, hai bên có hai tượng Hộ pháp, tượng Thiên vương (3) Chùa Thượng hay chùa trên tách biệt hẳn, ở vị trí cao nhất, biển đề Đại hùng Bảo điện, đồng thời là nhà Thánh, để tượng Di Đà tam tôn, tượng ba kiếp của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, tượng cha mẹ Từ Đạo Hạnh.
********
Kết thúc chuyển đi khảo sát ngày 22/12 nói riêng và chuyến đi khảo sát 6 ngày của Ban Văn hóa Trung ương nói chung, phái đoàn Ban Văn hóa đã ghé thăm chùa Tây Phương.
Chùa Tây Phương là địa điểm khảo sát cuối cùng trong ngày công tác thứ sáu của phái đoàn Ban Văn hoá Trung ương tại Hà Nội. Truyền thuyết kể lại rằng, sự ra đời của ngôi chùa gắn liền với quá trình truyền bá Phật giáo vào Việt Nam. Muộn hơn vài thế kỷ, câu chuyện lại nghiêng sang một hướng khác, gắn với nhân vật Cao Biền – Tiết độ sứ thời nhà Đường (864 – 868) đã từng cai trị An Nam và đến đây xây dựng một kiến trúc tôn giáo, với ý đồ chặn long mạch xứ này. Truyền thuyết vẫn là truyền thuyết, còn chứng tích vật chất liên quan tới ngôi chùa, đó là thời Mạc Phúc Nguyên (1547 – 1561). Đây chính là thời điểm để ngôi chùa có quy mô như hiện nay. Sau đó, Vua Lê Thần Tông, Chúa Tây Vương Trịnh Tạc, Vua Lê Hy Tông có tu sửa thêm, nhưng không nhiều.
Chùa Tây Phương hiện nay là một quần thể các đơn nguyên, bao gồm các hạng mục sau: Tam quan hạ, Tam quan thượng, Miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà Mẫu và Nhà khách. Điểm nhấn của chùa Tây Phương nằm ở hệ thống tượng pháp, với những kiệt tác hiếm có trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Tiêu biểu là các pho Tuyết Sơn, Thập bát vị La Hán, Bát Bộ kim cương, có niên đại thế kỷ 18. Ngoài ra còn có nhiều pho tượng nổi tiếng khác, thuộc thế kỷ 19, cũng vô cùng ấn tượng. Có thể nói, Tây Phương là một bảo tàng về tượng Phật giáo Việt Nam. Nói như thế, chắc cũng không lấy gì là ngoa ngôn, cường điệu.
Năm 2014, Chính phủ đã công nhận ngôi chùa này là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật.
TỔ TT BAN VĂN HÓA TƯ