Tham dự và chứng minh buổi lễ có: TT.Thích Minh Tuân – Viện chủ Thiền viện Di Đà (Thường Tín – Hà Nội); TT.Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT); Sư thầy Thích Thái Hoà – Trụ trì chùa Hương Thể (Hà Nội); Sư thầy Thích Đàm Hoài – Trụ trì chùa Hưng Long (Sóc Sơn) và chư Tăng Ni các Tự viện lân cận.
Về phía Chính quyền có: ông Trần Văn Hữu – Phó CT UBND huyện Sóc Sơn; ông Phạm Văn My – nguyên Thành uỷ viên – nguyên Bí thư huyện uỷ Sóc Sơn; bà Vi Thị Bình Anh – Thường vụ huyện uỷ – Trưởng BDV – Chủ tịch Mặt trận UBND huyện Sóc Sơn; ông Lê Anh Tuyên – Phụ trách Tôn giáo UBND huyện Sóc Sơn; cùng toàn thể lãnh đạo các Phòng Ban Đoàn thể huyện Sóc Sơn, CB Công nhân Viên chức, Lực lượng Vũ trang là con em huyện nhà đều về tham dự đông đủ. Ngoài ra còn có các vị đại diện chính quyền xã Mai Đình và thôn Ấp Cút cũng hiện diện trong ngày lễ thượng lương chùa Hưng Long. Mặt khác, các cụ cao tuổi trong làng, nhân dân địa phương, hàng nghìn tín đồ Phật tử, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, các tập đoàn, các công ty, xí nghiệp, v.v… đồng tham dự lễ.
Trong buổi lễ, điều khiển chương trình Lễ Cất Nóc chùa Hưng Long do Sư cô TN. Như Thuần phụ trách.
Sau nghi lễ niệm Phật cầu gia bị và giới thiệu thành phần tham dự, ông Nguyễn Văn Sáng – Bí thư Chi bộ thôn Ấp Cút, đọc lời khai mạc, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng việc xây mới ngôi Đại Hùng Bảo Điện và nói lên tâm nguyện của Sư thầy Đàm Hoài – Trụ trì chùa Hưng Long, cùng Chinh quyền và nhân dân Phật tử địa phương.
Kế đến, ông Dương Văn Giai – Trưởng thôn, thay mặt Ban Thi Công báo cáo quá trình xây dựng chùa trong thời gian qua. Được biết, công trình xây dựng chùa kéo dài đến nay gần 4 năm, đã có nhiều lần gián đoạn do kinh tế nhà chùa hạn hẹp, cả làng chỉ có hơn 100 nóc nhà, nên việc công đức cũng hạn chế. Trải qua những tháng năm dài như vậy mà chùa mới xong phần thô để làm lễ thượng lương (cất nóc chùa). Tuy nhiên, vấn đề cất nóc là một việc nan giải khi kinh tế nhà chùa đã cạn kiệt. Phật sự này có sớm được thành tựu hay không là nhờ sự phát tâm, nhiệt tình đóng góp tịnh tài, tịnh vật cũng như công sức của các Phật tử gần xa, của các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân.
Tại buổi lễ, NS Đàm Hoài nói lên tâm nguyện mong muốn hình thành một ngôi chùa cho nhân dân Phật tử có nơi tu tập mà cũng là đánh dấu một bước phát triển Phật giáo nơi đây.
Buổi lễ Cất nóc được tiến hành trang nghiêm theo nghi thức Phật giáo. Chủ trì nghi thức trì chú đặt thượng lương do TT.Thích Minh Tuân và TT.Thích Chân Quang đảm trách.
Nhân đây, TT.Thích Chân Quang đã thuyết một bài Pháp dành cho Phật tử về tham dự lễ. Nội dung bài Pháp là lời sẻ chia, nhắc nhỡ, hướng dẫn người Phật tử tìm hiểu khía cạnh TÂM LINH CỦA ĐẠO PHẬT KHÁC VỚI MÊ TÍN LÀ THẾ NÀO, để không bị nhầm lẫn khi chúng ta đã hiểu rõ, đã xác định. Và rồi chúng ta sẽ có con đường tu vững chắc kiên định, không bị lung lay, không bị lôi kéo mà còn đủ sức khuyên bảo mọi người tránh xa con đường mê tín.
Nhân lễ Thượng lương tại chùa Hưng Long, Thương toạ nhắc lại vài sự kiện lịch sử làm cho mọi người hình dung lại hơn nghìn năm xưa vào thời Lý, thời Trần, các Vua quan cũng nô nức cất chùa như thế, xây dựng nhiều ngôi chùa để phát triển làm hưng long Phật Pháp. Trước đời nhà Lý, đạo Phật đã du nhập vào Việt Nam rồi, Đến đời Vua Lý Thái Tổ, Ngài thấy rằng phải chọn đạo Phật làm tâm linh cho dân tộc Việt Nam. Vua Lý Thái Tổ đã có nhiều quyết định đúng trong đời, nhưng có 2 quyết định đúng rất vĩ đại, để lại dấu ấn, để lại lợi ích lâu dài cho dân tộc ta, đó là việc dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng long Hà Nội; thứ hai là Ngài lấy đạo Phật để làm tâm linh cho dân tộc Việt Nam.
Trải qua bao thời kỳ thăng trầm của lịch sử, có những lúc đạo Phật bị suy vi đến cùng cực, nhất là vào thời Pháp thuộc, thực dân Pháp ý thức rõ là muốn xâm chiếm được đất nước Việt Nam, họ phải thay thế tâm linh của dân tộc. Thế là một đạo khác được ồ ạt truyền vào với phương tiện kỹ thuật phồn vinh, lực lượng, tổ chức khéo léo, đạo Phật bị cô lập, chèn ép, lấn hiếp dần dần. Trừ vài ngôi chùa có những vị Tôn túc đức lớn, còn lại ở tất cả các làng quê đều bị suy tàn.
Ngày nay đất nước ta độc lập, thống nhất, đã qua thời gian vất vả của miếng cơm, manh áo, ta đang bước vào giai đoạn phát triển. Đảng, nhà nước, nhân dân ta hiểu một điều là để xây dựng non nước này bền vững, ta phải có cái tâm linh cốt lõi của dân tộc mình. Thế là từng bước, Đảng, nhà nước, Giáo hội, Tăng Ni cùng nhân dân ta đã phục dựng, trùng tu lại các ngôi chùa làm tiền đề cho việc phát triển Phật giáo trở lại, để xây dựng lại tâm linh cho dân tộc. Hôm nay trong không khí của buổi lễ Cất nóc này, lòng mọi người rất hân hoan, để ta hiểu rằng “Chúng ta đang ở vào giai đoạn: thứ nhất lập lại thời kỳ của Lý Trần ngày xưa. Thứ hai ta mở ra con đường đi vào tương lai cho dân tộc Việt Nam đối với thế giới này ở phía trước. Đó là hai cái ý nghĩa của buổi lễ Thượng lương ngày hôm nay, mà không riêng gì chùa Hưng Long, còn có nhiều ngôi chùa trên khắp đất nước ta đều như vậy.
Tuy nhiên, vấn đề tâm linh chưa được đưa vào lĩnh vực khoa học. Tâm linh là cái gì – đến nay vẫn còn là bí ẩn. Đạo Phật vừa là tâm linh, vừa là luân lý đạo đức. Ở khía cạnh luân lý đạo đức thì đạo Phật cho con người một đường đi, một sự giáo huấn để con người có thể sống tốt hơn, đúng hơn, tử tế với nhau hơn, xây dựng cuộc đời này thành cõi an vui, hạnh phúc, từ bi. Ở khía cạnh tâm linh, đạo Phật cũng đầy sắc màu huyền bí, thần thoại. Mà không riêng đạo Phật, tất cả các tôn giáo đều như thế.
Tất cả các tôn giáo đều có hai khía cạnh: Một là khía cạnh luân lý đạo đức, tức dạy dỗ con người đối xử với nhau. Hai là khía cạnh thần thoại tâm linh siêu hình. Ở khía cạnh luân lý đạo đức thì các đạo đều có điểm giống nhau. Ví dụ như các giới răn cấm con người làm điều ác, điều bất thiện, kêu gọi con người yêu thương, giúp đỡ nhau. Riêng khía cạnh siêu hình, thần thoại, huyền bí, các tôn giáo cũng giống nhau, mỗi đạo mỗi vẻ, bắt đầu hoàn toàn khác biệt.
Trong đạo Phật, cái tính chất siêu hình tâm linh có 2 yếu tố. Một là các cõi giới siêu hình, Đức Phật dạy có luân hồi lục đạo (ngoài cõi người còn có các cõi trời, cõi địa nguc, ngạ quỷ). Các đạo khác cũng nói giống như vây, nhưng trong đạo Phật, ngoài khía cạnh tâm linh thần thoại còn một yếu tố nữa, đó là sự tu chứng của nội tâm. Khi một chúng sinh đi đúng con đường Phật dạy thì tâm linh họ khai mở, lần lần họ thay đổi, họ vào được thiền định thâm sâu. Rồi họ có thần thông trở thành một vị Thánh.
Như vậy, khi chúng đến với đạo Phật, ta tiếp nhận cả 2 yếu tố của Tôn giáo, đó là yếu tố luân lý đạo đức. Trong yếu tố luân lý đạo đức này, đạo Phật còn dạy Luật Nhân Quả sâu xa vi diệu. Trong Kinh Đức Phật nói rất rõ “Ta gieo nhân gì sẽ gặt quả đó”. Con người gắn với 2 yếu tố nhân quả và luân hồi. Con người có mặt trên đời này không phải chỉ bắt đầu từ lúc sinh ra và sẽ chấm dứt ở lúc chết mà trước khi sinh ra ta đã tồn tại, sau khi chết đi ta vẫn tiếp tục tồn tại, vì nhân quả đã gieo không cho phép ta chấm dứt. Nhân đã gieo thì quả sẽ đến. Lúc ta chết cái quả chưa kịp thì ta vẫn tiếp tục tồn tại để quả báo đến nữa. Do nhân chúng ta đã gieo là vô hạn nên luân hồi của chúng ta sẽ vô tận, trừ khi chúng ta tu chứng, đắc đạo thì mới chấm dứt được vòng luân hồi, trở thành một vị A La Hán.
Trong Luật Nhân Quả đó, đạo Phật đã dạy cho chúng sinh phải sống rất đạo đức, tránh làm điều ác, phải tự suy nghiệm lấy quả báo mà mình phải gánh chịu, nhận lấy, nếu đã gieo một nhân nào đó. Nên Luật nhân quả trong đạo Phật, đã mở ra con đường đưa đến đạo đức sâu xa cho xã hội loài người. Nếu con người – xã hội ai cũng tin Luật Nhân Quả thì con người không dám làm điều ác với nhau. Khi nói hay cư xử với nhau điều gì, mọi người đều cẩn thận, dè dặt, suy xét mọi hành vi, ý nghĩ vì sợ rằng quả báo xấu trở lại với chính mình. Vì thế Luật nhân quả đã góp phần xây dựng đạo đức cho xã hội không tưởng tượng được, nó vượt hơn cả luân lý của các đạo giáo khác. Luật nhân quả trong đạo Phật khiến chúng sinh dè dặt, cẩn thận, xem xét mọi hành vi, ý nghĩ của mình sao cho mỗi lời nói hành động của mình đều là hạt giống lành để rồi sẽ hưởng quả ngọt do chính mình gieo. Đến với đạo Phật ta tiếp thu được luân lý sâu sắc và ích lợi như thế.
Đến với đạo Phật ta cũng tiếp nhận luôn khía cạnh thần thoại, huyền bí, siêu hình gồm những khái niệm về vũ trụ bao la có các cõi cao siêu như cõi Trời, cõi Thần, cõi Thánh, cõi địa ngục. Ta cũng nghe nói đến các vị Phật, Bồ Tát phổ độ chúng sinh. Ta cũng nghe nói đến thần lực của chư Phật, chư Bồ tát, chư Thiên đã nhìn ngó tới chúng sinh. Đống thời, ta nghe nói thế lực của cõi địa ngục sẽ trừng phạt những chúng sinh ngoan cố, có lỗi, có tội mà không biết nhận lỗi. Ta cũng nghe nói những chúng sinh khi mất đi rồi, không nơi nương tựa sẽ trở thành những linh hồn, vất vưởng đây đó, lẩn quất trong nhà hoang, bụi bờ, sông rạch, lúc nào cũng khao khát tìm cuộc sống trở lại, v.v..
Tuy nhiên, những yếu tố tâm linh thần thoại đó chưa trở thành một môn khoa học của thế giới này, do đó rất dễ trở thành môi trường để cho mê tín lớn lên. Không khéo ta đến với đạo Phật mà việc tâm linh không hiểu rõ, ta trở thành miếng mồi ngon để môi trường mê tín lan tràn và trải rộng. Như vậy thay vì ta đến với một tôn giáo oai linh, sáng suốt, trí thức, bỗng nhiên ta trở thành một tín đồ của mê tín thì thật là sai lầm, vừa mang tiếng cho đạo Phật, vừa mang tiếng cho chính ta. Do đó, phải làm sao khi đến với đạo Phật, mỗi ngày ta càng thông tuệ hơn, đạo đức hơn, sáng suốt hơn, chứ không thể đến với đạo Phật để dần dần ta trở thành những người mê tín.
Chúng ta may mắn đi theo một tôn giáo mà cả thế giới công nhận là tôn giáo chân chính nhất. Cho nên, ta đặt chân đến chùa với tất cả niềm tự hào của một con người có trí tuệ, ta đến chùa để trở thành con người tốt hơn, xã hội cần ta hơn, chứ không phải ta đến chùa với điều gì lén lút, mặc cảm. Khi một người đến chùa đi ra sẽ có giá trị hơn những người chưa từng đặt chân đến chùa, vì nơi ngôi chùa này đã dạy cho ta luân lý đạo đức, tâm linh chân chính. Đặc biệt, cái tâm linh chân chính này thế giới đang cần tìm hiểu, đang học hỏi. Chỉ tiếc một điều, bên cạnh tâm linh chân chính đó, người ta tự phát tạo ra thành một thế giới mê tín khác, bao quanh ngôi chùa, ngôi đền, miếu mạo và nhiều cơ sở tín ngưỡng khác nữa. Con người thay vì đến với tâm linh để nâng bước tâm hồn mình, không ngờ người ta đến với tâm linh để bị dây dưa, dính líu đến những khái niệm mê tín thì thật đáng tiếc.
Chúng ta đã theo đạo Phật rồi thì không thể mê tín. Những điều gì từ Đức Phật nói là những chân lý, mà đã là chân lý thì những chân lý đó hoặc là phù hợp với khoa học hiện tại, hoặc là phù hợp với khoa học của tương lai”. Có nhiều điều đến ngày hôm nay khoa học chưa biết được, nhưng sau này khoa học sẽ tìm thấy. Cho nên, những điều chân lý của đạo Phật sẽ tiếp tục phù hợp với khoa học, ngàn xưa và mãi mãi ngàn sau. Chỉ có điều là chúng ta phải sáng suốt, biết rõ tâm linh đó cái nào là chân lý mà loài người phải đi theo, khoa học sẽ tìm thấy. Chúng ta cũng xác định trong cái tâm linh đó, cái nào lẫn với mê tín để ta loại bỏ. Hễ là mê tín thì làm cho ta mê muội, giảm đi cái giá trị của mình.
Thực sự không phải khi không mà con người tìm tới mê tín. Con người chỉ mê điều gì, tin điều gì khi điều đó có lợi cho mình. Mê tín chính là khai thác điều ham lợi của chúng sinh. Người bày ra điều mê tín là người đem cái lợi dụ người ta. Bởi vậy, một trong 10 điều tâm niệm Phật dạy, có một điều là thấy lợi thì đứng nhúng tay vào, vì nhúng tay vào thì hắc ám tâm trí. Cái mong được lợi gấp nhiều lần là khởi đầu của mê tín, đầu mối của sự lừa đảo. Cái mê tín luôn luôn sống được vì mãi mãi chúng sinh đều ham lợi. Ngày nào đó không còn ai ham lợi nữa thì mê tín chấm dứt.
Cái thứ hai của mê tín là tin vào những điều không đúng với Luật Nhân Quả, tức là gieo nhân này mà muốn gặt quả kia, bỏ công ít mà muốn được hưởng lợi nhiều. Sự thật muốn có quả báo lành, ta phải vất vả siêng năng giúp người, giúp đời; chứ không thể không làm gì mà muốn mình được phúc báo to là sai lầm.
Lại nữa, ở đâu có tâm linh, là ở đó có mê tín. Ta cần tâm linh chân chính của đạo Phật để soi sáng cuộc đời. Nếu không có tâm linh của đạo Phật, tất cả chúng sinh chìm trong mê tín. Đó là lý do ngày xưa Vua Lý Thái Tổ nhanh chóng đem đạo Phật truyền bá trong dân gian, để dẹp đi cái mê tín. Đó là lý do tại sao Phật Hoàng Trần Nhân Tông, khi từ bỏ ngôi Vua, đi tu, giáo hóa, đi khắp nơi để dẹp bỏ những cái Miếu gây nên mê tín cho người dân. Ngày nay ta phải phát triển tâm linh chân chính của đạo Phật để ngăn chặn mê tín, vì mê tín làm hao tốn quá nhiều tiền bạc, sức khoẻ cho con người. Nếu ta đầu tư tiền bạc vào một điều mê tín là ta mất hết tiền, hết của và không có phúc. Chúng ta đừng để mê tín lừa gạt, sống lúc nào cũng tốt, không ham lợi và tin sâu nhân quả.
Ta còn có cái mê tín trong học thuật, tư tưởng, khoa học. Khoa học cho rằng vũ trụ này bắt đầu từ vụ nổ Big Bang. Chúng tôi nói rằng ai tin vào vụ nổ đó cũng là mê tín, vì vũ trụ không thể bắt đầu từ vụ nổ đơn giản như vậy. Tới ngày hôm nay có nhiều nhà khoa học hàng đầu của thế giới vẫn tin chết, tin sống vụ nổ này. Như vậy không phải chỉ trong lĩnh vực tâm linh mới có mê tín mà cả khoa học cũng mê tín.
Ngay cả trong đạo Phật cũng có mê tín. Có những Tông phái, những giáo lý đưa ra những lý thuyết nghe cao siêu huyền hoặc nhưng sự thật vẫn là mê tín. Thậm chí có những người họ giả mạo đạo Phật truyền bá mê tín rồi trở thành lực lượng chính trị phản động. Ví dụ có người giả vờ mang hình tướng của đạo Phật, kêu gọi nhiều người theo họ, sau đó bác bỏ nhân quả, kêu dẹp bàn thờ Ông bà gia tiên, và khi số người theo đông rồi họ bắt đầu công kích nhà nước. Dấu hiệu dẹp bỏ bàn thờ Gia tiên, đó là dấu hiệu của thế lực chính trị phản động, vì bao nhiêu nghìn năm qua, nhà ai có bàn thờ Gia tiên là Tổ quốc còn trong lòng họ. Sở dĩ ta còn thờ Quốc tổ vì ta còn thờ Tổ tiên. Nếu dẹp tình cảm yêu kính đối với Ông bà Tổ tiên mình, tức là ta mất tình yêu thương với Quốc tổ của mình, có nghĩa là trong lòng mình không còn Tổ quốc. Để dẹp đi sự thiêng liêng của Tổ quốc, người ta yêu cầu mình phá bỏ bàn thờ Gia tiên trước. Những người đó ban đầu mạo nhận là đạo Phật, rồi sau họ đó biến tướng trở thành một loại tôn giáo rất kỳ lạ. Nếu ai xúi giục ta bỏ bàn thờ Gia tiên thì biết ngay, đây là một thế lực giả mạo tín ngưỡng để chuẩn bị làm công việc xâm lược đất nước ta lần nữa.
Người cuồng tín là bảo vệ niềm tin của mình với thái độ hung dữ, bạo lực. Người này dễ phạm pháp. Khi cuồng tín rồi họ bất chấp pháp luật, bất chấp mạng sống của những người khác, chỉ cần bảo vệ niềm tin của mình là được. Thế giới rất sợ hạng người này. Để tránh mê tín, chúng ta đừng hùa theo số đông, vì dù số đông nhưng chưa chắc đúng nếu không đúng với Luật Nhân Quả.
Tác hại của mê tín làm ta tổn phước, mất đi trí tuệ, khi chết ta sinh về cõi bất an. Vì vậy, ta phải cố gắng lặp lại chánh tín bằng cách thường sám hối, lễ Phật, phải tin sâu nhân quả, rủ mọi người bỏ đi mê tín, phải học Kinh Phật chính thống, diệt tham lam chính trong lòng mình và thường lắng lòng thanh tịnh trong Thiền định. Khi tâm thanh tịnh rồi ta sẽ có trí tuệ để nhân biết đúng sai giữa cuộc đời này.
Cuối cùng, Thượng toạ nhắc nhở chư Tăng Ni – Phật tử phải tu và giáo hoá làm sao cho đúng với đạo Phật để ta có tâm linh nâng dậy cả dân tộc, góp phần vào sự phát triển của đất nước và của thế giới này./.
Dưới đây là hình ảnh ghi nhận toàn cảnh của buổi lễ Thượng lương chùa Hưng Long diễn ra tại thôn Ấp Cút – xã Mai Đình – huyện Sóc Sơn – Hà Nội: