Tối qua, ngày 07 tháng 10 năm 2022 ( nhằm ngày 12/09 năm Nhâm Dần) tại chùa Đỏ( Linh Độ tự), phố Lê Lai, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng đã diễn ra buổi lễ Hằng thuận của đôi bạn trẻ, Tân lang: Bùi Tuấn Hưng (Pháp danh: Tự Phúc Quang) và Tân nương: Nguyễn Thị Kiều Hương (Pháp danh: Hiệu Diệu Minh).
Quang lâm tham dự và chứng minh buổi lễ có sự hiện diện của Đại đức Thích Trường Xuân – Trụ trì chùa Đỏ, trưởng Ban tổ chức buổi lễ, chư Tăng trong chốn trụ xứ, cùng đại diện hai bên gia đình nội ngoại, bạn bè, thân quyến của đôi tân lang, tân nương và đại diện các Phật tử đang tu học tại chùa Đỏ.
Trước khi tổ chức lễ hằng thuận, đại diện hai bên gia đình đã dâng lời tác bạch, thỉnh Chư tôn đức quang lâm chứng minh và cử hành nghi lễ hằng thuận cho đôi bạn trẻ, để đôi bạn trẻ được thượng thừa công đức Tam Bảo. Sau khi lắng nghe lời thỉnh cầu của đại diện hai bên gia đình, Đại đức trụ trì đã hứa khả quang lâm và chính thức cử hành nghi lễ hằng thuận cho đôi tân lang, tân nương.
Chính điện chùa Linh Độ được trang hoàng lộng lẫy
Tại chính điện, chư tôn đức chứng minh và đại diện hai bên gia đình, cùng quý Phật tử đã cử hành nghi lễ dâng hương, bạch Phật, cúng dàng Tam Bảo, cầu nguyện cho buổi lễ hằng thuận được diễn ra thập phần viên mãn. Trước khi chính thức diễn ra buổi lễ Hằng thuận, đôi bạn trẻ đã phát nguyện quy y Tam Bảo và được Đại đức trụ trì tác pháp quy y. Kể từ đây, đôi bạn trẻ đã chính thức có pháp danh và trở thành những người đệ tử của Đức Phật. Tân lang có pháp danh là: Tự Phúc Quang và Tân nương có pháp danh là: Hiệu Diệu Minh.
Đại diện gia đình dâng lời tác bạch thỉnh Chư tăng tổ chức lễ Hằng Thuận
Tại buổi lễ, đôi bạn trẻ đã được lắng nghe Đại đức Thích Trường Xuân huấn thị về đạo lý vợ chồng mà Đức Phật đã chỉ dạy trong kinh. Trong đó, có 5 điều Đức Phật đã dạy hàng phật tử tại gia về bổn phận của người chồng đối với vợ và gia đình bên vợ; Bổn phận của người vợ, đối với chồng và gia đình bên chồng để có một cuộc sống gia đình an vui, hạnh phúc. Vợ chồng, con cái trong một gia đình cần phải biết kính trọng nhau, giữ gìn và biết vun đắp cho nhau thì mới có thể bền vững được. Theo đó, Đức Phật đã chỉ dạy như sau:
5 điều người chồng cần phải thực hiện đối với người vợ:
1, Lấy lễ đối đãi nhau.
2, Oai nghiêm không nghiệt.
3, Cho ăn mặc phải thời.
4, Cho trang sức phải thời.
5, Phó thác việc nhà
Chỉ khi người chồng biết đãi, cư xử với vợ như vậy thì người bạn đời mới được yên ổn, không cần lo lắng điều gì cả. Người chồng tốt là phải đối xử tử tế với vợ, người chồng mặc dù có uy của mình nhưng không được cay nghiệt đối với vợ. Chỉ khi làm được điều này thì mới xứng đáng với lời Phật dạy.
Đôi tân lang và tân nương chắp tay thành kính đón nghe lời dạy của Đại đức trụ trì
Bên cạnh đó, người vợ cũng phải thực hiện 5 việc cung kính đối với người chồng:
1, Dạy trước.
2, Ngồi sau.
3, Nói lời hòa nhã.
4, Kính nhường tùy thuận.
5, Đón trước ý chồng.
Nếu người vợ giữ được 5 điều này thì người chồng sẽ không phải lo lắng gì cả. Ngoài ra, Đức Phật cũng dạy người chồng phải giao quyền hành cho vợ, và vợ được quyền giữ tài sản của chồng. Muốn gia đình hạnh phúc thì cả hai người phải thực hiện những điều trên để vun bồi cho tình cảm ngày càng gắn kết. Đại đức trụ trì cũng căn dặn đôi bạn trẻ về bổn phận của con cái đối với cha mẹ, cũng như bổn phận của cha mẹ đối với con cái và cách dạy dỗ con cái trong tương lai.
Đại đức trụ trì chia sẻ cùng đôi bạn trẻ về bổn phận của vợ, chồng trong kinh Đức Phật dạy
Dưới sự gia hộ của mười phương Chư Phật, dưới sự chứng minh của Chư tôn đức hiện tiền, đôi bạn trẻ đã cử hành nghi lễ tạ ơn Tam Bảo, lễ tri ân công sinh thành dưỡng dục thông qua nghi thức dâng trà mời cha mẹ. Cha mẹ của đôi tân lang, tân nương đã không khỏi xúc động khi thấy con cái mình trưởng thành và có lẽ đây cũng là lần đầu tiên cha mẹ được các con dâng chén trà tại chốn linh thiêng, trước sự chứng minh của chư tăng và sự hiện diện của bốn bên gia đình. Đây cũng là chén trà để con cái bày tỏ lòng biết ơn đối với hai đấng sinh thành đã cho các con có được hình hài, vóc dáng như ngày hôm nay.
Trước khi đôi bạn trẻ trao nhẫn cho nhau, Đại đức Thích Trường Xuân đã làm lễ gia trì, sái tịnh đôi nhẫn cưới và giảng cho hai bạn hiểu về ý nghĩa của đôi nhẫn cưới, chất liệu làm ra chiếc nhẫn, tính chất ( đặc tính ) của vàng, cũng như ý nghĩa của chữ “Nhẫn” đối với hạnh phúc gia đình. Trong đó, Đại đức nhấn mạnh đến 3 tính chất của vàng ròng. Đó là: tính trong sáng, tính bền chắc, và quý báu; tình cảm vợ chồng phải là tình cảm trong sáng, bền chắc, không bao giờ được phai nhạt, tình nghĩa vợ chồng phải luôn gắn bó, quý báu – Quý hơn tất cả những gì quý báu nhất trên cuộc đời.
Đôi bạn trẻ cùng gia đình chụp hình lưu niệm cùng Đại đức trụ trì
Đối với chữ “Nhẫn” trong đạo Phật cần được hiểu, đó là sự nhẫn nại, sự kham nhẫn, vợ chồng phải biết nhường nhịn, nhẫn nhịn nhau, tôn trọng nhau. Gia đình có được êm ấm, hạnh phúc hay không, phần lớn là nhờ vào sự nhẫn nhịn của người chồng và người vợ, không nên hơn thua, lời qua tiếng lại. Mặt khác, mỗi khi nhìn thấy chiếc nhẫn đeo trên tay sẽ nhắc nhở người vợ, người chồng phải biết nhường nhịn, nhẫn nhịn nhau.
Trong niềm hoan hỷ của toàn thể đại chúng, Đại đức trưởng Ban tổ chức đã trao những món quà chúc phúc đầy ý nghĩa nhân sự kiện trọng đại này.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận:
Thành Trung