Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm bắt đầu từ 10 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Yên Tử, còn gọi Bạch Vân Sơn, là ngọn núi cao 1.068m, đỉnh phủ mây trắng nằm trong dãy Đông Triều, thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí. Nơi này mệnh danh là “đất tổ Phật giáo Việt Nam” sau khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên núi tu hành, thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của nước ta: Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Ông trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông; đã cho xây dựng tại vùng núi cao hiểm trở này hàng trăm công trình lớn nhỏ để làm chốn tu hành, truyền kinh, giảng đạo – trở thành công trình thiền viện lớn nhất nước Đại Việt.
Tổng chiều dài đường bộ lên đến đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) khoảng 6km qua hàng ngàn bậc đá len lỏi dọc đường rừng, các núi đá chênh vênh. Hành trình viếng Yên Tử bây giờ “ngắn” hơn do được lắp 2 đoạn cáp treo vượt núi thẳng đứng, nhưng nhiều tín đồ và du khách vẫn chọn lối đi bộ leo đến chùa Đồng – ngôi chùa cao nhất trên đỉnh Yên Tử, để thể hiện “lòng thành” khi về đất Tổ.
Đến Yên Tử, khách thập phương bắt đầu chuyến đi từ suối Giải Oan, sau đó đến chùa Hoa Yên (nằm ở độ cao 543m), chùa Vân Tiêu (700m) nằm bên triền núi. Dọc đường đi du khách sẽ dừng chân bên các di tích cổ khiêm cung nhưng toát lên vẻ đẹp uy nghiêm, hiển linh: Tháp Cổ, chùa Một Mái (chỉ có một mái lợp bên sườn núi), am Ngọa Vân, tượng đá Yên Kỳ Sinh… trước khi đến chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068m.
Chùa Đồng được xây dựng từ thời Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự với kỳ công đưa nguyên liệu từ chân núi lên đỉnh núi bằng đường rừng, khuân vác thủ công bằng sức người. Năm 2007 chùa Đồng mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất cao 3m, rộng 12m2, nặng 60 tấn.
Đây còn là điểm cuốn hút khách du lịch chinh phục độ cao, từ đây khách tham quan có thể nhìn bao quát cả vùng Đông Bắc bộ, thấy sông Bạch Đằng, vịnh Hạ Long xa xa như tranh thủy mặc. Còn khách hành hương sẽ cảm thấy như được tách mình khỏi thế giới trần tục, đắm mình giữa trời xanh mây trắng như chốn tiên bồng:
Trăm năm tích đức tu hành
Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu
(ca dao)
Năm nay tròn 705 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Trần Nhân Tông là một vị vua thiên tài, anh minh bậc nhất và là một anh hùng dân tộc. Ngài cũng là vị vua duy nhất quyết chí từ bỏ danh vọng đỉnh cao để đi tu và đắc đạo, hình thành triết lý đạo pháp Phật giáo Việt Nam. Trần Nhân Tông là vị vua thứ 3 của nhà Trần, lên ngôi trị vì 14 năm, nhường ngôi làm Thái Thượng Hoàng 15 năm, rời triều đình đi tu 8 năm, mất lúc 51 tuổi.
Trong lịch sử dân tộc hiếm thấy vị vua nào để lại nhiều di sản cho đời sau như ông, có một triết lý sống khác biệt, một cuộc đời oanh liệt như ông. Đến với Yên Tử người dân còn thể hiện lòng tôn kính đối với một anh hùng dân tộc đã 2 lần lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi vang dội, giữ vững bờ cõi nước nhà.
Trong chính sử, cuộc chiến tranh chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 diễn ra vào năm 1285 trên toàn biên giới phía Bắc. Quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của 2 vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông trước đại binh hùng mạnh của địch không chọn chiến lược trực tiếp đối đầu mà lui binh, bám địch; thực hiện vườn không nhà trống, triệt nguồn lương thảo của địch; chờ địch suy yếu, suy sụp ý chí mới tập trung quân phản công, giành thắng lợi quyết định.
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, trong cuộc chiến quân Nguyên chết rất nhiều, thây nằm ngổn ngang, máu chảy thành suối trước các cuộc phản công quyết định của quân Đại Việt. Khi xâm lăng nước ta, quân Nguyên có đến 50 vạn quân, khi thua cuộc chỉ còn lại 5 vạn!
Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 diễn ra từ tháng 12-1287 đến cuối tháng 4-1288 vì Vua Nguyên Hốt Tất Liệt vẫn không từ bỏ kế hoạch xâm chiếm Đại Việt. Lần này Vua Trần Nhân Tông đã ra lệnh tổng động viên, tập trung quân binh dưới trướng tổng chỉ huy là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Quân nhà Trần và địch đã đụng độ trên nhiều mặt trận xung yếu của nước Đại Việt bấy giờ.
Lần này quân ta chủ động nhằm vào những điểm yếu của quân Nguyên mà đánh để tiêu hao lực lượng địch. Trận Bạch Đằng (năm 1288) được ghi dấu là một trong những trận đánh nổi tiếng, vang dội trong lịch sử quân sự thế giới, giúp chấm dứt chiến tranh, giữ vững bờ cõi, làm tiêu tan ý chí bành trước của Hốt Tất Liệt.
Người hậu thế về Yên Tử còn để một lần nghiêng mình chiêm bái vị vua anh minh, có công lớn với nước, góp phần làm nên trang sử vàng của dân tộc.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, các sử gia thời Hậu Lê đã viết về ông: “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần. Song để tâm nơi kinh Phật, tuy nói là để siêu thoát, nhưng đó không phải là đạo trung dung của thánh nhân”.
Gian nan lên đỉnh Yên Tử. |
Khách thập phương viếng chùa Đồng. |
Tấp nập khách hành hương đến chùa Hoa Yên. |
Chùa Một Mái nằm bên vách đá. |
|
Tượng đá Yên Kỳ Sinh. |
|
Di sản tâm linh chùa Yên Tử. |
Suối Giải Oan linh thiêng. |
|
Nhân dân trẩy hội Yên Tử. |
|
Tháp Tổ chùa Yên Tử. |