Trang chủ PGVN GHPGVN Nhiệm kỳ VI GHPGVN: 5 năm, thêm hàng ngàn tăng ni trẻ...

Nhiệm kỳ VI GHPGVN: 5 năm, thêm hàng ngàn tăng ni trẻ có chuyên môn, đạo hạnh

115

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS Trung ương GHPGVN cho biết, GHPGVN hiện có khoảng 46.495 tăng ni và hàng chục tu, ni sinh tu học thường xuyên tại các cơ sở tự viện trong cả nước.

Đào tạo thế hệ tăng ni trẻ mọi cấp

Theo Thượng toạ Thích Thọ Lạc – Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình thì cho đến nay, 4 học viện Phật học đã và đang đào tạo gần 7.000 tăng ni sinh ở bậc cử nhân; 31 trường trung cấp Phật học đã và đang đào tạo gần 1 vạn tăng ni sinh ở bậc trung học. Ngoài ra, còn có nhiều lớp đào tạo ở bậc cao đẳng và sơ cấp khác. Thượng toạ khẳng định: “Với đội ngũ tăng, ni sinh được đào tạo bài bản như vậy, có thể khẳng định, trình độ chung của các nhà sư Việt Nam hiện nay đã được nâng cao đáng kể”.

Nhằm đào tạo một thế hệ tăng ni trẻ có trình độ về Phật học và thế học, chương trình giáo dục và đào tạo tăng ni luôn được Giáo hội quan tâm, đặc biệt đối với các Học viện, các lớp Cao đẳng, trường Trung cấp, Sơ cấp Phật học.

 

Tăng ni sinh tại Học viện Phật giáo Việt Nam


Để phát triển, nâng cao hệ thống giáo dục đào tạo của GHPGVN, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Trung ương Giáo hội mở thí điểm đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam – Tp. HCM. Ngày 11/4/2012, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM đã chính thức khai giảng Khóa I (2012 – 2014), có 155 tăng ni sinh theo học.

Các học viện Phật giáo đều hoạt động ổn định và phát triển. Trong nhiệm kỳ VI, đã có 2.210 tăng ni sinh tốt nghiệp Cử nhân Phật học; đang đào tạo 1.732 tăng ni sinh. Để chương trình đào tạo được nâng cao, phù hợp với nhu cầu phát triển giáo dục của GHPGVN trong thời đại mới, ngoài những giảng sư Phật học cơ hữu, Hội đồng điều hành các học viện cũng đã liên hệ mời thêm quý Giáo sư, Tiến sĩ các trường đại học trong nước và nước ngoài tham gia giảng dạy tại các Học viện.

Hiện tại, có 8 lớp Cao đẳng Phật học đang hoạt động theo hệ thống trường Trung cấp Phật học. Trong 5 năm qua, có 1.127 tăng ni sinh tốt nghiệp và 814 tăng ni sinh đang theo học các lớp Cao đẳng Phật học. Hệ thống trường trung cấp Phật học có 31 trường trong cả nước, phía Bắc có 5 trường (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh), phía Nam có 26 Trường (Tp.HCM, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Bình Dương, Kiên Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Gia Lai).

 

Để được vào học tại học viện, các tăng ni sinh phải đủ 20 tuổi trở lên, đã tốt nghiệp trung cấp Phật học, đã thọ giới tỳ khiêu, tốt nghiệp THPT và được tỉnh, thành hội Phật giáo giới thiệu. Ảnh: GDVN


Trong nhiệm kỳ VI, tính từ niên khóa 2007 đến 2012, đã có 2.430 tăng ni sinh tốt nghiệp; đang đào tạo 3.254 tăng ni sinh Trung cấp Phật học.

Nhằm tạo điều kiện căn bản cho những tăng ni mới xuất gia tu học Phật pháp, đồng thời làm cơ sở cho việc tuyển sinh tại các trường Trung cấp Phật học, các lớp sơ cấp Phật học tại một số tỉnh, thành hội đã được tổ chức và đi vào hoạt động có hiệu quả. Hiện có hơn 2.500 tăng ni sinh đã tốt nghiệp và trên 1.600 tăng ni sinh đang theo học chương trình sơ cấp Phật học tại các tỉnh, thành hội Phật giáo trong toàn quốc.

Công tác giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer cũng rất phát triển trong thời gian qua. Tại các tỉnh, thành có Phật giáo Nam tông Khmer sinh hoạt như Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã tổ chức hàng trăm lớp học cho chư Tăng và thanh thiếu niên đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương. Ngoài ra, đa số các Chùa Nam tông Khmer đều tổ chức dạy tiếng dân tộc cho con em người dân tộc ở độ tuổi từ 8 đến 15 tuổi. Việc tổ chức thành công các Lớp học nêu trên đã góp phần hoàn thiện chương trình giáo dục tăng ni của Giáo hội.

Hợp tác quốc tế trong đào tạo tăng ni

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, nhằm nâng cao trình độ Phật học, thế học cho tăng ni sinh, trong nhiệm kỳ qua, Giáo hội đã cho phép và giới thiệu 113 tăng ni du học, gia hạn hộ chiếu các nước: Ấn Độ (18), Đài Loan (71), Trung Quốc (20), Hàn Quốc (1), Australia (1), Mỹ (2)… Có trên 50 tăng ni hoàn tất chương trình Tiến sĩ, Thạc sỹ Phật học Ấn Độ, Trung Quốc và đã về nước, hiện đang công tác tại các cấp Giáo hội, Ban Viện Trung ương, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo và các cơ sở giáo dục Phật giáo.

Giáo hội đã tổ chức và cử đại biểu tham dự các hội nghị, hội thảo về giáo dục Phật giáo ở trong và ngoài nước như: Hội nghị Hiệp hội các Trường Đại học, Phật giáo Quốc tế và Hội thảo về Giáo dục và Đạo đức được tổ chức tại Trường Đại học Maha Chulalongkorn, Vương quốc Thái Lan; Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM kết hợp với Trung tâm Phật học K.J. Somaiya thuộc Đại học Mumbai, Ấn Độ, tổ chức Hội thảo Quốc tế chủ đề: “Thiền định Phật giáo: Văn bản, Truyền thông và Hành trì”…

 

 

Trong nhiệm kỳ VI, Hoà thượng Thích Trí Quảng, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Hoà thượng Thích Giác Toàn, Hoà thượng Thích Đạt Đạo, Hoà thượng Thích Thiện Tâm, Thượng toạ Thích Nhật Từ đã được Trường Đại học Mahachulalongkron (Thái Lan) trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự nhân lễ phát văn bằng quốc tế hằng năm tại trường. Có 4/8 tăng sinh Việt Nam nhận bằng Thạc sĩ của trường do Giáo hội giới thiệu sang học tại Trường Đại học Maha Chulalongkorn.

Có thể nói, công tác giáo dục đào tạo của GHPGVN tập trung vào đội ngũ tăng ni trẻ có đạo hạnh, năng lực, trình độ; vững vàng trong quan điểm, thâm hiểu giáo pháp, có kiến thức chuyên sâu và chuyên môn cao đã và đang đáp ứng sự phát triển của Giáo hội trong thời đại mới.

Để phù hợp với yêu cầu phát triển của Giáo hội trong thời đại mới, GHPGVN đã có nhiều thay đổi trong công tác giảng dạy cũng như học tập tại các cơ sở đào tạo, từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục ở các cấp nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đào tạo tăng tài cho các cấp Giáo hội. GHPGVN cũng đang từng bước hoàn thiện một số mặt còn hạn chế về công tác giáo dục, đào tạo của mình như: thống nhất chương trình tại các cấp học, xây dựng quy chế tuyển sinh đồng bộ, kiện toàn và dần dần chuyên môn hóa đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các khóa đào tạo… để xây dựng đội ngũ tăng ni kế cận có đủ trình độ nhằm xây dựng và phát triển GHPGVN ngày một vững mạnh trong lòng dân tộc.

Phật giáo lấy “duy tuệ thị nghiệp” (lấy việc đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực của mình) làm phương châm tu học và hành đạo đã chứng tỏ đạo Phật rất coi trọng sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Điều đó đã được khẳng định bằng những bước tiến trong công tác giáo dục đào tạo của GHPGVN trong những năm qua, đào tạo được một thế hệ tăng ni có trình độ Phật học và thế học, đáp ứng nhu cầu công tác phật sự của Giáo hội từ trung ương đến địa phương và nhu cầu đòi hỏi hội nhập và giao lưu quốc tế.

Theo Vietnamnet.vn