Những năm vừa qua, tại nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Trung Bộ xuất hiện nhiều những cơ sở đạo lạ, tà đạo hay theo quan niệm của thế giới là “tôn giáo mới”…(sau đây gọi chung là đạo lạ).
Có thể khu biệt thành hai loại đạo lạ xuất hiện, hoạt động ở Việt Nam hiện nay đó là: Đạo lạ du nhập từ nước ngoài và đạo lạ hình thành trong nước. Số đạo lạ du nhập từ nước ngoài chủ yếu là do các doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn tại Việt Nam mang theo. Số đạo lạ hình thành từ trong nước một số chịu ảnh hưởng, cải sửa của Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo và một số do người Kinh lập ra tập trung ở vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ, như: Đạo Tràng niệm Phật, Long Hoa Di Lặc, Ngọc phật Hồ Chí Minh, Pháp Môn Diệu Âm… Bên cạnh đó còn có đạo lạ chịu tác động ảnh hưởng của Công giáo, đạo Tin lành và một số chưa xác định rõ nguồn gốc….
Sự xuất hiện, hoạt động của đạo lạ đang có những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Việc các đạo lạ tập trung đông người nơi công cộng, phát tán “tài liệu”, “kinh sách”, chữa bệnh khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép là trái pháp luật. Giáo lý của các đạo lạ có nhiều nội dung động chạm đến niềm tin, giáo lý của các tôn giáo truyền thống, hoạt động đúng pháp luật. Từ sự động chạm ấy kết hợp một số tác nhân khác gây ra mâu thuẫn, ảnh hưởng tiêu cực đến tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, gây khó khăn cho chính quyền cơ sở trong công tác điều hành, quản lý xã hội. Đại đa số các đạo lạ có những hoạt động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống văn hóa của các dân tộc, gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, thậm chí mang màu sắc chính trị. Nhiều tà đạo hoạt động mang nặng màu sắc mê tín dị đoan, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người và cộng đồng vì chữa bệnh bằng biện pháp phi khoa học…..Đáng chú ý là hoạt động của đạo: Pháp Môn Diệu Âm; Thanh Hải Vô Thượng Sư, Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ…
Thực trạng ấy làm cho tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam vốn đã phức tạp lại ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Vấn đề này càng trở nên nguy hiểm khi các thế lực thù địch, phản động ra sức lợi dụng tôn giáo để kích động giáo dân chống chính quyền; không chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; lợi dụng vấn đề tôn giáo để vu khống Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền; kích động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mưu toan dùng tôn giáo để thực hiện “diễn biến hòa bình” và thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…
Trước thực trạng tình hình trên, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã tăng cường phối hợp có nhiều biện pháp kết hợp giữa quản lý hành chính với đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thuyết phục vận động nhân dân thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật… Tuy nhiên, hiệu quả đạt được từ các biện pháp chưa được như mong muốn. Đặc biệt là có nhiều vấn đề đặt ra trong cách ứng xử với đạo lạ nhưng chưa thể giải quyết.
Để xử lý vấn đề này chúng ta cần tiến hành đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ nhiều việc. Nhưng có lẽ trước hết chúng ta phải thống nhất được nhận thức về đạo lạ. Ngay từ cách gọi tên của các đạo lạ là gì cũng cần phải thống nhất. Có thể thấy hiện nay, mỗi địa phương, mỗi cơ quan gọi một kiểu: có nơi gọi “đạo lạ”, có nơi gọi “tà đạo”; có nơi gọi “tà giáo”, có nơi gọi “tôn giáo mới”, có nơi gọi “hiện tượng tôn giáo mới”… Khi mà cách gọi tên chúng ta còn chưa thống nhất thì rất khó xác định cách thức ứng xử, biện pháp giải quyết. Cùng với định danh thống nhất về góc độ công tác quản lý, cơ quan chức năng nhất thiết phải thẩm định về “giáo lý”, “giáo luật” của các đạo lạ, tất cả những nội dung nào trái với pháp luật, trái với truyền thống văn hóa dân tộc, động chạm đến niềm tin, giáo lý của các tôn gáo truyền thống; chia rẽ tình đoàn kết dân tộc, tôn giáo… là phải loại bỏ. Đối với những người cố tình lợi dụng đạo lạ để chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh. Sự phối hợp từ cơ quan Trung ương đến các địa phương để giải quyết vấn đề phải được tăng cường bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, thường xuyên và đồng bộ. Công tác tuyên truyền phải trên cơ sở nhận thức thống nhất để biên soạn tài liệu có đủ căn cứ, cơ sở thuyết phục, phù hợp và hiệu quả với từng đạo lạ… Những nội dung cơ bản như đã nêu là rất cần thiết, nhưng mấu chốt của vấn đề là chúng ta phải quan tâm nghiên cứu để hiểu bản chất của các tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là đời sống tâm linh của nhân dân, của dân tộc cho nên việc xử lý vấn đề này không đơn giản. Chỉ khi nào chúng ta hiểu đúng bản chất của vấn đề thì các biện pháp ứng xử đưa ra mới phù hợp và hiệu quả./.
Theo Hương Sen Việt