1. Tại sao không nên ăn tối?
Tôi đã không hỏi câu hỏi này trước khi bỏ ăn tối, chỉ đơn giản xuất phát từ lòng tin vào Đức Phật mà tôi bỏ. Bỏ xong tôi mới nghiên cứu, hơi ngược nhưng dù sao thì cũng có thể trả lời thế này:
– Không ăn tối giúp chúng ta khỏe hơn.
– Không ăn tối giúp chúng ta đẹp hơn, không bị tích mỡ.
– Không ăn tối giúp chúng ta minh mẫn hơn.
– Không ăn tối giúp chúng ta hướng thượng hơn.
– Không ăn tối giúp chúng ta có nhiều thời gian hơn.
– Không ăn tối giúp chúng ta tiết kiệm được tiền bạc.
– Với người tu Phật, không ăn tối là điều nên thực hiện.
Đây là điều mà bao giờ tôi cũng bị phản đối khi người khác biết tôi không ăn tối, ít nhất trong đầu mọi người thì tôi là người không bình thường. Bữa tối thường được coi là bữa ăn chính, là lúc mà cả gia đình quần tụ, cả ngày làm việc mệt mỏi, tối là lúc nạp năng lượng, thế mà không ăn thì lấy đâu ra năng lượng. Chưa kể tới chuyện, bỏ ăn tối thì nhà hàng, khách sạn, quán ăn “đóng cửa hết à”.
Thực ra, nếu phải trả lời cho câu hỏi “tại sao?” thì đa số những người đưa ra những ý trên sẽ nhanh chóng đi vào ngõ cụt. Ví dụ tại sao lại phải ăn tối, tại sao ăn tối lại mang lại năng lượng, tại sao ăn lại mang lại năng lượng, quá trình tiêu hóa, dị hóa thế nào để có năng lượng, năng lượng nhận được và năng lượng mất đi để tiêu hóa thức ăn thế nào, v,v.
Ăn là cả một quá trình vô cùng phức tạp, từ việc nhai thức ăn đã được chế biến, việc tiết nước bọt để “tiền xử lý” thức ăn; việc nuốt và đưa thức ăn xuống dạ dầy; việc thức ăn đã được nhai nhỏ và thấm nước bọt được “đốt” bằng axit trong dạ dầy và được nghiền, bóp; việc thức ăn được đẩy xuống tá tràng để được thấm mật , dịch tụy và các enzim (men) tiêu hóa khác rồi đẩy vào ruột non, tiếp tục được nghiền mịn bằng cơ chế tinh vi trong ruột; việc các chất bổ được chuyển qua các mao mạch vào máu, đẩy lên gan để tảy độc và về tim, từ đó theo động mạch đi nuôi cơ thể; việc chất bã được đẩy xuống ruột già rồi chuyển xuống tích lại thành phân, rồi đẩy ra ngoài…
Đây là cả một quá trình vô cùng phức tạp, và cơ thể rất cần có năng lượng để chuyển hóa thức ăn thô thành chất bổ dưỡng. Và không chỉ cần năng lượng, một loạt tuyến nội tiết được kích hoạt để thực hiện quá trình tiêu hóa và dị hóa, bắt đầu từ các tuyến gan, tụy, mật, thượng thận cho tới các tuyến cao cấp hơn như tuyến tùng rồi vùng dưới đồi. Cả một bộ máy khổng lồ được huy động để ăn. Rồi sao? Rõ ràng là bạn đã làm xong hết việc vào ban ngày rồi mà, tại sao không nạp trước và trong khi làm việc, trong ngày làm việc, mà làm xong rồi lại cần năng lượng?
Rồi chưa hết, đã mệt mà còn cần năng lượng để tiêu hóa, còn năng lượng làm ra thì lại chưa cần dùng tới. Rõ ràng tối nếu bạn nghỉ và ngủ, thì đâu cần nhiều năng lượng thế. Sáng mai mới cần, còn tối ngủ rồi đâu cần, không cần mà cứ ăn vào thì nó sẽ ra cái gì?
Đấy là chỗ cần phải bình tĩnh đặt câu hỏi tại sao?
– Bất hợp lý thứ nhất là đang mệt mà lại làm mệt hơn vì phải ăn.
– Bất hợp lý thứ hai là chưa cần năng lượng mà lại nạp.
Bạn sẽ nói là chưa cần thì mai cần.
Tôi sẽ nói là nếu mai cần thì sao không ăn vào buổi sáng?
Bạn sẽ nói là sáng tôi bận, không ăn đủ.
Tôi sẽ hỏi là tại sao bạn lại bận.
Bạn sẽ nói là tôi muốn ngủ nhiều hơn.
Tôi sẽ hỏi tại sao bạn lại phải ngủ nhiều?
Bạn sẽ trả lời là tôi phải ngủ đủ 8 tiếng.
Và tôi sẽ hỏi là tại sao 8 tiếng mới là đủ mà không phải là 7 là 6 hay là 5? Câu trả lời của bạn là gì? Tôi chắc là bạn sẽ rất khó mà trả lời câu hỏi này.
Tại sao phải ngủ nhiều thế nhỉ , hay là …
Đúng, do ăn tối nên phải ngủ nhiều.
Do ăn tối nên cơ thể không thể đi vào trạng thái nghỉ ngơi và tập trung xử lý các phần việc mà chỉ có thể làm được khi cơ thể được ngủ. Do phải hoạt động, mà là một hoạt động nặng nhọc là tiêu hóa thức ăn thô, nên giấc ngủ không ngon, mà giấc ngủ không tốt, thể hiện qua mơ nhiều, ngủ dậy miệng đắng và mệt mỏi sẽ khiến giấc ngủ phải kéo dài thêm.
Do ăn tối nên phải ngủ nhiều hơn, tốn thời gian hơn và ngay bản thân giấc ngủ cũng không mang lại sự thoải mái mong muốn. Đó là chúng ta chưa bàn sâu về khía cạnh tinh thần của một giấc ngủ không chất lượng.
Không chỉ có thể, thức ăn được nạp vào buổi tối và chỉ được sử dụng vào ngày hôm sau, sẽ buộc phải dự trữ ở dạng mỡ… và bạn sẽ có một cái kho để chứa “nguyên liệu tinh” ở bụng, ở đùi… nôm na là bạn sẽ béo.. sẽ tăng cân. Và ăn tối càng muộn thì càng nhiều mỡ.
Trước khi đi vào phân tích tại sao không ăn tối khiến người ta thông minh hơn, chúng ta hãy thử nghiên cứu cơ chế này một chút.
Bạn có để ý là ăn no xong thường thấy mí mắt nặng xuống, đặc biệt là nếu không bận làm gì ngay, thì chúng ta rất dễ buồn ngủ. Tại sao vậy? Nếu để ý thêm chút nữa, thì ăn càng no, thì càng dễ buồn ngủ.
Cũng không phải khó hiểu lắm nếu chúng ta có ít kiến thức về nội tiết. Buồn ngủ là do do tuyến tùng, một tuyến nội tiết nằm trong đầu, tiết ra một loại hormone tên là melatonin, chất này sẽ tác động tới các tế bào đích trong não và cơ thể, khiến các tế bào này giảm khả năng hoạt động. Nôm na là ép các tế bào này nghỉ, để dồn năng lượng cho hệ thống tiêu hóa, vốn đang rất cần năng lượng để tiêu hóa thức ăn thô. Melatonine sẽ khiến chúng ta buồn ngủ, giảm trương lực cơ, mí mắt trùng xuống.
Khi buồn ngủ chúng ta có nghĩ được không, có minh mẫn không?
Nếu thường xuyên nhận một liều lượng chất an thần như vậy, liệu có thông minh không?
Bạn ăn tối, sau khi ăn, bạn nhận được một liều melatonin, mà đúng ra không phải nhận… Vài tiếng sau, khi bạn đi ngủ, bạn sẽ nhận được thêm một liều melatonin nữa.
Lý do phải cho cơ thể “uống thuốc” an thần, là hệ thống vệ sinh nội tạng không thể hoạt động tốt, khi cơ thể còn hoạt động nặng nhọc như tiêu hóa thức ăn thô, hoặc phải suy nghĩ , làm việc trí óc. Như hệ thống vệ sinh công cộng chỉ có thể làm việc vào ban đêm , khi không có ai đi lại trên đường hoặc rất ít người đi lại trên đường. Chúng ta chỉ cần hình dung Hà Nội hoặc Sài Gòn một ngày mà không được dọn vệ sinh? Rất nhiều thông tin rác mà chúng ta tiếp nhận trong ngày, khi ngủ cơ thể cần phải xử lý, cái nào cho vào đâu, cái nào lưu trữ, cái nào bỏ… rất nhiều chất độc tiếp nhận trong ngày qua thức ăn, qua không khí cần được xử lý, thanh lọc (tại sao nước tiểu vào buổi sáng bao giờ cũng có màu đậm và rất khai?)
Chúng ta đã hiểu phần nào giá trị của giấc ngủ … vậy hãy làm sao để mình có một giấc ngủ tốt hơn. Và bỏ ăn tối là một giải pháp rất hiệu quả.
Nếu bạn còn lo không ăn tối sẽ thiếu năng lượng, thì hãy suy nghĩ thêm… thứ nhất, tôi bỏ cả ăn sáng lẫn ăn tối, tôi vẫn sống và làm việc bình thường, thậm chí còn nhiều hơn nhiều người. Và rất nhiều người bỏ ăn tối, họ vẫn khỏe mạnh, thanh thoát, nước da sáng và hoạt động cả thể lực và trí tuệ đều hiệu quả.
Thứ nhì, nhiều người đã bỏ ăn sáng, thay vào đó ăn tối rất no. Sao không đổi lại, ăn sáng cho đầy đủ và bỏ ăn tối. Cùng một số lượng thức ăn thô được nạp vào, thay vì tích mỡ khi ăn tối muộn, sẽ được sử dụng ngay nếu được ăn vào sáng sớm, khiến cơ thể làm việc được hiệu quả hơn. Hãy ăn sáng cho đủ, và bạn sẽ không thiếu năng lượng để làm việc và nghỉ ngơi.
Kết thúc phần này, nếu bạn có thể tự đặt câu hỏi “Ăn để làm gì, ngủ để làm gì”, và nghĩ thật kỹ câu trả lời, tự mình trả lời chứ đừng trả lời kiểu “vì sách họ viết là phải thế”. Chỉ cần nghĩ kỹ, thế là thành công lớn.
2. Khắc phục cơn đói như thế nào?
Tiếp theo , tôi sẽ giải thích thêm về cơ chế “đói”, để chúng ta có thể bỏ ăn tối mà không bị đói cồn ruột. Về năng lượng thì bạn có thể yên tâm rồi, vì chúng ta sẽ vẫn có đủ năng lượng, bằng cách sử dụng nhiên liệu vào đúng lúc cần, và tiêu thụ năng lượng ít đi. Cái vướng sẽ là cơn đói.
Tại sao người ta lại đói?
Cũng ít khi chúng ta tự hỏi mình câu hỏi đó, cứ thấy đói là ăn cho hết đói.
Bạn sẽ nghĩ là tôi đang làm phức tạp hóa vấn đề đơn giản, đó là đói thì ăn chứ sao. Không phải vậy, chính vì chúng ta bỏ qua ý nghĩa, nguyên nhân, mà chỉ lo giải quyết cái hiện tượng, nên vấn đề không được giải quyết. Ví như người bị bệnh đau đầu, chỉ lo uống Paracetamol để cắt cơn đau, mà không chịu tìm hiểu do đâu mà đầu nó phải đau, và trị ở gốc, cái nguyên nhân gây ra đau.
Đói, tôi thấy đói, đó là một cảm giác… Ban đầu nó là một cảm giác đúng, báo hiệu cơ thể cần được bổ sung thức ăn, làm nhiên liệu cho việc tái tạo ra năng lượng và dưỡng chất cho các hoạt động của nó. Ban đầu là như vậy, ở trẻ em là như vậy.
Cơ chế nó là: Tùy thuộc vào loại thức ăn , tính toán thời gian cần thiết để chuyển hóa thức ăn thô thành năng lượng.
Tùy vào nhu cầu năng lượng, tính toán thời điểm cần bắt đầu tiếp nhận thức ăn.
Khi có dấu hiệu bắt đầu tiếp nhận thức ăn, ví dụ như theo thói quen tới giờ ăn, như mắt thấy thức ăn đã được chuẩn bị, như mũi ngửi thấy mùi thức ăn được nấu chín, cơ thể bắt đầu tiết ra các hóa chất cần thiết. tuyến nước bọt được chuẩn bị; axit HCL trong dạ dầy bắt đầu tiết ra, tuyến mật và tuyến tụy bắt đầu hoạt động, tiết ra mật, ra các enzim cần thiết, bộ máy tiêu hóa được khởi động từ từ.
Và nếu được ăn vào lúc này, người ta sẽ không có cảm giác đói…
Và nếu không được ăn vào lúc này… khi bộ máy tiêu hóa đã được kích hoạt… thì cảm giác đói sẽ xuất hiện. Nó càng mãnh liệt khi bộ máy được kích hoạt mạnh, chứ nó không phụ thuộc vào việc có được ăn thật hay không. Đói chỉ là phản ứng của cơ thể khi bộ máy tiêu hóa đã được kích hoạt mà không nhận được thức ăn – một phản xạ có điều kiện.
Chúng ta chắc có nhiều kinh nghiệm về việc không ăn mà không thấy đói… hoặc chỉ nghĩ tới ăn mà thấy đói … hoặc cồn cào ruột gan vì phải chờ ăn…. Điều đó nói lên rằng đói chỉ là hiện tượng, không phải bản chất. Và không phải cứ đói là thiếu năng lượng, mặc dù thiếu năng lượng thì sẽ đói.
Đây là một điểm khá tế nhị, vì một người cố tình lờ cơn đói khi thiếu năng lượng, sẽ làm cơ thể kiệt quệ và sinh bệnh. Còn chúng ta sẽ cắt cơn đói khi đó là tín hiệu giả, là khi bộ máy tiêu hóa được khởi động do thói quen ăn tối hàng ngày. Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nhịn đói là phản khoa học. Chúng ta sẽ không nhịn đói, thay vào đó, chúng ta đang tìm hiểu cơ chế của việc ăn, tiêu hóa, và từ đó có cách ăn đúng, đúng thức ăn, đúng thời điểm.
Sau khi đã hiểu cơ chế tạo ra cảm giác đói, đã hiểu những hệ quả của việc ăn tối, chúng ta sẽ làm sao để không phải ăn tối mà không bị đói. Việc đó hoàn toàn không khó.
Chúng ta có cái đầu… Ý thức quyết định mọi thứ.
Nếu ý quyết là không ăn, ý nhắc cơ thể là tối sẽ không ăn…sẽ từ bỏ việc ăn tối. Nhắc càng rõ ràng, càng quyết tâm, thì tới giờ ăn tối thường lệ, cơ thể sẽ ngưng, sẽ giảm việc khởi động bộ máy tiêu hóa…. Nhất là axit HCL, chất cần thiết để tiêu hóa thức ăn thô trong dạ dày sẽ ngưng, hoặc giảm tiết ra.
Ngày đầu, bộ máy đã quen chạy hàng chục năm sẽ khó mà tuân lệnh ngay. Nó sẽ vẫn vận hành, và chúng ta sẽ đói. Cách tốt nhất để hủy hoại dạ dày, làm thủng dạ dày là “lờ” cơn đói, dùng ý chí áp bức cơ thể. HCL không có thức ăn thô để tạo phản ứng hóa học, nó sẽ tác động mạnh tới lớp “đờm” bảo vệ thành trong của dạ dày, và làm lớp này mòn đi nhanh chóng… trong điều kiện thông thường, lớp này sẽ thay hoàn toàn sau mỗi ba ngày… còn trong điều kiện bị lờ như thế, tôi nghĩ chúng sẽ phải thay chỉ trong một tới hai ngày… Vì lý do nào đó mà chúng không kịp tái tạo? thế thì sẽ loét dạ dày…. Đó là còn nhẹ… Đó mới chỉ nói về dạ dầy…
Ngày đầu, nó sẽ vận hành, và nó sẽ đói… chúng ta sẽ làm gì? Chỉ uống nước, và uống nước sạch , nước trắng… nó vừa làm loãng axit, vừa làm đầy dạ dầy , làm giảm việc gửi tín hiệu đói do dạ dầy rỗng….
Ngày thứ hai, bộ máy tiêu hóa sẽ giảm hoạt động so với ngày đầu, nó đã biết là bạn nói là bạn làm, tín hiệu bạn gửi nó trưa hôm qua là đúng. Bạn đã nói là bỏ ăn tối, và quả thực là tới bữa tối, nó chẳng nhận được loại thức ăn nào ngoài nước trắng.
Ngày thứ ba, nó sẽ giảm nữa… vì nó thấy là thay vì thức ăn, nó vẫn chỉ nhận được nước, và để tiêu hóa nước, thì nó không cần phải khởi động bộ máy phức tạp như vậy. Nó bắt đầu tin bạn, nói cách khác, bạn bắt đầu hòa nhập được với cơ thể nhiều hơn.
Ngày thứ tư, nó sẽ hầu như không khởi động…
Vài ngày sau, bạn sẽ thấy cảm giác yên bình, sung sướng khôn tả của việc không ăn tối..
Đã thành công?
Không, chưa đâu, chúng ta còn phải ăn sáng cho tốt hơn để có năng lượng trong ngày lao động
Chúng ta phải tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt….
Đó là một vấn đề khác, tôi sẽ trình bày ở một lần nào đó, chỉ biết rằng, nếu làm được tốt, thì ăn một bữa là đủ. Các học trò của Đức Phật ngày xưa cũng chỉ ăn một bữa… và không ăn quá ngọ…” vị ấy chỉ ăn ngày một bữa, từ bỏ ăn phi thời, không ăn quá ngọ”.
Chúng ta còn nhiều việc phải quan tâm, chưa biết cách bảo vệ cơ thể khỏi việc lãng phí năng lượng, thì việc chỉ bỏ ăn tối và ăn tốt hơn vào buổi sáng là hoàn toàn đủ….Hãy ăn ngày hai bữa sáng và trưa, đặc biệt để ý tới bữa sáng…
Tóm tắt lại thế này:
Bỏ được ăn tối thì sẽ khỏe và đầu óc minh mẫn hơn, bỏ được là tốt.
Muốn bỏ được thì ngoài quyết tâm, phải có hiểu biết.
Đừng sợ thiếu năng lượng.
Dùng nước sạch thay thức ăn vào bữa tối ở những ngày đầu.
Tác ý sau giờ ăn trưa, là tối sẽ không ăn. Điều này rất quan trọng, không tác ý trước thì sẽ rất đói.
Thành công rồi thì đừng ăn lại…từ bỏ là như vậy, nếu ăn lại thì sẽ khó mà bắt cơ thể nghe theo.
Theo Trương Hồng Hạnh (http://www.paliviet.info/TriTan/TriTan_BoAnToi.htm)