Trang chủ Tin tức “Hồi vọng những Bậc đưa đò” – còn đó những ân tình

“Hồi vọng những Bậc đưa đò” – còn đó những ân tình

169

   Nửa cuộc đời trôi qua, ngần ấy thời gian khoát lên mình chiếc áo Ngũ Ấm, không biết chúng ta đã mang trên vai bao ân nghĩa, ân tình của kiếp người! Như: Ân Phật tổ, ân quốc gia, ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân đàn na…Những ân nghĩa ấy cứ mãi hằn sâu trong tâm khảm của người Tu sĩ khi nghĩ về hai chữ “Tri ân”. Và niềm ưu tư ấy là động lực, là chất liệu thôi thúc cựu Tăng Ni khóa 5 chúng tôi thực hiện ý nghĩa “Hồi vọng những Bậc đưa đò” hướng về chư vị ân sư quá cố, chư vị giáo sư hiện tiền trong tuần lễ Nhà Giáo Việt Nam. Đến tham dự buổi lễ có chư vị lãnh đạo hội đồng Học Viện Phật Giáo VN tại TP HCM, chư vị giáo thọ sư, các giáo sư trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

   Mở đầu buổi lễ, Đại đức Thích Hạnh An thay mặc cựu Tăng Ni sinh khóa 5 Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM tuyên đọc lời khai mạc lễ tri ân. Những lời ấy,  được xem như lời nhắn nhủ mà Đức Thế Tôn đã phú chúc vào hàng Tăng lữ, vào những người đại diện cho ngôi nhà giáo dục Phật giáo Việt Nam. Những người có bổn phận truyền đăng tục diệm, dắt dìu, hướng dẫn hành giả học Phật trau dồi Giới – Định – Tuệ để đối trị tà nghiệp – khổ vọng – kiêu mạn, đoạn trừ buông lung – phiền não, thành tựu đạo đức, trí tuệ giải thoát mà Thế Tôn đã dũ lòng trút trọn tâm tư trước giờ nhập niết bàn nơi Ta La Song Thọ. Cũng vậy, hôm nay cựu Tăng Ni khóa 5 chúng ta nương về sự phú chúc ấy, thực hiện ý nghĩa tri ân những bậc Thầy làm nghề giáo dục.“Vì giáo dục là đúc kết nên những con người văn minh và hữu ích cho xã hội.” và quan trọng hơn tính giáo dục trong Phật giáo là cốt lõi của sự giải thoát, nắm bắt “nguồn gốc của khổ và con đường đưa đến sự diệt khổ”. Đó là cốt lõi, của giáo dục Phật giáo. Nhưng những ý nghĩa ấy phải là những gì trực nhận được từ ý thức truyền thừa, làm chuyển hóa nội tâm để thoát khỏi nghiệp dĩ còn vướng mắc. Thiết nghĩ, nếu chúng ta không có sự trực nhận giáo dưỡng từ chư vị Ân sư, chư vị Giáo sư thì chúng ta khó mà chạm đến ngưỡng cửa giải thoát, đó là nội dung mà lời khai mạc của cựu Tăng Ni khóa 5 dâng lên chư tôn đức Giáo thọ, quý giáo sư trong buổi lễ “Hồi vọng những Bậc đưa đò.”

   Sư cô Bảo Liên đại diện dâng lời tri ân đến chư vị Giáo thọ sư trong ngày tri ân. Thật khó tránh khỏi miền vui và nỗi xúc động hòa quyện, những giọt nước mắt thánh thiện của chư huynh đệ đã rơi khi sư cô từng lời tững chữ từ tốn dâng lên chư Tôn đức, quý Giáo thọ sư, công lao nhọc nhằn của quý Ni trưởng, chư vị Ân sư đã dẫn dắt chúng ta bước vào vườn hoa đạo pháp, được minh sư chỉ dạy con đường diệt khổ! đồng thời được chư vị ân sư, quý giáo thọ, các Ngài đã tận tâm dẫn dắt, bảo bọc và hướng chúng con hành trình đúng phương vị, giúp cho đời sống tâm linh được an ổn là nền tảng thực hiện tâm hạnh của người xuất gia. Cho nên không thể không ghi tạc công ơn của các bậc Thầy làm nghề giáo dục.

   Đối với người học Phật, tri ân-báo ân là nền tảng của tri thức, hơn nữa là kẻ học Phật, điều mà mỗi con người cần phải hiểu biết là tri ân – báo ân là chất liệu của đạo đức, của tình thương, của tâm hiếu và hạnh hiếu. Vì thế, toàn thể cựu sinh viên khóa 5 xin hướng về quý Giáo thọ sư như một sự tri ân chân thành nhất, cũng là thể hiện nét nhân văn trong truyền thống Á Đông của người Việt Nam:

“Con lớn lên từ những lời ru dịu
Chữ nghĩa Thầy, cơm áo mẹ, công cha…”

   Do vậy, để đánh động tâm tư của những người học trò, toàn thể sinh cựu tăng ni sinh khóa 5, xin mượn hình ảnh cao đẹp của “Những chuyến đò” để tôn vinh công lao các vị Giáo thọ trong ngôi nhà Phật pháp; quý Giáo sư tại gia, sống đời dẫn dắt học trò, nhân Ngày nhà giáo Việt Nam – ngày Tết của Thầy Cô.

   Sự tri ân ấy, không thể chỉ có ngôn từ, mà bằng cả lời nhạc, tiếng thơ…Sư cô Huệ Như đã dâng trọn tâm tư của người trò vào lời bài hát “Người Thầy”. Bài hát “người Thầy” của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy, với giai điệu và ca từ thật tha thiết, bài hát đã dẫn dắt chúng ta về với ký ức xa xưa. Bài hát đã gợi lên trong tâm tư chúng ta hình ảnh của những Thầy Cô đã từng đi qua trong cuộc đời, những người đã uốn nét cho chúng ta nét chữ đầu đời… lời bài hát có thể dẫn dắt chúng ta về với ký ức xa xưa…. Xin dâng lên thầy cô những người nghiêm khắc, những người bao dung tấm lòng tri ân của bao người học trò đang hiện diện trong ngày Nhà Giáo Việt Nam.

   Đáp lại tấm chân thành của Tăng Ni, Hòa thượng Thích Đạt Đạo đã ban huấn từ đến cựu Tăng Ni sinh khóa 5 và sách tấn cho hậu học chúng tôi những lời quý báu. Thầy không quên nhắc lại bức tranh mà chính cựu Tăng Ni sinh khóa 5 lần đầu kính tặng ngày Nhà giáo Việt nam với hai dòng chữ thật ý nghĩa.

  “Mai này con về xứ xa
  Mang lời Thầy giảng xây nhà Như Lai”

   Lần lược Giáo sư Trần Tuấn Mẫn, từng phụ trách môn kinh Lăng Già tại Học Viện Phật Giáo đã cảm động trước tấm chân tình của cựu sinh viên khóa 5 đã thể hiện nghĩa Thầy trò giàu lòng nhân ái, và hình ảnh này sẽ đọng mãi trong tâm thức Thầy, về cựu Tăng Ni sinh khóa 5, đã 7 năm đi qua.

   Giáo sư Trần Tuấn Lộ tỏ bày sự vinh hạnh đã từng được chia xẻ môn tâm lý học cùng quý Tăng Ni sinh tại HV PGVN. Giáo sư nói rằng: “Việc giảng dạy là cách để học”. Học những điều mới lạ từ các Tăng Ni học trò của mình, và Thầy tự nghĩ rằng: “Tâm lý giáo dục Phật giáo không phải là những lý thuyết suông trên ngôn ngữ, mà phải là sự tu tập và nghiên cứu trên nền tảng của Duy Thức học, kết hợp với sự hành trì miên mật mới có thể đạt được ý nghĩa của tâm lý Phật giáo”

 

   Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần, từng được Tăng Ni mệnh danh là người thuộc lòng lịch sử Việt Nam một cách chính xách từng sự kiện. Có lẽ Thầy đã xúc động trước tấm chân tình mà chính những Tu sĩ đã thực hiện buổi lễ tri ân “hồi vọng những bậc đưa đò” hướng về quý giáo sư, quả là niềm vinh dự và hạnh phúc đã tận mắt Thầy chứng kiến, tận tâm thầy cảm nhận, và Thầy nói rằng: “Những người biết tri ân là những người vốn có nền tảng của đạo đức, có đầy đủ chất liệu từ bi của nhà Phật”.

   Giáo sư Hà Thúc Hoan, người phụ trách môn tiếng Việt thực hành. Thầy còn là người Phật tử thuần thành, tâm hồn luôn quy hướng đến sự thăng hoa tâm linh. Ngày đầu tiên đến lớp truyền trao kiến thức cho chúng tôi, Thầy nói : “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt”. Quả thật! ngữ pháp Tiếng Việt không dễ như bao người lầm tưởng, để viết hoàn chỉnh một văn bản điều cần thiết là chúng ta phải hiểu cấu trúc và ngôn từ hàn lâm. Ngoài ra, là người nghiên cứu tiếng Việt, cần phải am hiểu cả ngôn ngữ địa phương và từ ngữ vùng miền … Nói đến đây bỗng Thầy xúc động khi nhìn di ảnh Cố Hòa thượng Viện trưởng thượng Minh hạ Châu và chư vị giáo sư quá cố: Giáo Sư Minh Chi, GS Mai trần Ngọc Tiếng, GS Phan Lạc Tuyên, GS Ngô Phương Lan. Ngay lúc ấy, trên khóe mắt thầy ửng đỏ vì hương linh các cố giáo sư có lẽ cũng rất hạnh phúc khi hình hài vật lý của các cố giáo sư đã vĩnh viễn ra đi nhưng tinh thần mà các học trò của Thầy vẫn mãi mãi còn đây, còn trong tâm tưởng của những học trò Thầy năm nào. Đó là điều hạnh phúc thật sự của những người làm nghề đưa tri thức vào đời. Đặt biệt Thầy còn nói rằng: “Người làm giáo dục là người luôn cần đến sự học, và phải học.”

   Giáo sư Nguyễn Khuê, một nhà giáo mô phạm với nhiều thập niên truyền trao môn Hán Văn cho bao thế hệ sinh viên tại Sài Gòn. Thầy đã chia sẻ những cảm nhận của buổi lễ tri ân mang đậm tính nhân văn cao độ trong mối quan hệ Thầy trò. Và cảm ơn Ni trưởng viện chủ chùa Hiển Quang đã tạo thuận duyên để khóa 5 có cơ hội gặp nhau, chia xẻ những công việc Phật sự đầy ý nghĩa của người đệ tử Phật trên hành trình tu đạo và hướng đạo.

  “Học lấy vô ngã làm đầu.
  Phụng sự chúng sanh vô cầu là chủ yếu.”


   Giáo sư Lâm Hữu Tài, từng là vị giáo sư phụ trách môn tiếng Hoa, cũng chia xẻ nỗi lòng của mình đến chư vị giáo thọ HVPGVN và toàn thể cựu Tăng Ni sinh khóa 5, đã cho Thầy cái vinh hạnh gặp lại đồng nghiệp trong không gian ấm cúng và thân mật khi đã 7 năm không còn giảng dạy ở Học Viện.


   Sau cùng, Thượng tọa Viên Giác, cựu Tăng Ni sinh các khóa HVPGVN, đã phát biểu về ý nghĩa và việc làm cũng như tán thán buổi lễ tri ân đã đưa con người hồi vọng lại những ngày nơi mái trường Vạn Hạnh, có thể nói, cựu Tăng Ni sinh khóa 5 là những người tiên phong trong các khóa, về tính hiếu hạnh, sự đoàn kết cao độ trong tình Pháp lữ, và mong sao tình cảm anh em khóa 5 chúng ta mãi mãi.

    “Cho dù bay khắp muôn phương
   Ơn Thầy nghĩa bạn tình trường không quên.”  

   Kính dâng lòng thành tri ân đến chư vị Cố giáo sư đã ra đi, chư vị giáo sư hiện tại. Xin ghi tạc trong tâm những bậc Thầy đã đem tri thức vào đời cho chúng ta hấp thụ trở thành những con người hữu dụng trên mọi phương diện đạo pháp.

  Kính chúc ngày Nhà giáo Việt Nam luôn mang đậm ý nghĩa “ Giáo dục là đúc kết nên những con người văn minh và hữu ích cho xã hội”. Kính chúc quý Giáo thọ sư được nhiều sức khỏe, thành tựu trên con đường giáo dục. Kính chúc toàn thể cựu sinh viên khóa 5 mãi mãi là những pháp lữ đáng trân quý.

Lam Yên