Vì chùa cháy lúc 4 giờ sáng nên ít ai chịu tin rằng chùa đã cháy, kể cả cơ quan chức năng PCCC. Cho tới khi mọi người đã tin rằng chùa cháy thật, thì bên trong gian chánh điện chỉ còn là đống đổ nát.
Pho tượng Phật bằng gỗ có tuổi thọ 400 năm bị cháy sém, và các pho tượng đất nung nổ vỡ… Chắc chắn, đàn dơi từ bao năm nay từng làm nên vẻ độc đáo kỳ lạ của ngôi chùa cũng bị một phen thất kinh. Những thiệt hại vật chất của ngôi chùa cổ này có thể tính được, nhưng lại không thể tính bằng tiền. Và không ai dám chắc rằng sau vụ cháy, đàn dơi hàng nghìn con có còn dám coi ngôi chùa là nơi ẩn trú an toàn?
Trong “vụ cháy văn hóa” này, nguyên nhân không khó tìm, nhưng sẽ rất khó chỉ ra những ai là người phải chịu trách nhiệm. Các nhà sư rõ ràng đã bất cẩn khi thắp quá nhiều ngọn nến lớn suốt đêm mà trong thời điểm nhạy cảm lúc trời gần sáng, khi tai họa xảy ra thì không ai kịp thức để ứng cứu. Lẽ ra, điều này là có thể cảnh báo được, nhưng đã không có cơ quan chức năng nào cảnh báo cho nhà chùa. Nhớ ngày xưa, cả bên Tàu và bên ta, vào tháng khô hanh lúc trời sập tối, trong những khu dân cư đông đúc luôn có người mang mõ cầm canh đi rao báo: “Tiết trời khô hanh, đề phòng củi lửa!”. Bao nhiêu năm qua rồi, không còn những người chuyên thức canh cảnh báo như thế nữa.
Nhớ dạo năm ngoái, một vụ cháy chợ kinh hoàng đã xảy ra ở chợ Lớn Quy Nhơn – Bình Định, trong khi lửa bốc cao dữ tợn thì những người có trách nhiệm bảo vệ chợ đang say xỉn la đà tận đẩu đâu, các cửa chợ bị khóa chặt khiến những người ứng cứu không sao vào bên trong chợ. Rồi khi xe chuyên dụng của lực lượng PCCC tới, chiếc thì bị “pan”, chiếc thì… khô nước. Cả thành phố Quy Nhơn đã bất lực nhìn khu chợ với tài sản hàng chục hàng trăm tỉ đồng của dân cháy tận lực cho tới khi cháy hết.
Chùa Dơi có quy mô nhỏ hơn, không có nhiều hàng hóa tài sản bên trong như chợ Quy Nhơn, nhưng những gì chùa chứa đựng là vô giá. Cháy chợ có thể xây lại chợ mới đàng hoàng hơn to đẹp hơn. Nhưng cháy một ngôi chùa cổ, một di tích văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia như chùa Dơi với những pho tượng Phật cổ mà giá trị không thể đo đếm bằng tiền, thì sự phục dựng hay trùng tu để “được như cũ” là không thể. Bao nhiêu tín đồ phật tử Khơ-Me và Việt Nam, cả những người yêu những ngôi chùa cổ những thắng tích văn hóa đã cảm thấy hẫng hụt trong tâm linh, vì từ nay họ không còn được chiêm bái ở một gian chánh điện vừa đượm vẻ linh diệu vừa ẩn chứa vẻ đẹp đầy xúc cảm như chánh điện chùa Dơi.
Không phải vô cớ mà đàn dơi – một loài vật rất nhạy cảm và có sóng siêu âm kỳ lạ – đã chọn chùa Dơi làm nơi ẩn cư, trú ngụ. Bởi không gian ngôi chùa này mang một vẻ thanh bình tuyệt diệu mà loài dơi hoàn toàn cảm nhận được. Với những di tích văn hóa, những ngôi chùa linh thiêng như thế này có lẽ cần những biện pháp bảo vệ đặc biệt. Tiếc thay, đã không có bất cứ sự bảo vệ hay sự cảnh báo thường xuyên nào từ các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ văn hóa. Trong cả nước bây giờ còn rất nhiều những di tích văn hóa và lịch sử, nhiều những ngôi chùa cổ vô giá như chùa Dơi.
Có lẽ, từ vụ cháy chùa Dơi, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch nên có những quy chế và những biện pháp cụ thể khả thi nhằm bảo vệ những thắng tích này. Đừng để phải ân hận như nỗi ân hận sau khi chùa Dơi đã cháy.