Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Hoằng pháp thời hiện đại: Đâu phải người già mới tới chùa

Hoằng pháp thời hiện đại: Đâu phải người già mới tới chùa

137

Đó là những chia sẻ của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIII với phóng viên Đại Đoàn Kết về công tác Hoằng pháp thời hiện đại.

 
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm
Ảnh: Hoàng Long
 
Vấn đề hoằng pháp là vấn đề quan trọng đặt lên hàng đầu đối với nhiệm vụ của 9 ban ngành Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong những nhiệm kỳ qua vấn đề này được làm rất tốt và đặc biệt là nhiệm kỳ 6 đã khởi sắc hơn. Giáo hội Phật giáo đã định hướng về hoằng pháp không những ở đồng bằng mà đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số cũng như ở nước ngoài. Đặc biệt là vấn đề đối tượng của tín đồ Phật giáo cũng đã có xu hướng các tầng lớp đều đến chùa lễ Phật chứ không bó hẹp trong quan niệm già mới đến chùa, phụ nữ mới đến chùa nữa. Đặc biệt vấn đề hoằng pháp đối với thanh thiếu niên và sinh viên cũng được Giáo hội Việt Nam đặc biệt chú trọng.
 
PV: Xin Hòa thượng cho biết công tác hoằng pháp thời này đối với giới trẻ đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai như thế nào trong thời gian vừa qua?
 
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Trong dịp hè 2012, Giáo hội Phật giáo đã tổ chức nhiều khóa tu mùa hè cho các em trẻ, các khóa tu sinh viên và đặc biệt là trong việc thực hiện tiếp sức mùa thi, tư vấn mùa thi đã đáp ứng được nhu cầu của số trẻ muốn tìm đến chùa họ như tìm đến về cái khoảng lặng của cuộc sống. Hiện nay chưa thống kê được hết nhưng đã có hàng chục ngàn thanh thiếu niên được về chùa tu tập.
 
Việc tổ chức các khóa tu ngắn, các sinh hoạt vui chơi lành mạnh đã đưa chùa chiền trở thành địa điểm đến, sân chơi cho thanh thiếu niên, sinh viên vào các ngày nghỉ hè, lễ, Tết, từ đó có ích cho tuổi trẻ giảm thiểu vi phạm pháp luật, phạm tội. Đây là một thành công lớn của Phật giáo trong vài năm trở lại đây. Trong các khóa tu, các em có cơ hội nhìn nhận rõ hơn về tình thương của cha mẹ và nhiều em đã có những giọt nước mắt ăn năn, hối hận, có khi chỉ vì những việc nhỏ như không giúp mẹ quét nhà, rửa bát. Trong các khóa tu này, các em cũng được truyền thông các kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, biết chọn bạn mà chơi, chọn việc tốt mà làm, biết việc xấu mà tránh.
 
Vậy để cuốn hút được giới trẻ, những khóa tu này đã có những chương trình gì cụ thể để hướng dẫn, định hướng cho giới trẻ, thưa hòa thượng?
 
Các khóa tu này có nhiều hoạt động để cuốn hút các em. Các em được vào chùa để tham gia một ngày tu, hoặc có nơi tổ chức 3 ngày thậm chí có nơi tổ chức cả tuần. Khi tham gia những hoạt động này các em xa rời được một số tật xấu của các em. Các em không được dùng điện thoại, không tiếp cận với các trang mạng, trang báo xấu, các em được sống trong tinh thần đoàn kết trong tình thương yêu nhau dưới mái chùa thân thương của mình. Điều đặc biệt là các thầy dạy các em cách sống để các em được cảm nhận cuộc sống mới trong tình yêu thương.
 
Điều đặc biệt là chúng tôi nhắm tới đối tượng là sinh viên. Năm nay là năm thứ 3 tôi tổ chức các khóa tu cho sinh viên với tên gọi là “Khoảng lặng cuộc sống” với sự tham gia của 1.100 sinh viên tu trong 48 tiếng. Trong khoảng thời gian này các bạn sinh viên cùng nhau trao đổi, đề cập đến những tệ nạn xã hội và cách làm sao để có cuộc sống phẳng lặng, làm sao để tìm được cuộc sống bình yên, cách để tránh được những cạm bẫy của cuộc sống. Và trong những khóa học này Phật giáo cũng không né tránh những vấn đề nhạy cảm từ thế nào là yêu thử, sống thử, cách làm thế nào để không bị sa vào những cạm bẫy, hay tội lỗi về nạo hút phá thai, vấn đề bạo lực học đường…
 
Hiện nay vấn đề phạm tội trong giới trẻ ngày một tăng cao thì việc triển khai những khóa tu này có ý nghĩa như thế nào, thưa hòa thượng?
 
Trong khi vấn đề tội phạm gia  ngày càng gia tăng đặc biệt trong lớp trẻ và vị thành niên thì việc hàng chục ngàn thanh thiếu niên về chù tu tập trong mùa hè vừa qua là phần mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia cùng toàn dân xây dựng môi trường để giảm thiểu tội phạm của tuổi trẻ. Qua các buổi thuyết giảng về Phật pháp, về nhân quả, nghiệp báo đến nhiều đối tượng, mọi người tăng trưởng trí tuệ, nhận thức đúng đắn về các hành vi của mình. Từ đó, họ sợ, không dám làm điều xấu, điều ác mà tích cực làm việc thiện, việc có ích. Trong khi xã hội đang bàn nhiều hơn về “chống”, mà chưa chú trọng đúng mức đến “phòng”, nhất là phòng từ gốc, trước hết từ gia đình, thì Phật giáo lại bắt đầu từ việc làm con người sợ điều ác, tránh điều ác, hướng tới việc thiện từ trong tâm tới lời nói, hành động. Đây là chính là cái gốc của đạo đức xã hội. Có thể khẳng định tinh thần nhập thế của Phật giáo đã đi vào với cộng đồng nhân dân để xây dựng cuộc sống bình an cho nhân dân.
 
Hòa thượng có thể chia sẻ tâm tư trên bước đường hoằng pháp tới đây không?
 
Phát huy truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam từ nghìn đời nay, người tu hành chúng tôi chỉ mong sao được góp phần xây dựng cuộc sống tốt lành hơn. Hiện đại hóa công tác hoằng pháp để giáo lý cao đẹp của Đức Phật thấm sâu vào đời sống nhân dân là mong muốn số một của chúng tôi. Tiếp đó là xây dựng các cấp giáo hội phát triển cả về chiều rộng và sâu, phát huy truyền thống tu học lấy trí tuệ để tu học Phật pháp, lấy bi nguyện để hoằng pháp độ sinh, lấy lục hòa tứ nhiếp làm nguyên tắc hoạt động Phật sự, lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu phục vụ.
 
Theo Đại đoàn kết