Vẫn có ý kiến cho rằng những bài viết báo động về cải đạo tín đồ Phật giáo của chúng tôi cũng như nhiều tác giả khác là có phần cường điệu, lo xa…
Quan điểm như thế coi mọi chuyện không đến mức như vậy, con số thống kê tín đồ Phật giáo giảm sút, trở thành tôn giáo thiểu số là không chính xác, Phật giáo Việt Nam vẫn phát triển mạnh, cải đạo là việc không có kết quả gì…
Nếu chừng nào Phật giáo Việt Nam chúng ta chưa quan tâm để đầu tư tìm hiểu vấn đề, thì những quan điểm như trên vẫn có cái lý của nó.
Nếu đứng từ chùa mà nhìn, với tầm nhìn chỉ giới hạn tới cổng chùa, thì sinh hoạt trong khuôn viên mỗi chùa nói chung vẫn là khởi sắc. Người đi chùa ở từng chùa không giảm, mà có phần gia tăng nữa là đằng khác.
Như vậy, nói cải đạo tín đồ Phật giáo là nói ở chỗ nào? Cải đạo có ở đâu khi Phật tử đến chùa vẫn đông đảo?
Cải đạo tín đồ Phật giáo biểu hiện trước hết ở mức gia tăng dân số. Phật giáo Việt Nam chúng ta không quản lý số lượng tín đồ một cách chặt chẽ, chỉ quen định tính, ước lượng, nên chưa bao giờ nắm được những thông tin chính xác. Nhưng theo cách ước lượng như dưới đây thì vẫn sẽ thấy tính chất của vấn đề.
Chùa chiền tại miền Nam chẳng hạn phần lớn đều xây dựng từ thập niên 1970 trở về trước. Đã 40 năm trôi qua, dân số Việt Nam tăng gần gấp đôi. Với mức tăng dân số như vậy, lẽ ra nhu cầu diện tích hành lễ của chùa chiền phải gia tăng gấp đôi. Nhưng điều đó không xảy ra. Vậy, một tỷ lệ dân số lớn lao đã đi đâu?
Sẽ có ý kiến nói rằng các cơ sở tôn giáo khác thì cũng thế. Thực ra không phải vậy. Nếu so sánh tốc độ trùng tu, mở rộng diện tích kiến trúc hành lễ, thì Phật giáo không thể so sánh được với một số tôn giáo khác ở Việt Nam. Nhưng tôn giáo cải đạo tín đồ Phật giáo hàng đầu tại Việt Nam có một hình thức là “giáo hội tư gia”. Các địa điểm tôn giáo lúc ẩn lúc hiện này thu hút một số tín đồ đông đảo cũng lúc ẩn lúc hiện không biết thế nào.
Muốn biết quy mô, tính chất, kết quả của việc cải đạo tín đồ Phật giáo, phải có cái nhìn vượt ra khỏi cửa chùa, nhìn ra xã hội, nhìn vào bệnh viện, trường học, doanh nghiệp, đường phố, căn hộ, nhìn lên internet… thì mới thấy được trọn vẹn vấn đề.
Hoạt động bài Phật giáo, nhằm mục tiêu cải đạo tín đồ Phật giáo ngày càng gia tăng, với các nấc thang mới theo thời gian. Mức độ đả kích Phật giáo càng lúc càng mạnh mẽ, cũng như càng tinh vi, xảo quyệt, thâm hiểm hơn.
Tại các buổi truyền giảng, người ta tế nhị không dùng từ Phật giáo, cũng đã thôi không dùng cụm từ “bụt thần ma quỷ”, xếp “bụt” chung với “ma”, mà thường xuyên dùng cụm từ “niềm tin dị đoan”, “đất nước đang chìm đắm trong mê tín dị đoan” để ám chỉ. Không tin vào giáo chủ của họ là “dị đoan” tất. Cách nói này cũng ngày đêm ra rả trên các kênh phát thanh tôn giáo nước ngoài, mà ngày nay có thể dễ dàng nghe được qua internet.
Cũng trên internet, với những thông tin có màu sắc cá nhân hơn, hay ngụy trang bằng hình thức nào đó, thì người ta không ngại gì mà đả kích thẳng vào Phật giáo. Người ta tổ chức cho kẻ gọi là “nhà sư Phật giáo tin chúa” Nguyễn Huệ Nhật hoạt động bài Phật giáo mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ngoài các bài giảng cũ, gần đây đài truyền hình của người Việt ở Mỹ SBTN còn có chương trình mang tên “Từ áo cà sa đến thập tự giá”, dưới danh nghĩa chương trình văn hóa nghệ thuật (phát trên You Tube). Trong đó, Nguyễn Huệ Nhật với xuất thân nhà sư của mình, ra sức nói về cải đạo và nói xấu Phật giáo với đủ mánh khóe, chiêu thức, từ việc nhà thơ Bùi Giáng “tin chúa” (!?) đến việc Thượng tọa Tuệ Sĩ vào những năm 1970 “ủng hộ” Huệ Nhật tin chúa (?).
Người ta đã dùng cả những kỹ xảo hình ảnh để lừa gạt khán giả. Huệ Nhật nói là chỉ tu tới những năm 1970. Ở thời điểm này tại Việt Nam hầu như chỉ sử dụng phim ảnh đen trắng. Ảnh màu đưa ra nước ngoài tráng rọi thì chất lượng kém, phai màu theo thời gian. Vậy mà người ta dùng một bức ảnh màu Huệ Nhật đắp y vàng tươi rói để quảng bá cho quá khứ tu Phật của ông này.
Cũng còn có những video clip của những người tự nhận là tín đồ Phật giáo thuần thành, tin Phật sâu sắc, rồi thấy “không linh ứng” nên quay sang tin vào “quyền năng của Đức chúa trời”.
Cái cách nói xấu đạo Phật như vậy là thô thiển nhất, hạ cấp nhất, vậy mà họ vẫn không ngại dùng đến.
Còn cái cách nói những điều bịa đặt nhân danh người đã tin theo đạo Phật một thời thì đi đến mức nói những điều hàm hồ, khó tin, vô lý, nhảm nhí, mà người nói cố lồng vào những chi tiết để tạo dáng sự thật.
Có thể kể đến việc Huệ Nhật nói vào những năm 1970 tu ở chùa Già Lam, ở chung chùa với Hòa thượng Trí Quang. Điều này không đúng với sự thật là vào thời gian đó Hòa thượng Trí Quang tu tại chùa Ấn Quang.
Y bịa đặt như thế để tạo niềm tin rồi thêu dệt những câu chuyện nói xấu khác đánh vào tín tâm Tăng Ni Phật tử.
Nhìn lên internet là vậy, còn nhìn ra xã hội thì thấy hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo xúc tiến mạnh mẽ ở khắp nơi. Trường học là nơi phổ biến các thiệp mời đi dự truyền giảng, thánh nhạc “đến với chúa”…
Ngoài việc tổ chức thánh nhạc truyền đạo ở nhà thờ dành cho những đối tượng cải đạo, người ta đã mở rộng thánh nhạc đến phòng trà, quán bar, với những ca sĩ tương đối có đôi chút tên tuổi, để từ đó dẫn tiếp về nhà thờ.
Thư mời dự truyền giảng cũng phát đến những khu phố qua con đường hàng xóm, láng giềng, mời dự “cho vui”, “cho biết”, “để thay đổi không khí”.
Còn bệnh viện thì khỏi nói, đâu đâu cũng thấy. Không phải chỉ người ngoài vào lo chuyện cải đạo, mà chính những bệnh nhân còn mang bệnh tật trong người cũng tích cực với việc cải đạo.
Tôi chứng kiến tận mắt tại Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng 1 A Lý Thường Kiệt, Quận Tân Bình, TP.HCM, một bà bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, từ Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển qua, bị liệt chưa thể đi được, vẫn ráng sức nói với những bệnh nhân chung quanh “hãy chịu ơn cứu rỗi”.
Cùng lúc, một người bạn của tôi cũng kể về một trường hợp vận động cải đạo tương tự ở Bệnh viện An Bình mà đối tượng bị vận động cải đạo là một cư sĩ công quả ở chùa đã xuống tóc.
Tôi và người bạn đều phản ứng thụ động bằng cách dặn người thân của mình đang nằm bệnh viện niệm Phật, nhưng dường như không làm cho bệnh nhân đi vận động cải đạo ngại ngùng.
Những người đi vận động cải đạo tín đồ Phật giáo không bỏ qua một cơ hội nào, và dù họ là ai, trong hoàn cảnh nào. Có lần, vì sửa nhà gấp, tôi yêu cầu người thợ hồ làm thêm chủ nhật. Anh ta lợi dụng ngay cơ hội để giới thiệu tôn giáo mình quy định phải nghỉ ngày chủ nhật, rồi mời tôi đi nghe thánh nhạc truyền giảng.
Tôi từ chối với lý do bận rộn, thì anh thợ hồ mang đến tặng tôi dĩa thánh nhạc truyền giảng để có thể xem tại nhà không mất thời gian đi lại và dặn tôi nếu muốn tìm hiểu gì thêm thì cứ gọi cho anh ta.
Như thế, hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo diễn ra mạnh mẽ, ở khắp mọi nơi, đi đâu cũng gặp phải. Chia sẻ với bạn đọc điều này, chúng tôi chỉ muốn nhắc lại một điều, rằng rõ ràng không thể xem thường, không thể chủ quan. Mối nguy cải đạo tín đồ Phật giáo vẫn lớn dần lên với thời gian.
MT