Lào cũng có tỉnh Vientiane, nối thủ đô Vientiane với cố đô Luang Prabang, có thị xã Vangveng cùng động Tham Phu Kham kỳ thú và dòng Nam Song xinh đẹp với nhiều trò chơi sông nước mạo hiểm hấp dẫn.
Tôi đến Vientiane lần đầu vào năm 2002. Từ đó đến nay, hơn 15 lần qua lại, bằng cả đường bay, đường bộ; đủ ngả, từ Việt Nam qua, từ Campuchia sang và từ Thái đến. Lần nào cũng có những phát hiện bất ngờ vì những đổi thay tiến bộ. Ấn tượng lần đầu đến Vientiane là thủ đô không có số nhà, thân thiện và dân dã. Cứ như ở quê, chỉ cần tên đường là đủ, bởi mọi người đều thân quen. Trưa, nghe gà gáy xa xôi hoài niệm. Tối về trễ, chó sủa vang trời. Người Lào không ăn gà công nghiệp, ở biệt thự vẫn thả gà rông. Thủ đô không có nhà cao quá 7 tầng. Bảng điện tử ở sân bay quốc tế Wattay chỉ có 5 dòng. Nhớ lần ra đón đoàn lãnh đạo thành phố qua dự hội chợ quốc tế That Luong 2004. Tìm hoài không thấy tên chuyến bay trên bảng, cứ tưởng máy bay trễ chuyến. Hỏi ra, mới thở phào. Bảng chỉ có 5 dòng nên phải chờ các chuyến trước xuống xong lần lượt. Nhớ lần đưa đoàn doanh nghiệp khảo sát Lào, đi ngả đường bộ từ Cầu Treo, Hà Tĩnh qua. Lúc đó, xin visa ở sứ quán 35 USD, còn ở cửa khẩu chỉ 25 USD. Tới nơi, nhân viên giữ dấu đi ăn đám cưới. Báo hại, đoàn phải chờ đến đầu giờ chiều mới được thị thực!
Tuần trước, tôi vừa đưa đoàn cán bộ Tổng công ty thuốc lá miền Nam từ Bangkok qua Udon Thani, ghé tham quan Vientiane. Gặp lại Vieng Thoong, hướng dẫn viên kỳ cựu, thấy anh tiến bộ không ngờ. Ngày trước, làm tour Lào, khó nhất là hướng dẫn viên. Trong hội thảo “Con đường di sản Đông Dương” do tỉnh Quảng Nam tổ chức năm 2005, khi nêu vấn đề nan giải trên, Bộ trưởng Du lịch Lào đã thật lòng tâm sự: “Cán bộ chúng tôi hát karaoke thì giỏi nhưng biểu làm hướng dẫn viên thì còn lúng túng lắm!”. Mười năm trước, Vieng chập chững vào nghề, đưa đoàn làm phim Lạc ở Lào rong ruổi khắp xứ Triệu Voi. Vieng tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Hà Nội; học thêm Đại học Luật và du lịch ở Hungary. Lần này, đoàn rất vội, chỉ ghé trong ngày. Ở cửa khẩu Noong Khai, biên phòng Thái – Lào đều xin thêm tiền bồi dưỡng làm việc vào giờ nghỉ trưa. Ai cũng nóng ruột, hối thúc. Vieng cứ đủng đỉnh: “Từ từ, từ từ. Muốn nhanh đừng giục!”. Tôi phì cười, bởi cách nói thể hiện lối sống đặc trưng của dân Lào. Mười mấy năm nay vẫn vậy, cứ “Từ từ, muốn nhanh đừng giục!”. Tôi gọi Vientiane là “thủ đô từ từ” từ đó. Bây giờ, Vientiane đã có nhà cao 20 tầng, 5 khách sạn 5 sao hoành tráng, các trung tâm thương mại khá bề thế, các cửa hàng bán đồ lưu niệm cho du khách rất chuyên nghiệp. Diện tích Lào bằng 2/3 Việt Nam, dân số bằng 1/14 nhưng lượng khách du lịch đến Lào bằng ½ Việt Nam. Bình quân cứ 2 người Lào đón 1 khách quốc tế.
|
Lào không nghèo và lạc hậu như nhiều người tưởng. Vientiane rộng gần gấp đôi Sài Gòn nhưng dân số chưa bằng 1/12 (khoảng 750.000 người). Nội thành chỉ hơn 400.000 dân nhưng có gần 200.000 xe hơi. Nhà Vieng Thoong cũng có 2 xe. Thủ đô gần như không có taxi, bởi nhà nào cũng có ô tô. Chỉ có tuktuk và xe ôm. Đường phố thông thoáng. Tại các ngã tư, đèn tín hiệu chỉ cho phép giao thông một chiều, ba chiều còn lại cứ chờ lần lượt, y hệt châu Âu. Sáng chủ nhật, thủ đô vắng lặng như mấy ngày tết ở Sài Gòn. Thứ bảy, không chỉ cơ quan nhà nước mà tư nhân cũng nghỉ. Họ sống theo kiểu Nguyễn Công Trứ “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc” nên “Cứ từ từ, làm quá, bị bệnh càng tốn tiền. Cứ nghỉ ngơi cho khỏe”. Cuối tuần là nhiều cửa hàng cửa hiệu đóng cửa. Nhà chị Phạm Thị Ngọc Yến, quê ở Sài Gòn cũng có 2 ô tô xịn, chồng một chiếc, vợ một chiếc. Buổi tối xe để ngoài sân nhưng giày dép phải mang vào nhà. Tiếng Lào, gần giống tiếng Thái Lan và người Thái ở Việt Nam. Quốc hoa của Lào là champa, người Việt gọi là hoa đại (miền bắc), hoa sứ (miền nam), Campuchia gọi là champay. Hoa champa của người Khmer là ngọc lan. Môn thể thao trung lưu của người Việt là tennis, của người Khmer là cầu lông, còn ở Lào là golf. Vientiane chưa bao giờ cúp điện. Ai dám bảo Lào nghèo?
Người Việt ở Vientiane chiếm hơn 10% dân số. Hội người Việt Vientiane và Lào là những hội đoàn mạnh của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Cũng giống Campuchia và đông bắc Thái Lan, cộng đồng người Việt có 3 dạng. Việt kiều sinh sống lâu đời, kinh tế khá giả, việc làm ổn định. Việt “liều” nhập cư tạm thời hoặc không chính thức, làm đủ nghề để mưu sinh xứ người. Việt “gian” là số ít tội phạm, trà trộn và lén lút. Đa phần cán bộ Lào được đào tạo ở Việt Nam nên tiếng Việt là ngôn ngữ khá phổ thông ở thủ đô. Vào chợ Sáng (Talat Sao, chợ lớn nhất ở Lào), người bán nói tiếng Việt như ở chợ Đồng Xuân. Có những khu phố toàn người Việt với nhiều quán ăn, cửa hàng, cửa hiệu bằng 2 thứ tiếng Lào – Việt, nhất là các quán karaoke. Ký túc xá của sinh viên Việt Nam trong Đại học Quốc gia Lào, nơi hơn 300 sinh viên Việt Nam đang theo học, bề thế như khách sạn giữa khuôn viên tràn ngập cây xanh khoáng đãng. Rất nhiều sinh viên Lào được học bổng du học khắp các trường đại học Việt Nam, từ bắc chí nam. Phở là loại thức ăn sáng phổ biến và được ưa chuộng nhất ở Lào. Vientiane có trường học riêng cho con em người Việt. Đặc khu Long Thành – Vientiane, rộng 557 ha, vốn đầu tư 1 tỉ USD gồm khách sạn 5 sao, sân golf 18 lỗ, khu biệt thự và nghỉ dưỡng cao cấp, bệnh viện và trường học quốc tế, các trung tâm thương mại… là dự án đầu tư lớn nhất của Việt Nam ở Lào. Qua Vientiane, có đường bay từ Hà Nội. Còn từ Sài Gòn phải quá cảnh Pochentong, Phnom Penh. Lúc về phải ghé Hà Nội. Đường bộ từ các cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Nậm Cắn (Nghệ An), Na Mèo (Thanh Hóa), Tây Trang (Điện Biên)… Hoặc qua ngõ Stung Treng (Campuchia), Noong Khai, Mukdahan, Nakhon Phanom, Khon Kaen (Thái Lan). Thủ tục xin lái xe từ Việt Nam qua rất dễ dàng, tha hồ phượt.
Vientiane là “thủ đô từ từ” nên tham quan cũng không thể vội vã. That Luong (tháp lớn), biểu tượng quốc gia, in trên tiền giấy và quốc huy Lào, được vua Xaysetharirath xây dựng năm 1566 khi ông dời đô từ Luang Prabang về Vientiane, trên nền cũ của một đền thờ Hindu. Tháp có hình nậm rượu, cao 45m, đế vuông hình hoa sen, mỗi cạnh 90 m, chung quanh có 36 tháp phụ, mỗi tháp cao 27 m. Các tháp sơn son thếp vàng rực rỡ. Hai bên là thư viện và bảo tàng Phật giáo. Quảng trường That Luong, nơi diễn ra hội chợ quốc tế, các hoạt động lớn và là nơi tập lái xe hơi rất lý tưởng. Lễ hội That Luong (tắm Phật) vào tháng 11 rất đông vui. Patuxay – cổng chiến thắng, xây dựng từ 1958, mô phỏng Khải Hoàn Môn Paris nhưng kiến trúc và họa tiết kiểu Lào, cao 45 m. Tầng 7 là vị trí cực đẹp để ngắm toàn cảnh Vientiane, với đại lộ Lane Xane, các tòa nhà chính phủ, quốc hội và trung tâm thủ đô. Chùa Sisakhet với bộ sưu tập 6.840 tượng Phật cổ bằng đủ chất liệu. Chùa Phra Keo có tượng Phật Phra Ban bằng vàng, đúc ở Sri Lanka, do vua Fa Ngum mang từ Angkor về vào thế kỷ XIV. Chùa Simuong nổi tiếng linh thiêng với đôi chim bồ nông kỳ lạ. Vườn Chư Phật (Buddha Park, tiếng Lào gọi là Suốn Phụt) là quần thể hàng trăm tượng Phật, đủ kích cỡ, hình dạng cùng nhiều Phật thoại lý thú…
Ẩm thực đặc trưng Lào là các món nướng, nổi tiếng hơn cả là “gà đi bộ”, các loại cá và thịt nướng ăn với cơm nếp (khao nyao). Người Lào ăn nếp thay cơm tẻ. Nếp được đồ trong choãi tre, bao quanh là nồi nước cách thủy. Khi đồ không đậy nắp nên nếp không dính tay, cứ bốc ăn thoải mái. Lap (còn gọi là lôc, nghĩa là may mắn) gồm các món gỏi trộn với các loại thịt heo, bò, trâu, gà, cá… mang hương vị rất Lào. Thức uống thì có Lau Lao, rượu nhẹ làm từ nếp. Fan Thoong gần giống rượu cần. Nam Sa là trà nhạt. Dừa nướng có vị lạ, ngọt thanh dịu. Bia Lào rất được dân lai rai khoái khẩu.
Dòng Mê Kông dài 4.880 km, chảy qua Lào 1.897 km, là biên giới tự nhiên giữa Lào – Thái. Bên này sông là Vientiane, bên kia sông là Noong Khai. Đến Vientiane, tôi thích la cà các quán ven sông Mê Kông, thưởng thức ẩm thực Lào rồi đợi hoàng hôn xuống hoặc đón trăng lên. Vào những đêm trăng, Vientiane càng trở nên tĩnh lặng và huyền hoặc, thoang thoảng hương bạch đàn và hoa sứ. Tản bộ đêm quanh That Luong, nghe vu vơ chó sủa và côn trùng rỉ rả như hoài niệm xa xăm về lịch sử, thấy mình đang ngược dòng thời gian với cuộc sống nhẩn nha mà thú vị. |
Nguyễn Văn Mỹ