Trang chủ Văn học Từ “Lan và Điệp” đến “Hồn Bướm Mơ Tiên”

Từ “Lan và Điệp” đến “Hồn Bướm Mơ Tiên”

297

Tôi không nhớ tác giả chuyện tình Lan và Điệp là ai, nhưng nhớ rằng, cô đào Kim Cương đã lấy không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả khi cô diễn vai Lan trong truyện tình Lan và Điệp. Khán giả của cô chẳng phải chỉ có ông già bà cả đâu,  mà ương ương, nhỡ nhỡ, thanh niên, thiếu nữ khi xem tới đoạn sư cô Lan cắt đứt giây chuông để cho Điệp trở về với gia đình, với bổn phận thì khán giả đều khó cầm nước mắt vì Kim Cương diễn hay quá ! Cô nức nở cắt đứt giây chuông chính là can đảm, cắt đứt mối tình mà cô đã đặt tất cả tương lai vào đó.

 

Câu chuyện này thật tội nghiệp vì anh chàng Điệp nào phải kẻ bạc tình ! Anh ta là nạn nhân của lòng người nham hiểm, xấu xa. Gia đình ông bà phú hộ có cô con gái hư hỏng lỡ mang một hoang thai đã vớ lấy anh học trò hiền lành từ quê lên tỉnh trọ học như một chiếc phao để cứu gỡ danh dự hão huyền cho gia đình họ. Ông bà phú hộ đã chuốc rượu cho Điệp say mèm rồi sai gia nhân khiêng chàng vào phòng con gái. Sáng ra, cũng chính họ vào phòng hô hoán lên rồi lôi Điệp về quê, mắng nhiếc bà mẹ quê tơi bời. Kết cuộc màn kịch bất nhân thất đức đó là họ gia ơn cho hai mẹ con Điệp bằng cách bắt Điệp phải làm đám cưới với con gái họ tức khắc!

 

Cô thôn nữ mộc mạc tên Lan như từ trên trời rớt xuống vực thẳm. Với tâm hồn lành thiện, Lan làm sao hiểu nổi những điều ác độc, tồi bại như thế ! Và mẹ của Điệp, bà mẹ quê nhân hậu luôn coi Lan vừa như con gái, vừa như con dâu đã xỉu lên xỉu xuống trước tai họa tày trời. Bà không chỉ nhục nhã, đau đớn cho mình mà còn vô cùng lúng túng, thương cảm cho Lan ! Trong vở kịch có những đoạn cải lương rất bi ai mà tôi còn nhớ lõm bõm : “Kéo vạt áo lau đôi giòng nước mắt. Lạy mẹ cha, con thí phát quy y. Con dao kia với xác bướm khô này. Con chôn lấp dưới cội cây ngoài cửa Phật” Đó là lời Lan thưa với cha mẹ. Còn lời nói với Điệp thì Kim Cương xuống câu vọng cổ mùi riệu, không hiểu sao tôi vẫn còn nhớ: “ Điệp ơi, cánh bướm năm xưa hãy bay đi đừng trở lại vì em hiện nay chỉ còn là một đóa lan …… tàn. (tưng … tưng… từng… tưng..)

 

Quý đạo hữu nào biết hát vọng cổ thử xuống giọng câu này xem, rồi hát tiếp thế này: “ Em biết anh chẳng dạ phụ phàng nhưng kiếp này đã lỡ, xin Điệp đừng lưu luyến chi Lan. Hãy để cho em yên tâm rảnh dạ tu hành. Mượn kinh kệ chốn thiền môn để vơi đi mối sầu vạn cổ” ( ớ….ơ…..ơ..)

 

Thời được mẹ cho đi theo xem tuồng, tôi cũng chỉ hơn mười tuổi nhưng tôi nhớ rất rõ cái cảm giác bất toại ý của mình khi toàn bộ vở tuồng chỉ chú trọng vào những chi tiết lâm ly bi đát mà để cho cô Lan đi tu chỉ vì thất tình! Khi đã mười tám, đôi mươi, mẹ rủ đi xem tuồng, tôi không đi nữa. Tôi không chịu được ý nghĩ bôi bác Đạo khi đưa ra hình ảnh những người đi tu chỉ vì bị ngoài đời vùi dập chứ không vì nhìn thấy con đường đạo. Thuở đó tôi cũng hiểu gì đạo đâu nhưng lờ mờ cảm nhận như thế với vở tuồng Lan và Điệp, nổi tiếng suốt nhiều thập niên. Có lẽ do vở tuồng quá nổi tiếng nên tôi mới bất nhẫn vì nó đi vào lòng dân gian cái tư tưởng cửa chùa là nơi rộng mở, sẵn sàng đón nhận mọi chúng sanh khổ đau, chứ việc vào chùa để được hướng dẫn tìm ra con đường giải thoát khổ đau chỉ là phụ thuộc. Nỡ nào tác giả vở tuồng đặt nặng phần tình tiết éo le nên chỉ cho khán giả thấy Lan bị đời bầm dập nên chạy vào chùa trốn ! Chỉ có thế thôi ! Thậm chí, khi thế nhân nhìn thấy sư cô nào còn trẻ là khởi ngay câu hỏi “Trẻ đẹp thế mà sao đi tu ? Chắc lại vì thất tình !”.

 

Đó, văn hóa dân gian nguy hiểm là thế đó.

 

Còn câu chuyện “Hồn Bướm Mơ Tiên” thì lại khác. Tác giả là nhà văn Khái Hưng, người đầu đàn trong Tự Lực Văn Đoàn một thời làm mưa làm gió trên văn đàn Việt Nam. Cô Lan ở đây không đi tu vì thất tình, không biết rõ lý do nào đi tu nhưng cô muốn yên thân tu hành nên đã cải dạng nam trang, được Sư Cụ chùa Long Giáng thâu nhận làm đệ tử với pháp danh là chú tiểu Ngọc-Lan. Đệ tử của sư cụ đều có pháp danh từ các loài hoa. Cô Lan này đến chùa vào mùa Xuân nên có tên là Ngọc Lan, tình cờ như tên con gái.

 

Rắc rối bắt đầu khi người cháu gọi sư cụ bằng bác, từ Hà Nội, muốn mang sách vở về chùa để yên tĩnh ôn bài trong dịp nghỉ hè. Chàng sinh viên tên Ngọc đó đã gặp chú tiểu Lan trên đường chú đội thúng sắn về chùa. Ngay phút đầu, Ngọc đã thầm nghĩ “Sao ở chốn quê mùa lại có một chú tiểu trắng trẻo, đẹp trai đến thế?” Anh chàng này thật là tầm bậy quá ! Anh ta muốn về nơi yên tĩnh để học bài mà chưa tới chùa đã quậy sự yên tĩnh bằng tâm nghi ngờ cái việc chẳng ăn nhập gì tới anh ta ! Tệ hại hơn, sự nghi ngờ không dừng ở đấy, nó mỗi ngày mỗi tăng trong suốt thời gian anh ở chùa Long Giáng. Nào là giả bộ nói về giấc chiêm bao thấy đi chơi với một sư chú tuổi chạc chú Lan. Hai người leo đèo lội suối, khi chợt quay lại thì không thấy sư chú đâu mà chỉ thấy một thiếu nữ diễm lệ là …. chú Lan ! Nào là ỡm ờ bảo chú Lan cứ cầu nguyện được cải nam vi nữ đi, chú thành tâm thì Đức Thích Ca sẽ cho toại nguyện đó ! Mà đã hết đâu, vì cái tâm nghi ngờ càng ngày càng lớn nên anh chàng tìm đủ mọi cách theo dõi chú Lan. Chú thỉnh đại hồng chung trên gác chuông anh cũng đi theo, chú đi hái chè dưới chân đồi anh cũng lò dò xuống, rồi bầy đặt cầm theo giá vẽ, bút mầu, ngồi vẽ tranh. Chú Lan lại vô tình nói:

 

– Tranh thiếu người.

 

Thật đúng là trao banh cho chàng đá, vì nghe lời phê bình đó, anh chàng Ngọc sốt sắng ngay:

 

– Tôi cũng đang định nhờ chú làm mẫu đây. Chú làm ơn đứng tựa gốc thông kia một tý nhé.

 

Chú Lan này cũng khá ngây thơ, bèn từ bi ra tựa gốc thông. Thế là chàng Ngọc tha hồ ngắm ! Khoảng mươi phút sau, Ngọc tuyên bố đã vẽ xong. Chú Lan chạy tới xem, hốt hoảng vì người trong tranh là một thôn nữ mặc áo tứ thân !

 

Ấy, cứ như thế, anh chàng về chùa đã mười ngày mà chẳng thấy ông Khái Hưng cho biết anh học ôn được những bài gì, vì thì giờ của anh hầu như dồn cả vào việc tò mò tìm xem chú tiểu Lan là trai hay gái !

 

Cao điểm của câu chuyện là khi sư cụ sai chú tiểu Lan đem phẩm vật sang chùa Long Vân ở làng bên. Dĩ nhiên là anh chàng Ngọc xin đi theo. Vì biết Ngọc là cháu của sư cụ chùa Long Giáng nên sư ông chùa Long Vân khẩn khoản giữ lại chơi để chàng thanh niên tỉnh thành có đủ thì giờ vãn cảnh. Đêm hôm đó, Ngọc quyết tìm sự thật nên đã nói những lời hung bạo khiến chú Lan hoảng sợ, bỏ chạy ra khỏi chùa. Ngọc đuổi theo, kéo trở lại. Sự giằng co làm đứt mấy nút áo của Lan. Dưới ánh trăng, Ngọc rú lên khi thấy ngực Lan quấn chặt vải nâu !!!

 

Tìm ra được sự thật thì Ngọc ân hận, thật sự ân hận vì đã làm xáo trộn đời tu hành của Lan. Để chứng minh lòng ăn năn, Ngọc long trọng hứa sự thật này sống để dạ, chết mang đi, không nói cho ai biết. Không những thế, chàng ta còn hứa sẽ rời chùa ngay, trả lại sự yên tĩnh cho Lan.

 

Nếu câu chuyện chấm dứt ở đây, để khoảng trống cho mỗi độc giả cảm nhận xúc động của mình, có lẽ hay hơn. Tôi chủ quan cho là thế.

 

Tới chùa làm công quả trong kỳ An Cư Kiết Hạ vừa qua, tôi được nhìn thấy rất nhiều sư cô, sư chú rất trẻ. Chỉ cần nhìn thôi, tôi đã được quý vị ấy truyền cho tràn đầy năng lượng an lạc, vững chãi. Họ là biểu hiện của “như thị”. Thanh tịnh, an nhiên, hỷ lạc, nhìn thôi, là thấy ngay như thế, rõ ràng như thế, không cần suy nghĩ đắn đo, hỏi han, quán chiếu gì. Những cảm xúc này đã bất chợt khiến tôi liên tưởng về hai tác phẩm nổi tiếng “Lan và Điệp” và “Hồn Bướm Mơ Tiên”.

 

Tôi ngạc nhiên khi nhận ra cái nhìn của mình về việc đi tu của cô Lan trong “Lan và Điệp” đã khác hẳn. Động lực khiến Lan đi tu là vì đau khổ, nhưng nếu hiểu theo tinh thần kinh Duy Ma Cật “phiền não là hạt giống Như Lai” thì có phải sự đau khổ ấy là nghịch-duyên đưa đến thuận-duyên để hạt giống bồ-đề Lan gieo từ kiếp nào, nay đủ duyên mà nẩy nở ? Nay tôi tin như thế vì có phải cô gái nào thất tình cũng đi tu đâu mà đa số kẻ thất tình thường …. tự tử vì họ cho rằng chết là hết khổ. Đã đang khổ vì bị phụ tình lại còn vào chùa sống kham khổ thì ….. khổ quá, chịu sao thấu !!! Hoặc giả, có cạo đầu vào chùa nhưng vào với mục đích “trốn khổ” thì tu làm sao được ? Khổ hay sướng ở trong tâm chứ ở đâu nơi chốn ?

 

Tôi tin chắc Lan tu được vì tâm hồn cô thôn nữ đó quá lành thiện, quá trong sáng nên tuy đau đớn vì bị phụ bạc nhưng không khí thiền môn là môi trường toàn thiện nhất để tương ưng với tâm hồn “Nhi sanh kỳ tâm” đó. Khi sự tương ưng đã khít khao thì bản nguyện sẽ tròn đầy, viên mãn.

 

Còn cô Lan trong “Hồn Bướm Mơ Tiên”, tôi không nghĩ cô đi trọn được đường tu vì tâm cô đã bị ái tình của anh chàng Ngọc làm cho vẩn đục.

Đọc mấy trang kết, nếu là sư cụ chùa Long Giáng thì dù từ bi tới mấy, tôi cũng phải lôi đứa cháu rắn mắc này ra, bắt nằm sấp xuống sân chùa và đánh cho một trận. Vừa đánh, tôi sẽ vừa nói “Mong rằng những lằn roi này sẽ trả bớt cho cháu phần nào tội lỗi đã gây ra, vì cháu ơi, tội từ tâm khởi, do tâm tạo, cháu đã khuấy động tâm chú Lan thì chú ấy sẽ tự đọa, tự cứu chứ đâu phải việc cháu rời chùa là cứu được chú ấy!”

 

Nếu sư cụ đọc hết đoạn kết, ông Khái Hưng viết, thì có lẽ sư cụ không chỉ đánh đòn anh chàng Ngọc mà hàng đêm sư còn phải tụng Thủy Sám, phụ cho cháu mình. Vì sao ư ? Vì gần mười trang cuối, ông Khái Hưng cho độc giả thấy chú Lan cũng “tương tư” rồi ! Chú vào ra những nơi có kỷ niệm của Ngọc, ngơ ngẩn nhớ trước quên sau đến mức chú phải kinh hoàng thốt lên “ Thôi, ta điên mất rồi ! Chẳng lẽ ….”

 

Chẳng lẽ gì nữa ! Chú tiểu Lan này có ngồi thiền, tụng kinh ròng rã đêm ngày, e cũng khó thấy Phật vì không những tâm vẫn ở ta-bà mà thân cũng đang quằn quại đớn đau vì ái dục trần gian!

 

Ngày mai gặp các bạn đạo, tôi phải chia sẻ những ý nghĩ ngộ nghĩnh về hai sư-cô tên Lan này, xem quý đạo hữu có đồng ý với tôi không nhé!. Tôi không nghĩ đây là sự chia xẻ hý luận viển vông, vì quán chiếu hai câu chuyện này chẳng phải là chúng ta đang quán chiếu bài học về TÂM đó sao?