Sau khi gập trang sách lại, người viết bài này nhớ đến sự viên tịch của sư bà Thích nữ Như Phụng lúc 79 tuổi, trụ trì chùa Pháp Vân tỉnh Đồng Nai. Sáng ngày 22/04/2009 (âm lịch) năm Kỷ Sửu, sư bà trong Pháp phục chỉnh tề, đứng giữa hàng đại chúng dẫn thỉnh Pháp Sư đăng Đàn cùng trên 200 chư Ni và Phật tử khai thị giữa tiếng chuông trống, kiền chùy , bỗng mọi người thấy một luồng gió thơm lan toả trong chánh điện rồi phát hiện sư bà từ từ cúi đầu thấp xuống trước ngực an nhiên thị tịch trong tư thế phu tọa.
Ông Trần 83 tuổi, ngụ tại 47/24/9A Bùi Đình Túy, F 24, Q. Bình Thạnh. Ông Thiền định trên 30 năm. Năm 2011 ông thọ 83 tuổi bị bệnh nằm trên giường không nói được. Ông ra hiệu cho con gái lấy giấy bút, ông ghi vào giấy “10 giờ sáng ngày 25/12”. Cả nhà chẳng hiểu gì, sau khi ông chết đúng vào giờ, ngày, tháng như ông đã viết mới “à ra” là ông đã biết trước ngày giờ ông ra đi. Gia đình ông tổ chức tang lễ trong không khí hoan hỷ, không ai than khóc. Con cháu, ai cũng mừng ông đã được ra đi thanh thản. Nhờ thiền định nên ông Trần đã biết đước chính xác giờ, ngày, tháng vĩnh biệt gia đình của mình.
Do vậy đọc “Bardo bí mật nghệ thuật sinh tử” mới thấy cuốn sách trong tay tôi giá trị nhường nào. Tìm và hiểu rồi thì cái chết không còn là những bí mật trước nỗi lo sợ nữa. Bardo chính là cuộc sống hiện tại – trung gian giữa sống và chết, là từng phút, từng giây của mỗi người sống trên cõi trần liên quan đến cái chết như thế nào.
“Bardo Nghệ thuật và Bí mật Sinh tử” do đức Pháp vương Gyalwang Dukpa viết. Với 7 Chương – 8 phần trong cuốn sách, đức Pháp Vương diễn tả đến từng chi tiết một cách dễ hiểu những bí mật mà chúng ta chưa hề biết về giấc mộng trong cuộc sống và cái chết. Tháng tháng, năm năm trôi qua, chúng ta bị một kho phiền não, một rừng ô nhiễm che chắn sự tỉnh thức nên không nhận ra.
Tiến sĩ Stuart Hameroff – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ý thức của trường Đại học Arizona ở Mỹ và nhà vật lý Roger Penrose người Anh có giả thuyết mới về ý thức con người đều nằm trong những ống siêu nhỏ trong tế bào não. Khi cái chết cận kề, các lượng tử trong các ống này không tiêu hủy mà chỉ rời cơ thể quay về vũ trụ. Theo quan điểm tâm linh nghĩa là linh hồn còn mãi, có thể lên Chư thiên hoặc xuống địa ngục, tùy theo khi đương thời cái tâm con người thiện hay ác thế nào.
Trong Chương V – Phần Duy tâm, mục Vạn pháp duy tâm đạo, nói: “Không có gì không sinh ra từ tâm, một vị Phật giống như tâm của chúng ta, chúng sinh hữu tình giống như chư Phật. Do đó không có sự khác biệt nào ở trong tâm, chư Phật và chúng sinh đều có khả năng tạo ra vạn Pháp”.
Hoặc: “Tất cả những nguyên nhân, điều kiện tương tác với nhau, đan sen chằng chịt với nhau đều tồn tại ở trong tâm chứ không phải nơi nào khác”.
Mọi điều phải trái, xấu, tốt của chúng ta làm đều do tâm của mỗi chúng ta sử. Ví dụ: Muốn trưởng dưỡng trí tuệ thì phải biến tâm từ bi, tình yêu thương thành hành động cụ thể. Đó là trí tuệ, là động cơ thiết yếu đi đến giác ngộ.
Pháp Vương cũng phân tích rõ ý nghĩa của Tam thân Phật, là: Pháp thân – báo thân (là tinh túy của Pháp) – Hóa thân (là tính túy của Tăng đoàn Phật pháp, các bậc Không hành Hộ pháp). Tất cả đều là tinh túy của Ba quy y: Phật – Pháp – Tăng. Để chứng đạt được Tam thân Phật đó chính là Bồ đề tâm. Các Chư Phật và các Chư Thượng luôn thị hiện nhiều sắc tướng trong hình thức báo thân, Hóa thân hoặc Hóa thân, chừng nào chúng sinh còn trầm luân trong biển khổ thì các Ngài vẫn không ngừng thị hiện đánh thức tiềm năng tâm linh vốn có sẵn từ bi, trí tuệ trong mỗi chúng sinh. Đó không phải là trìu tượng trên con đường phát triển tâm linh trong đạo Phật, mà là sự chuyển hóa sâu sắc hướng đến giác ngộ của mỗi chúng sinh.
Trong phần Bardo tam thân. Pháp vương nhấn mạnh tỉnh giác trong thiền định (Bardo thiền định). Thông qua thiền quán dần dần có thể nhập Pháp thân, là thực tại của vạn pháp, là chân như của thế giới và toàn bộ vũ trụ. Đối với con người bình thường thì giai đoạn ánh sáng Pháp tính diệu minh thường trụ của cái chết, cũng có thể xẩy ra trong khi ta đang ngủ. Những người bình thường không thể tạo ra các giai đoạn tuần tự đi đến cái chết, nếu không tu tập trên con đường giác ngộ. Các vị yogi nhờ thực hành thì mới tạo dụng được năng lượng trong cuộc sống, dễ dàng vượt qua giai đoạn Bardo cận tử.
Hầu hết chúng sinh là phàm trần có những nhận thức bị vô minh đi ngược với chân lý một cách hệ thống đã che lấp trí tuệ. Vì vậy, mỗi khi có người thân trong gia đình chết là họ ‘sốc”, thương tiếc, khóc than mà trước đó không hành trang gì cho con đường đi đến cái chết, nếu hiểu bản chất cuộc sống là một giấc mơ thì mới hóa giải nỗi khổ của mỗi cái chết.
Pháp vương viết: “Khi họ sốc về cái chết của mình thì tôi lại thấy sốc vì họ – thật là một nghịch cảnh”.
“Bardo bí mật nghệ thuật sinh tử” là sẽ giúp mỗi chúng ta hãy thông minh khi còn sống và tỉnh thức khi nghĩ đến cái chết. Pháp Vương nhắc nhở:
“…Trong giai đoạn cận kề cái chết, bạn không thể mang theo bất cứ cái gì đi cùng, kể cả thân xác của chính mình. Thân thể hư hoại bị bỏ lại mà chỉ có thể mang đi theo là những thiện nghiệp, công đức hoặc những ác nghiệp bạn đã tích lũy khi còn sống. Chỉ duy nhất nghiệp, những tạo tác của thân – khẩu – ý dù tốt hay xấu đều phải mang đi theo, ngoài ra không còn gì khác”.
Pháp Vương Gyalwang phân tích tiến trình đi đến cái chết không chỉ khía cạnh về tâm linh mà còn phân tích rất khoa học về khí và sự tan rã của trong cơ thể trước khi chết.
Cơ thể con người được thiết lập trên cơ sở tứ đại. Sự phân ly đầu tiên diễn ra từ phổi. Ta cần có hai loại khí: Là khí nghiệp và khí trí tuệ. Hầu hết chúng ta chưa có khí trí tuệ là giai đoạn đầu của bardo cận tử. Khí hư hoại, năm luân xa (chakra) bị rối loạn theo giống như quả bóng bay bị xẹp vì không còn khí. Ví như con kiến trước khi chết cũng trải qua tiến trình tương tự. Do vậy con người và con kiến chết đều giống nhau vì chưa có sự tu tập để hành trang cho cái chết. Khi sống là cơ hội thứ nhất cho ta biết tu tập để biết khi nào chết, đó là đại nhân duyên đừng nên bỏ qua sẽ bỏ lỡ cơ hội thứ hai để chuẩn bị cho cái chết mà tiếp nhận luôn cơ hội thứ ba là không còn tỉnh thức, xỉu đi từ từ trong đau đớn.
Cuộc sống vận hành trôi chảy, giống như bánh xe lăn mãi không ngừng. Đó chính là vòng luân hồi, không điểm đầu cũng không có điểm cuối. Đó chính là lý do tại sao đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chọn biểu tượng của Phật giáo là… bánh xe.
Trong mục Trải nghiệm Pháp thân để siêu việt Bardo sinh tử, Pháp Vương viết: “Đối tượng để tịnh hóa bằng Yoga tâm tịnh quang là một chuỗi sự kiện cuộc đời của chính hành giả… bao gồm tất cả các giai đoạn Bardo từ khi sinh ra cho đến khi chết, những lúc thức cũng như trong lúc ngủ, từ khi chết cho đến khi tái sinh. Toàn bộ vòng luân hồi trong những kiếp kế tiếp nhau được tịnh hóa bằng cách thực hiện Yoga tâm tịnh quang… Đó là kết quả quá trình tịnh hóa có thể đạt được hóa thân Tulku đem niềm an vui chân thật đến hữu tình chúng sinh, đánh thức tiềm năng tâm linh vốn đã sẵn từ bi – trí tuệ trong mỗi con người”.
Một pho kiến thức mà Pháp Vương nói trong 450 trang sách “Bardo bí mật nghệ thuật sinh tử” là những huyền học, khoa học cổ xưa hay mục đích cung cấp kiến thức vô song cho cuộc đời mỗi con người ? Bạn hãy đọc và tự suy ngẫm.
Sáu Yoga của Naropa, Yoga nội hỏa, Yoga Huyễn thân, Yoga Mộng, Yoga Bardo, Yoga chuyển tâm thức, Yoga chuyển thức mãnh liệt… đều được Pháp Vương giảng thâm sâu từng dòng, từng ngữ. Những chương và những mục tiếp theo càng đọc càng hấp dẫn, càng thiết thực cho đời sống của tôi và chúng ta. Tất cả là nhân duyên, nghiệp báo, luật nhân quả đều liên quan đến phong cách sống như thế nào để đi đến hiệu quả cách chết, nó không ở đâu xa mà ở quanh chúng ta, ở ngay trong bản thân mỗi người. Vì chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến khoa học của chữ “Nghiệp”, chính là năng lượng cơ bản nhất chuyển nghiệp, cải thiện nghiệp chướng, là giá trị tinh thần được coi như minh triết trong đời sống, là văn hóa bí truyền như yoga, thiền định, phép dưỡng sinh như một phương pháp chữa bệnh.
Phần cuối cùng của “Bardo bí mật nghệ thuật sinh tử” là chương Giới thiệu về Phowa – Chuyển di tâm thức – Hộ niệm người lâm chung và Nghi lễ cầu siêu Quán đỉnh Changwa. Đây là những mật Pháp mà từ lâu nhiều người đã tốn kém tiền bạc sang Tây Tạng hoặc Nepal cầu thỉnh các Thượng sư truyền dạy.
“Bardo bí mật nghệ thuật sinh tử” thực sự chuyển tải những kiến thức sống vô giá đúng nghĩa với tên của cuốn sách. Giá trị của “Bardo bí mật nghệ thuật sinh tử” không phải là giá tiền, không phải là số trang mà là một báu vật trong kho tàng mật Tạng tỏa ánh huyền bí trên từng trang sách, soi dọi vào trí não người đọc mở mang cánh cửa tâm hồn tẩy trần dần bám chất từ lâu nay tưởng chừng khó phương thuốc nào cứu chữa.
Hãy sống và làm như “Bardo bí mật nghệ thuật sinh tử”, bạn sẽ sống đẹp hơn trong mắt người đời cho đến khi “trở về suối mơ” vẫn làm cho những người thân an vui thường lạc.