Buổi Pháp thoại diễn ra trong không khí trang nghiêm với sự tham dự của Chư tôn đức Tăng Ni PG Hà Nội; Hà Nam; Thái Bình; Hải Phòng; Nam Định; Giao Thuỷ cùng đông đảo Phật tử địa phương và các tỉnh lân cận, đặc biệt có các vị đại biểu là Giáo sư – Tiến sĩ từ Hà Nội cũng đến tham dự Pháp hội.
Ngoài ra, còn có các vị đại diện cho Đảng, Chính quyền địa phương và các Ban ngành của thôn làng cơ sở.
Mở đầu là nghi thức niệm Phật cầu gia bị. Tiếp đến, Sư thầy Trụ trì có đôi lời vấn an TT.Thích Chân Quang và một vị trong Ban Tổ Chức nhà chùa đã giới thiệu đôi nét về mảnh đất – con người của làng quê và sự phát triển hình thành của ngôi chùa Phúc Hải. Được biết, chùa Phúc Hải tọa lạc trong quần thể khu di tích Lịch sử Văn hóa Đình Chùa làng Hoành Lộ – xã Giao An – huyện Giao Thủy – tỉnh Nam Định, đã được xây dựng trên 100 năm. Đến nay chùa xuống cấp trầm trọng. Vừa qua, được sự cho phép của các cấp Ban ngành trong tỉnh và Giáo hội Phật giáo huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, chùa Phúc Hải đã khởi công xây dựng lại vào tháng 05/2012, dự kiến tổng kinh phí xây dựng là trên 3 tỷ đồng. Hiện nay chùa xây dựng được 2/3, đã xong phần thô công trình.
Bài Pháp thoại, TT.Thích Chân Quang thuyết giảng có tựa đề ĐIỀU GÌ TỐT – ĐIỀU GÌ XẤU, đã mở ra một cái nhìn của người Phật tử thuần thành (hiểu đạo), biết tránh xa những điều xấu ác, xây dựng một đời sống đạo đức, luôn sống yêu thương, hy sinh và cống hiến cho đời, cho đạo.
Bằng thông tuệ của một vị tu hành, Thượng toạ đã mổ xẻ phân tích dưới nhiều khía cạnh khác nhau của thực tế cuộc sống, qua đó nhận xét “Chúng ta sống trên đời cứ trăn trở bâng khuâng, muốn biết điều gì tốt chúng ta làm; điều gì xấu có thể tránh, nhưng kỳ thực đôi khi ta hoang mang, không phân biệt được cái ranh giới mong manh giữa đúng sai, chính tà, tốt xấu. Thậm chí, đôi khi còn nhầm lẫn gây thành tội lỗi và rồi chuốt lấy những quả báo xấu về sau.
Như vậy, vấn đề nhận thức được điều gì trên đời là xấu hay tốt là cái nhận thức ban đầu rất quan trọng đối với con người nói chung, nhất là đối với người bắt đầu đi vào đạo nói riêng. Đặc điểm của người đi vào đạo tin điều tội phúc rồi thì càng sợ, luôn dè dặt với điều tốt xấu, bởi vì chúng ta sống trên đời không thể nhằm lẫn giữa thiện và ác, muốn làm gì thì làm. Có người do không phân biệt được tốt xấu nên làm toàn những chuyện xấu ác. Bản thân mang tiếng nhơ và có khi vi phạm pháp luật rồi mắc phải quả báo tệ hại đau khổ.
Nhiều người hay nhầm lẫn giữa tốt và xấu này bởi một điều biện minh nào đó, để che đi cái xấu ác trong việc làm của họ. Do đó, việc nhận định điều tốt điều xấu bằng chính trí tuệ của ta là điều quan trọng. Còn không, mỗi người đều có cái biện minh cho mình và cứ mãi mãi tiếp tục làm điều xấu, gây đau khổ cho người khác và chính mình về sau.
Sự thật, trên đời này ai cũng muốn là người tốt, muốn làm điều tốt, nhưng không phải ai cũng biết được điều tốt để làm, vì khi ta làm điều sai thì con người với đầu óc lanh lợi gian ngoa sẽ tự đưa ra một chiêu bài (một lý luận) để bảo vệ cho việc làm sai trái của mình. Hiểu tâm lý này, từ đây về sau, chúng ta hãy xét lại hết mọi thứ trên đời, chúng ta cần biết có những tiêu chuẩn nào đó để dựa vào mà phân biệt điều gì tốt, điều gì xấu nhằm tu dưỡng, biết đi theo, hoặc từ bỏ v.v…
Để biết điều gì tốt, điều gì xấu hoặc đúng sai, thiện ác ra sao, Thượng toạ gợi ý một số tiêu chuẩn dưới đây:
1/ Đặt mình vào vị trí của người khác. Điều này không khó chỉ cần khéo thôi, nếu ta có một chút lòng thương người vị tha thì sẽ làm được. Nào giờ ta quên, cứ chủ quan đứng trên vị trí của mình đề cư xử với con người. Bây giờ trước khi phán xét con người thế nào, ta hãy đặt mình vào vị trí người đó (tưởng tượng mình đang là người sắp bị ta nói một câu, hoặc sắp bị ta đối xử điều gì đó).
2/ Dựa trên Luật Nhân Quả. Ta làm cho ai điều gì thì quả báo sẽ trở lại với ta. Thì khi ta xem quả báo trở lại đó để biết điều mình làm đã đúng hay sai. Chúng ta phải suy luận được điều này.
3/ Dựa vào kết quả giáo dục, tức là xem hiệu quả giáo dục ta làm như vậy thì người kia sẽ nên người hay hư. Trong cuộc sống có những điều mới nhìn vào thấy giống như ác nhưng tính theo hiệu quả giáo dục thì là thiện và ngược lại.
4/ Một tiêu chuẩn khác là dựa vào yếu tố trong sạch hay ô nhiễm để ta đánh giá thiện hay ác. Người sống mà làm việc gì có tính cách trong sạch thì đó là điều thiện, còn làm điều gì gần với sự ô nhiễm là điều ác. Muốn giữ xã hội Việt Nam ổn định thì cả nhà nước, nhà trường, gia đình, thậm chí cả chùa phải dạy lớp trẻ sống trong sạch, lìa xa sự ô nhiểm (tránh quan hệ tình dục bừa bãi thì sau này chúng có gia đình, hôn nhân đó mới bền vững). Nếu một xã hội mà cứ chấp nhận những điều ô nhiễm (cờ bạc, rượu chè, quan hệ nam nữ, hút chích ma tuý thoải mái) thì ta hiểu ngay xã hội đó đang ác dần, xấu dần. Do đó, việc làm cho xã hội trong sạch để xã hội đó thiện lên – tốt lên là trách nhiệm của tất cả mọi người, từ những vị lãnh đạo rất cao, cho tới cha mẹ, anh chị trong gia đình và ngay cả các cụ lớn tuổi trong làng đều có bổn phận nhắc nhỡ lớp trẻ giữ gìn nét đẹp văn hoá cho thôn xóm của mình.
5/ Để đánh giá thiện hay ác, chúng ta còn dựa vào tiêu chuẩn tâm ta an hay bất an. Khi ta làm điều sai tâm ta bất an, ngược lại khi ta làm điều thiện thì tâm ta an. Hoặc ta làm điều gì cho tâm người khác bất an là ta ác, khi ta làm cho ai yên tâm là ta làm điều thiện, điều tốt.
6/ Một tiêu chuẩn khác để xét thiện hay ác; tốt hay xấu là căn cứ vào yếu tố vô ngã hay chấp ngã. Cái gì làm cho ta hướng về cái “Tôi” thì đó là điều ác, trái lại cái gì làm cho ta bỏ cái “Tôi” đi để lo cho mọi người, đó là điều thiện.
Sống trên đời, nếu ai luôn chọn điều thiện để làm thì mãn đời sẽ đi về cõi Thánh, còn như có lấn cấn gì đó thì trở lại cõi người làm người giàu sang quyền quý. Qua bài Pháp ĐIỀU GÌ TỐT – ĐIỀU GÌ XẤU này, chúng ta nắm được 6 tiêu chuẩn để phân biệt được điều thiện, điều ác, điều tốt, điều xấu, v.v… mà sống và thực hành. Và chắc chắn khi ta rời bỏ cuộc sống này, thần thức của ta sẽ bay bổng lên cõi Thánh – cõi trời.
Tuy nhiên, muốn làm được điều tốt, điều thiện, ta phải có ý chí, nghị lực và sức mạnh, còn người lười nhát thì không làm được điều gì hết. Thứ hai, phải có phúc ta mới làm phúc tiếp được chứ không dễ, và để có thể làm phúc ta phải có những tấm gương sáng trên cuộc đời này, ít ra trong cuộc sống của ta từ nhỏ đến lớn, ta từng gặp người tốt, họ đã làm những điều tốt cho ta thấy rồi.
Cái thế giới này luôn luôn là sự xung đột giữa tốt và xấu, người xấu rất nhiều và cũng có những tấm lòng vàng rất tốt, cứ tranh cải, giành giựt nhau mãi. Nếu ngày nào lớp người xấu nhiều thì thế giới này rơi vào cảnh hổn độn bất an, chiến tranh, loạn lạc. Ngược lại, nếu thế giới mà người tốt chiếm đa số thì thế giới sẽ thanh bình, an vui, hạnh phúc. Thế giới này mãi mãi là sự đấu tranh, kèn cựa, tranh giành giữa hai thế lực tốt và xấu. Nếu ta đứng về phe xấu thì là góp phần phá hoại thế giới rất nhanh. Còn nếu chúng ta chọn con dường tốt để đi và đứng vào phe tốt là ta đang bảo vệ, xây dựng thế giới này.
Cho nên từng người chúng ta phải gia nhập vào đội quân thiện (tốt) để bảo vệ thế giới, vì thế giới này thế lực xấu nhiều lắm, điều tốt điều xấu cứ tranh nhau, thường cái xấu nhiều hơn cái tốt. Mà nếu không có những người dũng sĩ, những người quân tử, những người thiện lành xuất hiện giữa đời này để kiềm chế, cản bước cái xấu thì thế giới ngập tràn điều ác, đau khổ và tận diệt. Do đó, để bảo vệ hạnh phúc, bảo vệ con người thì ta phải gia nhập vào phe tốt. Và để gia nhập phe tốt, ta phải có 6 tiêu chuẩn đã liệt kê như trên; đồng thời ta đấu tranh với cái tốt xấu ngay trong lòng mình, bởi vì tâm ta vừa có tốt mà cũng có xấu. Từ bây giờ, chúng ta theo Phật rồi thì phải gạn lọc tâm ý mình sao cho chỉ có điều tốt mà thôi. Còn những suy nghĩ xấu khởi lên ta phải biết, do dựa vào 6 tiêu chuẩn trên mà đánh giá tâm mình để diệt trừ điều xấu đi. Chúng ta chỉ nuôi dưỡng, nâng dậy, vun đắp những điều tốt trong lòng mình. Đó là chúng ta gia nhập vào lực lượng tốt để bảo vệ thế giới này.
Lại nữa, một mình ta tốt không đủ, phải làm sao cho nhiều người chung quanh cùng tốt lên, bằng cách chính ta lấy cuộc sống của mình làm gương và kêu gọi, phân tích, trình bày cho mọi người về điều đạo dức, điều thiện lành, để tất cả cùng tu dưỡng với nhau. Mặt khác, để cho điều thiện được viên mãn, hoàn hảo, chính ta đi chùa rồi cũng phải rủ mọi người cùng đi.
Cứ mỗi tiêu chuẩn làm thế nào để nhận biết việc làm của mình đúng sai thiện ác ra sao, Thượng toạ đều dẫn chứng những ví dụ minh họa mang tính thực tế, khiến người nghe hiểu được vấn đề mà Thượng toạ muốn truyền tải một cách gãy gọn, rõ ràng, khúc chiết với tầm hiểu biết phong phú về một triết lý sống.
Thế nên dư âm của buổi Pháp thoại còn mãi đọng lại trong tâm trí và trái tim của những người con Phật nơi đây, các Phật tử như được tiếp thêm nguồn sức mạnh mới, vươn lên một vị trí mới, bởi những ước mong, những dự định, những hoài bão mới. Thượng toạ hy vọng quý phật tử tìm con đường tốt để đi và dẫn dắt người khác cùng đi theo, để góp tay xây dựng thế giới này an lành hạnh phúc. Và khi chúng ta đã lựa chọn một con đường mà mình nghĩ là đúng thì cần phải nỗ lực kiên trì, để đạt được những điều chúng ta mong muốn ./
Dưới đây là một số hình ảnh được ghi nhận tại buổi thuyết giảng của TT.Thích Chân Quang tại chùa Phúc Hải, huyện Giao Thuỷ – Nam Định: