Trang chủ Đời sống Từ bi và trí tuệ

Từ bi và trí tuệ

248

Chưa biết  nhà  sư là ai, ở chùa nào và cũng không biết liên hệ với người  phụ  nữ  là thế  nào, nhưng những người  Phật  tử, phần  đông sau khi đọc bản  tin đó trong  lòng đều không được thoải mái.

 

Bây giờ việc các nhà sư sở hữu một chiếc xe hơi, một chiếc xe gắn máy là chuyện rất bình thường. Thậm chí cả việc sở hữu một ngôi chùa. Thực ra, có những địa phương xa xôi hẻo lánh, dân chúng cần có một nơi để an trú tâm linh, việc có một ngôi chùa là một điều cần thiết. Chùa chiền thuộc về tôn giáo, nhà nước không thể nào lo đến, mà chính là việc của giáo hội hoặc những Phật tử hảo tâm. Không phải lúc nào giáo hội cũng có thể có phương tiện để hỗ trợ việc hoằng pháp, nên các vị tu sĩ phải phát tâm tự cáng đáng lấy. Có những vị Tăng đã phải hy sinh khá nhiều để có thể khởi công xây dựng một ngôi chùa ở những nơi chưa có. Phải xin thập phương cúng dường, hầu hết là vận động những Phật tử tự nguyện đóng góp tài sản và lao động. Không thể nào phủ nhận công lao của những vị đó, mặc dù ngôi chùa đó kể như là sở hữu của vị Tăng kia.

 

Xe cộ là phương tiện di chuyển rất cần thiết cho các vị tu hành trong việc hoằng  pháp. Không phải đi đến đâu để tụng kinh hộ niệm cũng đều được các Phật tử đưa đón bằng phương tiện của họ. Nhiều lúc các thầy phải chen nhau trong một chiếc xe lam chật chội, vì đó là phương tiện rẻ tiền.

 

Các thầy đi giảng dạy ở các trường Phật học thì nhất định là phải có một phương tiện cá nhân để di chuyển. Người tu hành không làm gì ra của cải, mọi phương tiện đều do sự cúng dường của Phật tử. Ngày xưa, lúc Đức Phật còn tại thế, Ngài cũng nhờ có ông Cấp Cô Độc là một cư sĩ giàu có giúp đỡ Tăng đoàn của Ngài vô số vật chất của cải để làm phương tiện cho việc hoằng pháp.

 

Bây giờ, nói đến Phật giáo không chỉ hạn hẹp trong phạm vi chùa chiền mà còn phải nói đến những trung tâm văn hóa, những trung tâm đào tạo Tăng Ni, những bệnh  xá từ thiện của giáo hội… vì vậy mà mọi phương tiện đều là nhu cầu không  thể  không  có được. Tất cả những tài sản đó, hầu hết đều do những  cúng  dường  của Phật tử. Ở nước ngoài, chùa chiền không phải như  ở nước  ta,  mà  còn  phải  chịu những chế độ chung của nhà nước về thuế má, tiền vay ngân hàng  để xây dựng… nên nếu không có sự cúng dường của Phật tử thì không thể nào hoạt động được. Cũng vì thế nên đôi khi trụ trì một ngôi chùa còn phải lệ thuộc vào những vị hộ pháp.

 

Tuy nhiên, không phải tất cả những Tăng Ni đều là những người đã có thể rũ bỏ được những cám dỗ ham muốn của tục lụy. Sự cúng dường dễ dãi của những Phật tử giàu có đôi khi là con dao hai lưỡi đưa một người tu hành vào con đường sai trái, muốn hưởng thụ tiện nghi vật chất và quên mất con đường tu học của mình. Nhiều vị Tăng Ni vẫn mong muốn có một ngôi chùa của chính mình, cho là một nhu cầu để việc tu tập được riêng tư, yên tĩnh. Nhiều vị khác vẫn muốn có một phương tiện riêng tư dù không phải là nhu cầu để hoằng pháp.

 

Vậy thì việc cúng dường cũng có hai mặt, mặt tốt là giúp phương tiện cho Phật giáo nói chung dễ dàng phát huy đạo pháp, ngược lại có mặt không tốt là vô tình làm hỏng việc tu học của một thiểu số Tăng Ni.

 

Một lần tôi đến Ấn Độ và leo lên núi Linh Thứu. Con đường bao quanh  sườn núi thoai thoải, thỉnh thoảng lại có những  bậc cấp để giúp cho những  người tham quan được dễ dàng  hơn.Vậy mà cũng  đã thấy ngút ngàn thở dốc.

 

Đúng trên đỉnh núi, giữa núi rừng trùng  điệp trời xanh mấy trắng và tưởng như nhìn thấy Đức Thế Tôn đang  ngồi thuyết pháp  giữa các vị đại đệ tử. Nơi đây không có một mái chùa che mưa nắng. Không biết Đức Phật và các đệ tử đã lên xuống nơi đây bao nhiêu lần và con đường lên núi đâu phải dễ dàng như bây giờ.

Nghĩ đến hình ảnh vị sa-môn đầu trần chân đôi dép cỏ, lê gót khắp cả miền Bắc xứ Ấn tìm đường giải thoát cho chúng sanh suốt bốn mươi lăm năm mà cảm khái. Càng nghĩ, càng thấy thương Đức Phật. Nhưng nói cho cùng, hồi đó làm gì có xe mà đi?

Theo Tạp chí Văn hóa Phật giáo