Một số bạn đọc có nêu ra câu hỏi kèm một số lập luận. Một số câu hỏi và lập luận đã cho thấy việc không nắm vững giáo lý Phật giáo từ kinh điển, dẫn đến không thấy không biết về hình mẫu quan hệ Phật giáo với chính quyền thời Đức Phật.
Do được thúc đẩy quan tâm tới vấn đề này, với một số hiểu biết nhất định, mặc nhiên, trách nhiệm của tôi là tiếp tục trình bày, làm rõ vấn đề.
Tất nhiên, vì không hiểu biết nên phải thắc mắc. Nhưng tôi mong bạn đọc trình bày với tinh thần ái ngữ của nhà Phật. Tôi không muốn tạo nhân duyên cho việc tác tác khẩu nghiệp nên xin mạn phép nhắc điều này. Vấn đề thể hiện ngay từ chính nội dung các phản hồi của bạn đọc và vẫn có thể thấy được rõ ràng.
Một lời khuyên quan trọng nữa, là chúng ta nên đọc lại, dù là nhiều lần, Ngũ Bộ Nam truyền và bốn bộ A Hàm, để lấy đó làm cơ sở giải quyết mọi vấn đề, trước hết là vấn đề chúng ta đang tìm hiểu. Nội dung Ngũ bộ Nam truyền và các kinh A Hàm rất phong phú, có thể giúp chúng ta tìm câu trả lời cho nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Trong quan hệ giữa Phật giáo với chính quyền, cần nhấn mạnh đến quan điểm của Đức Phật về vai trò của người cầm quyền đối với xã hội. Đức Phật dạy rõ: “Khi người lãnh đạo xứ sở có tính công bình và thiện ái thì triều đình có tính công bình và thiện ái. Khi triều đình có tính công bình và thiện ái thì các quan chức có tính công bình và thiện ái. Khi các quan chức có tính công bình và thiện ái thì các cán bộ hạ tầng có tính công bình và thiện ái. Khi các cán bộ hạ tầng có tính công bình và thiện ái thì người dân có tính công bình và thiện ái” (Tăng Chi Bộ Kinh, theo bản dịch trong bài Đạo Phật và Chính trị, Hòa thượng K. Sri Dhammananda, Bình Anson dịch, Tạp chí Phương trời cao rộng, số 14, trang 29, bản điện tử).
Quan điểm này của Đức Phật lý giải việc có thể Đức Phật chú trọng hóa độ vào giới cầm quyền. Đây không phải là sự phân biệt, xu nịnh, hay dựa dẫm, mà là vì Đức Phật thấy rõ vai trò của nhà cầm quyền đối với xã hội, như đoạn kinh văn trích dẫn ở trên. Có thúc đẩy quan hệ tốt với giới chức chính quyền, tạo môi trường thuận lợi cho việc hóa độ quốc vương, hoàng hậu, đại thần, tể quan, Đức Phật không vì lợi ích của chỉ riêng thiểu số đó, mà vì lợi ích của cả toàn xã hội. Có một sự chú ý đặc biệt nào đó với đối tượng vua quan, thì trước hết chỉ vì do vai trò xã hội của họ.
Đức Phật không làm việc cổ động cho việc đến với giáo pháp bằng hình ảnh như ngày nay chúng ta có thể làm, vì thuở xưa chưa có hình thức đó, nhưng kinh điển Phật giáo đã có thể hiện sự tập trung hướng vào đối tượng này. Thí dụ, các bài kinh đề cập đến vua A Xà Thế đều có những cụm từ nhấn mạnh đến xuất xứ, vị trí của nhà vua. Vua A Xà Thế, con bà Vi-de-hi, vua nước Magadha (có bản dịch nói rõ hơn là nữ hoàng Vi Đề Hy).
Bản kinh rất có giá trị trong tạng Nam truyền, là Kinh Sa Môn Quả, là bài kinh thuyết riêng cho Vua A Xà Thế. Từ bài kinh rất đặc biệt này mà vua thọ Tam quy, Ngũ giới (Trường A Hàm), còn theo Trường bộ kinh thì: “Nếu vua ấy không hại mạng vua cha, một vị vua rất chân chánh, thì tại ngay chỗ ngồi này, vua ấy đã chứng được Pháp nhãn, không trần cấu, không ô nhiễm”.
Đọc các bản kinh Nam truyền, thí dụ Kinh Sa môn quả, chúng ta thấy kinh cứ lặp đi lặp lại cụm từ “Ajatasatu, con bà Videhi, vua nước Magadha” thì liệu ta có cho đây là việc xu nịnh, dựa dẫm vào thế lực của quốc vương hay liên tục ca tụng xuất thân quốc vương hay không?
Quan tâm đặc biệt đến giới cầm quyền trong việc hóa độ là một nội dung trải ra trong các bản kinh Phật Nam truyền, mà cơ sở của nó là đoạn văn từ Tăng Chi bộ Kinh được trích dẫn ở trên. Không nắm được tinh thần này, đương nhiên, sẽ dẫn tới việc hiểu lầm quan điểm thúc đẩy quan hệ tốt với chính quyền mà chúng tôi đã trình bày.
Sau khi thống nhất quan điểm thúc đẩy quan hệ tốt với chính quyền, chúng ta xét xem đấy là một quan điểm có phân biệt hay không, mà có bạn đọc ví dụ cả thậm chí đến trường hợp Hitler.
Câu trả lời, xin xem lại bài viết “Phật giáo trong quan hệ với chính quyền: trường hợp vua A Xà Thế”. Vua A Xà Thế là vị vua thế nào? Vua A Xà Thế cai trị độc đoán, tàn ác, bạo ngược lên đến mức độ nào? Chính sách đối nội, đối ngoại của vua A Xà Thế ra sao? Ngũ bộ kinh Nam truyền và A Hàm có thông tin cho chúng ta đầy đủ. Phản ứng từ phía Đức Phật như thế nào? Ngũ bộ kinh Nam truyền và A Hàm cũng có thông tin cho chúng ta đầy đủ. Thậm chí, sách Phật giáo cố sự đại toàn cho biết Đức Phật nói rằng ngài đợi vua A Xà Thế đã lâu (chi tiết này không thấy trong Trường Bộ kinh và Kinh Trường A Hàm).
Trong bài trước, chúng tôi đã nói đến một cánh cửa mở mà Đức Phật dành cho vua A Xà Thế. Điều này nhất quán với chủ trương vô phân biệt của đạo Phật. Nhưng chú ý, đây là vấn đề quan hệ, không phải vấn đề “theo”. Đạo Phật vẫn là đạo Phật. Vương triều vẫn là vương triều. Có quan hệ tốt với mọi vương triều không có nghĩa là đạo Phật cứ theo tất cả mọi vương triều. Đức Phật không tán thành chính sách xâm lược của vua A Xà Thế qua bài kinh nói về trường hợp nước Bạt kỳ, nhưng Đức Phật vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với vua A Xà Thế, để cuối cùng tiến tới hóa độ vua.
Có thể nói, trong quan hệ với tất cả đối tượng, hóa độ là mục tiêu trên hết của Đức Phật, trong đó, môi trường quan hệ đương nhiên là cái phải giữ để thực hiện mục tiêu. Như thế, câu hỏi về đánh giá cụ thể chế độ vương triều đã được trả lời qua trường hợp A Xà Thế.
A Xà Thế có là vương triều thể hiện những tính chất cực đoan nhất.
Câu hỏi “Phật giáo tin nhà nước nhưng nhà nước không tin Phật giáo thì Phật giáo phải nói sao? Phật giáo quan hệ tốt đẹp với chính quyền nhưng nếu chính quyền làm sai thì Phật giáo phải hành động như thế nào?” là những câu không khó trả lời, vì nó nằm cả trong kinh Phật, với những ví dụ rõ ràng. Lưu Ly (Virudhaka) và A Xà Thế là những vị vua có những hoạt động không theo quan điểm của đạo Phật, thậm chí gây bất lợi cho đạo Phật. Đối với vua Lưu Ly, Đức Phật còn đi xa hơn trong việc ngăn cản chính sách xâm lược của vương triều này, so với trường hợp vua A Xà Thế. Thế nhưng đạo Phật vẫn giữ tính chất xuất thế của mình trong những hành động mang tính chất tích cực. Tích cực và xuất thế, dù có thể tương phản nhau ở một số trường hợp, nhưng vẫn phải cùng tồn tại song song trong đạo Phật.
Người chống phá và mưu hại, thậm chí tiến hành ám sát Đức Phật là Đề Bà Đạt Đa. Vậy mà, vua A Xà Thế ủng hộ kẻ gian ác này, tôn làm quốc sư, xây cất tu viện cho những kẻ theo Đề Ba Đạt Đa ly khai tăng đoàn (Gayasisa). Thái độ và hành động như vậy của vua A Xà Thế đối với Đức Phật là cực điểm tiêu cực. Thực tế như vậy và cách ứng xử từ Đức Phật rất rõ ràng, mà kết quả là bài kinh Sa Môn Quả. Như thế, câu trả lời là chính từ ở điểm này. Chính pháp luôn đi đôi với cao thượng. Mục đích hóa độ cuối cùng sẽ đạt được bằng sự cao thượng. Đức Phật đã để lại cho chúng ta hình mẫu về mối quan hệ như thế.
Ở đây, chúng tôi giới hạn vấn đề trong mối quan hệ giữa đạo Phật với chính quyền, nên không đề cập đến những quan điểm của Đức Phật về một chính quyền tốt. Xin xem thêm các kinh: Chuyển luân Thánh vương sư tử hống (Trường Bộ Kinh), Cứu la đàn đầu (Trường bộ kinh), Kinh Bổn sanh – Thập vương pháp, Mi Lan Đa vấn đạo…
Câu hỏi về quan hệ tốt với chính quyền và việc chính quyền thay đổi cũng là vấn đề có từ thời Đức Phật. Thời Đức Phật, hiện tượng chinh phục, xâm chiếm, lật đổ, cướp ngôi từ người trong hoàng tộc, dẫn đến việc chính quyền thường xuyên thay đổi, là một hiện tượng phổ biến. Nhưng giữa các lực lượng phong kiến đối chọi nhau, xung đột nhau, sinh tử với nhau, Đức Phật không đứng về một bên nào để chống lại một bên nào. Quan hệ tốt với chính quyền theo hình mẫu của Đức Phật không có chỗ cho sự cấu kết. Mối quan hệ đó không dựa trên cơ sở quyền lợi của các cá nhân, phe đảng, lực lượng trong các vương triều hay các thế lực cát cứ, bộ tộc, tiểu quốc, mà dựa trên cơ sở mục tiêu hóa độ. Vì vậy, quan hệ tốt đẹp đó đứng trên mọi sự thay đổi chính quyền, là điều thường xảy ra thời bấy giờ. Chỉ có một ngoại lệ mà chúng ta có thể hiểu được là Đức Phật bảo vệ một cách chủ quan (trong mối quan hệ thân tộc) dòng họ Thích Ca trước cuộc tiến công của vua Lưu Ly.
Những điều Kinh Phật ghi chép cho thấy quan hệ của Đức Phật đối với các cá nhân và lực lượng trong chính quyền đương thời không gây cản trở cho những nước quan hệ với những cá nhân và lực lượng kế nhiệm trong chính quyền. Đức Phật và tăng đoàn không gặp khó khăn, phiền hà về việc này, với quan điểm và cách hành xử cao thượng như đã thấy.
Kinh điển không đi vào chi tiết. Nhưng điều chúng ta có thể hiểu, là thời Đức Phật, vương triều cầm quyền nào cũng mang trong nó mầm mống đối kháng. Đó có thể là những thành viên hoàng tộc rấp ranh ngôi vua. Đó cũng có thể là các vua chúa lân bang luôn chờ cơ hội xâm lược. Đó cũng có thể là những thần dân bất phục. Giữ quan hệ tốt với giới cầm quyền trong bối cảnh như vậy Đức Phật đương nhiên phải giải quyết nhiều vấn đề. Điều trên hết là đoàn thể tăng già phải luôn giữ vai trò đứng trên những quan hệ phức tạp thời bấy giờ. Quan hệ tốt với chính quyền, nhưng không phụ thuộc, buộc chặt vào cá nhân hay vương triều nào.
Kinh điển cho thấy Đức Phật đề ra những nguyên tắc định hướng chung cho việc cai trị, định hướng chung các mối quan hệ xã hội, nhưng không can thiệp giải quyết các vấn đề cụ thể (trừ trường hợp ngăn cản vua Lưu Ly tấn công tàn sát dòng tộc Thích Ca).
MT