Trong bài tưởng niệm này, chúng tôi giới hạn thời gian cho đến đầu thập niên 1980, thời gian ngài thường xuyên thuyết pháp ở chùa Ấn Quang.
Gia đình Ngài là một gia đình truyền thống Phật giáo đặc biệt. Thân sinh của Ngài là Hòa thượng Thích Thiện Luật, một trong những vị cao tăng khai sơn hệ phái Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam (Nam Tông – Theravada). Hòa thượng Thiện Luật đã được suy cử là Phó Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho đến khi ngài viên tịch.
Hòa thượng Thích Hộ Giác đã sớm nổi tiếng trong cương vị một giảng sư, nhờ khiếu nói chuyện thiên phú của Ngài. Ngài thường giữ nhiệm vụ thuyết giảng trong các buổi lễ lớn của Giáo hội Phật giáo lúc bấy giờ ở miền Nam, thường là dịp lễ Phật đản, Vu Lan.
Các buổi thuyết pháp định kỳ hàng tuần tại chùa Ấn Quang cũng không bao giờ vắng mặt Ngài. Khi đến phiên số Phật tử nghe Ngài giảng rất đông, kín hết giảng đường, ngồi chật cả lối đi và sân chùa Ấn Quang, có thể nói là luôn ở mức đông nhất khi so với quý giảng sư khác.
Hòa thượng Thích Hộ Giác giảng kinh Nam Tông, nhưng số Phật tử Bắc Tông nghe ngài thuyết pháp rất đông. Có thể nhận ra điều này qua số Phật tử mặc áo tràng đến nghe thuyết pháp.
Phong cách thuyết pháp của ngài rất độc đáo. Đó là cách nói bình dị, chân chất, dễ hiểu, gần gũi, ấm cúng. Trong các bài pháp, Hòa thượng không đưa vào quá nhiều lượng kiến thức Phật học, mà cân đối làm sao Phật tử nghe pháp có thể tiếp nhận, ghi nhớ trọn vẹn những điều ngài đã trình bày.
Kết cấu của một bài pháp của Hòa thượng Hộ giác thường đơn giản, có khi chỉ là những câu chuyện tiền thân rút từ kinh điển. Giá trị của bài pháp nằm ở chỗ sự liên hệ của nó đối với cuộc sống hiện tại, với việc ứng dụng Phật pháp để tu tập. Ngài thường nêu những vấn đề khó xử, hóc búa, ngang trái trong cuộc sống để đại chúng cùng suy nghĩ dưới ánh sáng Phật pháp. Đôi khi có những vấn đề mọi người không hề nhận ra, nhưng khi ngài nói đến, thì cử tọa đều thống nhất, khen ngài “tinh đời” mà cũng “khéo đạo”.
Nếu ở một số giảng sư khác, thành công của buổi thuyết pháp là ở chỗ trang nghiêm, còn ở Hòa thượng Thích Hộ Giác, thành công của ngài là ở chỗ tự nhiên, thoải mái. Người thuyết giảng và cử tọa gần như không có khoảng cách. Giọng của ngài cứ như thế chảy sâu vào tận đáy lòng người không biết lúc nào…
Vì nhắm tới mục tiêu dễ hiểu, bài giảng của ngài tràn đầy những so sánh, ví dụ, hình ảnh liên hệ và câu hỏi đặt ra cho người nghe động não, để từ sự so sánh và tìm câu trả lời, người nghe pháp hiểu và khắc sâu vấn đề mà ngài muốn truyền đạt. Giảng khái niệm vô thường thì dễ minh họa, nhưng giảng khái niệm vô ngã thì hơi khó hơn một chút. Hòa thượng Hộ Giác nêu ra câu hỏi, đại ý nếu sức khỏe là của quý vị, thì khi đau ốm quý vị có chia sớt được bệnh tật cho người thân hay những người cũng sẵn sàng chịu chia bớt với quý vị bệnh tật không? Vô ngã là cái đã làm cho quý vị không thể thực hiện điều đó. Hòa thượng ví dụ sinh động như vậy và cũng rất bám sát Kinh Phật.
Phật tử cứ bảo nhau chờ đến phiên Hòa thượng Hộ Giác thuyết pháp ở chùa Ấn Quang. Hai giờ thuyết pháp đối với nhiều vị là không đủ để thỏa mãn việc nghe Hòa thượng thuyết giảng.
Theo tôi, cái làm nên giá trị những buổi thuyết pháp của Hòa thượng là cái tình, không phải là yếu tố trí tuệ. Nghe Hòa thượng Hộ giác thuyết pháp, người nghe không có cảm tưởng Hòa thượng là một người uyên thâm Phật học, mà thay vào đó thấy Hòa thượng là sống với tinh thần đạo Phật trong từng hành vi, lời nói, suy nghĩ, một kiểu đạo Phật đơn giản, cô đọng, bình dị với những khái niệm cơ bản như luân hồi, nhân quả, nghiệp báo, tái sinh, thiện ác, sinh tử, khổ, vô thường, vô ngã, mà khi liên hệ đến đời sống thì nó mở rộng đến vô cùng vô tận.
Có người nói Hòa thượng thuyết pháp rất có duyên, cái duyên đó thu hút người nghe say mê nghe pháp. Ấy là cái duyên ở sự điềm đạm trong lời văn, chín chắn trong ngữ khí, thuyết pháp trong cách chia sẻ. Tất cả những cái đó xây dựng trên nền tảng kiến thức Phật học uyên thâm của Hòa thượng, đặc biệt là ngũ bộ kinh Nikaya Nam tạng.
Tuy Hòa thượng thuyết pháp êm ái, chân tình và có “duyên” như vậy, nhưng khi nghe ngài thuyết người nghe không phải là được ru vào sự dễ chịu. Trái lại, Hòa thượng bắt người nghe luôn phải động não vì những câu hỏi. Câu hỏi có thể chia bớt bệnh của mình cho những người chung quanh chịu thọ nhận kể trên là một ví dụ.
Câu hỏi có khi không căng, mà nó sâu, Hòa thượng hỏi không phải để trả lời, không gọi người này người kia đứng lên phát biểu, mà là để thính chúng phải suy nghĩ tiếp không thôi.
Một ấn tượng đẹp về hòa thượng là ở sự quý mến Phật tử của ngài, không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, nghề nghiệp…
Xin kể ở đây trường hợp của riêng tôi.
Lúc đó, cuối thập niên 1970, tôi còn học cấp III. Lúc đó, Hòa thượng truyền tam quy của tôi vừa viên tịch. Phát khởi lòng ngưỡng mộ Hòa thượng Thích Hộ Giác, sau một thời thuyết pháp của ngài, tôi xin y chỉ ở ngài. Lúc đó, ngài sắp lên xe để về chùa, nhưng ngài cũng nán lại nói chuyện với tôi và chấp thuận dành riêng cho tôi một buổi lễ truyền giới và cho một ngày hẹn.
Khi đó, tôi đọc kinh Nam tông chưa rành, nên ngài đã đọc từng lời kinh để tôi đọc theo, thực hiện hoàn mãn buổi lễ truyền giới cho riêng một mình tôi. Tôi chưa có thời gian theo học ngài. Là một cậu học trò sống nhờ cha mẹ, hoàn cảnh của tôi lúc đó rất khó khăn, không có gì cúng dường ngài. Ấy vậy mà, Hòa thượng dành riêng cho tôi một buổi lễ truyền giới, thật là vinh dự không thể có gì hơn. Ngài nghĩ là truyền thêm giới cho một người là điều tốt và căn dặn tôi phải hết sức giữ giới, mà không nhắm tới mục tiêu tôi có là đệ tử học đạo của ngài hay không.
Tiếp tôi lần đầu, Hòa thượng hỏi tôi có đọc sách Phật giáo không? Đã đọc những sách gì? Ngài đưa ra một số tựa sách bảo tôi nhất định phải đọc, đó là quyển Đức Phật và Phật pháp của tác giả Narada Thera. Từ đó về sau “Đức Phật và Phật pháp” là sách gối đầu giường của tôi và thấy sách là tôi nhớ ngài.
Hòa thượng Thích Hộ Giác cũng biên soạn một số sách. Có thể kể đến tác phẩm “Tình mẹ” viết về ngày Vu Lan với giọng văn giàu tình cảm, chan chứa xúc động, gieo vào lòng người đọc nhiều suy tư, xúc cảm nhân mùa Vu Lan.
Hòa thượng Hộ Giác có đặt cho tôi pháp danh tiếng Pali là “Sumano”, dịch ra tiếng Việt là Thiện Tâm hay Thiện Ý.
Được tin Hòa thượng viên tịch, xin có vài dòng tưởng niệm ngài và tin rằng ngài vẫn sẽ tái sinh trở lại Ta Bà để tiếp tục sự nghiệp hóa độ chúng sinh, hoài bão của cả cuộc đời ngài.
MT