Trước nhu cầu thực tế ấy, Đại đức Trụ trì Thích Minh Đăng được sự chấp thuận của các cấp chính quyền quản lý đã phát tâm cùng nhân dân Phật tử địa phương trùng tu xây dựng ngôi chính điện, Tổ đường và các hạng mục khác trong khuôn viên nội tự của ngôi chùa để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Phật tử xa gần, với ước nguyện kiến tạo một cảnh giới già lam trang nghiêm tú lệ, một ngôi nhà tâm linh cho tứ chúng quy ngưỡng, cũng là góp phần xây dựng một công trình kiến trúc lưu giữ giá trị lịch sử văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Sáng nay ngày 08/12/2012, Đại lễ gia trì chú nguyện trùng tu xây dựng chùa Quan Âm đã được long trọng tổ chức với sự chứng minh và tham dự của chư tôn đức: Hòa thượng Thích Thanh Đàm – Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh TW GHPG Việt Nam, Chứng minh BTS PG tỉnh Ninh Bình; Thượng tọa Thích Thọ Lạc – Ủy viên Thường trực HĐTS TW GHPG Việt Nam, Trưởng BTS PG tỉnh Ninh Bình; Đại đức Thích Trí Như – Ủy viên Ban Giáo dục Trung ương, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Hà Nội; Đại đức Thích Tâm Hoan – Ủy viên BTS THPG Hà Nội, Phó BĐD PG quận Ba Đình; Đại đức Thích Chiếu Đăng – Ủy viên BTS THPG Hà Nội, Chánh đại diện Phật giáo huyện Đông Anh; Ni trưởng Thích Đàm Nhâm – Phó Ban đặc trách Ni giới TW GHPG Việt Nam cùng chư tôn đức Tăng ni trụ trì các chốn già lam trong và ngoài thành phố Hà Nội cũng về tham dự.
Đại diện chính quyền đến tham dự buổi lễ có: ông Nguyễn Văn Hoàn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Canh; ông Nguyễn Quang Lưu – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Canh; ông Nguyễn Huy Cảnh – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Canh cùng đại diện các ban ngành đoàn thể tại xã, thôn và đông đảo nhân dân Phật tử thập phương cũng hoan hỷ về tham dự.
Buổi lễ gia trì chú nguyện tại chùa Quan Âm dưới sự chủ trì của chư tôn đức đã diễn ra trang nghiêm và linh thiêng.
Được biết, chùa Quan Âm là ngôi chùa cổ trước đây thuộc tổng Xuân Canh, huyện Đông Anh, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc; nay là xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ngôi chùa được kiến lập trên vị trí linh thiêng bên cạnh ngã ba sông Hồng và sông Đuống. Cùng với sự ứng hiện của Bồ tát Quán Thế Âm và lòng từ bi cứu khổ độ sinh, nơi đây được coi là chốn quy hướng đời sống tâm linh của nhân dân Phật tử xa gần tu học. Năm 1108, nhà Lý tiến hành mở rộng quai đê bảo vệ sông Hồng, từ đó ngôi chùa được chuyển về vị trí như hiện nay. Với những giá trị to lớn của một ngôi chùa thiêng liêng cổ kính, ngày 14/03/2000, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin đã ký quyết định công nhận chùa Quan Âm là di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.