Hy vọng
Là Phật tử chúng tôi thường hay đi chùa Hoằng Pháp nên chúng tôi rất quan tâm đến bộ phim Phật và Thánh chúng. Phim này được xem là bộ phim về Phật giáo “hoành tráng và đầy đủ nhất” từ trước đến nay tại Việt Nam. Chúng tôi theo dõi thông tin trên mạng, bắt đầu từ bài kêu gọi phật tử hùn phước thực hiện bộ phim Phật và Thánh chúng của thầy Thích Chân Tính…
Được biết, chủ trương của Thầy Chân Tính làm bộ phim này nhằm mục đích Hoằng Pháp lợi sanh…. Kịch bản đã được ban biên soạn, chùa Hoằng Pháp dày công tra cứu từ kinh Phật trong hai năm qua. Thầy cũng nói rõ rằng kịch bản đã hoàn thành nhưng việc dàn dựng một bộ phim cổ trang mang tính đặc thù riêng của đạo pháp có tính thuyết phục thì không phải là chuyện dễ, việc này cần đến nhiều tài năng và và tâm huyết của êkip làm phim…
Vậy là thầy đã khởi sự bước đầu rất chu đáo cho phần kịch bản. Thầy xác định việc dàn dựng một bộ phim cổ trang mang đặc thù riêng của Đạo Pháp là không phải dễ.
Chúng tôi vui mừng chờ đợi bộ phim ra đời và xúc động cho một sự kiện văn hóa Phật giáo lớn . Chúng tôi thêm tôn kính thầy Chân Tính tuy thầy bận trăm công nghìn việc cho chùa Hoằng Pháp và đạo giáo nhưng thầy vẫn để hết tâm lực vào bộ phim quí báu này.
Nhưng niềm vui không được trọn vẹn khi đọc bài của cư sĩ Minh Mẫn, gióng hồi chuông dự báo không mấy khả quan cho một sự việc trọng đại của văn hóa Phật giáo, chúng tôi thất vọng hoàn toàn sau khi xem một loạt hình ảnh từ phim trường tung trên mạng.
Bức xúc
Công Hậu nhận vai trò đạo diễn một bộ phim cổ trang là đã quá sức. Vậy mà anh còn tự cho mình đảm nhiệm một phần của vai chính, thì phải nói là quá liều, không biết lượng sức.
Nhìn Công Hậu trong vai Đức Thế Tôn ngồi trên cái bục gỗ có trải khăn thun màu vàng chóe, chúng tôi nghi ngờ cái chỗ ngồi – màu vàng đó đã trở thành điểm nhấn trong khung hình. Do nổi bật hơn nên người xem hướng mắt về chiếc khăn nhiều hơn là Thế Tôn. Như vậy về phương diện mỹ thuật khung hình và ý thức về chính phụ, nội dung mà mình muốn chuyển tải là đã sai cơ bản.
Còn về mặt diễn viên, khắc họa tính cách, sự nghiệp của nhân vật, Công Hậu đã không ngồi kiết già được. Trong khi đó ngồi kiết già là một thế ngồi quan trọng trợ duyên rất lớn trong đạo giải thoát. Đức Phật đã ngồi Kiết già đại định trong 49 ngày dưới gốc cây bồ đề để tìm thấy chánh pháp.
Đức Phật ngồi kiết già vững như một cái chuông đồng, hai bàn chân ngửa trên hai bắp đùi, hình ảnh chúng ta thường thấy trong các chánh điện của chùa. Bây giờ qua sự tái hiện hình tượng nghệ thuật, Công Hậu lại không ngồi kiết già được, anh lấp liếm bằng cách dùng áo cà sa để che khuyết điểm thế ngồi của mình. Anh còn đệm thêm một miếng nệm phía sau mông để tạo vẻ cao lớn. Trông cung cách “đức Phật” có vẻ xề xòa…, cái uy nghi trí tuệ của một bậc giác ngộ đâu rồi???
Khôi hài hơn thế nữa Đức Phật lại ngồi giảng đạo tại rừng cây cao su Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi là đất Phật. Phật và thánh chúng, sinh ra và ở đâu thì mọi người đều biết, sự tích tụ hồn thiêng sông núi cho một vị Phật và thánh chúng ra đời – cái nôi của Phật giáo, không phải tùy tiện thích quay đâu thì quay. Nếu không qua được Ấn Độ thì phải giả cảnh. Ở Việt Nam chúng ta không thiếu những rừng già.
Là một đạo diễn phim Phật, Công Hậu ít ra cũng phải có kiến thức cơ bản, đáng tiếc hình như anh không có được điều này? Chỉ nhìn một cảnh quay, chúng ta có thể thấy được thái độ quá coi thường người xem lẫn hình tượng cao quí mà chúng ta đang tôn thờ.
Nhiều bài viết tiếp theo phản đối, thông qua một loạt ảnh, ở đây chúng tôi không đòi hỏi những gì quá cao xa ngoài tầm tay với,mà công nghệ điện ảnh Việt Nam không thể thực hiện được.
Đáng tiếc, chỉ cần kiến thức phổ thông nhất, các bạn trẻ cũng có thể chỉ ra từ sai đến sai của êkip làm phim. Không ai có tâm cả, chỉ một từ khổ hạnh thôi mà cả đạo diễn, diễn viên và hóa trang, phục trang hầu như chưa chú ý đến điều ấy, nên mới thể hiện năm anh em Kiều Trần Như một cách trái ngược cũng làm người xem buồn lòng. Xem những tấm ảnh, làm tôi liên hệ đến lời nói của Thế Tôn: “Nếu các người tin ta, mà không hiểu gì về ta, tức là các người đang phỉ báng ta”.
Từ một chi tiết chúng ta hiểu được cái tâm cùng trình độ nghệ thuật điện ảnh lẫn kiến thức phật học của người đạo diễn và thấy được bộ phim trong tương lai sẽ ra sao. Chúng tôi thấy quá đau lòng và thầm nghĩ, sự việc ban đầu, chủ trương, đường lối, nhận định tất cả đều chu đáo, thuyết phục mà bây giờ lại thảm hại đến thế ?
Đi tìm nguyên nhân
Tôi quyết định cùng hai người bạn đi tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Chúng tôi đã đến nhà một người bạn phật tử đang tham gia dự án phim này. Tôi tâm sự với anh về những bức xúc, nhưng anh bạn lại nói, không phải do chùa mà do anh Công Hậu quá ẩu. Công Hậu gần như không làm đúng tiêu chí của chùa đưa ra, bất hợp tác với những người có chuyên môn mà bên chùa cử đến.
Hình như phim này có thành lập ban tư vấn. Tiêu chí của chùa cũng khá chặt chẽ. anh đưa cho tôi xem bảng tiêu chí. ( tiêu chí này anh được người trong ban tổ chức của chùa đưa cho anh).
Toàn văn tiêu chí phim: Nẻo về cõi Phật, nay là Phật và Thánh chúng, như sau.
Chùa Hoằng Pháp: Tiêu chí phim Nẻo về cõi Phật
Gởi: Các anh chị em Phật tử trong đoàn làm phim.
Đây là một phim cổ trang đặc thù riêng về Đạo Pháp, chuyển tải những vấn đề căn bản và quan trọng của Phật và thánh chúng suốt 45 năm hoằng pháp. Nhằm ôn lại khái quát lịch sử cho phật tử, vừa tôn vinh công đức của Đức Thế Tôn, qua đó là tấm giương cho mọi Phật tử noi theo và bổ ích cho những ai muốn bước đầu học Phật, chúng ta cùng phát tâm nối gót Như Lai hằng dương chánh Pháp.
Để có cơ sở khoa học cho bộ phim được thành công thành công có chất lượng cao, trước tiên anh chị em luôn ý thức đây là công việc Phật sự, phải thành tâm toàn ý khi tham gia công việc, và cần phải bám sát lưu ý theo những tiêu chí sau:
Nhân vật chính:
– Phật: Phải do diễn viên hay một vị Tỳ Kheo đảm nhiệm. Chọn diễn viên tầm vóc to cao vượt trội trong hàng tăng chúng. Gương mặt nhân hậu, trầm tĩnh ( việc này cần có sự tham gia của hóa trang như: Đổ mặt, tai phải được đắp dài ra cố gắng đủ 32 tướng tốt.)
– Các đại đệ tử của Phật: Phải có tướng mạo theo kinh đã mô tả. Tai cũng phải được đắp dài ra, và hóa trang theo mẫu vẽ đã được chọn.
– Phục trang: Theo đúng trang phục Ấn Độ thời bấy giờ, chọn vải thô mộc ít màu, không sáng dành cho dân chúng ( màu sáng chỉ dùng cho một số nhân vật trong cung đình và nhà giàu…) để thấy sự phân biệt giai cấp rõ rệt qua phục trang.
– Trang phục phái khổ hạnh: Năm anh em Kiều Trần Như… phải tách biệt rõ ràng, quần áo được chắp vá những mảnh vải trong nghĩa địa để thấy rõ con đường khổ hạnh và con đường trung đạo qua phục trang.
Những yêu cầu chung: Diễn viên phải cạo đầu đi chân đất và ăn bốc, tập ngồi kiết già và phong thái đi đứng ở một số diễn viên (việc này phải được tập luyện kỹ và quay thử trước khi ra phim trường, nhất là các nhân vật chính.)
Bối cảnh:
– Chọn khu vực miền Trung hoặc Trà Vinh, hay Campuchia… nơi có nhiều người Chăm ở, nơi này có nhiều kiến trúc Bà La Môn cổ, vườn tre, hang động và bến sông đẹp, khí hậu hanh khô núi non trùng điệp gần giống xứ Ấn Độ. Đồng thời chọn diễn viên quần chúng là người Chăm có đôi mắt to da đậm, giống người Ấn xưa.
– Cung điện: Tạo sự rực rỡ có thể chọn chùa Bửu Long ở Đồng Nai để quay những ngoại cảnh kết hợp với kỹ xảo 3D tạo ra một cung điện đúng như thời đó.
– Một số nội thất trong hoàng cung hoặc những nhà Bà La Môn được làm và dựng trong phim trường.
– Những cảnh thần thông và địa ngục kết hợp với kĩ xảo 3D với công nghệ cao nhất, hiện đại nhất.
– Ngoài những diễn viên chính và thứ chính và phụ trong phim thì nhân vật quần chúng rất đông đảo, lượng trang phục cho họ cũng khá lớn (có thể nhờ tới các tăng ni phật tử)
Những dụng cụ dân dụng: Bình bát, đèn, kiếm cung, xe ngựa, voi và những con thú khác… phải đúng với thời đại Phật lúc bấy giờ…
Để thỏa mãn những tiêu chí trên, thì trước hết những người thực hiện phải hiểu biết Phật pháp, cùng chí hướng, cùng hành động, đồng đạo, nhất là những người đóng vai trò chủ chủ chốt, (để đồng tư tưởng dễ bàn bạc trong quá trình thực hiện,) như: 1/ Tổ đạo diễn; 2/ Tổ thiết kế; 3/ Tổ hóa trang, phục trang; 4/ Chủ nhiệm phim… 5/ Diễn viên…
Có cảm nhận được tinh thần câu chuyện, ý nghĩa Phật Pháp thì mới có thể hoàn thành tốt vai trò của mình.
Tôi xin lưu ý một số vấn đề trên, gởi gắm đến tất cả anh chị em, nhằm vừa đảm bảo về chất lượng vừa phù hợp với nguồn kính phí hạn hẹp như hiện nay. Chúng ta tổ chức trên tinh thần tiết kiệm, gọn mà hiệu quả.
Chúc quí Phật tử an lạc.
Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp
Đọc tiêu chí phim vừa là lá thư gởi gắm đến toàn thể anh chị em trong đoàn phim tôi rất xúc động ,vì thầy rất chu đáo và tận tâm trong sự nghiệp Hoằng Pháp, chúng tôi càng bức xúc giận. Đạo diễn Công Hậu, tại sao lại đối xử và hành động để xảy ra đại sự như vậy ?
Lời người trong cuộc
Bạn tôi bức xúc bình luận và kể lại toàn bộ sự việc: Làm phim lịch sử Phật giáo là đề tài rất khó, nên chùa Hoằng Pháp chọn đạo diễn phải có ít nhiều hiểu biết Phật pháp và có kinh nghiệm làm phim phật giáo. Công Hậu đã từng đóng vai Phật và nhiều phim về Phật giáo khác, nên quí thầy nghĩ anh đã có trải nghiệm và qua câu chuyện Ánh Đạo Vàng, anh nắm được lịch sử Đức Phật…
Tuy nhiên, ban tổ chức vẫn biết một mình Công Hậu với dự án này là quá sức. Bước đầu ,chùa đã cơ cấu nhân sự, mời cư sĩ Đỗ Tài là tác giả, chủ bút trong ban biên soạn kịch bản, đồng thời là họa sĩ, đi theo đoàn làm phim làm tư vấn giám sát hỗ trợ đạo diễn thực hiện đúng tiêu chí của chùa đã đề ra, với hy vọng hạn chế bớt những sai sót.
Nhưng sau khi ký hợp đồng và đã ứng tiền, thầy Chân Tính bận đi Phật sự ở nước ngoài, cư sĩ Đỗ Tài qua đoàn làm phim phối hợp với Công Hậu, thì Công Hậu đã tỏ vẻ không hợp tác, bất nhất so với sự bàn bạc ban đầu.
Lúc này Hậu đã nắm chủ quyền, với giọng điệu là đã ký hợp đồng chịu trách nhiệm chất lượng với chùa nên không cần giám sát tư vấn… ( nhưng thực ra tôi được biết trong hợp đồng có thảo thuận: Thực hiện theo kịch bản đã duyệt. Thực hiện theo tiêu chí của chùa đưa ra. Nghe theo ý kiến gián sát tư vấn mà chùa đề cử.) Vì vậy, tác giả đã trình lại với chùa và không tham gia sản xuất.
Đạo diễn kiêm diễn viên Công Hậu
Nguyên nhân đầu tiên cho sự tuột dốc là do Công Hậu có tham vọng vừa làm đạo diễn, vừa là vai chính của bộ phim, trong khi đó phía chùa Hoằng Pháp đã không đồng ý vì cùng một lúc không thể đảm nhiệm hai việc quan trọng, hơn nữa theo tiêu chi đã thống nhất thì Công Hậu chưa đủ chuẩn.
Tuy đã được phân tích như vậy, nhưng Công Hậu vẫn mơ về nhân vật chính trong phim. Có lẽ chính vì điều này mà nhân lúcthầy Chân Tính không có ở nhà hơn nữa đã vô hiệu hóa được anh Đỗ Tài, Công Hậu catsting diễn viên trước, trong khi giấy phép làm phim vẫn chư xin được.
Điều mà mọi người lo ngại trong lúc này là tại sao một bộ phim lớn và quan trọng như thế mà việc tuyển chọn diễn viên không được thông tin rộng rãi trên báo – đài để chọn người phù hợp, và không có hội đồng tuyển chọn, như bao bộ nhiêu bộ phim khác, chỉ mình Công Hậu tự quyết. Trong khi đó, theo dự kiến ban đầu, hội đồng tuyển chọn gồm: Thầy Chân Tính, tác giã kịch bản, đạo diển và đặc biệt là mời thêm chuyên viên hóa trang Trịnh Xuân Chính để có ý kiến trợ giúp, nhằm chọn ra nhân vật chính đúng nhất theo tiêu chí.
Sau gần một tháng thầy Chân tính trở về, thì Công Hậu đã ký hợp đồng toàn bộ 48 diễn viên và các bộ phận khác. Thầy Chân Tính cảm thấy ngạc nhiên sao sự việc quá vội vã. Trong buổi họp mặt, thầy nói anh Hậu mời tôi qua đây thăm chỗ anh làm việc, chứ không nghĩ là họp toàn đoàn, nhưng mọi việc đã bị Công Hậu lên khuôn, sau đó đĩa catsting diễn viên chính trình lên, và thầy rất không hài lòng, vì diễn viên chính cho một tác phẩm điện ảnh có tầm vóc mà Công Hậu lại giao cho một nghệ sĩ cải lương.
Có lẽ biết được ý đồ của Hậu là không khách quan, muốn loại trừ mọi người để đưa vào thế cùng đường và Hậu sẽ vào vai chính, nên thầy nhờ một số diễn viên trong đoàn làm phim đi tìm người cho vai chính mà không thông qua công Hậu. Điều này đã làm cho Công Hậu khó chịu và có thái độ phản ứng những người mà thầy nhờ.
Lúc này anh ta cũng cảm nhận được mình đã bị lộ tẩy. Thầy Chân Tính phê bình Hậu về chuyện bất hợp tác với anh Đỗ Tài. Hậu biết thầy Chân Tính biết được ý đồ của mình, nên anh tiếp tục tuyển chọn.
Khi Hậu đưa sinh viên Tuấn Phương, 25 tuổi, đến thì đã sát lịch quay, chỉ còn 15 ngày nữa là bấm máy, không thể hoãn thời gian được vì sẽ ảnh hưởng đến lịch làm việc của cả trăm người trong đoàn phim vì ai cũng có lịch làm cho những ngày sáp tới.
Theo tôi được biết, trong hồ sơ kế hoạch sản xuất phim của chùa có nghi rõ diễn viên phải được tập luyện kỹ, và quay thử tại chùa Hoằng Pháp, có hội đồng góp ý chỉnh sửa khi nào vừa ý rồi mới ra phim trường.
Ai cũng thấy Tuấn Phương còn quá trẻ, nhưng lúc này thì chỉ còn hy vọng vào tài hóa trang của anh Xuân Chính, và tài diễn xuất của Tuấn Phương. Cứ thế, Công Hậu đưa phía chùa vào thế khó xử.
Trong lần họp trước khi họp báo, Công Hậu đưa ra đề xuất là xin vào vai Phật, khi Phật về già, vì Tuấn Phương còn quá trẻ. Và lần đầu tiên trong suốt quá trình làm việc, tôi thấy thầy Chân Tính nói với giọng cương quyết: anh làm đạo điễn mà sao cứ đòi vào vai chính, đạo diễn mà có suy nghĩ như vậy, mấy thầy ở đây đang lo không biết anh có làm nổi phim này không. Lúc này Công Hậu xụi mặt xuống rồi ra về.
Rồi đoàn làm phim họp báo ra mắt. Người biên tập phim bức xúc vì nhận thấy chưa đủ độ chín, chưa có cơ sở khoa học cho bộ phim lịch sử Phật giáo có tầm vóc. Biết rằng không thể khuyên Công Hậu, còn quí thầy thì quá từ bi không đấu tranh mạnh mẽ cứ để Công Hậu lấn lước, nên cư sĩ Minh Mẫn tìm cách cứu phim và đã gióng lên hồi chuông cảnh báo…
Lúc này thật cảm động khi thầy Chân Tính tiếp thu ý kiến của anh Mẫn và tức tốc mời anh Mẫn về chùa thảo luận và ra quyết định cho anh đến đoàn phim giám sát, may ra hạn chế những sai sót. Anh Minh Mẫn giám sát được một ngày thì lại quay về bởi thái độ bất hợp tác của Công Hậu.
Rồi những hình ảnh đầu tiên khiến mọi người bất ngờ khi nhìn thấy Công Hậu xuất hiện trong vai Phật – nghĩa là nếu không được trọn vai chính thì cũng cố kèo nài cho được nửa vai, không cần quan tâm đến tiêu chí của phim. Bây giờ thì mọi người hiểu khi chọn Tuấn Phương, Công Hậu đã để một khoảng hở cho mình. Mọi người nhìn nhau lo lắng và chỉ biết hỏi nhau “thế này là thế nào?
Mặc dù nghe người trong cuộc kể lại nhưng ba anh em chúng tôi vẫn chia nhau đi gặp một số người trong đoàn làm phim để xác minh lại, và sự thật đúng như vậy. Chúng tôi có nhân chứng, và vật chứng, hiện chúng tôi đang nắm giữ.
Thăm đoàn làm phim Phật và Thánh chúng
Chúng tôi đến đoàn làm phim thì thấy không khí bấn loạn cãi vã la hét, một nữ diễn viên khóc bức xúc nói với tôi: Em quá buồn vì làm phim Phật gì đâu mà cãi vã ì xèo… Việc lộn xộn vô tổ chức không có qui củ là điều tất yếu, vì rắn mất đầu, đạo diễn đang bận ngồi một chỗ để hóa trang cho vai chính.
Suốt trong thời gian tiền kỳ cho phim lẽ ra để thời gian tư duy thâm nhập kịch bản, thì đạo diễn lại lo cho việc tìm cách chen vào vai chính, mọi việc không chuẩn bị chu đáo, khi ra phim trường đoàn làm phim gần như không có đạo diễn, mạnh ai nấy làm, mỗi người làm theo ý chủ quan của mình…
Chúng tôi rời đoàn làm phim, nhưng nỗi lo lớn nhất bây giờ là chiếc máy quay phim, đó là loại máy chụp hình có chức năng quay phim, không phải loại máy chuyên dụng để quay phim truyện. Liệu điều này có ảnh hưởng đến những cảnh quay đại cảnh và phần làm kỷ xảo hậu kỳ cho phim sau này ?.
Thăm tác giả kịch bản
Chúng tôi đến nhà tác giả kịch bản là anh Đỗ Tài. Chúng tôi hỏi anh về phim Phật. Anh trong bộ dạng bơ phờ mất ngủ búc xúc nói: Trong kịch bản đâu có viết “rừng cao su – ngoại – ngày, “đường nhựa – ngoại – ngày, không biết đoàn làm phim thể hiện thế nào? Trong kịch bản viết về “phái tu khổ hạnh” với những mô tả đầy đủ theo kinh điển về phái này, nhưng khi chuyển thành hình ảnh lại là trên cả sự sung sướng – lợi dưỡng.
Cư sĩ Đỗ Tài, tác giả kịch bản phim Phật và Thánh chúng phát biểu tại buổi họp báo
Anh Tài mang ra cho tôi một bộ kịch bản, tôi kiểm tra thì đúng như lời anh nói. Tôi hỏi anh về quá trình làm kịch bản, anh nói : Làm kịch bản phim này ban biên soạn chúng tôi đâu dám rời những gì mà kinh sách đã truyền lại. Bắt đầu từ tác phẩm Phật và Thánh chúng của thầy Thích Minh Tuệ biên soạn, rồi sau đó kiểm tra chéo, tham khảo và lấy nhiều chi tiết từ các quyển: Đức Phật và Phật Pháp, Đường Xưa May Trăng, Đức Phật và Con Đường Tuệ Giác, Thập Đại Đệ Tử, Kinh Tụng Hằng Ngày của thầy Thích Nhật Từ, và nhiều kinh sách phim ảnh băng đĩa khác về Phật giáo.
Thầy Nhật Từ ủy nhiệm chỉ định cư sĩ Minh Mẫn kiểm định biên tập nội dung và được thầy Chân Tính đọc lại góp ý chỉnh sửa từng tập. Sau đó gởi đến một số chư Tăng, ni, trong đó có những vị tiến sĩ Phật học, đọc lại. Trước khi ra phim trường, kịch bản được đưa sang cho ông Phạm Thùy Nhân một nhà biên kịch, biên tập có uy tín trong ngành, đọc lại để kiểm tra về mặt nghệ thuật điện ảnh, và ông đã thống nhất cao.
Chúng tôi hỏi anh Tài về những ý kiến đóng góp tuần qua trong phim Phật ? Anh nói những ý kiến đó tất yếu phải xảy ra trong sự kiện này, vì đó là nhu cầu tâm linh, là tình cảm thiêng liêng, là hình ảnh bổn sư cao quí của họ, họ là người cảm nhận đúng nhất về về hình ảnh đấng tâm linh của mình. Họ bức xúc đòi hỏi trước hết một thái độ nghiêm túc trong công việc, sự chuẩn mực, những điều kiện cần và đủ cho đặc thù riêng của văn hóa, nghệ thuật PG. Tôi nghĩ những đòi hỏi chính đáng đó, ê kíp làm phim cần phải lắng lòng tiếp thu.
Đoạn kết và trưng cầu ý kiến
Qua một số bài đăng trên mạng có ý trách Chùa Hoằng Pháp, cũng giống như anh em chúng tôi ban đầu, nhưng thực ra thầy Chân Tính rất thận trọng, có tầm nhìn và có kế hoạch chu đáo, trong việc phụng sự Tam bảo.
Nếu công việc được hợp sức như hoạch định ban đầu, Công Hậu làm việc trong cái tâm thanh tịnh, tỉnh thức, không vì cá nhân của mình, sẽ giúp chúng ta sáng suốt phát hiện những sai sót, rồi bổ sung theo nhu cầu thực tế thì sự việc đâu đến nỗi nào.
Nhưng nào ngờ vì trong lòng đầy tham vọng nên Công Hậu đã mắc quá nhiều sai sót. Công Hậu đóng vai là người có tâm đạo trước khi bước vào việc, nên các thầy và ban tổ chức đã trao trọn niềm tin, để rồi việc lớn đã vì đạo diễn mà lao dần xuống vực.
Cái gốc của mọi công việc là ở cái tâm con người, khi mà cái tâm không có thì công việc làm sao hoàn mãn, nhất là việc phật sự, khi mà người đạo diễn quá tham vọng, rồi sinh ra ngông cuồng điên đảo. Tâm như vậy thì làm sao có trí tuệ để chuyển tải nội dung Phật Pháp.
Chúng tôi rất buồn cho công việc Hoằng Pháp của thầy tôi đang gặp nan giải, nhưng bên cạnh đó chúng tôi cũng cảm nhận được niềm an ủi, vì cũng qua việc này mà chúng ta mới thấy hết được tấm lòng của đông đảo chư tăng ni, phật tử trong và ngoài nước, lúc nào họ cũng quan tâm lo lắng đến công việc Hoằng Pháp độ sanh, quan tâm đến văn hóa Phật Giáo. Đó là hậu thuẫn rất quan trọng.
Nếu chúng ta mạnh dạn dừng dự án này lại, làm lại từ đầu đàng hoàng hơn, tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ nhận được sự đồng thuận giúp đỡ lớn hơn từ tinh thần đến vật chất của những phật tử đang hướng về dự án trọng đại này.
Một dự án lớn mà thầy Chân Tính đã mạnh dạn khởi xướng, nhưng khi thực hiện, ban đầu gặp ít nhiều bất cập, đó cũng là một điều mà bất cứ ai thì cũng khó tránh khỏi.
Đương nhiên nếu dừng thì sẽ có sự tổn thất lớn về tài chính, nhưng chắc chắn quí thầy sẽ không lo ngại, vì quí thầy cũng thấy rất nhiều người mong muốn cho tác phẩm tốt hơn, xứng đáng với tầm vóc của Phật và Thánh chúng.
Thành công trong việc bố thí pháp mới là quan trọng. Khi sắp xếp lại thì chúng tôi nghĩ không lo gì về vấn đề tài chính, lúc nào đông đảo Phật tử cũng luôn đứng bên cạnh quí thầy và tâm nguyện của quí thầy bây giờ thật sự đã trở thành tâm nguyện chung của hàng triệu tăng, ni, phật tử trong và ngoài nước.
Chúng ta nên dừng tốt hơn là đi tiếp.
Để hỗ trợ trong công việc Hoằng Pháp, húng ta nên cùng nhau hợp sức quyên góp tịnh tài giúp quí thầy chùa Hoằng Pháp sắp xếp lại dự án, bàn lại phương hướng mới, tiếp tục với những việc làm mới. Đó là việc làm thiết thực nhất của người con Phật khi việc Phật sự gặp nhiều nan giải.
Kính xin quí chư tăng ni, phật tử đóng góp ý kiến cho đề xuất này, hãy có ý kiến cụ thể dưới bài viết này. Và nếu có phát tâm ủng hộ dự án, hãy đăng ký cụ thể tịnh tài, tịnh vật, cùng nhóm phật tử chúng tôi tiếp sức giúp quí thầy chùa Hoằng Pháp hoàn thành tâm nguyện. Nam mô bổn sư thích ca mâu ni Phật.
Lời khuyên chân tình
Thưa anh Công Hậu!
Xét về tình và lý anh đã sai quá nhiều, anh đừng đưa thầy chúng tôi vào thế khó xử. Quí thầy giữ giới nên rất ngại chuyện tránh chấp kiện tụng. Anh đã vi phạm nghiêm trọng, anh không nghiêm túc trong công việc để ảnh hưởng lớn đến việc phật sự, làm động chúng, và làm biết bao nhiêu người mất thời gian vì anh. Thầy tổ và bạn bè rất tin yêu anh, nhưng anh đã phụ lòng tin của mọi người.
Về mặt nhân quả nếu anh không sửa sai thì ngay lúc này và mai sau anh sẽ bị mọi người không thân cận. Lúc đó khổ đau đến thì anh đừng trách vì chính anh đã gây nghiệp. Chúng tôi khuyên anh nên dừng đoàn làm phim lại, về chùa sám hối với Tam bảo, với thầy Chân Tính. Chúng ta sẽ làm lại từ đầu, cần thêm thời gian để chín.
Kính thưa quí chư Tăngni, và quí vị Phật tử!
Cũng vì muốn góp sức vào việc Hoằng Pháp, nhóm Phật tử chúng tôi mạo muội đi tìm hiểu nguyên nhân và có những ý kiến đề xuất như trên, đó cũng là những gì bộc bạch từ đấy lòng người phật tử, nếu có gì sai sót xin hãy niệm tình hoan hỷ bỏ qua.
A-di-đà Phật
Thực hiện: Nhóm Phật tử Tâm Thành, Giác Huyền, Diệu Tính, Tâm Mẫn