Dừng chân nơi xứ sở chùa tháp, chúng tôi đều có chung cảm nhận nét trong lành và yên bình nơi quốc gia còn lạc hậu về vật chất nhưng ấm áp tình người.
Campuchia có Diện tích khoảng 181.040 km², với 800 km biên giới với Thái Lan về phía bắc và phía tây, 541 km biên giới với Lào về phía đông bắc, và 1.137 km biên giới với Việt Nam về phía Đông và Đông nam. Nước này còn có 443 km bờ biển dọc theo Vịnh Thái Lan.
Với những điểm du lịch kỳ thú xứng đáng được liệt vào hàng kỳ quan thế giới như Angkor Watt, Angkor Thom, Chùa Vàng, Chùa Bạc, Cung điện Hoàng gia, Tượng đài Độc lập Phnôm Pênh, Tượng đài Hữu nghị Việt Nam – Campuchia và hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á…là những điểm du lịch trọng tâm mà du khách từ các quốc gia lân cận thường hướng đến du lịch nơi đất nước chùa tháp này.
Khởi hành từ TPHCM đến cửa khẩu Mộc Bài để đi Siêm Riệp, sau đó là Tham quan Đền Angkor Thom: tượng Bayon bốn mặt với nụ cười phúc hậu và bí ẩn, chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc Angkor hùng vĩ. Hoàng Cung của vị vua Yavaraman thứ VII thế kỷ XI. Tham quan Khu Đền Angkor Watt, một trong những kỳ quan của thế giới, thiêng liêng bậc nhất ở đất nước Chùa Tháp này, leo núi Bakheng ngắm hoàng hôn trên đỉnh núi, phóng tầm nhìn toàn cảnh Angkor Watt, hồ Barây, và con người sinh sống nơi thành phố Siêm Riệp.
Những ngày nơi đất nước bạn, chúng tôi đã cảm nhận vẻ mộc mạc hiền hòa và bình yên của xứ sở chùa tháp. Nơi đây, Đạo Phật được chọn làm tôn giáo không thể tách rời trong đời sống sinh hoạt của con người. Ngoài những thánh tích một thời vàng son của Campuchia còn lại, những thắng tích của đồng bào Khơmer, đã cho chúng tôi một cảm nhận dễ chịu và gần gũi về con người Campuchia với lòng chân chất, mộc mạc. Đoàn chúng tôi ai ai cũng có một cảm nhận thân thương về xứ sở chùa tháp này.
Đặc biệt với cách chấp tay xá chào trong mọi tầng lớp của xã hội, cũng khiến cho du khách dễ chịu, nét văn hóa này thể hiện ngay trong đời sống tâm linh của người campuchia. Cách chào hỏi bằng kiểu chấp đôi bàn tay lại cũng cho chúng ta sự hiểu biết về ý nghĩa tôn trọng lớn nhỏ. Nếu như đối phương là người lớn hơn mình thì chúng ta chúng chấp đôi tay lại và đưa cao từ trên đầu mà vái chào xuống, nếu đối phương là trang lứa chúng ta cũng chấp đôi tay lại ngang ngực rồi vái chào, còn nếu đối phương là người nhỏ hơn thì cũng chấp tay vái chào nhưng thấp hơn và góc độ cuối chào cũng mỏng hơn. Có lẽ với cung cách chào hỏi này người ta cứ ngỡ là Phật giáo, nhưng đó là văn hóa truyền thống của đất nước Campuchia, bất cứ là ai không phải chỉ người theo đạo Phật.
Nơi đay, con gái được xem là “bảo bối” vì nhà nào sanh được con gái khi lớn lên đến tuổi lập gia đình, người trong gia đình sẽ treo một bức rèm màu hồng, cho biết gia đình này có con gái đang đến tuổi kết hôn. Và nếu chàng trai nào muốn cưới vợ đều phải đến ở rễ nhà cô gái mà mình đã chọn trong khoảng 3 năm. Trong thời gian dài dẳng như vậy là để chứng minh người con rễ có khả năng cưu mang con gái của mình hay không, nếu trong 3 năm ấy mà người con trai không làm tốt nghĩa vụ ở rễ thì nhà gái có quyền tước hôn, và thậm chí nhà trai còn phải bồi thường cơm gạo trong thời gian ăn ở nơi nhà gái.
Ngoài ra, để được các cô gái chọn mình là người chồng lý tưởng gởi gắm cả cuộc đời thì người con trai cần phải có thời gian tu tập ở chùa, học những quy tắc tối thiểu về bổn phận của người chồng trước khi thành hôn. Có lẽ phong tục tập quán nào cũng là điều hợp lý của từng quốc gia mà người xưa họ đã đúc kết từ những thói quen, phong tục và kinh nghiệm từ cuộc sống do đó truyền lại cho các thế hệ kế thừa,vì thế chúng ta cũng không lấy làm ngạc nhiên đối với tập tục của từng quốc gia .
Kinh tế đất nước Campuchia thật sự còn lạc hậu hơn so với những nước Đông Nam Á lân cận vì không có nguồn thủy điện, không có nhiều khu công nghiệp, không có nhiều sự đầu tư từ các quốc gia tư bản…Nguồn điện hiện nay vẫn phải mua lại từ hai quốc gia lân cận là Thái Lan và Việt Nam. Do vây, dẫn đến cơ cấu đầu tư từ các nước ngoài vào Campuchia còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Hơn nữa những ngày lễ tiết ở đất nước này quá nhiều, và những ngày lễ tiết do quốc gia quy định cũng quá nhiều, mà lễ tiết thì người dân phải được nghĩ. Do vậy, cũng là lý do nước ngoài ngại đầu tư vào Campuchia.
Bước vào Hoàng Cung chúng tôi mới thực sự thấy hết sự lộng lẫy của cung điện xứ chùa tháp này. Đến thăm Chùa Bạc- nơi Vua làm lễ, cũng nằm trong khu Hoàng Cung- đoàn còn được chiêm ngưỡng bức tượng Phật bằng vàng nặng 90kg gắn 2086 viên kim cương và bức tượng Phật bằng ngọc lục bảo có giá trị bằng nửa vương quốc Campuchia. Theo lời anh hướng dẫn viên thì lượng vàng còn lại từ sau chiến tranh mới chỉ là 30%, hầu như đều bị Khơme đỏ lấy cắp và thất thoát. Các hiện vật này đã được dân Campuchia đắp bùn và cất giấu nên mới giữ được cho đến bây giờ.
Dân số Capuchia hiện nay không nhiều, vì nạn diệt chủng Khmer Đỏ vào những năm 1974 đến 1979 đã khiến cho dân số đất nước này gần như bị diệt vong và trở thành “Thành phố chết” . Cuối năm 1978, theo yêu cầu giúp đỡ của lực lượng thân hữu Việt Nam ở Campuchia, họ đưa quân vào Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ năm 1979. Trong 13 năm đóng quân tại Campuchia, quân đội Việt Nam đã bị lực lượng tàn quân này quấy phá gây thiệt hại khá lớn. Các cuộc chiến nhỏ lẻ tẻ diễn ra liên tục trước khi Việt Nam rút quân năm 1989 và Liên hiệp quốc hỗ trợ bầu cử năm 1993, giúp cho nước này khôi phục lại tình trạng bình thường.
Từ chỗ, dân số quá ít nên đất nước Campuchia không có kế hoạch hóa gia đình, không hạn chế phương tiện giao thông, nhưng có thể đến một lúc nào đó quốc gia thông thoáng về giao thông này cũng sẽ trở thành vấn nạn kẹt đường tại các thành phố lớn. Điều đặc biệt là ở Camphuchia rất ít taxi vì người dân đi tuktuk là chủ yếu, từ mức sống trung bình trở lên họ có thể sắm ôtô riêng.
Trừ những đỉnh tháp chùa vàng rực thỉnh thoảng vươn lên khỏi các khu nhà thì các khu phố ở Campuchia không khác nhiều so với Việt Nam. Tuy nhiên, với chính sách không hạn chế sinh đẻ, dân số tăng nhanh mà đường xá thì không tốt mấy so với Việt Nam có lẽ chỉ vài năm nữa bạn sẽ chết ngạt vì tắc đường ôtô tại Phnômpênh.
Chỉ 4 ngày nơi đất nước chùa tháp, nhưng chúng tôi thật sự thỏa mái và dễ chịu, vì chuyến đi đã giúp chúng tôi hiểu được văn hóa xứ bạn, cũng là cơ duyên cùng phật tử Miền Bắc giao lưu học hỏi tìm hiểu về giáo lý nhà Phật đã ảnh hưởng và có tác động tích cực như thế nào trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân.
Đại đức thích Quảng Sự đã giảng giải những thắc mắc về Phật pháp căn bản. Sư cô Huệ Như đã chia xẻ tâm lý ứng xử trong quan hệ gia đình của người Phật tử, ứng xử giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái trên tình yêu thương và tôn trọng. Hóa giải những xung đột bằng tính khoang dung và độ lượng, thì tâm tư chúng ta sẽ nhẹ nhàng, an lạc hơn.
Cảm nhận chuyến đi quả thật “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Hy vọng mùa hè năm sau, chúng tôi sẽ có những chuyến du lịch hành hương nơi khác với màu sắc Phật giáo, để Phật tử chúng tôi có cơ hội giao lưu và học hỏi nhiều hơn.