Trang chủ PGVN GHPGVN Những đóng góp của Ni trưởng Huỳnh Liên cho đạo pháp và...

Những đóng góp của Ni trưởng Huỳnh Liên cho đạo pháp và dân tộc

345

Những đóng góp của Ni trưởng Huỳnh Liên cho đạo pháp và dân tộc

HT. Thích Huệ Thông

LTS: Nhân lễ tưởng niệm Ni trưởng Huỳnh Liên viên tịch 35 năm (19/3/ Đinh Mão – 1987 đến 19/3 Nhâm Dần – 2022), Hệ phái Khất sĩ phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, đồng tổ chức Hội thảo quốc gia về chủ đề: “Ni trưởng Huỳnh Liên: Những đóng góp cho Đạo pháp – Dân tộc và các giá trị kế thừa”. Tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng giới thiệu bài viết “Những đóng góp của Ni trưởng Huỳnh Liên cho đạo pháp và dân tộc” của Hòa thượng Thích Huệ Thông là bài tham luận trong Hội thảo. Bài viết nhằm ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của bậc Cao ni thạc đức; ghi nhận và tôn vinh những đóng góp quý giá của Ni trưởng Huỳnh Liên đã cống hiến trọn đời mình cho đạo pháp và dân tộc.

 

DẪN NHẬP

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta, trong khoảng thời gian từ 1945 trở về sau, giới Phật tử yêu nước hầu hết đều tham gia kháng chiến phụng sự cho nền độc lập dân tộc. Trong khi đó, bối cảnh Phật giáo thời bấy giờ trở nên khởi sắc với sự kiện Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập vào năm 1951, đã giúp cho Phật giáo ba miền đoàn kết lại, tạo điều kiện cho Tăng, Ni, Phật tử tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc bởi tâm niệm “đạo pháp gắn liền dân tộc” từ bao đời nay đã khắc sâu trong tâm thức của những người con Phật yêu nước.

Trong khoảng thời gian này, tại Nam Bộ xuất hiện một bậc nữ lưu hào kiệt, một vị nữ tu xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, đã tích cực dấn thân vào các phong trào đấu tranh tại Sài Gòn – Gia Định trước năm 1975, góp phần vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước của toàn dân tộc. Người cũng đã có những đóng góp nhất định trong sự nghiệp xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, hình thành và phát triển Ni giới Hệ phái Khất sĩ và Hệ phái Khất sĩ nói riêng. Bậc Cao ni thạc đức đó chính là Ni trưởng Huỳnh Liên, hành trạng tuyệt vời đó đã tô đậm hình ảnh quật cường và tinh thần yêu nước nồng nàn của người dân nước Việt thời hiện đại, thể hiện sinh động vai trò và trách nhiệm hộ quốc an dân của người con Phật với lịch sử nước nhà.

 

 

Trong suốt 40 năm (1947-1987) phụng sự đạo pháp và dân tộc với những dấu ấn khó phai nhòa trong tâm trí hàng hậu học, Ni trưởng Huỳnh Liên luôn thể hiện phẩm chất đạo đức sáng ngời về một tấm gương giới hạnh, xứng đáng là khuôn thước mẫu mực trong tinh thần nhập thế độ sanh, góp phần nhất định vào công cuộc thống nhất hòa bình cho đất nước và độc lập cho dân tộc. Đặc biệt, Ni trưởng là bậc danh Ni đầu tiên của Hệ phái Khất sĩ, tiêu biểu của Ni giới thời đại đã góp công rất lớn trong việc dẫn dắt Ni giới và Phật tử Hệ phái Khất sĩ trên con đường chánh pháp, đồng thời đóng góp công sức trong quá trình tham gia thành lập và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử.

 

Trong suốt 40 năm (1947-1987) phụng sự đạo pháp và dân tộc với những dấu ấn khó phai nhòa trong tâm trí hàng hậu học, Ni trưởng Huỳnh Liên luôn thể hiện phẩm chất đạo đức sáng ngời về một tấm gương giới hạnh, xứng đáng là khuôn thước mẫu mực trong tinh thần nhập thế độ sanh, góp phần nhất định vào công cuộc thống nhất, hòa bình cho đất nước và độc lập cho dân tộc.

Trên tinh thần này, bài viết sẽ được chia làm ba phần, trước tiên chúng tôi xin tóm tắt về thân thế và sự nghiệp của Ni trưởng, vì nội dung này liên quan mật thiết đến hành trạng của Người trong suốt quá trình cống hiến cho Phật pháp và phụng sự đất nước; tiếp đến là những đóng góp của Ni trưởng cho đạo pháp và dân tộc.Trong suốt 40 năm (1947-1987) phụng sự đạo pháp và dân tộc với những dấu ấn khó phai nhòa trong tâm trí hàng hậu học, Ni trưởng Huỳnh Liên luôn thể hiện phẩm chất đạo đức sáng ngời về một tấm gương giới hạnh, xứng đáng là khuôn thước mẫu mực trong tinh thần nhập thế độ sanh, góp phần nhất định vào công cuộc thống nhất, hòa bình cho đất nước và độc lập cho dân tộc.

 

1. THÂN THẾ

Ni trưởng thế danh Nguyễn Thị Trừ, sinh ngày 19/3/1923 (Quý Hợi) tại làng Phú Mỹ, quận Châu Thành, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình Nho giáo sống bằng nông nghiệp. Song thân có năm người con gái, Ni trưởng là trưởng nữ, thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Vận, pháp danh Thiện Trí; thân mẫu là cụ bà Lê Thị Tảo, pháp danh là Thiện Liên (cũng xuất gia thọ Tỳ kheo ni trong Ni giới Hệ phái Khất sĩ).

Thiếu thời, Ni trưởng học hết chương trình Trung học, nhưng sau đó do hoàn cảnh nên không tiếp tục con đường học vấn, song nhờ người cậu ruột là cụ Lê Quý Đàm tham gia cách mạng từ những năm 1930, là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từng theo học trường Cao đẳng Hà Nội, trong thời gian người cậu về quê nhà dưỡng bệnh đã dạy dỗ, truyền đạt kiến thức và tư tưởng yêu nước cho Ni trưởng.

Sinh trưởng trong một gia đình Nho giáo yêu nước và có truyền thống cách mạng. Đồng thời, trưởng thành trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ bị thực dân Pháp xâm chiếm, xã hội đầy dẫy áp bức bất công. Vì vậy, trong cuộc dấy khởi của toàn dân giành lấy chính quyền vào năm 1945, Ni trưởng đã hăng hái tham gia vào các hoạt động yêu nước cùng chị em phụ nữ địa phương… Cho đến khi thực dân Pháp quay trở lại, khi những người tham gia kháng chiến tạm lui vào Bưng Biền, thì Ni trưởng về ở với người dì tại làng Phú Mỹ, TP. Mỹ Tho, tỉnh Định Tường, để dựng am tranh nghiên cứu kinh điển. Hành trình của Ni trưởng dù diễn ra chỉ trong một giai đoạn ngắn, nhưng cũng dễ khiến chúng ta liên tưởng đến các bậc nữ tướng hào kiệt của dân tộc ta, đó là sau khi hoàn thành sứ mạng chống giặc ngoại xâm, tất cả chư vị đều quay về dựng am tranh nghiên cứu giáo lý và sớm hôm kinh kệ…

Theo lịch sử của Hệ phái Khất sĩ, vào năm 1946, đức Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập ra Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam (nay gọi là Hệ phái Khất sĩ) với tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp”; đến năm 1947, bốn vị nữ tu đầu tiên là: Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Bửu Liên được đức Tổ cho thế phát xuất gia với Ngài, từ đó Ni giới Hệ phái Khất sĩ ra đời và Ni trưởng Huỳnh Liên là trưởng tử của đoàn thể Ni trong Hệ phái Khất sĩ; từ đây, mở ra một trang sử mới về hành trạng nhập thế với những cống hiến mang ý nghĩa lịch sử vô cùng giá trị mà Ni trưởng Huỳnh Liên đã thành tựu trong suốt quá trình Người phụng sự cho đạo pháp và dân tộc.

 

2. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN CHO DÂN TỘC 

Tại miền Nam, trong giai đoạn 1945-1975, nước nhà có nhiều biến động lịch sử, nhất là trước cảnh đồng bào và tín đồ Phật giáo chịu cảnh áp bức lầm than, cùng với những bất công trong chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ, mang trong mình dòng máu yêu nước cùng với đức tính dấn thân, dám chấp nhận mọi hiểm nguy gian khổ, Ni trưởng Huỳnh Liên đã tích cực vận động chư Ni, Phật tử cùng tham gia vào các hoạt động đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và trường tồn đạo pháp. Trong giai đoạn này, tịnh xá Ngọc Phương do Ni trưởng Huỳnh Liên xây dựng trở thành trung tâm của Ni giới Hệ phái Khất sĩ, nơi đây là cũng chính là một trong những Tổng hành dinh gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tại Sài Gòn – Gia Định trước năm 1975 rất nổi tiếng mà Ni trưởng là người lãnh đạo tiêu biểu của Ni giới.

 

Giăng tay dắt con thuyền hoằng thệ,
Thả trên mặt bể, an trí kẻ trầm;
Trải lòng đan chiếc áo từ tâm,
Choàng khắp cõi trần, ấm thân người thế.
(Đường Giải Thoát – Ni trưởng Huỳnh Liên)

Ngược dòng lịch sử, vào năm 1963, khi chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, với tư cách là người đứng đầu Ni giới Khất sĩ, Ni trưởng đã lãnh đạo Ni giới Khất sĩ, trực tiếp dẫn đầu các đoàn biểu tình tham gia các phong trào đấu tranh đòi quyền tự do tín ngưỡng của Phật giáo; kết hợp với các phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh và nhân dân Sài Gòn – Gia Định làm bùng phát khí thế đấu tranh mạnh mẽ, đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều địa phương khác tại miền Nam… Có thể nói, khoảng thời gian dài từ năm 1963 cho đến những ngày cuối của tháng 4/1975, các hoạt động đấu tranh đòi hòa bình thống nhất đất nước của đồng bào miền Nam, Tăng, Ni và Phật tử yêu nước ngày càng sôi nổi và phong phú với nhiều hình thức đấu tranh. Trong đó, có các hoạt động đấu tranh do Ni trưởng Huỳnh Liên đứng ra tổ chức và trực tiếp xuống đường, điển hình như: Lễ “Xuống tóc vì hòa bình” (ngày 18/10/1970); biểu tình chống Mỹ và chính quyền tay sai (ngày 25/10/1970); mít-tinh ra tuyên ngôn 10 điểm về hòa bình của Mặt trận Nhân dân Tranh thủ dân chủ hòa bình (ngày 07/11/1970); thành lập chi nhánh phong trào Phụ nữ đòi quyền sống tại Cần Thơ, Trà Vinh (ngày 22/11/1970); Ni trưởng phối hợp cùng với các phong trào sinh viên, học sinh… tổ chức biểu tình đòi thả tù nhân chính trị (ngày 01/01/1971); phối hợp với phụ nữ quốc tế lên án chiến tranh, vận động hòa bình (ngày 05/01/1971); tổ chức họp báo với đề tài “Nhân dân đòi cơm áo, Phật giáo đòi hòa bình” và “Nông dân đòi quyền sống”, để đòi lại ruộng đất đã bị chính quyền tay sai chiếm dụng để xây dựng các công trình phục vụ chiến tranh (ngày 07/4/1971). Tại chùa Ấn Quang, vào ngày 02/8/1971, Ni trưởng tham gia thành lập và giữ vai trò cố vấn cho phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, trụ sở của tổ chức này đặt tại tịnh xá Ngọc Phương.

Sau đó, Ni trưởng tiếp tục tham gia thành lập Mặt trận Nhân dân Tranh thủ dân chủ hòa bình do cụ Đặng Văn Ký làm Chủ tịch. Sau khi tổ chức này được thành lập, vào ngày 06/9/1971, Ni trưởng tổ chức đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ phải thả tự do cho bà Ngô Bá Thành, Chủ tịch phong trào Phụ nữ đòi quyền sống; vào ngày 18/9/1971, nhân sự có mặt của Thượng Nghị sĩ George Stanley McGovern tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng, Ni trưởng đã phối hợp với đồng bào Công giáo tố cáo tội ác chiến tranh. Ngoài ra, Ni trưởng còn phối hợp với sinh viên, học sinh Sài Gòn – Gia Định đấu tranh chống “Quân sự hóa học đường”; phối hợp với công nhân hãng pin Con Ó chống lại sự bóc lột và sa thải công nhân vào ngày 18/11/1971…

Từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1975, phong trào đấu tranh tiếp tục diễn ra sôi động với mục tiêu rõ rệt là đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, đòi thả tù nhân chính trị, đòi chính quyền Sài Gòn thực hiện hiệp định Paris, đòi hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc. Trong giai đoạn đấu tranh quyết liệt này, vào ngày 04/10/1974, Ni trưởng cùng xuống đường biểu tình với Ủy ban Chống tịch thu báo chí tại chợ Bến Thành gọi là “Đọc báo nói” cho đồng bào nghe, cuộc mít-tinh được đông đảo bà con hưởng ứng, tạo nên một không khí đấu tranh hào hứng, sôi động quanh chợ Bến Thành; tiếp đến, vào ngày 10/10/1974, Ni trưởng tham dự ngày “Ký giả ăn mày”, mang theo bị gậy diễu hành quanh chợ Bến Thành, rồi đến Hạ Nghị viện suốt ngày, đoàn biểu tình bị cảnh sát đánh, được dân chúng bênh vực, can thiệp, sau đó trở thành cuộc mít-tinh vĩ đại có đến hàng vạn người tham gia… Trong giai đoạn này, chư Ni tịnh xá Ngọc Phương dưới sự lãnh đạo của Ni trưởng đã vượt rào kẽm gai, kết hợp cùng với đoàn của Ni trưởng Ngoạt Liên từ Biên Hòa kéo về tập trung trước Nhà Hát Lớn Sài Gòn phản đối chính quyền Sài Gòn phong tỏa tịnh xá Ngọc Phương, yêu cầu thả tù nhân chính trị, các nhân sĩ yêu nước, sinh viên, học sinh. Lúc bấy giờ, Ni trưởng bị thương phải vào bệnh viện Sùng Chính băng bó, ngay sau đó, các chính khách cao cấp có xu hướng tiến bộ đã đến bệnh viện thăm Ni trưởng và tạo áp lực với chế độ Sài Gòn. Riêng tịnh xá Ngọc Phương, nơi trụ xứ của Ni trưởng, từ đầu tháng 8/1970 cho đến sau này, luôn bị chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ giăng kẽm gai phong tỏa, cảnh sát an ninh mật vụ thì giám sát ngày đêm, cho đến 12h trưa ngày 29/4/1975, tịnh xá Ngọc Phương và Ni chúng trong chùa mới được tự do đi lại…

Theo lịch sử, các hoạt động đấu tranh vì hòa bình thống nhất đất nước của nhân dân Sài Gòn – Gia Định, thì những tư liệu ghi nhận về hành trạng và những cống hiến của Ni trưởng Huỳnh Liên trong quá trình tham gia hoạt động cho các phong trào yêu nước thời bấy giờ có thể nói là vô cùng phong phú. Trong giới hạn của tham luận này, chúng tôi chỉ nêu lên một vài sự kiện điển hình nhằm minh họa một chặng đường đấu tranh gian khổ, nhưng sáng ngời ý chí đấu tranh kiên cường của một bậc Cao ni dạt dào tấm lòng thương dân, yêu nước. Nhìn chung, những cuộc biểu tình do Ni trưởng tổ chức và trực tiếp xuống đường đã tạo nên một khí thế đấu tranh ngút trời. Ngoài việc đã buộc chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ phải nhượng bộ và chấp nhận thực hiện một số yêu sách chính đáng của Phật giáo và quần chúng nhân dân, thì hành trạng tích cực tham gia công cuộc đấu tranh xuất phát từ lòng yêu nước và truyền thống cách mạng của Ni trưởng Huỳnh Liên đã góp phần nhất định vào sự nghiệp giải phóng đất nước, ghi dấu ấn bằng những nét son vàng lên trang sử hào hùng của dân tộc và lịch sử Phật giáo nước nhà.

Có thể nói, sự nghiệp đóng góp cho đạo pháp và dân tộc của Ni trưởng Huỳnh Liên đã góp phần quan trọng trên trang sử Phật giáo nước nhà ở giai đoạn lịch sử cận hiện đại của Phật giáo trong lòng dân tộc, như Trưởng lão Hoà thượng Thích Từ Thông đã nhận xét:

Chí bất khuất vì hạnh phúc tự do, chiếc áo Khất sĩ làm vẻ vang trong Ni giới;

Nguyện kiên cường cho hòa bình độc lập, tấm thân nữ lưu nêu gương sáng chốn Tòng lâm.

 

3. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN CHO ĐẠO PHÁP 

Theo lịch sử của Hệ phái Khất sĩ, từ khi đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, kế tục sự nghiệp Tổ thầy, với vị trí là trưởng tử Ni, Ni trưởng Huỳnh Liên đã trực tiếp lãnh đạo hàng Ni chúng Khất sĩ suốt 40 năm (1947-1987). Với hạnh nguyện và vai trò lãnh đạo Ni đoàn Khất sĩ, Ni trưởng đã nỗ lực lèo lái Giáo đoàn Ni giới Khất sĩ, truyền thừa Phật pháp sâu rộng trong quần chúng. Từ năm 1948, Ni giới Hệ phái Khất sĩ đã có mặt tại một vài tỉnh, thành ở miền Nam, theo đó là sự hình thành các đạo tràng, tịnh xá. Đặc biệt, tịnh xá Ngọc Phương (xây dựng từ năm 1958, trùng tu năm 1972), trung tâm của Ni giới Hệ phái Khất sĩ là nơi mang nhiều dấu ấn lịch sử một thời hành đạo và dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Ni trưởng.

Trong công tác trước tác, phiên dịch kinh điển, Ni trưởng đã diễn dịch một số bản kinh ra chữ Quốc ngữ, dịch phẩm và tác phẩm của Ni trưởng gồm một số kinh nhật tụng như: Kinh A Di Đà, Phổ Môn, Vu Lan, Hồng Danh, kinh Vô Ngã Tướng, Tứ Thập Nhị chương, Bát Nhã Tâm kinh, kệ Trích lục, kệ Chơn Lý; biên soạn, phiên dịch và diễn giải kinh tạng để Ni chúng và Phật tử dễ học và dễ lãnh hội ý pháp… Đặc biệt, trong đó có 02 bộ là kinh Tam Bảo và Tinh Hoa Bí Yếu đã được in thành tập phổ biến khắp miền Nam và miền Trung cho hơn 350 ngôi tịnh xá trực thuộc Ni giới Khất sĩ đọc tụng hằng ngày trong các thời khóa. Ngoài ra, Ni trưởng còn để lại trên 2.000 bài thơ qua các thể loại và văn xuôi để giáo hóa chư Ni và Phật tử, đem đạo vào đời, làm lợi ích chúng sinh.

 

Ni trưởng Huỳnh Liên đã thể hiện sinh động tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân của người con Phật, nhất là tái hiện lại hình ảnh các bậc nữ tướng anh hùng thời Hai Bà Trưng, xông pha nơi chiến trận ngay trong thời hiện đại.

 

Giăng tay dắt con thuyền hoằng thệ,

Thả trên mặt bể, an trí kẻ trầm;

Trải lòng đan chiếc áo từ tâm,

Choàng khắp cõi trần, ấm thân người thế.

(Đường Giải Thoát

– Ni trưởng Huỳnh Liên)

Suốt 40 mươi năm giáo hóa độ sinh (1947-1987), nối truyền mạng mạch Phật pháp, với bi nguyện bao la, đức độ từ hòa, luôn tinh tấn, luôn vững tiến, chiếc “Thuyền sen” của Ni trưởng đã vân du khắp hai miền Nam – Trung để rồi đến ngày nay có hơn 350 ngôi tịnh xá của Ni giới như là bến đỗ bình an cho Ni chúng và hàng triệu Phật tử như hôm nay, đã nói lên sự nghiệp huy hoàng, hoằng dương chánh pháp, báo Phật ân đức của cố Ni trưởng Huỳnh Liên.

Bên cạnh đó, Ni trưởng còn rất chú trọng đến việc đào tạo nhân tài cho Ni giới Hệ phái Khất sĩ nói riêng và cho Phật giáo nước nhà nói chung. Thể hiện điều này, Ni trưởng đã nhiệt tâm đóng góp tài vật, cổ động chư Ni và Phật tử ủng hộ thường xuyên việc thành lập trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh; từ sự động viên, khuyến khích và hỗ trợ của Ni trưởng, trong Ni đoàn của Hệ phái Khất sĩ đã có nhiều vị tham gia tu học và đã tốt nghiệp tại trường Cao cấp Phật học Việt Nam và trường Trung cấp Phật học (tại TP. Hồ Chí Minh); trong đó, có nhiều Sư cô tốt nghiệp Cử nhân Phật học và Triết học Đông phương; Cử nhân Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn); nhiều vị còn theo học các khóa Ngữ văn, Hán – Nôm, Sinh ngữ ở các trường Đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Trong số Ni chúng của Ni giới Hệ phái Khất sĩ, có Sư cô Thích Nữ Tín Liên, sau khi tốt nghiệp khóa I Cao cấp Phật học, đã được nhận học bổng về nghiên cứu Phật học tại trường Đại học New Delhi – Ấn Độ, do Chính phủ Ấn Độ tài trợ theo chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước Ấn – Việt… Điển hình trên đây là những đóng góp của Ni trưởng vào công tác trước tác, phiên dịch và giáo dục đào tạo Ni tài cho Hệ phái Khất sĩ nói riêng và cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung. Hiện nay, Ni giới Hệ phái Khất sĩ dưới sự nỗ lực, cố gắng của chư Ni đã đạt được kết quả trình độ học vấn rất khả quan, trong đó có: 18 vị Ni sinh đang học Thạc sĩ và 15 vị đang học Tiến sĩ. Một số vị đã tốt nghiệp ở các hệ đào tạo như: 15 vị Thạc sĩ, 02 vị Hậu Tiến sĩ, 31 vị Tiến sĩ thuộc các chuyên ngành Phật học, Triết học và Văn học Phật giáo. Bên cạnh đó, có Ni sư Thanh Liên đạt học vị Tiến sĩ Y khoa đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, hiện nay là Giám đốc Phòng khám Đa khoa Từ thiện Long Bửu tại tỉnh Bình Dương. Trong số những vị đã tốt nghiệp cấp Tiến sĩ, Thạc sĩ này, có trên 30 vị đang tham gia công tác Giáo hội, Hệ phái và xã hội, giảng dạy tại Học viện Phật giáo Việt Nam và các trường Cao cấp, Trung cấp, Sơ cấp Phật học.

Ni trưởng còn góp phần đáng kể vào công tác từ thiện xã hội, tích cực vận động chư Ni và Phật tử nỗ lực đóng góp sức người, sức của để thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chẳng hạn như: Tương trợ người già và thiếu niên tàn tật, viếng thăm, ủy lạo tại các bệnh viện, các trại cùi, các trường mầm non… Ni trưởng cũng nhiệt tình hưởng ứng và tích cực vận động quý Sư cô, Ni cô hai miền Trung – Nam tiết kiệm mua công trái xây dựng Tổ quốc trong nhiều đợt, ủy lạo hỏa hoạn, thiên tai bão lụt. Đặc biệt, qua mối quan hệ của Ni trưởng, Bệnh viện Quân y 175 đã kết nghĩa với tịnh xá Ngọc Phương, làm tốt công tác khám, chữa bệnh cho Tăng Ni, Phật tử.

Về công tác đoàn thể và Giáo hội, từ ngày 20-24/10/1975, Ni trưởng tham dự Đại hội Phụ nữ Quốc tế tại Cộng hòa Dân chủ Đức; từ ngày 06-10/6/1977, Ni trưởng cùng với phái đoàn Phật giáo Việt Nam dự Đại hội Tôn giáo thế giới vì hòa bình về vấn đề giải trừ quân bị, chống chiến tranh hạt nhân tổ chức tại Moscow (Liên Xô cũ); năm 1976, Ni trưởng tham gia Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh với chức vụ Phó Chủ tịch; ngày 25/4/1976, Ni trưởng tham gia Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương, Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh…

Ni giới Hệ phái Khất sĩ giai đoạn 1975-1981 hoạt động khá sôi nổi, phần lớn tập trung xây dựng và tu bổ lại các tịnh xá, giai đoạn này Ni trưởng vẫn còn gánh vác trách nhiệm lãnh đạo, điều hành Ni giới Hệ phái Khất sĩ. Vào tháng 02/1980, Ni trưởng là đại diện Ni giới Hệ phái Khất sĩ tham gia vào Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam và làm Ủy viên của ban này. Vào ngày 07/11/1981, Ni trưởng là một trong sáu Đại biểu của Hệ phái Khất sĩ tham dự Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam toàn quốc, được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Tại Đại hội, Ni trưởng được bầu làm Ủy viên Kiểm soát Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và làm Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của TP. Hồ Chí Minh.

Nhìn về lịch sử hình thành và phát triển của Ni giới Hệ phái Khất sĩ, chúng ta sẽ thấy đó là sự kết nối tốt đẹp, sự trưởng thành ổn định, vững vàng giữa các thế hệ Ni trong Hệ phái. Có được thành quả khả quan này, trước tiên phải nói đến tâm huyết, trí tuệ và công sức rất đáng trân trọng của Ni trưởng với tư cách là một người lãnh đạo tối cao của Ni giới Khất sĩ Việt Nam.

 

4. TẠM KẾT

Trong suốt thời gian dài gần một phần ba thế kỷ (1945-1975), đây là giai đoạn Phật giáo miền Nam diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, riêng đối với Ni giới Nam Bộ, khoảng thời gian này cũng là giai đoạn phát triển rực rỡ và huy hoàng nhất của lịch sử Ni giới miền Nam. Một trong những nguyên nhân chính đó là Ni giới miền Nam trong giai đoạn này xuất hiện nhiều nhân tài kiệt xuất bên cạnh những bậc tiền bối Ni mà danh đức mãi được lưu truyền đến các thế hệ sau, Ni trưởng Huỳnh Liên đã thể hiện sinh động tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân của người con Phật, nhất là tái hiện lại hình ảnh các bậc nữ tướng anh hùng thời Hai Bà Trưng, xông pha nơi chiến trận ngay trong thời hiện đại.

Ghi nhận những thành quả trong quá trình cống hiến đời mình, tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, Ni trưởng đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huy hiệu TP. Hồ Chí Minh; bằng khen 10 năm của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác. Nhất là hiện nay, tại quận Tân Bình TP. Hồ Chí Minh, đạo hiệu của Ni trưởng đã trở thành tên của một con đường, điều đó thể hiện đạo đức, phẩm hạnh, cũng như công trạng của Ni trưởng đã được lịch sử lưu danh khẳng định…

Cuộc đời và sự nghiệp của Ni trưởng Huỳnh Liên đã để lại cho các thế hệ kế thừa những bài học sâu sắc về tinh thần yêu nước, bài học thực tế về ý thức trách nhiệm của người con Phật đối với đạo pháp và dân tộc, nhất là bài học về phẩm chất giới hạnh của người xuất gia trong suốt quá trình tích cực góp phần công sức, trí tuệ của mình vào sự nghiệp xương minh Phật pháp, xây dựng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử.

 

HT. Thích Huệ Thông

 

Chú thích:

* Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, kiêm Trưởng Ban Trị sự

GHPGVN tỉnh Bình Dương.

 

—–oo0oo—–