Trang chủ Blog chùa Chùa Bằng: Pháp hội Dược Sư ngày thứ tư với “Kinh Dược...

Chùa Bằng: Pháp hội Dược Sư ngày thứ tư với “Kinh Dược Sư với giáo lý Tịnh Độ”

96

BBT xin đăng tải tóm tắt bài giảng của Thượng tọa Thích Tiến Đạt tại Pháp hội Dược Sư lần thứ 7 PL2556 – DL2012.

Chúng ta đã biết chư Phật ra đời chỉ vì một mục đích vì đại sự nhân duyên, trong kinh Pháp Hoa đã nói “Phật vì một đại sự nhân duyên xuất hiện tư thế, đại sự giải hà, khai thị chúng sinh, ngộ nhập Phật tri kiến”. Có nghĩa là, trong vô vàn những nhân duyên mà chư Phật xuất hiện ở thế gian, nhân duyên quan trọng nhất, căn bản nhất, cốt lõi nhất, lớn lao nhất đó là muốn khai thị cho chúng sinh ngộ nhập vào trong tri kiến của chư Phật. Nói tóm tắt, Đạo Phật chính là con đường tu hành để thành Phật. Do vậy, “khai thị chúng sinh, ngộ nhập Phật tri kiến” có nghĩa là đưa chúng sinh thể nhập vào tri kiến của Phật, cũng có nghĩa là khiến cho tất cả chúng sinh thành Phật.
Trong kinh thường nói “hết thảy chúng sinh đều có Phật tính. Chư Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ngay sau khi giác ngộ dưới cội cây Bồ Đề, Đức Thế Tôn đã ở trong đại định 21 ngày, giảng kinh Hoa Nghiêm thất xứ cửu hội, và ở đó giảng giải giáo pháp “Nhất thừa viên đốn”, có nghĩa là giảng giải con đường tu hành đến quả vị Phật.
Nhưng bấy giờ, tất cả chúng hội đạo tràng nghe pháp môn này đều như si như tục, như câm như điếc, không hay không hiểu được. Bởi vì nó quá cao siêu, quá viên mãn. Do đó Đức Thế Tôn đã định nhập niết bàn.
Sau 3 lần cầu thỉnh Đức Thế Tôn trụ thế thuyết pháp của 2 vị Phạm Thiên và Đế Thích, Ngài đã hứa khả. Ngài xét thấy căn cơ của chúng sinh có nhiều tầng bậc khác nhau, do vậy ứng với từng căn cơ đấy, Ngài thuyết các pháp môn phương tiện khác nhau.
Chúng sinh có tám vạn bốn nghìn trần lao phiền não ứng với tám vạn bốn nghìn căn bệnh, do đó Đức Phật cũng thuyết tám vạn bốn nghìn pháp môn, đó cũng chính là pháp dược trị lành tất cả căn bệnh trần lao phiền não khổ đau cho chúng sinh. Do đó, tất cả Đức Phật đều có danh hiệu là Đại Y Vương – là bậc thầy thuốc lớn, là vua của tất cả các thầy thuốc.
Để đáp ứng nguyện vọng tu tập có thể thành Phật, đạt đến quả vị Phật gọi là “Nhất sinh thành Phật” mà Đức Phật nói giáo pháp Nhất thừa. Trong giáo pháp “Nhất thừa viên đốn”, mở đầu là kinh Pháp Hoa. Ngài quy Tam thừa trở về Nhất thừa. Nhưng con đường trở về Nhất thừa thì cao hơn là Hoa Nghiêm, cao hơn nữa là giáo pháp Tịnh Độ.
Do đó, đối với các pháp môn tu hành thông thường khác, thì thấy rằng nếu tu ở đời này muốn đạt đến quả vị thành Phật thì phải tu qua 3 A Tăng Tỳ Kiếp mới có thể thành Phật. Chính vì như thế cho nên Đức Phật cuối cùng căn cơ của chúng sinh đã thuần thục Ngài mới thuyết linh về Pháp môn Tịnh Độ.
Nên trong Pháp môn Tịnh Độ có nói “Phật vị nhất đại sự nhân duyên xuất hiện ư thế, đại sự giả hà, sinh tử giả dã”. Chư Phật vì đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời, vậy đại sự ấy là gì? Chính là để giải quyết 2 vấn đề Sống và chết cho hết thảy chúng sinh. Đời người chúng ta cho đến vạn vật không cái gì quan trọng hơn sự sống và cái chết – cũng chính là vấn đề lớn nhất của nhân loại, của chúng sinh. Theo giáo lý của Đạo Phật, sinh ra chưa phải bắt đầu, chết đi không phải kết thúc, mà chỉ là sự luân chuyển từ đời sống này sang đời sống khác mà thôi. Do đó, muốn đời sống sau tốt đẹp hơn thì chúng ta phải chuẩn bị tư lương từ đời sống này. Vì vậy trong Kinh Nhân Quả có nói “Muốn biết đời trước của mình thế nào thì hãy xem những gì chúng ta đang thụ hưởng ở đời này sẽ rõ”.
Do vậy để giải quyết vấn đề căn bản là cuộc sống và cái chết, Đức Phật có thuyết 2 bộ Kinh lớn về Tịnh Độ đó là Tịnh Độ phương Đông của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai và Tịnh Độ phương Tây của Đức Phật A Di Đà.
Chúng ta thường nghĩ Kinh Dược Sư chỉ để cầu an, nhưng Kinh Dược Sư chính là 1 pháp môn Tịnh Độ, là 1 pháp môn tu tập, căn bản để giải quyết sự sống của chúng sinh ở trên thế gian này. Còn Kinh Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà ở Phương Tây nhằm căn bản giải quyết vấn đề cái chết của chúng sinh và về đâu.
Ở đây, chủ đề của chúng ta là liên hệ giữa Kinh Dược Sư với Pháp môn Tịnh Độ, nhưng thực chất Kinh Dược Sư là 1 kinh thuộc về Tịnh Độ, mà đây là Tịnh Độ phương Đông.
Vậy thế nào là Tịnh Độ? Có bao nhiêu thế giới Tịnh Độ? Tịnh Độ là gì? Tịnh là thanh tịnh, độ là cõi nước. Cõi nước Thanh tịnh gọi là Tịnh Độ, mười phương chư Phật đều có Tịnh Độ, đức Phật nào cũng có Tịnh Độ. Nhưng tùy theo hạnh nguyện của các Ngài mà kiến lập Tịnh Độ ấy khác nhau, với mục đích và phương tiện khác nhau. Hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương và Đức Phật A Di Đà có liên hệ trực tiếp với chúng sinh ở thế giới Sa Bà này, các Ngài có hạnh nguyện độ cho chúng sinh ở thế giới này. Do vậy Đức Phật Thích Ca mới giới thiệu cho chúng ta biết 1 cõi Tịnh Độ như vậy để có chỗ trở về, hoặc tu tập theo pháp môn Tịnh Độ của Đức Phật Dược Sư có thể biến thế gian này thành Tịnh Độ, đó gọi là Tịnh Độ nhân gian. Thế giới chúng ta đang ở là thế giới Sa Bà, Sa Bà là tiếng Phạn (Trung Quốc gọi là Uế Độ – cõi nước bất tịnh, cõi nước ô nhiễm) chúng ta càng ngày càng thấy rõ thế giới của chúng ta từng ngày từng giờ từng giây từng phút đang đi vào suy thoái, đi vào sự ô nhiễm và bất tịnh ngày càng trở nên nặng nề và khó thoát ra được. Chính sự ô nhiễm nặng nề đó dẫn đến thiên tai, bệnh dịch, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng…điều đó dẫn đến hủy hoại thế gian và cuộc sống của con người. Nguyên nhân đều do con người gây ra.
Trong Kinh, Đức Phật nói có 5 biểu trưng: Kiến trược, Kiếp trược, Phiền não trược, Chúng sinh trược, Mệnh trược. 5 biểu trưng đó qua thực trạng của cuộc sống hiện tại, bởi sự ô nhiễm của tất cả những thứ xung quanh như môi trường, nước, thực phẩm…Con người tự tạo tác nên Uế độ, tự hủy hoại môi trường sống của chính mình. Chúng ta còn bị ô nhiễm về tinh thần do các tác động xung quanh, và dẫn đến sự ô nhiễm về mặt đạo đức. Càng ngày đạo đức càng trở nên xuống cấp, và xuống cấp đến mức báo động và nghiêm trọng.
Còn Tịnh Độ là cõi nước thanh tịnh nên không có ngũ trược. Cho nên những chúng sinh nào sinh về thế giới Tịnh độ của Đức Phật Dược Sư hay Đức Phật A Di Đà đều có đủ 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp, thân tướng là bình đẳng trang nghiêm không có sai biệt.
….
Do đó Pháp môn Tịnh Độ của Đức Phật Dược Sư chính là nhằm kiến tạo Tịnh Độ tại nhân gian. Khi chúng ta có nhân Tịnh Độ ở nhân gian thì khi chúng ta lâm chung, Ngài sẽ đưa chúng ta về Tịnh Độ Tây Phương của Đức Phật A Di Đà. Hai cõi này thông suốt với nhau, và 2 Đức Phật này hỗ trợ cho nhau.
Trong Kinh có nói là “Nếu chúng sinh nào muốn sinh về cõi nước của Phật Vô Lượng Quang mà chưa quyết định, nếu nhất tâm trì danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thời đến khi lâm chung có 8 vị Bồ Tát đó là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đắc Đại Thế Chí Bồ Tát, Vô Tận Ý Bồ Tát, Bảo Đàn Hoa Bồ Tát, Dược Vương Bồ Tát, Dược Thượng Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát hiện ở trên hư không chỉ đường dẫn lối cho người đó về Tây Phương. Người đó chỉ trong 1 Sát Na thấy mình hóa sinh trong hoa sen Thất Bảo ở thế giới Cực Lạc”.
Vì vậy Đức Phật thường khuyên chúng sinh niệm danh hiệu của Ngài để phát nguyện vãng sinh về thế giới của Ngài.
Cho nên chư Phật là nhất Phật xuất thế, Thiên Phật hộ trợ, tức là 1 đức Phật xuất hiện ở thế gian thì ngàn vạn các vị Phật khác đều xuất hiện để giúp cho công hạnh của Đức Phật ấy thành tựu.
Chúng ta thấy nói trong Kinh Di Đà “Sáu phương Phật có vô lượng Phật đều hiện tướng lưỡi dài rộng, nói lời thành thật rằng Chúng sinh các ngươi hãy tin kinh này là một bản kinh được hết thảy mười phương chư Phật hộ niệm
Chúng ta tu Pháp môn Tịnh Độ, không hề đơn độc, thường được Phật Bồ Tát Thánh chúng đi theo để hộ niệm. Do vậy, ở đây Đức Phật Dược Sư cũng hộ niệm cho Đức Phật A Di Đà để tiếp dẫn chúng sinh nào muốn sinh về Tây Phương thì Ngài đều giúp cho sinh về Tây Phương. Và đây là nguyên lý nhân Tịnh Độ – quả Tịnh Độ. Tâm tịnh thì cõi nước tịnh.
Vì thế chúng ta có Tịnh độ thứ nhất là Tịnh độ nhân gian, mà chính mong muốn của Đức Phật Thích Ca là giúp cho chúng ta làm thế nào để có cuộc sống thật sự là Tịnh độ ở thế gian này. Đây là điều quan trọng nhất cho nên trong Tịnh độ Tây Phương có nói là “Duy tâm tâm Tịnh Độ, niệm niệm Di Đà đức thốn bộ bất di hiện sử Cực lạc, hựu hà đại thân hậu thần quy an giữ”. Tâm tâm là Tịnh Độ, niệm niệm là Di Đà, nửa bước chẳng rời, ngay cõi đời này đã là Tịnh độ, đâu cần đến đợi thân chết về sau, mới cầu thần hồn về nơi Cực lạc. Cõi đời này mà chúng ta không có Tịnh độ, không có an lạc trong cuộc sống, không chuyển hóa được ngũ trược thành ngũ tịnh, thì đừng nói kiếp sau có quả vãng sinh Tây Phương hoặc vãng sinh Đông Phương.
Do đó, Kinh Dược Sư vốn là một pháp môn tu tập, để chuyển hóa Nhân ngũ trược thành nhân ngũ tịnh; để đến khi lâm chung chúng ta có Quả sinh về Tây Phương Tịnh Độ và 2 pháp môn, 2 bộ kinh này dung thông lẫn nhau, hỗ trợ cho nhau. Chính vì vậy, trong thời chúng ta tụng Dược Sư chúng ta hãy quán chiếu hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư, đối chiếu với hạnh nguyện của Đức Phật A Di Đà chỉ là sự tổng hợp và phân chia nhỏ ra mà thôi. Quán chiếu cảnh giới mà Đức Phật Dược Sư chỉ dạy với những cảnh giới ở thế giới Tây Phương là giống nhau không khác. Quán chiếu Ngũ thống Ngũ thiêu trong kinh Vô Lượng Thọ với những điều mà chúng sinh khổ não, mong Phật cứu giúp nói ở trong Kinh Dược Sư là hoàn toàn thống nhất với nhau.
Cho nên chư Tổ có nói “Thập vạn ức trình, Đông tây bất cách”. Cõi Đông cõi Tây là cách nhau tới mười vạn cõi nước Phật nhưng 2 cõi đấy thực sự không hề xa cách nhau. Khi chúng ta sinh về Đông Phương cũng chính là sinh về Tây Phương và ngược lại, bởi vì 2 cõi này dung nhiếp lẫn nhau. Tịnh độ của chư Phật là nhất chân Pháp giới cho nên là nó thu nhiếp lẫn nhau.
Trong pháp môn tu tập Dược Sư còn một phương pháp nữa là Dược Sư sám tức là lễ sám theo phương pháp Dược Sư. Sám để chuyển nghiệp, để sám hối các nghiệp chướng.
Phương pháp tu tập Dược Sư có 5 giai đoạn khác nhau: Đọc, Tụng, Biên chép, giảng thuyết, thụ trì. Chúng ta phải thực sự thâm nhập vào mới tu đúng được, từ đó mới có hiệu quả được, còn nếu không chúng ta cũng chỉ là “kết duyên chúng” chứ không phải là “đương cơ chúng” của Pháp hội.
Mong rằng chúng ta sẽ thành tựu được sở nguyện khi tham dự Pháp hội Dược Sư này.
Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được: