Trang chủ Đời sống Chuyện chưa kể về lễ rước lư hương anh hùng liệt sĩ...

Chuyện chưa kể về lễ rước lư hương anh hùng liệt sĩ từ Nam ra Bắc

89

“… Máu hồng tỏa hương chính khí/ Nhân kiệt làm nên địa linh/ Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng/ Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước/ Người đang sống nhớ thương người đã khuất”.


Chiếc lư hương và chuyến chuyên cơ đặc biệt


Lư hương Tổ quốc lấy mẫu từ chiếc lư hương thờ Bác Hồ tại khu di tích 27/7, cao 30cm, bề ngang 25cm. Lễ bốc lư hương diễn ra ngày 18/7, do các chư tăng của tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa thực hiện. Lễ rước chính thức bắt đầu tại đền Bến Dược – Củ Chi hôm 19/7, theo nghi lễ Nhà nước do Thượng tọa Thích Nguyên Quang, tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa làm chủ lễ.


Trở lại với 10 năm trước, dịp kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, cũng đã có một cuộc hành hương của 7 bát hương lớn, lấy đất, chân nhang từ 7 nghĩa trang liệt sĩ lớn toàn quốc đưa về TPHCM an trí tại đền Bến Dược. Và lư hương trong chuyến đi này đã lấy tro và chân hương từ 7 lư hương đó.


Hành trình dự kiến của chiếc lư hương: Ngày 19/7, xuất phát từ đền Bến Dược với nghi lễ trọng thể của Nhà nước do Bộ chỉ huy quân sự TPHCM chủ trì. Chiều cùng ngày, bát hương được rước bằng chuyên cơ từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Huế. Sáng 20/7, đoàn chia làm nhiều hướng đến viếng tại nghĩa trang Trường Sơn, đường 9 Nam Lào, Thành cổ Quảng Trị trước khi ra tới Hà Nội để lần lượt lưu tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.


Chiều qua 26/7, tại chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội), dưới sự chủ trì của Thành hội Phật giáo Việt Nam – thành phố Hà Nội, đã diễn ra lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ và đồng bào hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.


Ngày 29/7 sẽ diễn ra lễ dâng lư hương đến khu di tích 27/7 tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.
 
Lịch trình là thế nhưng khi bắt tay vào lại nảy sinh một số trục trặc. Một thành viên trong đoàn kể lại, lúc đầu đơn vị tổ chức đã thuê riêng một chuyên cơ (KingAir) với số lượng khách tối đa là 10 người, sau đó quyết định chuyển sang thuê một chiếc ATR 72. Nhưng vì số khách danh dự có ước nguyện đi theo cuộc hành hương quá đông, BTC phải tính đến khả năng thuê một chiếc Airbus A321, loại máy bay chở khách tầm trung có số ghế lên tới 160 chỗ. Do thời gian quá gấp gáp, phía hãng hàng không không còn A 321 nên BTC quay trở lại với phương án dùng ATR 72.


Một khó khăn khác lại đến từ thủ tục an ninh thông thường của ngành hàng không. Đơn vị tổ chức đã phải có công văn hỏa tốc gửi sang Cục Hàng không với nội dung: xin không phải kiểm soát bát hương để đảm bảo yếu tố tâm linh. Rất may đoàn nhận được sự cộng tác và ủng hộ nhiệt tình của Cục hàng không Việt Nam cũng như những Cụm cảng hàng không mà đoàn đi qua.


Những người đi trên chuyến chuyên cơ này cũng nhận được sự ưu ái rất đặc biệt khi làm thủ tục tại các cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Phú Bài, Nội Bài…


Sự đón tiếp nồng hậu


Đi đến đâu đoàn rước lư hương cũng nhận được tình cảm nồng ấm của chính quyền và người dân dành cho vong linh các liệt sĩ. Tại thành phố Huế, khi chiếc chuyên cơ vừa hạ cánh xuống sân bay Phú Bài, mọi thành viên trong đoàn ngỡ ngàng và không ít người đã bật khóc khi chứng kiến lễ đón trang trọng, thành kính của chính quyền và người dân Cố đô.


 Hàng trăm thanh niên trong màu áo xanh tình nguyện đến tận chân cầu thang đón rước lư hương. Khi đoàn vào thắp hương tại Nghĩa trang thành phố Huế, luôn có đội tiêu binh và đông đảo người dân đến thăm hỏi, thắp hương.


Tại Hà Nội, hai buổi đón rước tại đài tưởng niệm Bắc Sơn và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam cũng diễn ra hết sức trang trọng. Ở địa điểm nào cũng có hàng trăm cựu chiến binh đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, có mặt rất sớm để được thắp một nén hương cho đồng đội của mình.


Và câu chuyện tâm linh


Đoàn rước lư hương đặt chân đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn khi những dòng người đang nườm nượp từ mọi miền đổ về đây. Giữa buổi nắng trưa, những cơn mưa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có phần làm dịu cái oi bức của thời tiết cuối hè. Giữa không khí ấy, Đại tá tình báo Mai Tiến Điện cũng gặp một “duyên kỳ ngộ”.


Trong lần về nghĩa trang này cách đây ngót 30 năm, ông đã làm một bài thơ nói về tâm sự của một đôi bạn trẻ khi chàng trai lên đường vào Nam. Thời gia dần trôi, ông cũng dần quên những câu thơ đó. Nhưng khi cùng đoàn rước lư hương vào Nghĩa trang Trường Sơn, tình cờ thấy một phụ nữ nước mắt lăn dài bên một nấm mộ, cảm xúc chợt ùa về. Và ông bỗng nhớ lại toàn bộ bài thơ đó. “…Em đừng giận anh vì anh không trở lại/ Tình yêu kia, anh gửi lại em rồi/ Thời gian như chiếc cầu trăm năm đợi/ Anh làm nước qua cầu soi bóng hình em…”


Tại nghĩa trang đường 9 Nam Lào, đứng trước 10.078 ngôi mộ trắng xóa dưới ánh nắng cháy rát của miền đất Quảng Trị, không ít người trong đoàn đã bật khóc. Ông Vương Liêm, Phó Ban đại diện Người cao tuổi, quận 1, TPHCM xót xa: “Chúng tôi, những người đang sống, luôn canh cánh bên lòng trước bao nấm mồ vô danh của đồng đội. Chiến tranh đã qua đi nhiều năm, đất nước đã độc lập, từng ngày đổi mới nhưng không biết đến bao giờ nỗi đau ly tán vì chiến tranh mới không còn hiển hiện trên đất nước này”.


Chiều ngày 20/7, tại chùa Từ Đàm (Huế), hơn 100 tăng ni, phật tử đã làm lễ cầu siêu cho vong linh liệt sĩ và đồng bào hy sinh vì độc lập dân tộc. Buổi lễ cầu siêu vừa bắt đầu được ít phút, trời đang nắng chang chang bỗng nổi từng cơn gió, như điềm báo rằng vong linh các anh đã về. Hiện tượng này một lần nữa lặp lại khi lư hương được đưa vào đài tưởng niệm Ánh lửa hồng – Bảo tàng Cách mạng Việt Nam chiều ngày 24/7.


Đó có thể chỉ là những đổi thay bình thường của thời tiết. Nhưng đoàn rước lư hương thầm mong các anh hãy về đây trong những ngày này tháng Bảy, để hưởng chút tình ấm áp mà những người ở lại dành cho những người đã ra đi…







Trong câu chuyện của những người cựu chiến binh theo cuộc hành trình rước lư hương từ Nam ra Bắc, luôn xuất hiện hình ảnh một bà Mẹ Việt Nam anh hùng tại Huế. Mẹ đã 86 tuổi, mất cả hai người con trai trong giai đoạn 1968-1972. Mẹ sống cô đơn từ đó đến bây giờ.


 


Nắm tay già nhăn nheo nằm trọn trong tay những đứa con phương xa tìm đến bên Mẹ. Mẹ khóc: “Những ngày Tết, nhà nhà đoàn tụ, là lúc mệ thấy buồn nhất vì cả gia đình mệ đã mất mát, ly tán âm dương cách biệt. Nhưng nhìn lại, khi thấy đất nước thế này, mệ nghĩ âu cũng là sự đóng góp cho Tổ quốc, lòng mệ cũng bớt ưu phiền, cô quạnh”. Mẹ bảo, số tiền các con gửi tặng, Mẹ để dành giúp đỡ những người khổ hơn Mẹ.


 


Phúc Hưng – Thái Sơn (Theo Dân Trí)