Chứng minh và dự lễ về phía giáo hội có Đại Đức Thích Tâm Thành, Chánh văn phòng, Trưởng Ban hoằng pháp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An. Đại đức Thích Trúc Thông Kiên, UV TT BTS, Trưởng ban Hướng Dẫn Phật tử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An, Trụ trì Chùa Gám, (chùa Chí Linh), phó ban tổ chức lễ hội. Cùng chư tôn đức Tăng tại bổn tự.
Phía chính quyền có bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở văn hóa du lịch tỉnh Nghệ An. Ông Phan Văn Tân, Bí thư huyện Yên Thành. Ông Nguyễn Tiến Lợi, chủ tịch UBND huyện Yên Thành. Ông Nguyễn Viết Hưng, UV BTV, phó chủ tịch UBND Huyện Yên Thành, trưởng BTC lễ Hội Đền- Chùa Gám lần 3 năm 2013. Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành. Ông Lê Xuân Nhung, Bí thư đảng ủy xã Xuân Thành, ông Dương Hồng Tăng, chủ tịch UBMTTQ xã Xuân Thành, cùng đông đảo bà con nhân dân khắp nơi Phật tử về dự lễ.
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Lê Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, Phó ban tổ chức lễ hội cho biết, Chùa Gám, tên chữ là Chí Linh tự, tọa lạc tại xóm 6 xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Chùa nằm trong quần thể khu du lịch tâm linh sông Dinh- Rú Gám, một biểu tượng về niềm tự hào của dân vùng quê lúa Yên Thành.
Sở dĩ tên chùa Gám, là lấy tên của làng Kẻ Gám thời xưa mà đặt tên cho chùa. Theo truyền thuyết kể lại, đất Nghệ An xưa: có hai làng nổi tiếng: Nho Lâm (Diễn Châu) hiếu học đỗ đạt cao, và Kẻ Gám (Đông Thành) dân đông xã rộng. khi được thành lập huyện Yên Thành, có câu ca: điền Hộ Độ, hộ Xuân Nguyên: đất rộng có làng Hộ Độ (xã Đô Thành), người đông có làng Xuân Nguyên tức Kẻ Gám).
Nhưng điều kiện canh tác lúc đó còn lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên. Nhiều năm hạn hán lớn, dân làng vào núi Phượng Sơn gần đó để đào củ hoài sơn, hái quả rừng mà ăn. Trong núi có cây thân leo gọi là cây Gắm quả chùm, hình quả nhót chứa nhiều tinh bột ăn thay lương thực. Những năm mất mùa, dân làng và các nơi vào núi hái quả Gắm đem về ninh nhừ ăn để qua lúc bần hàn. Những vụ sai quả, nhân dân hái về phơi khô dự trữ như: ngô, khoai, sắn.
Để nhớ ơn làng, ơn núi có cây cho quả cứu người lúc đói kém, giáp hạt. Người dân trong vùng đã đặt tên núi, tên làng là làng Gắm, núi Gắm. Nhưng quá trình Hán hoá và phiên âm lệch đi thành Gám. Cũng có ý kiến cho rằng: để tránh tên huý cây thiêng, nên từ Gắm đổi sang Gám. Và chùa Gám cũng có tên từ đó. Cùng với sự phát triển của chùa, thì đền nơi thờ tự Trần Hưng Đạo đại vương, các bậc thành hoàng, tôn thần phù hộ cho nhân dân.
Năm này, lễ hội được nâng cấp lên quy mô của huyện, và là lần đầu tiên khi có sư về làm trụ trì nên sự kết hợp mang một ý nghĩa rất lớn. tất cả mọi nghi lễ đều diễn ra theo tinh thần nhà Phật, kể cả các lễ vật cúng Thánh cũng chỉ là hương hoa, xôi chè mà không có thủ lợn, mân gà như các nơi khác. Phần hội có các cuộc giao lưu văn nghệ giữa các đơn vị xóm với nhau, văn nghệ tuồng cổ, thi đấu vật, bóng chuyền, đá bóng, kéo co, đánh cờ, thi trống tế…đều diễn ra trong khuôn viên chùa rất vui vẻ.
Trước đó tại lễ hội đã tổ chức đêm hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an và lễ rước kiệu lên rú để về hợp tế tại khu vực diễn ra lễ hội.
Sau khi ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đánh trống khai hội, các đoàn đại biểu đã dâng hương lễ Phật tại chánh điện chùa và đền để cầu nguyện cho mùa lễ hội được vui tươi an lạc.
www.phattuvietnam.net xin chia sẻ một số hình ảnh của buổi lễ: