Trang chủ Văn học Thầy chánh chủ khảo

Thầy chánh chủ khảo

69

Trong cuộc đời ai cũng có những lúc lo âu sợ sệt. Ðứng trước đám đông mà tuyên thuyết, diễn giảng là một công việc làm cho đa số chúng ta lo ngại rất nhiều, mà nhất là trong những trường hợp tập sự ban đầu, sự lo lắng khẩn trương càng tăng gấp bội. Tâm trạng bồi hồi, lo âu, hồi hộp khi lần đầu tiên đứng trước thính chúng sao mà khó tả quá. Tâm trạng ấy đã làm cho biết bao thí sinh khốn đốn vì bị quên đi những điều mình đã học thuộc lòng, phần vì lúng túng nên nói lắp, nói sai, phần lại lo sợ chúng bạn chê cười mình nói không sâu, không hay hoặc giọng nói khó nghe v.v… Ðó là những tâm trạng mà bất cứ thí sinh nào cũng trải qua. Những lo âu về thuyết giảng rồi cũng qua khi thí sinh hoàn tất thời lượng trình bày. Thế rồi, sự lo âu kế tiếp lại nảy sinh: đó là sự đánh giá của ban giám khảo. Ðành rằng mục đích thực tập là nhằm luyện cho mình dạn dĩ và tự tin khi đứng trước đám đông, luyện cách ứng xử, cách nói năng, trình bày… nhưng kết quả đánh giá của ban giám khảo là nguồn động viên rất quan trọng. Kết quả cao làm cho ta phấn khởi, kết quả thấp làm ta thất vọng, buồn phiền. Có lẽ giờ phút đánh giá là quan trọn nhất đối với những thí sinh thực tập.


   Là những người mới bước vào con đường tập sự thì làm sao tránh khỏi những thiếu sót. Có điều là làm thế nào để tạo cho họ thấy chúng và chỉ cho họ cách khắc phục có hiệu quả. Con còn nhớ những lời khuyên của thầy đối với những tăng ni sinh. Thầy không bao giờ phê bình ai hay ai dở mà chỉ nói những điểm cần lưu ý để tránh hoặc phát huy. Ðiều đó làm nhẹ nhỏm cho biết bao thí sinh đang lo âu. Những điều thầy nhắc nhở nhiều nhất là tác phong của một tăng ni khi lên thực tập giảng. Ðó là oai nghi, là những lời thưa chào ngắn gọn nhưng trang trọng và đủ ý nghĩa. Rồi thầy nhắc về điệu bộ, giọng nói. Không cần phải bắt chước giọng của miền này miền nọ mà chỉ nên trung thành với chất giọng vốn có của mình vì mỗi nơi đều có cái hay riêng của nó. Chỉ cần trình bày rõ ràng và phát âm đúng là tốt. Như thế sẽ tránh được sự tẻ nhạt và khó chịu đối với thính giả. Chỉ vài lời đó cũng đủ làm cho chúng con khó quên.


Thời gian trôi qua, chúng con mỗi ngày lớn lên và học được nhiều điều mới lạ nhưng những lời thầy vẫn còn nguyên giá trị. Cách ứng xử của thầy lúc ấy vẫn là hình ảnh tuyệt diệu để cho chúng con noi theo trên vạn nẻo đường đời. Thầy không còn trực tiếp giảng dạy nhưng những pháp âm vi diệu ngày nào vẫn còn vang vọng. Nó không mất theo thời gian bởi vì nó đã thấm sâu vào tâm hồn của mỗi chúng con. 


 


Hạnh Chơn.