Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Tìm về “Bến Giác” từ thanh âm, vũ đạo

Tìm về “Bến Giác” từ thanh âm, vũ đạo

74

Nghệ thuật – “con thuyền Bát nhã” đưa Phật giáo vào đời sống

Ở Việt Nam, Phật giáo đã tồn tại hơn hai ngàn năm, và ngay thời đầu các vị sư hoằng pháp đã lấy âm nhạc làm nghi lễ. Từ triều đại nhà Lý (1009-1225), lễ nhạc Phật giáo đã được sử dụng phổ biến trong các khóa lễ và một số lễ hội, có ảnh hưởng đến cả âm nhạc cung đình thời đó. Với thời gian, âm nhạc nghi lễ trong Phật giáo ngày càng phong phú.

Đến những thập niên đầu thế kỷ XX, âm nhạc Phật giáo đã đến được với công chúng rộng rãi hơn thông qua hình thức Tân nhạc, là loại nhạc bắt đầu hình thành ở nước ta do ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây. Âm nhạc Phật giáo đã mở rộng dần ra ngoài phạm vi lễ nhạc truyền thống, vốn chỉ được dùng trong các khóa lễ, để đến với công chúng rộng rãi, thông qua những tác phẩm âm nhạc Phật giáo kể cả thanh nhạc cũng như khí nhạc. Nhiều nhất là những ca khúc Phật giáo phản ánh đời sống an lạc, giải thoát, tinh thần thoát tục, tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên.

Sự kiện được đánh giá là mốc biến chuyển mới phải tính từ năm 2008, với thành công của Đại lễ nhạc – Phật Đản VESAK 2008 – một chương trình ca múa nhạc Phật giáo trình diễn đầu tiên trong số các chương trình phục vụ đại biểu quốc tế trong thời gian Đại lễ Phật Đản LHQ tại Hà Nội, được tổ chức tối 14/5/2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Thành công đêm diễn đã góp phần không nhỏ vào việc tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2008 mà Việt Nam rất vinh dự đăng cai tại thủ đô Hà Nội.

Kể từ đó, một phong cách dàn dựng chương trình ca múa nhạc Phật giáo thực sự mang tính chuyên nghiệp đã lần lượt xuất hiện trên các sân khấu từ Bắc vào Nam. Nhiều chương trình Ca Múa Nhạc Phật giáo như: “Âm hưởng Phật giáo mừng Phật Đản”, “Vu Lan đồng vọng”, “Diệu Pháp âm”, đặc biệt là “Hương sen màu nhiệm”… rồi các chương trình Ca Múa Nhạc Phật giáo “Diệu âm Hoằng Pháp” (của Chùa Hoằng Pháp với sự tham gia của các nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, Quang Linh, Cẩm Ly, Hoài Linh, Bảo Quốc v.v.) và gần đây nhất là những chương trình chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII vừa qua tại Thủ đô Hà Nội: “Đạo pháp và dân tộc”,  “Việt Nam Phật tâm ca”, “Trở về nguồn cội” đã thật sự được đầu tư, dàn dựng công phu, hoành tráng, có ý tưởng, chủ đề rõ ràng. Đó cũng chính là tâm sức đóng góp của biết bao Tăng, Ni, Phật tử và thiện nam tín nữ trong cả nước.

Những chương trình Ca Múa Nhạc Phật giáo chuyên nghiệp này chính là những phương tiện hoằng dương Phật pháp, hoằng pháp lợi sinh, đem Phật giáo thể nhập vào đời sống, đem an lạc cho hết thảy chúng sinh trong cuộc đời này. Là một trong những phương tiện hoằng pháp hữu hiệu, góp phần không nhỏ trong việc làm phong phú thêm Pháp Phật, phù hợp với sở thích, trình độ và căn cơ của mỗi người để lấy đó làm phương tiện giáo hóa chúng sinh.

Những chương trình nói trên đã thành tựu viên mãn, để lại dư âm trong lòng mỗi Phật tử, mỗi con người, gần gụi, thiết thực, đáp ứng sở thích của nhiều người, dẫn dắt họ vào những bài học cơ bản của đạo Phật về lòng từ bi, thuyết nhân quả, thiện, ác, nghiệp báo… Đó là dư âm vang vọng trong lòng người nghe trước hình ảnh của các nghệ sĩ hòa quyện cùng những bóng áo nâu sồng thầm lặng với chí nguyện và lý tưởng đem Đạo vào đời. Các chương trình đó là những Phật sự nhằm mục đích phổ cập đạo Phật, là nơi các nghệ sĩ chung tay cùng quý Thầy trên con đường hoằng pháp.     

Sự hội tụ của tài năng và tâm hướng Phật       

Trở lại với Chương trình “Việt Nam Phật tâm ca” – Đây là một chương trình nghệ thuật đặc sắc và phong phú, bao gồm cả ca khúc, hợp xướng, múa… tất cả diễn ra trên một sân khấu trang trí đẹp, hoành tráng, với những phương tiện kỹ thuật âm thanh, ánh sáng hiện đại: một màn hình Led màu sắc phong phú, ba chiều, luôn chuyển  hóa theo nội dung tiết mục làm cho những bài ca điệu múa do các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ dệt nên bằng tâm những người con Phật, vang lên với trái tim tràn đầy yêu thương và lòng thành kính, dâng lên Tam Bảo, càng thêm lung linh, huyền ảo, hòa chung trong không khí long trọng, phấn khởi, ấm áp, nồng nhiệt chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII.

Màn hợp xướng mở đầu với bài Thế Tôn ca của Trần Mạnh Hùng đã chuyển tải được vẻ tôn nghiêm, ngời sáng của hình ảnh đức Thế Tôn và cũng chứa đựng những tâm tư, tình cảm, lòng kính ngưỡng của Phật tử và đông đảo công chúng thời nay với Người: “…Phật là ánh sáng bao dung muôn loài, là bậc Chính giác thiêng liêng đời đời, Phật là thương yêu từ bi giải thoát, Phật là nắng ấm quê hương thanh bình,…”. Có thể nói hình thức hợp xướng do nhiều giọng ca nam nữ cùng hòa đồng trong một âm thanh trang nghiêm, thành kính, với những chỗ vút cao sâu lắng đã thực sự phù hợp với việc chuyển tải tấm lòng hướng Phật của con người đương đại thời nay.

Chùm 3 ca khúc mở đầu là Hương thu ca (sáng tác: Cù Lệ Duyên, trình bày: Thành Lê), đem người nghe hòa vào không gian lãng mạn thời đầu Tân nhạc với trời mây lãng đãng, nắng vàng ngập tràn, tiết nhịp khoan thai, bình lặng lững lờ trôi của dòng suối Yến, đưa hồn du khách hành hương đến với không khí thiêng liêng của miền đất Phật Hương tích; Từ Đàm quê hương tôi (sáng tác: Nguyên Thông) là bóng dáng ngôi chùa Từ Đàm, nơi sớm hôm chuông chùa nhẹ rung, nơi vang vọng tiếng muôn đời tổ tiên kiêu hùng trong bóng dáng ngôi chùa quê hương cổ kính. Rồi đến Tiếng chuông trên đảo Trường Sa (nhạc: Cù Lệ Duyên, lời: Thượng Tọa Thích Minh Hiền), do Phúc Tiệp, Duyên Huyền và tốp ca biểu diễn.

Chính ở đây, tâm hồn tôi đã xúc động mạnh mẽ trước sự gắn kết của Đạo với đời, vì cả đến những miền đất xa xôi của Tổ quốc, nơi sóng gió muôn trùng, nơi tiền đồn thiêng liêng của đất nước, thu hút tình thương yêu đùm bọc của hàng triệu người Việt Nam, thì ở đó cũng có tiếng chuông chùa ngân vang, cũng có sự soi rọi của ánh sáng huyền diệu nhiệm mầu của đạo Phật.

Với bài hát Lạy Phật Quan Âm (sáng tác: Hàn Châu), ca sĩ Quang Hào và nhóm múa Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã đưa người nghe đến với hình ảnh của Bồ Tát Quan Thế Âm. Người là hiện thân của lòng Đại Từ – Đại Bi, Người đã phát đại nguyện thực hiện đại bi cùng tận để cứu độ chúng sinh trong đời quá khứ, hiện tại và vị lai, cho đến lúc không còn một chúng sinh nào đau khổ trên cõi nhân gian này nữa Người mới nhập Niết Bàn…

Nổi lên trong chương trình là màn múa đương đại với tên gọi Bến Giác (âm nhạc Quốc Trung, biên đạo múa Hồng Phong), do tập thể các nghệ sĩ múa Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trình diễn. Với ngôn ngữ múa đương đại,  điệu múa đưa người xem trở lại thời kỳ hỗn mang, khi con người còn chìm đắm trong bến mê của những dục vọng bản năng, khi nhân thế còn trầm luân trong bể khổ của sự vô minh. Bỗng một ngày, sau những thăng trầm của kiếp luân hồi, bỗng thánh thót ngân vang tiếng chuông Bát Nhã. Con người chợt bừng ngộ, trở về với chính niệm. Những âm thanh tụng kinh vang dần, vang dần lên, như những đợt sóng lan tỏa xa mãi, xa mãi, đưa con người đến bến bờ của sự Giác ngộ. Ngôn ngữ múa tuy mang tính hình tượng, nhưng đã trở nên dễ hiểu, thấm đượm tinh thần Phật pháp thông qua âm nhạc, nhất là qua tiếng chuông thánh thót, tiếng mõ trầm đục, tiếng Nam mô thành kính, như những đợt sóng cuốn hút tâm hồn con người hướng Phật, giải tỏa những khổ đau mà kiếp người còn mang nặng.

Chương trình còn tiếp diễn với những tiết mục đặc sắc của gia đình Phật tử Anh Quân – Mỹ Linh – Anna, để kết thúc chương trình với ca khúc Vang vọng ngàn năm, sáng tác của Anh Quân do các ca sĩ Tùng Dương – Mỹ Linh thể hiện, và màn hợp xướng trình diễn với ca khúc Việt Nam Phật tâm ca (sáng tác Cù Lệ Duyên).

Ấn tượng mạnh mẽ nhất mà tôi cảm nhận được qua chương trình Việt Nam Phật tâm ca chính là sức mạnh hoằng pháp của nghệ thuật, đặc biệt là của âm nhạc, hiển hiện qua tài năng và tâm hướng Phật của những tác giả âm nhạc, của những nghệ sĩ biểu diễn. Theo tôi, đẹp nhất trong nghệ thuật là sự chân thành, sự rung động thực sự của con tim những người sáng tạo và ở  đây, họ còn đạt được sự thấu hiểu ánh sáng Phật pháp, và truyền đạt được cho người nghe cùng cảm nhận.

Có thể lấy trường hợp nhạc sĩ Cù Lệ Duyên làm thí dụ. Chị vốn là một nhà giáo, một Tiến sĩ nghệ thuật học, dường như chỉ chuyên đi vào lĩnh vực lý luận âm nhạc. Tất nhiên, chị cũng có “gien” sáng tạo của cụ thân sinh ra chị – nhà thơ Cù Huy Cận – nhưng phải nói chị viết đến với mấy chục ca khúc về đề tài Phật giáo cũng chính là cái duyên Phật độ mà có được những thành công nhất định trong lĩnh vực sáng tạo. Người nghe thấy được tâm hướng Phật từ ngay những sáng tác của chị.

Cùng với những chương trình Ca Múa Nhạc Phật giáo đã có từ Nam ra Bắc, chương trình ca múa nhạc Việt Nam Phật tâm ca một lần nữa cho thấy khả năng to lớn của việc hoằng dương Phật pháp bằng phương tiện văn hóa nghệ thuật, như Thượng Tọa Thích Minh Hiền – Phó ban Văn hóa Trung Ương GHPGVN, đã từng nhận định : “…Lấy âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh làm một trong những phương tiện hoằng pháp, tất cả đều vì mục đích đem ánh sáng Phật pháp đến với mọi tầng lớp quần chúng, từ giới trí thức đến những người lao động chân tay để mọi người cảm thụ rằng âm nhạc Phật giáo đã có, đang có, và sẽ phát triển theo đúng tinh thần hoằng pháp lợi sinh…” .