Trang chủ Blog chùa Hà Nội: Ngày tu an lạc tháng 6 năm Nhâm Dần tại...

Hà Nội: Ngày tu an lạc tháng 6 năm Nhâm Dần tại chùa Bằng

Ngày 17 tháng 07 năm 2022, nhằm ngày 19 tháng 6 năm Nhâm Dần, đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên tự) từ sáng sớm để tham dự ngày tu bát quan trai theo lịch tu học hàng tháng, đồng thời hướng lòng thành kính kỷ niệm ngày Khánh đản đức Bồ tát Quán Thế Âm.

153
Đúng 7h30′ sáng, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ và đăng đàn truyền giới cho hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này. 
Sau đó, toàn thể đại chúng đã lắng lòng trang nghiêm, đón nghe Thượng tọa Thích Giác Hiệp – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban Phật giáo Quốc tế TW, Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp TW thuyết giảng với chủ đề “Đại nguyện của Bồ Tát Quan Âm“.
Bồ Tát tiếng Phạn là Bodhisattva nghĩa là hữu tình giác ngộ, tỉnh thức. Bodhi: giác ngộ, tỉnh thức. sattva:hữu tình. Có 2 hạng Bồ Tát, một là Bồ Tát đã giác ngộ, không còn bị vướng trong vòng sinh tử luân hồi nhưng do hạnh nguyện nên sinh vào các cõi để giáo hóa độ sinh, và hai là Bồ Tát đang trong giai đoạn tu tập, thực hành Bồ Tát đạo, tu học để tiến đến quả vị Bồ Tát. Theo Thượng tọa giảng sư chia sẻ, có ba yếu tố quan trọng, quyết định một vị Bồ Tát sẽ thành tựu quả vị Phật. Đó là:
  • Bồ Tát phát nguyện, Bồ Tát phát nguyện trước một vị Phật để trở thành một vị Phật tương lai, đem lại lợi ích, an lạc, và giải thoát cho tất cả chúng sinh.
  • Bồ Tát hạnh, sau khi phát nguyện trước một vị Phật, vị Bồ Tát thực hành các điều nguyện đó.
  • Phát tâm Bồ-đề, phát tâm tu tập đạt được giác ngộ và hóa độ tất cả chúng sinh. Đây là phát tâm đạt được đại trí, trí thấy được tính không của các pháp và tâm đại bi giáo hóa, giải thoát cho tất cả chúng sinh.

Bồ Tát thực hành 6 hay 10 Ba-la-mật (Pāramita). Pāramitā có nghĩa là hoàn hảo, hoàn thiện nhất.

Phương tiện thiện xảo là những phương pháp Bồ Tát sử dụng khi dấn thân vào cuộc sống, hoạt động làm lợi ích cho đời. Đây là cách sử dụng trí sắc bén vận dụng các phương pháp khéo léo, linh hoạt để đạt được mục đích. Nhờ phương tiện thiện xảo mà Bồ Tát có thể hòa nhập vào dòng đời, vào mọi tầng lớp trong xã hội để hóa độ, không chướng ngại.

Bồ Tát Quan Âm (Bodhisattva Avalokiteśvara) là vị Bồ Tát quán sát thấy sự khổ đau của nhân loại từ đó dùng mọi phương tiện để cứu giúp. Bát Nhã Tâm kinh đề cập Bồ Tát Quan Âm có tên là Quán Tự Tại dựa trên pháp môn tu tập của ngài, quán chiếu, nhận thấy năm uẩn không, giả tạm, xa lìa chấp thủ đạt tự tại, thoát khỏi sự chi phối của tham, sân, si. Trong kinh Đại bi Tâm Đà La Ni đề cập Bồ Tát Quan Âm đã thành Phật nhưng vì nguyện lực đại bi, muốn thực hành hạnh nguyện lợi tha, cứu giúp chúng sinh nên Ngài mới hiện thân Bồ Tát Quan Âm. Trong kinh Bi Hoa, Bồ Tát Quan Âm được thọ ký thành Phật trong tương lai và kế thừa ngôi giáo chủ cõi Tây phương tịnh độ. Kinh Diệu Pháp Liên hoa, phẩm Phổ Môn, giải thích ý nghĩa của danh hiệu Bồ Tát Quan Âm là do vị Bồ Tát này khi nghe âm thanh của chúng sinh xưng danh hiệu mình thì tức thời tầm thanh để cứu khổ.

Đặc biệt, Bồ Tát Quan Âm phát 12 đại nguyện để độ sinh. Bồ Tát Quan Âm có đại trí và đại bi, Ngài sử dụng nhiều phương tiện thiện xảo, ứng hiện nhiều thân đem lại lợi ích cho nhiều người. Hình ảnh Bồ Tát Quan Âm có mặt mọi nơi khi chúng sinh cần sự cứu độ của Ngài.

Qua bài giảng, Thượng tọa giảng sư sách tấn các hành giả hãy nỗ lực tu tập, học theo hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm để đem lợi lạc tới cho tha nhân, chuyển hóa cuộc sống trở nên an vui, thanh tịnh.

Trước khi khép lại ngày tu an lạc, dưới sự chủ lễ của chư tôn đức Tăng bản tự, đại chúng đã nhất tâm trì tụng Kinh Pháp Hoa quyển thứ ba, tiếp tục hạnh nguyện hành giả Pháp Hoa, cầu nguyện cho quốc thái dân an, Phật pháp trường tồn.
Diệu Tường