Thiền sư Nhất Hạnh! Thầy Nhất Hạnh! Sư Ông Làng Mai!
Ngài là một thiền sư, một bậc thầy có ảnh hưởng lớn trên thế giới trong thế kỷ 20.
Ngài không phải thầy Bổn sư, Giới sư hay Y chỉ sư của tôi, nhưng thâm tâm tôi luôn tôn kính ngài như một người Thầy lớn nhất, ảnh hưởng nhất trong cuộc đời tu hành của mình.
Năm 1992, lần đầu tiên bước chân vào mảnh đất Sài Gòn, theo học tại trường Trung cấp Phật học, khi ấy tôi mới là chú Sa di 18 tuổi, y chỉ vào Hoà thượng Thích Thanh Kiểm để tu học.
Khi làm tiểu ở miền Bắc chỉ biết công phu lao tác với mấy thời kinh kệ. Đặt chân đến Sài Gòn, thế giới quan trong tôi hoàn toàn đổi mới. Tôi được sống với một Sài Gòn văn minh, tri thức, bao dung, nghĩa tình, rộng lượng và nhân hậu…
Những cuốn sách ảnh hưởng đầu tiên trong đời tu của tôi chính là sách của thiền sư Nhất Hạnh, tôi tin những huynh đệ từ miền Bắc vào Nam thời điểm đó cũng sẽ có cảm nhận giống như tôi.
Do yếu tố chính trị, những cuốn sách ghi tên tác giả Nhất Hạnh, Nguyễn Lang chỉ được người ta photo hay in lậu bày bán. Nhưng cuốn nào mới ra là huynh đệ tìm mua cuốn đấy. Cứ có cuốn sách cũ của Thầy Nhất Hạnh nào gắn với nhà xuất bản Lá Bối hay An Tiêm là tìm mua về để đọc dần.
Cuốn Đường Xưa Mây Trắng, Bông hồng cài áo, Nói với tuổi 20…, khi ấy đúng là cuốn sách gối đầu giường của huynh đệ. Rồi những băng casette do thiền sư giảng nữa, nghe đi nghe lại nhiều lần vẫn thấy thấm.
Cũng khi ấy những tên tuổi như Bồ tát Quảng Đức, Quảng Độ, Huyền Quang, Trí Quang, Đức Nhuận, Tuệ Sĩ, Mạnh Thát, Phạm Công Thiện, Thiện Minh… gây sự tò mò kính ngưỡng rất lớn cho các học tăng miền Bắc thế hệ chúng tôi.
Chẳng thế, khi nghe tin người ta đưa Hoà thượng Quảng Độ ra xét xử, không để ý nhiều đến chuyện chính trị, mấy huynh đệ tìm đến tận toà án, đứng ở bên ngoài từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, dù cổng đóng kín không cho ai vào nhưng vẫn đứng bên ngoài cầu nguyện và chờ tin.
Riêng với thiền sư Nhất Hạnh, tôi cũng như bao tăng ni, Phật tử khác, chỉ mong mỏi một ngày thiền sư Nhất Hạnh được về nước.
Đúng như mong đợi, mà cũng đúng lúc thời thế xoay vần, năm 2005, thiền sư được trở về Việt Nam sau bao nhiêu năm ngăn cách bởi thái độ chính trị. Khi ấy, tôi vừa mới chuyển công tác từ báo Giác Ngộ sang tạp chí Văn Hoá Phật Giáo. Lần đầu tiên tạp chí Văn Hoá Phật Giáo được vinh dự phối hợp tổ chức buổi trò chuyện của thiền sư tại khu du lịch Văn Thánh.
Thiền sư về nước như một luồng gió mới tràn đầy năng lượng thổi vào bầu không khí Phật giáo nước nhà. Các khoá tu dành cho người trẻ, giới trí thức, giới doanh nhân, nghệ sĩ xuất hiện. Khi ấy giới trí thức trong ngoài Phật giáo ít nhiều muốn được nghe những trải nghiệm qúy của thiền sư về Phật học và văn hoá phương Tây.
Tu viện Bát Nhã Làng Mai tại Lâm Đồng hiện diện như một tiếng chuông thức tỉnh giữa đại ngàn. Những làng mai, làng hồng cùng với bóng áo nâu xuất hiện nhẹ nhàng thân thương trong lòng bà con vùng dân tộc thiểu số. Rồi con em người dân tộc thiểu số bắt đầu thực tập xuất gia…
Làng mai xuất hiện trong một thời gian ngắn, nhưng sức ảnh hưởng quá lớn. Đôi khi mâu thuẫn với những gì người ta cố định nó bằng “truyền thống”, chính ngay trong giới Phật giáo.
Không hề là riêng biệt, trong một bối cảnh chung nhiều tác động tiêu cực từ trong và ngoài nước (cụ thể là Trung Quốc), Chính quyền Việt Nam cho mở một cuộc tập kích truyền thông tấn công Bát Nhã Làng Mai sau đó là hiện thực bằng các cuộc trấn áp, bắt bớ, trục xuất có đổ máu…
Là một người làm báo, lại có duyên tìm hiểu trực tiếp về vụ việc xảy ra tại Bát Nhã, trong một mớ thông tin bôi nhọ xuyên tạc của truyền thông chính thống, tôi hiểu chỉ có sự thật mới giải phóng được suy nghĩ của mình.
Sự thật ấy không có kịch bản nào được dàn dựng trước. Đến nay tôi vẫn kính phục chư tôn đức Phật giáo tỉnh Lâm Đồng thời kỳ đó. Các ngài đã nói lên sự thật bằng đạo tâm đạo tình của mình, cường quyền không trấn áp được.
Thú thực, khi tìm hiểu về Bát Nhã, tôi vẫn đắn đo với động cơ khác nhau từ các phía. Cho đến khi thiền sư sáng tác một bài hát dành tặng Thượng tọa Thái Thuận và đại đức Thích Thanh Thắng, tôi mới giải tỏa được suy nghĩ của mình. Thầy đã đọc và nghe được những gì tôi đã tìm hiểu và viết lên. Với tôi như thế cũng đủ để an ủi cho việc làm nhỏ bé của mình.
Tôi chịu nhiều áp lực từ phía an ninh tôn giáo. Tuy buồn, nhưng cũng cảm ơn Bát Nhã vì từ đây tôi hiểu hơn về những con người tu hành vì bảo toàn quyền lợi của mình mà làm ngơ trước sự thật, quay lưng với đạo tình và tình huynh đệ.
Nếu khi ấy mọi người cùng cất chung tiếng nói như chư tôn đức tỉnh Lâm Đồng, có khi nhà nước sẽ ứng xử khác. Và có thể bây giờ Phật giáo không chịu nhiều tổn thương như thế.
Người Pháp dung được Làng Mai, người Thái dung được Làng Mai, nhưng chính quyền Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại không thể dung được Làng Mai. Đó là một sự thật trần trụi về thước đo giá trị hay chỉ là tâm thức đố kị đơn thuần?
Trả lời được câu hỏi ấy càng cảm thấy như xé lòng. Nhưng những ngày cuối đời, thiền sư về an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, lãnh đạo cao cấp nhất của chính phủ cũng tới thăm viếng. Phải chăng đó là hành động chuộc lỗi được dẫn dắt bởi đạo lý? Xin cho tôi được lạc quan tin như thế, trong nhiều những đổ vỡ về giá trị của thời đại này.
Đối với tôi, khi sự việc qua đi, những gì tăng thân Làng Mai thể hiện trước mọi sự trấn áp vẫn thật đẹp, im lặng hùng tráng và bất bạo động. Đó cũng là một mạch tôn chỉ gắn liền với thực tiễn tu học “có hiểu mới có thương”, “lắng nghe để hiểu nhìn lại để thương”, “hãy nhìn vào cơn giận của chính mình”, “sống chánh niệm tỉnh giác”, “xây dựng tình huynh đệ” và hơn hết là yêu mến văn hoá và quê hương Việt Nam trên tinh thần đạo Phật.
Có một dòng sông đang chảy, có một đám mây bay ngang trời và một pháp giới đang chuyển hoá các tâm hành. Tôi thấy Pháp thân Thầy khắp chốn và trong tôi!
Con xin thọ tâm tang và thành kính đảnh lễ Giác linh Thầy!
Nam mô A Di Đà Phật