Trang chủ Tuổi trẻ Trách nhiệm của giới trẻ với thế giới tương lai

Trách nhiệm của giới trẻ với thế giới tương lai

289

Vừa qua, tối ngày 20/06/2022 (nhằm ngày 22/5/ năm Nhâm Dần), TT.TS Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài Chính TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BR-VT), Trưởng BTC Khóa hè đã tổ chức buổi thuyết Pháp online và cho Học sinh Khóa hè về chủ đề “Trách nhiệm của giới trẻ với thế giới tương lai”, với sự tham dự của hơn 600 em Khóa sinh và đông đảo Phật tử.

Bài Pháp thoại đã chỉ ra hướng đi và những nguy cơ của thế giới trước sự phát triển thiếu cân bằng giữa đạo đức và khoa học. Đồng thời, nêu rõ trách nhiệm của các em học sinh trong việc bảo vệ thế giới, đưa đạo đức tiến kịp với khoa học. Nhờ đó, các em hiểu được tầm quan trọng của việc tu hành, biết hướng về mục tiêu vô ngã giác ngộ, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, và thế giới xung quanh mình.

Mở đầu buổi thuyết Pháp, Thượng tọa thể hiện niềm vui mừng khi thấy các em học sinh biết vâng lời cha mẹ, về chùa tham dự khóa tu Đạo Đức mùa hè. Có thể các em chưa thể hiểu hết ý nghĩa cũng như những bài học mà quý thầy cô dạy hàng ngày nhưng hãy cứ vận dụng, thực hành chúng vào cuộc sống của mình, rồi các em sẽ thấy cuộc đời mình trở nên hạnh phúc, ý nghĩa hơn rất nhiều.

Quả thực so với vũ trụ thì sự xuất hiện của mỗi cá nhân chúng ta thật nhỏ bé, vô nghĩa. Và nó chỉ thực sự quan trọng khi chúng ta biết sống một cuộc đời có giá trị, ý nghĩa, đem được hạnh phúc cho người khác. Tức là nếu ta biết tu hành, sống có đạo đức, yêu thương giúp đỡ mọi người thì cuộc sống của ta mới có giá trị với trời đất này.

Thượng tọa khẳng định, thế giới hôm nay đã khác xưa rất nhiều. Loài người như bước lên một nền văn minh mới. Sau 10, 20 năm nữa nó còn khác lạ hơn nữa. Nhưng cụ thể nó phát triển như thế nào là phụ thuộc vào các em – những chủ nhân tương lai sau này. Thật sự, nếu cứ phát triển theo chiều hướng như hiện nay, khi mà vật chất dư thừa, vũ khí hủy diệt hàng loạt ngày một nhiều, có thể thế giới sẽ sớm biến mất. Đây thực sự là một mối đe dọa mới khiến ta không biết được tương lai mình sẽ như thế nào.

Nhân đây, Thượng tọa đặt câu hỏi: Trước nguy cơ này, trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới tương lai là như thế nào?

Nghe câu hỏi từ Thượng tọa, rất nhiều em học sinh đã xin được trả lời. Mỗi câu trả lời đều được Người khen ngợi, phân tích, đánh giá đúng sai một cách chi tiết, cụ thể. Trước khi đưa ra câu trả lời chính xác nhất, Người khẳng định thế giới dù có tiến bộ, thay đổi như thế nào thì cũng có một vài điều không được phép thay đổi. Từ bây giờ các em cần trang bị cho mình:

– Đầu tiên là lòng hiếu kính với cha mẹ. Thứ hai là sự tôn trọng với thầy cô. Thứ ba là tình yêu đất nước. Thứ tư là sự hiểu biết về Nhân quả vì Nhân quả bao trùm, chi phối tất cả. Thứ năm là tình yêu thương đại đồng, từ bi, nhân ái giữa người với người phải được tu dưỡng, huân tập mãi mãi…Ta sẽ đem những điều này vào tương lai để sống, để đối phó, để sử dụng.

– Ngoài ra, sự tiến bộ của ngành trí tuệ nhân tạo là không tránh khỏi. Đồng nghĩa với đó là một số ngành nghề lao động chân tay có thể mất đi. Càng đi về phía tương lai thì trí tuệ nhân tạo càng lúc càng nhiều. Muốn tồn tại được trong thế giới đó, các em cần phải biết lập trình vi tính để tương tác, đi luôn tới cái trí tuệ nhân tạo đó.

– Tiếp đến là ngôn ngữ toàn cầu. Thế giới ngày càng hội nhập, con người trên khắp hành tinh tiếp xúc với nhau ngày càng nhiều, rồi một ngày nào đó, bỗng tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ chung. Sống trong một thế giới mà mỗi quốc gia nói một ngôn ngữ khác nhau thì rào cản ngôn ngữ khiến chúng ta không cảm thông được cho nhau. Đây là một sự thiệt thòi lớn. Cho nên ai khôn ngoan thì nên học trước, học thật giỏi tiếng Anh.

Trên đây là những điều chúng ta phải giữ, đem chúng vào tương lai để sống, để sử dụng và đối phó với nỗi sợ về sự hủy diệt toàn cầu (bởi loài người cứ thi nhau chế tạo càng lúc càng nhiều vũ khí hủy diệt hàng loạt).

Do vậy trách nhiệm của thế hệ trẻ là hãy cố gắng gieo trồng đạo đức vào thế giới tương lai, không phải cho cá nhân mình mà là cho cả nhân loại này. Phải có đạo đức thật lớn mới đủ ngăn chặn hiểm họa hủy diệt.

Ta nói: Luật Nhân quả; tình yêu thương đại đồng; hiếu kính cha mẹ; tôn trọng thầy cô chính là đạo đức mà thế giới rất cần. Trong khi khoa học tiến bộ nhanh từng phút giây mà đạo đức cứ đứng yên, không ai quan tâm. Sự mất cân bằng giữa khoa học và đạo đức thực sự khiến chúng ta lo sợ. Phải làm sao cho công nghệ tiến ào ào thì đạo đức cũng phải như vậy, và đạo đức phải đạt được đỉnh cao, vĩnh viễn không bao giờ thua công nghệ nữa, đó là sự giác ngộ tâm linh. Mà sự giác ngộ tâm linh này chỉ trong Phật pháp mới có. Tức là chỉ Phật pháp mới hướng con người về mục tiêu vô ngã.

Thật vậy, trước những vũ khí tối tân công nghệ cao, trước mối đe dọa hủy diệt toàn cầu ta cần đạo đức lớn lao đủ sức kiềm lại tham vọng hủy diệt loài người, đó là sự giác ngộ tâm linh. Còn đạo đức bình thường như “ăn hiền ở lành” cũng không kiềm nổi tham vọng đó. Nhân loại phải tiến đến đỉnh cao của đạo đức mới kiềm lại được sự hủy diệt hàng loạt. Đỉnh cao này chính là sự giác ngộ tâm linh, là vô ngã, thiền định.

May mắn của chúng ta là tiếp cận được Phật pháp từ bây giờ, và trách nhiệm của mình là phải đem Phật pháp, đem ước mơ giác ngộ tâm linh đến cho thế giới ngày mai.

Ta may mắn được biết và tu học theo Phật Pháp nhưng còn rất nhiều người không được may mắn, không có lý tưởng hướng về vô ngã như vậy. Do đó, trách nhiệm của ta là phải mang sự giác ngộ của Phật Pháp đến cho thế giới tương lai. Chỉ có sự giác ngộ mới đủ sức kiềm chế sức hủy diệt toàn cầu của các loại vũ khí tối tân hiện đại, còn đạo đức bình thường không chịu nổi.

Để đem được sự giác ngộ tâm linh đến cho thế giới tương lai thì ta phải tu cho có kinh nghiệm, ngồi Thiền thật yên. Một ngày không xa, Thiền chính là tương lai, là môn học bắt buộc của nhân loại. Còn hôm nay, Thiền định vẫn là một cái gì đó mơ hồ, trừu tượng, của riêng trong các tôn giáo, nhiều nơi thực hành nhưng chưa đem lại kết quả cao. Đây cũng là trách nhiệm, là thử thách cho các thế hệ trẻ. Các em cần tìm học thiền có tính khoa học, có lý luận vững chắc để thực hành cho có kết quả, như thế mới mang được thiền định cho thế giới sau này.

Một khi có Thiền định, có Nhân quả, có tình yêu thương đại đồng là ta có Phật Pháp, có mục tiêu vô ngã giác ngộ.

Trong khóa hè, các em có cơ hội tiếp xúc với Phật pháp, được hướng dẫn về Thiền định, được học về lòng vị tha phụng sự, v.v.. Đây là may mắn lớn, là hành trang đưa đến tương lai, các em phải giữ suốt đời đừng lơi lỏng. Không chỉ riêng bản thân mình, các em còn có trách nhiệm phải đem cho cả thế giới những điều đó.

Có thể nói trách nhiệm này quá nặng với các em nhưng không phải là không thể nếu các em biết cùng nhau thực hiện. Để giữ được chìa khóa của giác ngộ tâm linh đi theo đời mình mãi mãi, ta phải nhờ một cái phước rất lớn là lòng tôn kính Phật. Phước đó nâng ta lên một đẳng cấp cao hơn trong trời đất này. Nhờ tôn kính Phật mà người ngu cũng thành người khôn, người kém cũng thành người giỏi, và ta đủ phước để đạt được giác ngộ tâm linh.

Người hy vọng, từ hôm nay trở đi, các em biết huân tập tâm linh giác ngộ để đem nó cho thế giới mai sau. Rồi khi kết thúc khóa tu, các em trở về cuộc đời với trái tim vị tha, luôn yêu thương, chăm sóc cho mọi người. Thế giới tương lai cũng thay đổi từ chính những hành động tốt đẹp nhỏ bé nhất của các em.

Suốt bài Pháp thoại là những câu hỏi trải nghiệm từ cuộc sống đến đạo lý. Từ việc suy nghĩ câu trả lời, các em tự ghi nhớ được kiến thức, đạo lý có trong bài Pháp một cách tự nhiên. Cách dẫn dắt, giảng Pháp theo lối kể chuyện hỏi đáp này của Thượng tọa khiến bài Pháp trở nên gần gũi, thu hút được sự tập trung, tham gia của tất cả các em. Có thể thấy, đạo lý bài Pháp rất cao siêu, khó hiểu nhưng được các em đón nhận rất nhẹ nhàng, hào hứng.

Nhờ có bài Pháp thoại, các em sớm nhận rõ trách nhiệm của mình với thế giới. Có thể bây giờ các em vẫn phải dựa dẫm vào cha mẹ, chưa tự lo cái ăn, cái mặc được cho bản thân. Nhưng trong trái tim, khối óc của mình, các em đã sớm hình thành được những suy nghĩ tích cực, biết được con đường mình phải đi trong tương lai. Từ đó, sống có trách nhiệm, có ý nghĩa hơn, chung tay cùng nhau xây dựng thế giới ngày một hạnh phúc, tốt đẹp.

Sau đây là hình ảnh ghi nhận:

Thiền Tôn Phật Quang