Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Thắng Lâm, vườn ông Anàthapindika, gọi các Tỷ-kheo:
Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là pháp đen. Thế nào là hai? Không tàm và không quý. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai pháp đen.
Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là pháp trắng. Thế nào là hai? Tàm và quý. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai pháp trắng.
Hai pháp trắng này, này các Tỷ-kheo, che chở cho thế giới. Thế nào là hai? Tàm và quý. Nếu hai pháp trắng này không che chở cho thế giới, thời không thể chỉ được đây là mẹ hay là em, chị của mẹ, hay đây là vợ của anh hay em của mẹ, hay đây là vợ của thầy hay đây là vợ của các vị tôn trưởng. Và thế giới sẽ đi đến hỗn loạn như giữa các loài dê, loài gà vịt, loài heo, loài chó, loài dã can. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có hai pháp trắng này che chở cho thế giới, nên mới có thể chỉ được đây là mẹ hay đây là chị em của mẹ, hay đây là vợ của anh hay em của mẹ, hay đây là vợ của thầy hay đây là vợ của các vị tôn trưởng.
(Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Hình phạt)
SUY NGHIỆM:
Trong mỗi con người đều có đầy đủ những chất liệu của thiện ác lẫn lộn, đan xen. Trừ các bậc Thánh thuần thiện ra, hầu hết ai trong chúng ta cũng đều có nguy cơ gây tạo những nghiệp xấu ác. Nghiệp luôn dấy động và biểu hiện đa chiều trắng đen, thiện cùng bất thiện. Tùy theo sự nỗ lực tỉnh thức, thiết lập khả năng chánh niệm mà mỗi người có thể tự làm chủ và chuyển hóa nghiệp lực của chính mình. Cùng với chánh niệm thường trực, tàm và quý chính là hai nhân tố vô cùng quan trọng để mỗi người tự răn nhắc mình hướng thượng và thăng hoa.
Tàm là một thiện tâm sở, chính là tâm xấu hổ, hổ thẹn với chính mình khi tạo tác ba nghiệp về thân, miệng, ý xấu ác. Trong cuộc sống đã không ít lần mình làm những việc chẳng tốt mà không ai biết, duy chỉ mình là người biết rõ nhất về mình mà thôi. Lẽ thường thì dù việc xấu ác đến mấy mà không ai biết hoặc chưa ai hay thì vô tư xem như mình trong sạch, vô tội. Nhưng với người biết tự hổ thẹn (tàm) thì luôn thao thức, xót xa, xấu hổ với điều đó. Tự mình hỗ thẹn và ăn năn chừa bỏ những việc xấu ác của chính mình là diệu dụng của tâm sở tàm.
Quý là một thiện tâm sở khác, tâm sợ hãi với những ác nghiệp đã làm. Một khi lỡ đã tạo nghiệp xấu ác rồi thì sợ hãi với việc đó. Nhờ sợ hãi nên về sau không dám làm nữa. Không chỉ sợ hãi, quý còn là tâm hổ thẹn, xấu hổ với người khác về những lầm lỗi của mình. Biết sợ hãi cái ác, biết xấu hổ với mọi người xung quanh sẽ giúp chúng ta phục thiện nhanh chóng, đoạn tuyệt với lỗi lầm.
Tàm quý có diệu dụng không thể nghĩ bàn như thế nên Thế Tôn mới gọi đó là hai pháp “che chở cho thế giới”. Nếu không có tàm quý thì thế gian này sẽ trở nên loạn lạc, thậm chí sẽ hỗn loạn, phi nhân tính như của thế giới súc sanh. Nhờ có tàm quý nên chúng ta ý thức rõ ràng về nhân tính, nhân cách mà xóa tan những dục vọng, hôn ám có thể che mờ tâm trí và dẫn đến những hành động xấu xa, đê hèn và ghê tởm nhất.
Trong bối cảnh suy đồi đạo đức nghiêm trọng như hiện nay thì tàm quý tức là tâm hổ thẹn và sợ hãi với cái ác cần được phát huy hơn nữa. Tàm quý vốn có sẵn trong tâm của mình mà vô tàm vô quý cũng có sẵn trong tâm của mình. Tùy theo sự dụng tâm mà thành pháp đen hay trắng, ác hay thiện. Cho nên, hãy xem tàm và quý là những đồ trang sức quý báu luôn khoác lên mình để hoàn thiện tự thân và góp phần “che chở cho thế giới” luôn được bình an.
Theo Thuvienhoasen.org