Trang chủ Người thời nay Cảm nhận về 1 vị thầy – 1 nhiếp ảnh gia Phật...

Cảm nhận về 1 vị thầy – 1 nhiếp ảnh gia Phật giáo và 1 chuyên gia in sách

118

Tôi bất ngờ vì nhận được sự quan tâm của người đứng đầu ban Văn hóa thành hội Phật giáo Hà Nội kiêm trụ trụ chùa Hương Tích nổi tiếng. Hóa ra thầy là phó tổng biên tập báo Văn hóa Phật giáo và thầy đọc rồi phát hiện ra tôi hay viết bài cho báo.

Tôi nhắn tin lại cám ơn và nhận được nhắn tin “Mời anh Hùng vào chùa Hưng Khánh sáng nay”. Tôi mừng muốn khóc nhưng rất tiếc mình có lịch hẹn trước nên hỏi thầy liệu thứ 3 vào thăm thầy có được không. Thầy hoan hỷ nhận lời.

Vì sáng thứ 3 tôi bận 1 hội thảo lớn khác mà lại có tham luận nên ăn trưa xong tôi và 3 học  trò của mình lên đường. Vừa lái xe đến cổng chùa Hưng Khánh thì thấy xe của thầy đi ra. Trong xe có thầy cùng 2 thầy Thích Minh Đồng và thầy Thích Minh Tri. Thầy bước ra xin lỗi bởi dì ruột của thầy mất, thầy mới nhận tin và phải đi ngay. Thầy nói tôi thông cảm đợi thầy.

Thế là 4 thầy trò tôi có thời gian của 1 buổi chiều tĩnh mịch trong chùa. Chúng tôi ngắm cảnh chùa, ngắm hoa và cây, thong thả dạo bước trong chốn thanh tịnh. Chú Lãm mời chúng tôi ngồi nói chuyện ngay trong khuôn viên, bên bộ bàn ghế đá và uống trà. Tôi thầm nghĩ: Đức Phật muốn chúng tôi có một buổi chiều thư giãn nên cố tình sắp xếp như vậy. Ít nhất chúng tôi cũng có 1 buổi chiều nói chuyện về đạo về đời, về tu tập và thiên nhiên, không liên quan đến công việc. Thật tuyệt vời!

Lát sau chúng tôi được thông báo có khóa tụng kinh. Hóa ra hôm nay là ngày 30 cuối tháng, các già trong làng tụng kinh. Thế là chúng tôi được phát áo tràng và tham gia cùng. Thật là một duyên lành. Cuối buổi chiều chúng tôi cùng nhau niệm Phật. Tất cả cùng lễ Phật và niệm Phật 3 tràng. Ai cũng hoan hỷ và thấy thú vị.

Cuối cùng thì thầy cũng về. Thầy trực tiếp pha trà và mời chúng tôi thưởng thức. Thượng tọa Thích Minh Hiền hỏi han chúng tôi về xuất bản sách, nhất là sách Phật giáo. Hóa ra thầy là một chuyên gia về in ấn. Thầy đã đích thân “ăn nằm” tại nhà in để in sách. Chính thầy đã dựng bìa, dàn trang, bình bản, theo dõi in nhiều cuốn sách. Thầy kể vanh vách từng nhà in, từng vị giám đốc, chất lượng từng cơ sở in tại Hà Nội. Bạn Nguyễn Ngọc Quân phụ trách chế bản và in của Thái Hà Books đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Thật bất ngờ khi chúng tôi được thầy hỏi, có biết in kinh khác gì sách thường không. Thượng tọa Thích Minh Hiền mang ra và chứng minh rằng kinh là để tụng, tức mở ra phải dễ, các trang phải dễ lật và khi để trước mặt 2 trang phải phẳng. Muốn như vậy phải khâu gáy. Trong khi nhiều cuốn kinh lại được dán keo gáy làm cho các Phật tử rất khó lật trang và không thể để phẳng 2 trang kinh khi tụng. Chuyện tưởng nhỏ, hóa ra lại rất lớn và vô cùng quan trọng. Tôi giật mình!

Thầy Thích Minh Hiền hỏi 1 bạn đi cùng, rằng chữ Phật viết thường hay viết hoa. Và trên các trang sách báo hiện nay viết có đúng không. Thượng tọa Thích Minh Hiền đọc ngay cho chúng tôi một nguyên tắc rất đơn giản “Phật viết hoa, ma viết thường”. Như vậy đã rõ cho bất cứ ai: tất cả những chữ Phật đều được viết hoa.

Lại nói về khâu đóng gáy sách, thầy mang ra  cuốn sách vừa mới in xong “Hương Sơn quán âm xưng tán” và chỉ ra nghệ thuật làm sao có được những bức ảnh đẹp khi in, làm sao có thể có gáy vàng đẹp, làm sao mỗi trang sách ấn tượng và sang trọng. Chúng tôi chỉ biết trầm trồ khen ngợi công nghệ in cuốn sách và những bức ảnh rất đẹp. Thì ra tất cả các bức trong “Hương Sơn quán âm xưng tán” đều do chính Thượng tọa Thích Minh Hiền trực tiếp chụp. Đẹp vô cùng. Cả ảnh màu lẫn trắng đen.

Nói tiếp về khâu đóng gáy, thầy mang ngay ra cuốn “Phật Quang đại từ điển” mới được in bên Đài Loan. Phải công nhận là tất cả các khâu rất hoàn hảo: trình bày, giấy in, khâu gáy, xén giấy,… Thày đặt ra câu hỏi “Liệu chúng ta có thể in được những cuốn kinh đạt chất lượng như thế này!”. Nói thật là đến khi gõ những dòng chữ này tôi vẫn đang suy nghĩ về vấn đề thầy đặt ra.

Biết thầy chụp ảnh rất đẹp nên chúng tôi bày tỏ mong muốn được ngắm các bức ảnh thầy chụp. Và thế là chúng tôi có duyên lành được Thượng tọa Thích Minh Hiền cho xem rất nhiều ảnh của những chuyến đi. Ảnh chụp ở Nhật, Trung Quốc, Tây Tạng, Nga, Ấn Độ, Ne Pal,… Ảnh chụp bằng phim và bằng máy kỹ thuật số. Ảnh đen trắng và màu. Phải thú thật là tôi chưa bao giờ được ngắm nhiều ảnh đẹp đến vậy. Hầu như mọi bức ảnh đều rất hoàn hảo, hoàn hảo đến lạ thường và khó tin.

Thật tình, hồi sinh viên tôi cũng mê ảnh. Tôi mua máy Zenhit của Nga, ban ngày lang thang chụp ảnh, tối về tự tay pha thuốc và rửa ảnh. Lúc đó là ảnh trắng đen. Sau này tôi cũng tự chụp tự rửa cả ảnh màu. Cũng có nhưng bộ sưu tập ảnh mà mình thấy quý giá. Nhưng khi ngắm những bức ảnh do Thượng tọa Thích Minh Hiền chụp thì tôi thấy mình là 1 hạt cát trước một trái núi lớn.

Trong lúc xem ảnh, thầy phân tích cho chúng tôi các loại ống kính, cách chụp ngược mặt trời, cách chụp trên xe, cách chụp hoa và cây, cách chụp người… Hóa ra chúng tôi được học một buổi về kỹ thuật chụp ảnh miễn phí!

Chúng tôi rời chùa Hưng Khánh khi đã gần 10h đêm và về đến nhà cũng đã là giờ tý. Tôi chưa ngủ ngay mà bật máy xem đĩa “Diệu dụng của chân ngôn” do thầy tặng mỗi chúng tôi. Có bao nhiều học được và đáng ngẫm từ bài giảng của thầy.

Chiều nay tôi không ở cơ quan mà ở nhà để xem bộ đĩa “Hương sen màu nhiệm” do chính thầy Thích Minh Hiền chỉ đạo sản xuất và chịu trách nhiệm về nội dung và nghệ thuật. Có xem mới hiểu về trình độ nghệ thuật của Thượng Tọa. Rất kỹ lưỡng và công phu. Rất hoàn hảo và giá trị.

Tình cờ đang xem đĩa, thầy lại gọi điện thoại cho tôi. Câu chuyện vẫn xoay quanh việc xuất bản sách. Cả tiếng đồng hồ trao đổi, tôi lại được học về xuất bản sách, được hiểu thêm về nghệ thuật chụp ảnh.

Bạn hỏi tôi nhớ nhất gì của buổi chiều nay, tôi xin nói ngay mà không cần nghĩ: “Ngày nay con người chỉ biết đóng giày mà không biết đóng sách”. Một câu nói của thầy thật tuyệt vời. Ngày nay giày được đóng rất đẹp còn sách thì chưa được như vậy. Ngày ra người ra bỏ ra đến cả vài triệu, thậm chí cả chục triệu để đóng hay mua 1 đôi giày, còn có mấy ra bỏ ra tiền lớn để mua sách.

Thật thấm thía! Tôi cũng nhớ không quên câu trả lời cho câu hỏi về lời giới thiệu sách ngắn nhất chỉ có 6 chữ “Sách nên đọc, sách đáng đọc” của Hòa thượng Thích Trí Quang (chùa Già Lam, TP HCM).

Tôi viết những dòng chữ này chỉ với mong muốn duy nhất để các Phật tử chúng ta hiểu rằng, có những nhà sư không chỉ giỏi về Phật sự mà rất chuyên sâu về nghệ thuật. Nhà sư biết tốt nhất về sách và mê chụp ảnh nhất mà tôi được biết đến ngày hôm nay không ai khác chính là Thượng tọa Thích Minh Hiền.

Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – CEO Công ty sách Thái Hà