Chứng minh và tham dự có HT.Thích Trí Tâm – thành viên HĐCM. Trưởng Ban Nghi lễ TƯ, Phó Ban trực Ban Trị sự Phật giáo Khánh Hòa, HT. Thích Quảng Thiện- Ủy viên HĐTS, Phó BTS kiêm Trưởng Ban Từ Thiện xã hội Khánh Hòa, HT.Thích Minh Khai, HT. Thích Như Minh và chư Tôn đức các tự viện tông phong Tổ đình Nghĩa Phương , Đại đức Thích Tâm Hiếu và Ban kính sư cùng đông đảo đồng bào Phật tử tham dự.
Đại biểu chính quyền có lãnh đạo Phòng Văn hóa thành phố Nha Trang, Chủ tịch UBND phường Ngọc Hiệp, Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc VN phường các ban, ngành ở địa phương.
Tại buổi lễ Trú trì chùa Đào Viên, Thầy Thích Như Đông đã cung tuyên tiểu sử Tổ Khai sơn. Theo đó, Chùa Đào Viên do Đại sư Thích Hoằng Tín thuộc đời 44 dòng Lâm tế Chánh Tông khai sơn. Ngài người Phú Yên, năm 1919 (Kỷ Mùi), Tổ sư đến vùng đất mới thôn Lư Cấm, Ngọc Hiệp khai phá gò đất hoang cất am tranh tu hành. Chùa thờ Quan Thánh và thờ Mẫu Thiên Y A Na, dựa theo câu chuyện vườn đào kết nghĩa của ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi nên Tổ Khai sơn an danh là chùa Đào Viên, người dân địa phương còn gọi là chùa Ông. Nhân ngày Khánh thành tháp Tổ, bổn tự cũng đã tổ chức khánh thành điện Mẫu Thiên Y-A-Na, Bà Mẹ xứ sở Khánh Hòa.
Sau gần một thế kỷ hành đạo, chùa Đào Viên từ một mái am tranh đến nay thành ngôi Tam bảo huy hoàng. Đào Viên chẳng những là nơi hướng dẫn Phật tử tu nhân, hướng thiện, học tập giáo lý Phật đà tìm về bến giác mà còn là phòng thuốc từ thiện, làm thuốc chữa bệnh cứu người đồng thời là cơ sở cách mạng luôn đồng hành cùng người dân Lư Cấm anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Theo quyết định số 2866/QĐ.UBND ngày 11-11-2009, của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc xếp hạng chùa Đào Viên: Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.
Đúng là:
Đào hoa khai chánh mậu, đốn tiệm tam thừa đạo dẫn hàm linh đăng giác địa.
Viên chi quang ngọc diệp, quyền thiệt vô biên huề tiếp tứ sanh thủ nê hoàn.
Lễ Khánh thành tháp Tổ và Khánh thành, an vị điện thánh Mẫu Thiên Y-A-Na nhân húy nhật Tôn sư, đệ nhị Trú trì thượng Không hạ Long tự Trí Thanh hiệu Huệ Hải thực hiện theo nghi lễ truyền thống: Lễ Niêm hương, sái tịnh, bạch Phật, Nhiễu tháp, thượng phang, Khai kinh, Tiến Tổ, An vị Mẫu, dâng lễ Mẫu và hát chầu văn…
Chương trình khép lại với lễ Chẩn thí âm linh, cô hồn, chiến sĩ trận vong đồng bào tử nạn, cầu cửu huyền thất tổ siêu thăng, cầu âm siêu dương thái.