Trang chủ Blog chùa Nghệ An: Lễ khởi công xây dựng chùa Viên Quang

Nghệ An: Lễ khởi công xây dựng chùa Viên Quang

469

Đến chứng minh và tham dự buổi lễ có: TT.Thích Chân Quang – Thầy Bổn sư của các Phật tử Chùa Viên Quang cùng chư Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang (BRVT); ĐĐ.Thích Quảng Bảo – Trưởng Ban Văn Hoá – BTS PG tỉnh Nghệ An; ĐĐ.Thích Tự Luận – Trưởng Ban PG Quốc Tế – BTS PG tỉnh Quang trị; NS TN Tịnh Hoa – Trụ trì chùa Tịnh Nghiêm (TP. Huế); Sư cô TN Từ Lương – Chùa Bảo Lương và quý Thầy, quý Sư cô thành phố Vinh.

Về phía chính quyền các cấp có: Ông Lưu Công Vinh –  Phó Giám Đốc -Trưởng ban cùng Lãnh đạo và Chuyên viên  Ban Tôn giáo Sở Nội Vụ tỉnh Nghệ An; ông Vũ Chiến Thắng – PGĐ cùng Lãnh đạo phòng PA88 – Công an tỉnh Nghệ An; ông Nguyễn Hữu Bản – Nguyên Trưởng Ban Tổ Chức Tỉnh uỷ và nhiều Cô, Bác nguyên là Lãnh đạo các cấp các nghành đã nghỉ hưu; Ông Thái Văn Long – Phó Bí Thư huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn; ông Đinh Sỹ Quế – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn; ông Kim Quốc Hoa – Tổng Biên Tập Báo Người Cao Tuổi; cùng các vị trong Ban Thường Trực huyện uỷ – HĐND; Chánh phó Chủ tịch UBND huyện, Ban Dân Vận, UBMTTQ huyện; Trưởng các phòng: Nội Vụ, Công thương, Văn Hoá, Tài Nguyên Môi trường; đại diện Lãnh đạo Công An huyện; đội An ninh Công an huyện.

Ngoài ra, các Ban ngành Đoàn thể xã Nam Thanh, các Doanh nghiệp, Ban Quản Lý chùa Viên Quang, các Cơ quan Báo chí, Truyền thanh Truyền hình, Ban Điều Hành Tổng Đạo Tràng Phật Quang, các Đạo tràng trực thuộc Tổng Đạo Tràng Phật Quang, các Đoàn Thanh Niên Phật Quang, các Phật tử chùa Viên Quang, Phật tử Đạo tràng Phật An (Nghệ An) và trên 3000 Phật tử từ các tỉnh thành đến, cùng nhân dân địa phương cũng hiện diện trong buổi lễ này. Tất cả cùng hiệp lực cầu nguyện…

Để tạo không khí hào hứng cho buổi lễ, các Văn nghệ sĩ Hà Nội, Đoàn Thanh Niên Phật Hạnh và Phật tử Đạo tràng Phật An đã góp vui với những tiết mục văn nghệ thật đặc sắc, bao gồm các thể loại như: múa, đơn ca, song ca, tóp ca và ngâm thơ.

Tiếp theo, ông Nguyễn Tất Vinh – Trưởng Ban Hộ Tự chùa Viên Quang phát biểu khai mạc, ông cho biết: Chùa Viên Quang là ngôi Chùa cổ có từ thời nhà Lê. Viên Quang vừa có nghĩa là ánh sáng Đạo pháp tròn đầy đẹp đẽ tinh khiết nhất; vừa có nghĩa Chùa toạ lạc trên một vị trí có cảnh quan đẹp. Trong bản dịch nội dung bia Chùa Viên Quang có ghi: ”…Quy mô Chùa thì tráng lệ, chế tác to đẹp. Phật cung có cả bảy nhà, trên bảo toạ rực sáng, sửa sang ba toà tượng Phật sắc ánh như vàng, mở rộng pháp hội công đức đầy đủ…”.

Thế nhưng trải qua chuỗi thời gian gắn với từng giai đoạn lịch sử, nay Chùa chỉ còn lại nhà Bái đường và nhà Hậu Cung được phục dựng đơn sơ với nhiều pho tượng gỗ còn sắc ánh như vàng.

Thể theo nguyện vọng của Phật tử và nhân dân xã Nam Thanh, được sự quan tâm của Giáo hội và Chính quyền các cấp, vào tháng 10 năm Canh Dần  (2010), UBND Xã Nam Thanh  cùng TT. Thích Chân Quang và Phật tử Chùa Viên Quang đã long trọng tổ chức Lễ Công Bố quyết định số 3752/QĐ.UBND – NC ngày 12/8/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc chấp thuận phục hồi Chùa Viên Quang xã Nam Thanh huyện Nam Đàn.

Từ ngày đó, phật tử nơi đây một lòng nỗ lực tiến tu, nỗ lực thắp lên ánh sáng tự tâm và đem ánh sáng ấy đến cho mọi người, góp phần xây dựng ngôi nhà Phật Pháp ngày càng phát triển xương minh, giáo Pháp Thế Tôn luôn cửu trụ nơi đời và không ngừng chăm lo cho ngôi chùa khang trang hơn, sạch đẹp hơn.

Tại đây, các Phật tử vừa tu tập; vừa ước mơ có một ngôi già lam cho xứng với tầm vóc lịch sử của ngôi Chùa, để không phụ lòng của Thầy Bổn sư (TT.TCQ) và Chư tôn đức tại địa phương. Thế là Đạo tràng Phật tử chùa Viên Quang đã đề nghị UBND xã Nam Thanh, thành lập Ban Hộ Tự nhằm hoàn thành các thủ tục cấp phép xây dựng theo quy định của Nhà nước.

Đến nay, Chùa Viên Quang đã hội đủ các điều kiện pháp lý theo quy định để xây dựng mới lại chánh điện cùng với 14 hạng mục công trình theo phê duyệt quy hoạch của UBND tỉnh Nghệ An. Duyên lành đã đủ, Ban Tổ chức xin tuyên bố khai mạc Lễ Động Thổ kiến tạo chùa Viên Quang trong niềm hân hoan của những người con Phật, cũng như của chính quyền các cấp và nhân dân xứ Nghệ.  

Ban Tổ Chức nguyện làm hết sức mình để quản lý tốt nhất về tịnh tài tịnh vật đóng góp của Phật tử vào việc xây dựng chùa. Nguyện sớm hoàn thành các công trình, hạng mục với chất lượng và kỷ thuật tốt nhất; đồng thời cũng xin hứa với vị Thầy Bổn sư sẽ duy trì tu tập trong quá trình xây dựng, để khi ngôi chùa hoàn thành thì Phật tử chùa Viên Quang sẽ tinh tấn hơn nhiều so với hôm nay. Mặt khác, BTC cũng xin hứa với chính quyền các cấp, sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về quản lý  xây dựng cũng như thực hiện đúng quy định hoạt động tu tập theo pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo.

Tại buổi lễ, ông Lưu Công Vinh –  Phó Giám Đốc – Trưởng Ban Tôn Giáo Sở Nội Vụ tỉnh Nghệ An nhận xét, chùa Viên Quang là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XVI, có kiến trúc cổ, to đẹp và uy nghiêm, lại nằm trên khu đất có địa thế rất đẹp trong vùng đất địa linh nhân kiệt, nên hết sức hấp dẫn. Chùa còn là chứng tích lịch sử quan trọng, tại đây nơi gốc mít, kẻ thù đã tra tấn dã man hàng trăm Cán bộ chiến sĩ cách mạng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931.

Do ảnh ảnh hưởng của chiến tranh, thiên tai kéo dài và do sự tàn phá của thời gian mà rất lâu chùa không được tu sửa nên bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn đáp ứng được nhu cầu hoạt động Phật sự của Tăng Ni, tin đồ Phật tử tại địa phương. Vì vậy, việc xây dựng lại chùa Viên Quang có ý nghĩa rất quan trọng và vô cùng cần thiết. Đây là việc làm vừa phục hồi cơ sở Phật giáo, đáp ứng nhu cầu ngày càng tốt hơn cho Tăng Ni tu tập, giáo hoá, và cho tín đồ Phật tử học đạo, hiểu đạo và thực hành giáo lý của Đức Phật; vừa phục hồi công trình kiến trúc văn hóa lịch sử có giá trị. 

Thời gian qua, Chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm nhanh chóng giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phê duyệt quy hoạch và cấp giấy phép xây dựng để chùa có thể khởi công đúng với ngày lành. Nhân đây, ông mong các tổ chức, các cá nhân với lòng hảo tâm của mình, hãy cùng chung tay đóng góp vật chất, tinh thần để xây dựng chùa được thuận lợi, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ông cũng đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm quản lý, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xây dựng chùa. Sau cùng, ông mong muốn Tăng Ni, tín đồ, đạo tràng chùa Viên Quang đoàn kết, hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, đúng hiến chương của GHPGVN, nhằm phát huy được những giá trị đạo đức cao cả của giáo lý Phật Đà, phát huy truyền thống hộ quốc an dân của PGVN đưa đạo vào đời, để góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước hòa bình an lạc, ổn định, phát triển, xứng đáng là những người con Phật trên quê hương của Bác Hồ kính yêu.

Trong buổi lễ này, lời đạo từ của TT.Thích Chân Quang rất sâu sắc và ý nghĩa. Thượng toạ cho rằng “Tất cả chúng ta sinh ra trên đời đều ước mơ đi tìm cái đẹp, cái đúng, cái hay để theo đuổi cho cuộc sống của mình”.  Tuy nhiên, bao nhiêu điều được gọi là đẹp, là hay không phải dễ dàng tìm thấy được.  Một trong những điều được gọi là đẹp, là hay trong cuộc sống là dựng xây, bảo vệ tổ quốc yêu quý của chúng ta. Biết bao nhiêu máu của anh hùng đã đổ xuống nhuộm thắm đất nước này. Ngày hôm nay đất nước đã hòa bình thống nhất, độc lập. Tất cả chúng ta được hưởng thành tựu đó, chúng ta gánh lấy trách nhiệm thiêng liêng từ tiền nhân để lại là phải làm sao xây dựng được đất nước này gấp 10 lần tươi đẹp hơn, như Bác Hồ đã nói. 

Trên con đường phát triển xây dựng để sánh vai với năm châu bốn bể đó, ta có một yếu tố rất quan trọng mà trước kia Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh có nói “Việc phát triển kinh tế phải song song với phát triển, bảo tồn văn hóa”. Bảo tồn văn hóa chính là nền tảng của mọi sự phát triển trong đất nước này. Đó là những điều đẹp ta phải theo đuổi trong cuộc sống của mình. 

Đạo Phật của chúng ta cũng chính là một điều đẹp, một điều hay mà chúng ta cũng phải suốt đời theo đuổi. Trong đạo lý mà Phật đã dạy khiến cho chúng ta có được đạo đức hết sức căn bản của con người như tình yêu thiên nhiên; lòng từ bi đối với muôn loài; tâm khiêm hạ; vô ngã; nhẫn nhục; tinh tấn; kiên cường; rộng lượng; bao dung, v.v…

Với vô số đạo đức – đạo lý mà Phật cho chúng ta làm cho Đạo Phật khi đến với dân tộc, bỗng thành sản phẩm tinh hoa của dân tộc và đồng hành cùng dân tộc ta suốt mấy nghìn năm qua. Đây là đặc điểm mà khó có tôn giáo nào có được. Thường là khi một tôn giáo đến với một cộng đồng họ lấy tình cảm của quần chúng đi, bởi vì tôn giáo nào cũng có 2 thuộc tính đó là luân lý đạo đức và thần thoại siêu hình, tâm linh.

Thuộc tính về tâm lý đạo đức thì các tôn giáo ban đầu na ná giống nhau, là dạy con người làm điều lành, tránh xa điều ác, nhưng đi sâu nữa vào luân lý đạo đức thì các tôn giáo bắt đầu có ngã rẽ khác nhau dần. Còn thuộc tính thứ hai của tôn giáo là tính thần thoại siêu hình tâm linh. Yếu tố này rất là mờ vì khoa học chưa thể đặt chân vào được, ta chỉ có niềm tin, nghe truyền khẩu, nghe tin đồn, nghe thuyết giảng chứ thật sự không ai chứng minh được. Vấn đề là tùy mỗi cơ duyên của từng người mà ta chọn yếu tố siêu hình tâm linh thần thoại nào, khả dĩ có thể tin cậy, chấp nhận được.

Do hai thuộc tình kỳ lạ này, có khi thuộc tính này hay nhưng thuộc tính kia không hay. Do đó tôn giáo vẫn mãi mãi là cái gì đó vừa rất cần cho con người, đồng thời cũng vừa làm cho những nhà trí thức có sự dè dặt vừa phải.

Riêng trong đạo Phật thì cả 2 thuộc tính đó đều làm cho chúng ta yên tâm. Thứ nhất là thuộc tính luân lý đạo đức. Phạm trù này Đức phật dạy thật là không chê vào đâu được, đó là hướng con người ta đi về vô ngã, sống phải quên mình để còn lại tình yêu thương với cộng đồng, với vạn loài. Trong tình yêu thương bao la đó, nó đi từ thấp lên cao, trước hết là trong gia đình, rồi tới cộng đồng xóm làng, vượt bậc hơn nữa là tình yêu đất nước này, còn phi thường ta chưa dám mơ nhiều là tình yêu cả nhân loại. Và hoàn toàn tuyệt đối siêu xuất là tình yêu hướng đến vô hạn chúng sinh, nhưng đó là quá lý tưởng, mãi mãi vẫn là lý tưởng mà ta tụng niệm, mơ ước chứ thực hành thì không nổi.

Nhân đây, Thượng toạ khuyến khích tình yêu nước, trách nhiệm của một người Phật tử trong việc xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn. Qua đó khẳng định “Khi chúng ta nghĩ đến việc xây dựng phát triển đất nước, ta nghĩ đến yếu tố của văn hoá, yếu tố của đạo Phật là ta đang thực hiện điều Bác Hồ đã nói  là sẽ xây dựng đất nước này hơn ngày xưa rất nhiều”.

Trên quê hương Nghệ An xưa có tới hơn 300 ngôi chùa, nhưng do chiến tranh, cùng sự tàn phá của thiên tai và thời gian, nhiều ngôi chùa không còn được bảo tồn. Ngày hôm nay ý thức được văn hóa dân tộc, ý thức được vai trò của đạo phật nên nhà nước, chính quyền của tỉnh, huyện, và xã, ai cũng bị thôi thúc làm sao khôi phục được giá trị Phật giáo trên quê hương Nghệ An của ta. Từng ngôi chùa được phục dựng là từng đóa hoa sen nở bừng trong lòng người. Là niềm vui, tình yêu thương lan tỏa trong cộng đồng.

Ngày hôm nay lễ khởi công chính thức sau những yếu tố Pháp lý đã thành tựu do Đảng, nhà nước, chính quyền hết sức hỗ trợ, phần chúng ta mỗi người một giọt mồ hôi, một đồng tiền, một cánh tay, một tâm huyết để dựng lại ngôi chùa Viên Quang. Dựng lại theo tiêu chuẩn Bác Hồ nói gấp 10 lần trước đây, tức là “”Xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, chỉ vì  đây không những là một địa điểm tâm linh mà còn là một di tích văn hóa cần được tôn tạo. Vì vậy chúng ta sẽ kiến nghị ngành Xây dựng tỉnh, điều chỉnh bản thiết kế để công trình tương xứng với nguồn kinh phí khoảng 50 tỉ đồng.

Trong ngày lễ khởi công, nơi không khí thiêng liêng này chúng ta vui nhưng những ngày tháng phía trước mới thật sự là giá trị, đó là mồ hôi, nước mắt trong những ngày tháng sắp tới. Chúng ta chờ đợi ngày vui thứ 2 nữa là ngày khánh thành. 

Tiếp theo, ông Ngô Minh Tơn thay mặt toàn thể Phật tử nói lên cảm nghĩ, tâm nguyện của mình trong ngày lễ trọng thể này. Ông phát biểu “Hôm nay là ngày vô cùng trọng đại đối với Phật tử Nghệ An, tại đây chúng con được chào đón sự kiện đặc biệt đó là lễ khởi công xây dựng tu tạo lại cổ tự Viên Quang. Chúng con nhớ lại câu thơ nổi tiếng của HT Mãn Giác “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của Tổ tông”. Mái chùa đã trở thành điểm tựa tâm linh, nơi gửi gắm tâm hồn của người dân Việt. Đó cũng là truyền thống, là nếp sống từ ngàn năm qua ông cha ta đã để lại cho các thế hệ con cháu. Thế rồi năm tháng dần trôi, lịch sử hào hùng cũng dần qua, nhưng vẫn còn nỗi buồn đau đáu “Từ thuở ra đi vắng bóng chùa”. Giờ đây hình ảnh những ngôi chùa đẹp đẽ chỉ còn trong dĩ vãng, Phật tử Nghệ An chúng con từ lâu luôn ước ao cháy bỏng là được trở về nương tựa dưới mái chùa trên quê hương thân yêu.

Hôm nay hội đủ duyên lành, cùng với sự giúp đỡ của GHPGVN tỉnh Nghệ An và các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền cho phép, Phật tử chúng con tu bổ lại ngôi cổ tự Viên Quang này. Niềm hạnh phúc vô bờ bến đã đến với chúng con, khi được đón chào sự trở lại của một người con xứ Nghệ là Thầy Bổn sư (TT.Thích Chân Quang), người mà chúng con vô cùng kính mến, đã thắp sáng trong tim chúng con ngọn lửa đạo pháp, ngọn lửa của từ bi, trí tuệ và yêu thương. Những bài pháp mà Thầy giảng cho chúng con tu, đã mở lối cho trái tim chúng con đi về nơi ngập tràn ánh sáng của đạo đức và đặc biệt là lòng tôn kính Phật vô biên. Từ những bài Pháp của Người mà chúng con tìm về chân lý, nơi đó không có lòng vị kỷ, cá nhân, chỉ có tình yêu thương cao cả giành cho quê hương, đất nước và Phật pháp. 

Chúng con xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến Thầy và xin Thầy chấp nhận mong ước của chúng con là được mời Thầy về trụ trì ngôi chùa Viên Quang này. Đề nghị các cấp, các Ban ngành và Giáo hội tạo điều kiện để TT.Thích Chân Quang trở về trụ trì ngôi chùa trên quê hương mình, mà dìu dắt chúng con trên con đường tu tập, sống tốt đời, đẹp đạo, đoàn kết chung tay xây dựng quê hương đất nước tươi đẹp.

Tại buổi lễ, ông Kim Quốc Hoa thay mặt cho Hội Người Cao Tuổi Việt Nam bày tỏ tấm lòng chân thành cảm ơn TT.Thích Chân Quang và Phật tử các đạo tràng chùa Phật Quang, trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp niềm vui cho người cao tuổi cả nước. Mặt khác, ông cũng nhận xét “Cùng với sự kiện khởi công xây chùa Viên Quang hôm nay lại là ngày sinh nhật của TT.Thích Chân Quang. Sự trùng hợp này hết sức thiết thực, chúng tôi cho rằng ngôi chùa Viên Quang của xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn chắc chắn khi khởi công sẽ được đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng, để chùa đây trở thành điểm tâm linh và hàng năm có thể tổ chức Lễ hội như nhiều ngôi chùa lịch sử khác.

Trước giờ động thổ, với tư cách là nhà bảo trợ xây dựng chùa Viên Quang, TT.Thích Chân Quang thay mặt BTC cám ơn các nhà hảo tâm, các nhà doanh nghiệp, quý phật tử trong buổi khởi công này đã đóng góp nhanh chóng gần 3 tỷ đồng, một con số nói lên rất nhiều điều. Kinh phí dự kiến khoảng trên 50 tỷ. Việc quản lý tài chính xây dựng chùa là việc khó khăn và nhạy cảm, chúng ta sẽ mở tài khoản của chùa, có trưởng Ban Hộ Tự, kế toán, thủ quỹ, có con dấu của chùa. Ban Kiểm Soát tài chính sẽ làm việc nghiêm chỉnh, thường xuyên kiểm tra chéo lẫn nhau chặt chẽ trên văn bản. Sau đó báo cáo lại cho chính quyền địa phương xã Nam Thanh, theo dõi tất cả những khoản chi thu trong quá trình xây dựng chùa, không để thất thoát một đồng nhỏ nào. Đảm bảo thực hiện đúng quy định của Pháp luật về công tác quản lý đầu tư xây dựng.

Kế đến, Chư tôn đức Tăng Ni và đại diện Chính quyền cử hành lễ niêm hương bạch Phật và động thổ. Buổi lễ khởi công xây dựng chùa Viên Quang diễn ra thành công viên mãn trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh và tràn đầy hoan hỷ của những người tham dự.

Sau cùng, cô Đoan Tuệ – Chúng trưởng đạo tràng Phật An – Phó  Ban Hộ Tự chùa Viên Quang thay mặt BTC nói lời cảm tạ và tri ân Chư tôn đức GHPG Nghệ An, các cấp chính quyền, các ngành chức năng, các vị đại biểu, các cơ quan báo chí, các nhà hảo tâm, Tổng Đạo Tràng Phật Quang cùng các đạo tràng bạn, Đoàn Thanh Phật Quang Hà Nội, Huế, Hải Phòng, các công ty quảng cáo tổ chức sự kiện, âm thanh và toàn thể Phật tử… Tất cả đã nhiệt tình giúp đỡ, ủng hộ, góp phần tạo nên sự thành công của buổi lễ./.

Dưới đây là một số hình ảnh được ghi nhận tại buổi lễ Khởi công xây dựng chùa Viên Quang – Nghệ An: