Trang chủ Blog chùa Nghệ An: Hàng nghìn người dự đại lễ cầu an tại chùa...

Nghệ An: Hàng nghìn người dự đại lễ cầu an tại chùa Viên Quang

131

Chứng minh và tham dự buổi lễ có: TT.Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang; ĐĐ.Thích Quảng Bảo – Trưởng Ban Văn Hoá BTS PG tỉnh Nghệ An cùng Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang và trên 3 nghìn đồng bào Phật tử đồng tham dự.

Về phía chính quyền cấp tỉnh có: ông Lưu Công Vinh – Phó Giám đốc – Trưởng BTG Sở Nội Vụ tỉnh Nghệ An cùng Lãnh đạo UBND huyện, MTTQ – Công an – Phòng Nội Vụ huyện Nam Đàn. Về phía chính quyền địa phương có sự hiện diện của Đảng uỷ – UBND – UBMTTQ xã Nam Thanh, Lãnh đạo các cơ quan đơn vị trên địa bàn và ông bà Lãnh đạo các Ban ngành cấp tỉnh đã nghỉ hưu.

Đây là buổi lễ Cầu an với nghi thức đơn giản, gọn nhẹ và có ý nghĩa thiết thực. Mục đích của buổi lễ là để mọi người trưởng dưỡng đạo đức tâm linh khi đến với Lễ đàn cầu nguyện đầu năm. Đây còn là cơ hội để mọi người vun đắp, xây dựng, giữ gìn tình yêu nước, cái văn hóa này hiếm quốc gia nào có được. Và những ai có mặt trong buổi lễ này đều là những người làm sáng lên được văn hóa người Việt Nam ta.

Bước vào Lễ đàn cầu an chùa Viên Quang, ai ai cũng nhìn thấy hai câu đối đầy khẩu khí của tác giả, đã tạo nên một thế giới đầy ắp tình cảm yêu đạo, yêu quê hương đất nước của mình, đó là:

          Quê hương này bay lên bởi nhân dân đồng lòng yêu thương xây đắp.

          Phật pháp kia rực sáng vì Tăng tục chung sức kính ngưỡng tu hành.

Trong không khí ấm áp và tôn kính của buổi lễ, một nghi thức cầu an diễn ra, bao gồm: Đọc lời kỳ nguyện, hát khúc tán ca Tôn Kính Phật, đảnh lễ Tam Bảo, khai kinh, tụng kinh TỪ BI SÁM HỐI, tụng sám CẦU QUỐC THÁI DÂN AN, cúng QUỐC TỔ, cúng thí thực, hồi hướng phục nguyện và đọc tụng tam tự Quy y.

Bài sám CẦU QUỐC THÁI DÂN AN do TT.Thích Chân Quang biên soạn rất xúc tích, bao hàm nhiều ý nghĩa, không ai mà không xúc động khi đọc tụng qua. Vào đầu bài sám cầu Quốc thái dân an là phần đảnh lễ Phật, đảnh lễ tán dương các Vua Hùng dựng nước, các vị Quốc vương Thánh triết, những vị anh linh hào kiệt và gần đây là những anh hùng liệt sĩ đã đổ xương máu xây dựng bảo vệ đất nước này. Tiếp đó, nói lên nổi niềm lo ngại và cầu xin được gia hộ:

Xin gia hộ chốn xa mưa gió; người chiến binh mắt tỏ tài cao; đầu non hay giữa sóng đào; giữ gìn trời biển chiến bào tung bay.

Xin gia hộ đất cày ruộng xới; người nông dân vui với cỏ cây; Trĩu cành hạt trái đong đầy; mùa thu hoạch lớn tháng ngày hân hoan.

Xin gia hộ những đoàn thợ giỏi; giữa công trường bước vội tay nhanh; công trình nào cũng hoàn thành; quê hương giàu đẹp văn minh nghĩa tình.

Xin gia hộ ngư dân bám biển; như đoàn quân thẳng tiến khơi xa; gió mùa êm ả thái hoà; bình yên câu hát quê nhà đợi mong.

Xin gia hộ hanh thông may mắn; những doanh nhân cố gắng không ngơi; đầu tư thuận lợi khắp nơi; tạo nhiều công việc cho đời ấm no.

Xin gia hộ người lo việc nước; trách nhiệm làm công chức thanh liêm; vì dân chẳng quản nhọc phiền; công thành danh toại một niềm an vui.

…….

Trước Phật đài đầu xuân cúi lạy; xin nguyện cầu Quốc thái dân an; nhà nhà gieo được thiện căn; nhân lành quả tốt để dành mai sau.

Tình sông núi đồng bào cao đẹp; người Việt Nam đoàn kết thương yêu; phúc lành thêm lớn càng nhiều; non sông gấm vóc mọi điều thăng hoa.

Rồi sau nữa nhìn ra thế giới; sẽ nói lời từ ái đại đồng; mối tình nhân loại mênh mông; hoà bình hạnh phúc chung lòng đắp xây.

Sau Lễ cầu an, TT.Thích Chân Quang đăng đàn thuyết Pháp. Bài Pháp thoại có tựa đề PHẢN ỨNG THÍCH HỢP. Trước khi vào nội dung chính bài thuyết Pháp, Thượng toạ nêu bật ý nghĩa của LỄ CẦU QUỐC THÁI DÂN AN. Với đạo Phật tất cả đều theo nhân quả, ta muốn có quả tốt thì phải gieo nhân tốt. Ví dụ như ta muốn quốc thái dân an thì buộc người dân trong nước phải làm rất nhiều điều thiện chứ không chỉ có việc cầu nguyện, vì nếu làm điều thiện mà không hiểu nghĩa thì lập tức thành mê tín. Vì vậy để đất nước này được phú cường, giàu mạnh, an bình thì hơn 80 triệu con người Việt Nam phải chung tay góp sức tu thiện, làm lành. Tuy nhiên, thực tế thì không phải tất cả mọi người cùng tu thiện làm lành được hết. Ngay cả trong cùng một gia đình cũng có người tốt, người xấu thì trong một đất nước cũng có người tốt, người xấu, không bao giờ tuyệt đối hoàn toàn cả. Do còn những người có nghiệp xấu nên đất nước ta còn bấp bênh, vất vả, khó khăn. Bao nhiêu nghiệp của người thiện cũng không lấp được cái ác của những người xấu. Đất nước ta vẫn quốc không thái, dân không an như ước mơ của tất cả mọi người, mặc dù những nhà lãnh đạo ngày đêm vắt óc, vắt sức ra để dựng xây và còn biết bao nhiêu người từ các ngành nghề cứ vất vả thực hiện việc quốc thái dân an, mà không phải bằng cầu nguyện.

Thượng toạ đặt vấn đề: Vì sao chúng ta đến đền, chùa để cầu nguyện? Vì trong cuộc sống này có quá nhiều điều ngoài sự kiểm soát của ta. Khi con người càng yếu đuối, càng bất lực thì người ta cầu nguyện càng nhiều. Có 2  hạng người ít cầu nguyện. Hạng thứ nhất là người giỏi việc vì họ làm việc và kiểm soát được kết quả. Hạng thứ hai là tin nhân quả, cố gắng làm điều thiện vì biết rằng quả báo lành sẽ tới. 

Theo quan điểm của Thượng toạ, việc cầu Quốc thái dân an đầu năm có nhiều ý nghĩa. Đó là chúng ta dâng lòng biết ơn lên bao nhiêu đời Tổ tiên từ thời Quốc tổ dựng nước, rồi còn bao nhiêu triều đại anh hùng, cho đến ngày hôm nay. Đã có không biết bao nhiêu máu, mồ hôi, nước mắt… bao nhiêu trí tuệ, công sức của bao nhiêu triều đại đã đổ xuống. Do vậy, tình yêu nước, lòng kính ngưỡng đối với Quốc tổ, chư vị Tổ tiên là một tình cảm đẹp, một đạo đức đẹp mà ta phải vun đắp hàng ngày, hàng năm. 

Thực lòng chúng ta tha thiết mong cho quốc gia mình được thái bình, thịnh vượng, an vui, hạnh phúc. Nhưng kết quả có được là do nghiệp thiện của toàn dân, mà toàn dân thì không phải ai cũng thiện. Vì vậy trước Phật ta cúi đầu sám hối cho tất cả do nghiệp bất thiện còn sót lại, dù biết chúng ta không đủ sức sám hối cho tất cả nhưng vẫn phải làm. Mặc khác, trước Phật đài, trước uy linh của Quốc tổ, các triều đại tổ tiên, ta long trọng hứa với các Ngài rằng: Bản thân ta, trong cuộc đời còn lại sẽ tu thiện, làm những điều lành, giáo hóa cho mọi người cùng tu thiện, cùng làm điều lành. Và chính lời hứa tận đáy lòng này làm cảm động cả trời đất. Cho nên, mỗi người trong Lễ đàn này mang cái tâm của một ngàn người đến đây, mỗi một người hứa cho một ngàn người đến đây và chính tấm lòng đó lay động các tầng trời trên cao, chắc chắn sự linh thiêng sẽ tỏa khắp cùng cả sông núi đất nước. Đồng thời trong suốt nghi lễ, ta không có cơ hội cầu riêng cho gia đình mình mà chỉ cầu chung cho đất nước. Khi ta chí thành cầu cho đất nước thì theo nhân quả bỗng nhiên gia đình ta được nhiều điều may mắn, ấm êm, hạnh phúc và thành đạt.

Riêng bài Pháp thoại PHẢN ỨNG THÍCH HỢP, bằng nhiều ví dụ với sự phân tích xác đáng, Thượng toạ dạy cho người Phật tử có được những phản ứng đúng nhất. Bài học đầu tiên ta nhận được là đừng làm giống như kẻ xấu đang làm để tránh oan trái mãi không bao giờ chấm dứt.

2/ Ta phải hết sức trí tuệ, cẩn thận và xem xét từng vấn đề để xem nên nhịn hay là hành động bảo vệ mình. Vì nếu phản ứng đúng nhiều thì phước ta nhiều, cuộc đời ta hạnh phúc. Còn như ta nhận định sai, phản ứng sai thì tội cứ chồng chất. Sau này cuộc đời ta đau khổ. Ví dụ khi có người mắng chửi, hạ nhục vu khống ta, trong trường hợp người đó hiểu lầm và có thiện chí muốn tìm hiểu sự thật thì ta nên giải thích trong tình thân ái, không nên im lặng. Việc ta giải thích là một phản ứng đúng. Nhưng có trường hợp, người ta bôi nhọ, mưu hại mình trong sự ác ý, có khi ta nên im lặng, vì câu trả lời không phải là một vài lời nói mà câu trả lời là cuộc đời ta – chính cuộc sống của mình. Cách này tuy mất thời gian nhưng câu trả lời đó có sức mạnh hơn. Có khi 10 hay 20 năm sau, mình chết rồi mọi người mới hiểu, còn người hạ nhục mình họ không cần hiểu. Lúc đó im lặng là đúng và cứ sống tốt theo lời Phật dạy – đó mới là câu trả lời.

3/ Trường hợp có người tôn trọng, khen ngợi ta thì cái phản ứng vừa chừng là theo đạo lý ta nên chắp tay cảm ơn, khiêm tốn nói rằng mình chưa phải như vậy. Nhưng có những trường hợp nên cho người ta khen, vì lời khen đó là cần thiết để có lợi cho những người khác. Đây là phản ứng đúng nhưng quan trọng cái tâm người được khen không phải là tự hào, vui mừng vì lời khen mà chỉ vì lợi ích của người khác. Cho nên, đừng cố chấp một chiều nào, ta phản ứng ra sao là tùy trí tuệ, tùy đạo đức của ta. Hoặc ai ghét mình thì mình ghét lại, ai không quan tâm đến mình thì mình không quan tâm đến họ. Đó là thói đời, nhưng lẽ đạo thì ngược lại. Lẽ đạo là khi thấy người ta không ưa mình thì mình tự soi lại tại sao người ta đối xử như vậy. Liệu mình có sơ suất trong lời nói nào, một thái độ nào chăng hay là do kiếp xưa, hoặc kiếp này mình đã làm điều không tốt với họ? Trong cuộc sống này ta không phải đã hoàn hảo làm gì đúng nấy, có khi ta đã sơ suất để lại hậu quả. Vì thế lúc nào cũng phải tìm lại để lấp đầy những điều sơ suất đó. Khi thấy người ta ghét mình thì trước hết nên tìm lỗi mình. Nếu tìm lỗi mà không thấy thì biết đây là lỗi của kiếp trước thì đành chịu, quan trọng là ta bình thản, an vui, đừng phiền não, đừng khó chịu và cố gắng thương lại để giải nghiệp xưa.

4/ Một trường hợp khác, nếu gặp người yêu thương ta thì phản ứng sao mới đúng?  Sở dĩ chúng ta sống được, tuổi thọ còn kéo dài vì trên đời có người yêu thương ta, nhờ cậy ta. Còn nếu ta chẳng yêu thương ai và cũng không ai thương mình thì hoặc chính mình tự tử hoặc tự cái chết tìm tới với mình, do ta đã sống thừa trên cuộc đời này. Người sống ở đời mà được yêu thương, đó là niềm hạnh phúc. Nhưng được yêu thương nhiều quá mà đạo đức ta chưa đủ để đón nhận tình yêu thương đó, mình hư liền do tự cao, chủ quan, lập tức rơi vào sai lầm. Các bậc cha mẹ thương con nhiều quá, không dạy là giết con mình, do người con đón nhận tình thương quá nhiều mà đạo đức chưa đủ thì sinh hư hỏng. Chỉ những người rất đạo đức mới có thể đón nhận vô số tình thương của người khác mà tâm không bị biến dạng, không hư. Còn đa phần tâm ta chưa đủ đạo đức mà đón nhận nhiều sự ưu ái, yêu thương của người khác thì ta sẽ dễ hư. Do đó, khi chúng ta được nhiều người yêu thương thì phải lạy Phật, ngồi thiền cho nhiều để tâm buông xả dần như hư vô thì như vậy sẽ không bị tự cao, không chủ quan, tâm không biến dạng. 

5/ Khi thấy một người chưa hiểu đạo, chưa tin Tam bảo, chưa tin nhân quả, nên họ chưa chịu tu thiện làm lành, thường có khi ta bỏ mặc, còn phần ta cứ tinh tấn tu tập, làm những điều lành, và nghĩ rằng mình đã gieo những nhân lành sẽ từ từ đi lên, còn những người bất thiện kia sẽ dần dần đi xuống. Trong tâm ta lúc đó vừa có ý bỏ mặc, vừa coi thường, thì 2 cái tâm niệm đó, chính là cái tâm ác trong lòng còn sót lại. Vì vậy, cái phản ứng đúng nhất là khi thấy quanh ta còn sót bất cứ ai chưa biết tu thiện thì đến với họ, kết duyên lành và nhỏ to giải thích giáo hoá, đừng bỏ mặc.

6/ Ngược lại, khi thấy một người sùng đạo, biết tinh tấn tu tập, họ có trí tuệ thì ta  cũng nên thân cận, kết duyên, xem họ tin đạo đúng chưa để giúp điều chỉnh lại, hoặc có khi họ giỏi hơn mình thì ta phải học hỏi, nương tựa để cùng tiến lên. Do trên đời này Thánh phàm lẫn lộn, ta không biết được.

7/ Khi quốc gia bị xâm phạm thì ta phản ứng ra sao mới đúng? Thái độ khôn ngoan, sâu sắc là phải tập hợp lại, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của nhà nước, để có phương pháp, chỉ đạo chung.  Trái lại, khi quốc gia hùng mạnh thì bổn phận ta nên giúp đỡ các nước khác để đóng góp vào sự nghiệp hoà bình của thế giới, đừng có tự hào lo hưởng thụ. Đây mới là phản ứng chân chính nhất. 

8/ Khi gặp người tôn giáo bạn chưa hiểu ta, họ có lời nói công kích thì ta nên giải thích trong sự ôn hoà. Và cách giải thích như thế nào là hợp tình hợp lý nhất đã được Thượng toạ đưa ra vài quan điểm như một sự gợi ý trong ứng xử để làm tăng tình đoàn kết dân tộc, vượt qua cái thành kiến tôn giáo. 

9/ Thường một người phiền não, làm sai hay có những lý do để biện hộ cho hành động của họ, nhưng với người đạo đức họ cũng có lý luận để bảo vệ đạo đức của mình. Như vậy mỗi khi chúng ta biện hộ cho một hành động của mình thì coi chừng ta đang biện hộ theo kiểu của người xấu, hay ta đang bảo vệ việc làm của mình theo đúng với đạo đức, vì ai cũng bênh vực mình cả. Mỗi khi trong tâm ta khởi lên một điều gì để tự bênh vực mình thì phải cẩn thận xem là ta đang bênh vực mình theo kiểu của tên trộm hay đang bênh vực mình theo kiểu của người biết đạo, chấp nhận đối diện với ác nghiệp để trả. Tuy nhiên, chỉ người trong cuộc mới biết thế nào là đúng vì họ có tu tập thiền định, nhiếp tâm trong thanh tịnh, có đạo đức thì họ biết lý luận đó là đúng với đạo hay của phiền não, của sự ác độc.

Do đó để theo đạo được, chúng ta phải tinh tấn tu tập thiền định. Trước hết thiền định là một loại thể dục của não, giúp bộ não được quân bình, được cân bằng, được thanh thản và bộ não được hoạt động lâu dài. Đây là môn thể dục và khoa học cho loài người, không riêng của tôn giáo nào. Thứ hai, bắt đầu nó có công năng của tâm linh để con người mở mang được những năng lực tiềm ẩn trong người mình mà ta chưa phát huy được. Thứ ba, cũng với thiền định này mới đưa ta đến giác ngộ, giải thoát. Ai ở vị trí nào cũng cần thiền định hết, nhất là các vị Lãnh đạo công chức cán bộ, khi lo việc cho dân cho nước rất căng thẳng, cần ngồi thiền để cân bằng trí não mình lại. Khi nhiếp tâm được rồi, chúng ta kiểm soát được tâm lý của mình rất tốt, không để bị lầm. 

Như vậy trong cuộc sống này quá nhiều phức tạp, nhiều tình huống khó xử lý thì ta dựa vào đâu để chọn cho mình một phản ứng thích hợp nhất? – Cái điều ta dựa vào là đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của cá nhân. Lúc đó ta sẽ tìm ra được một phản ứng, một cách thức xử lý thích hợp nhất. Sau cùng, Thượng toạ đặt ra nhiều tình huống đặc biệt khác đề thử ta phản ứng thế nào cho đúng và dặn dò: Trên cuộc đời này có nhiều cái phức tạp, vì vậy ta hết sức tỉnh táo, lúc nào cũng tu dưỡng, mong Phật gia hộ cho mình nhìn việc đời sáng suốt, biết phản ứng khi nào cho thích hợp. Điều cần thiết nhất là ta yêu thương đất nước ta, một lòng bảo vệ đất nước và trong đất nước này ta cần một nền tâm linh để đồng hành với dân tộc ta. Đồng thời ta biết cái nền tâm linh cao cả đó chính là đạo Phật. Do đó chúng ta phải có ý thức bảo vệ đạo Pháp một cách hợp lý bằng lòng tôn kính Phật, tôn kính Pháp, tôn kính Tăng. Bảo vệ hợp lý là cương quyết nhưng không bao giờ trở thành cực đoan, vô tình làm xấu đạo của mình.

Trong chương trình Đại lễ Cầu an còn có lễ cúng Quốc Tổ. Tại bàn thờ Quốc tổ, Chư Tăng làm chủ lễ và ông Lưu Công Vinh – Phó Giám đốc – Trưởng BTG Sở Nội Vụ tỉnh Nghệ An; ông Cung – Chủ tịch xã Nam Thanh đồng niêm hương triệu thỉnh Thần uy Quốc tổ Hùng Vương mười tám đời; các vị Thánh vương qua các Triều đại Đinh – Lê – Lý – Trần – Nguyễn – Hồ Chí Minh; Hoàng Đế Quang Trung; các Quan hiền tướng dũng của các triều đại; các anh hùng liệt sĩ xả thân vì Tổ quốc, lai lâm chứng giám đàn lễ cầu nguyện Quốc thái dân an, xin tế độ:

Non sông gấm vóc ngày nay

Là bao khó nhọc dựng xây buổi đầu

Chúng con tha thiết khẩn cầu

Thần uy Quốc tổ mhiệm mầu sáng soi.

Anh minh những bậc Thánh quân; dắt dìu dân tộc bao lần khốn nguy; dẫu cho những lúc thịnh suy; khí thiêng còn tỏ, quang huy còn rền.

 Nghìn xưa dũng tướng biên thuỳ; hiền quan triều nội phù trì Quốc gia; giúp Vua lo việc sơn hà; ơn lành bủa khắp thái hoà âu ca.

Anh hùng vung kiếm sa trường; chiến bào lưng ngựa bụi đường tung bay; chân trời góc bể vùi thây, máu hồng đổ xuống cho ngày hôm nay.

Nguyện cầu Quốc thái dân an; vinh quang trải khắp non ngàn biển xanh; Việt Nam dân tộc hùng anh, góp cùng thế giới thanh bình ấm no.

Sau mỗi đoạn sám cầu nguyện như vậy, hai vị Lãnh đạo chính quyền bước lên lần lượt rót trà; rượu; múc cơm, gắp bánh dâng lên lễ cúng một cách thành kính.

Tiếp theo là nghi thức cúng thí thực và lễ phóng sanh cũng diễn ra trang nghiêm với sự tham dự của đông đảo Phật tử.

Tháng giêng là tháng đầu của mùa xuân, nên vào ngày này thấy như muộn màng nhưng Thầy trò gặp nhau đầu năm, đệ tử vẫn phải mừng tuổi Thầy và Thầy không quên thực hiện tục lì xì ngày tết. Ai nấy đều hân hoan đón nhận bao lì xì đỏ, trong đó gửi gắm biết bao nhiêu lời chúc tốt lành, tràn đầy đạo lý trong năm mới.

Cuối chương trình của Đại lễ Cầu an là nghi thức Quy y cho gần 200 bà con nhân dân tại địa phương và huyện Nam Đàn

Buổi lễ kết thúc trong sự hoan hỉ của mọi người. Các bà con Phật tử ai cũng cảm thấy lòng mình thật thanh thản, nhẹ nhàng, quên đi những lo toan vất vả của cuộc sống thường nhật để hướng đến những điều tốt đẹp trong tương lai. Tất cả như mong muốn sự có mặt của mình nơi Lễ đàn cầu an đầu năm tại chùa Viên Quang được Đức Phật minh chứng, cộng với sức mạnh của hồn thiêng sông núi, để có một năm mới mang lại nhiều niềm vui, an lành và hạnh phúc trong cuộc sống của họ và cho mọi người. Đồng thời, ước mong chùa Viên Quang đang được trùng tu, phục dựng sẽ sớm hoàn thành, để ngôi chùa thiêng này trở thành nơi nương tựa tinh thần cho biết bao tâm hồn đồng bào Phật tử xứ Nghệ. Vì chùa là quê hương, chùa là tình thương xóm làng, nơi nào có chùa nơi đó có người hành thiện – tu thiện dẫn đến an lạc, hạnh phúc.

 

Một số hình ảnh về toàn cảnh Đại lễ Cầu an tại chùa Viên Quang – xã Nam Thanh – huyện Nam Đàn – tỉnh Nghệ An: