Trang chủ Đời sống Đánh nhà sư và nhà báo trước mặt công an

Đánh nhà sư và nhà báo trước mặt công an

84

Khoảng 10h30 ngày 15-10, chúng tôi đến chùa Sùng Nghiêm. Các phật tử chuẩn bị thắp hương khấn vái thì xuất hiện một số người kéo đến lăng mạ nhà chùa, rồi hô hào kéo thêm nhiều người khác. Họ đóng cửa, nhốt toàn bộ số người có mặt tại ngôi chùa.

Đồng thời, những người này dùng lời lẽ thiếu văn hóa để lăng mạ khách hành hương, thậm chí hành hung cả phóng viên khi có ý định ghi hình.

Ngay sau đó, phóng viên Tiền Phong đã gọi điện cho ông Nguyễn Huy Việt – Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội), để thông báo sự việc. Khoảng 11h30, Công an xã Cổ Bi có mặt tại hiện trường.

Tuy nhiên, các đối tượng quá khích không dừng lại và tỏ ra manh động hơn. Chị Nguyễn Thị Gái (Ngọc Thụy – Long Biên), đến chùa thắp hương cũng bị bọn chúng giật rách tay áo.

Mặc dù đã giải thích rõ là chỉ đến thắp hương, song một số đối tượng giật máy ảnh của phóng viên ngay trước mặt cảnh sát. Rất may chiếc túi máy ảnh của chúng tôi đã được một chiến sỹ cảnh sát nhanh tay cầm giúp.

Khoảng 13h, lực lượng Công an đã đưa xe chuyên dụng tới giải cứu phóng viên, khách hành hương. Tuy nhiên, một số côn đồ tiếp tục chặn xe và gây gổ đập phá. Thậm chí, có đối tượng giật gậy cao su của công an định đánh khách hành hương.

Công an đưa nhà sư Thích Đàm Chinh trụ trì chùa từ trong chùa Sùng Nghiêm tới chiếc xe chuyên dụng. Các đối tượng vẫn lao vào chửi mắng và liên tục tát vào mặt nhà sư.

Đến 14h30 chiếc xe của lực lượng công an mới di chuyển được về trụ sở UBND xã Cổ Bi.

Tại trụ sở UBND xã Cổ Bi, ông Đinh Tất Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cổ Bi nói: “Chúng tôi thực sự xin lỗi các anh (phóng viên và khách hành hương), chúng tôi rất xấu hổ vì những hành vi thiếu văn hóa của một số người ở đây”.

Ông Thắng kể, ngày 23-12-2011, Nhà sư Thích Đàm Chinh cho sư Thích Thanh Hải, mượn hai pho tượng từ chùa Sùng Nghiêm về chùa Cổ Pháp (chùa Giận) để làm lễ Phật Đản.

Khi các phật tử vừa chuyển tượng tới vườn Tháp cạnh cổng chùa thì gặp chị Nguyễn Thị Tuyên (người bán hoa quả tại cổng chùa). Chị này đã hô hoán dân chúng là nhà chùa ăn cắp tượng đem đi bán và đuổi đánh sư Thích Thanh Hải.

Ông Thắng cho biết, sau đó công an đã vào cuộc điều tra xác minh cho thấy sự việc trên chỉ là cho mượn tượng chứ không có chuyện trộm cắp.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Đặng Văn Vượng, Trưởng Công an huyện Gia Lâm nói, vụ việc này đã kéo dài nhiều tháng, công an đang điều tra làm rõ.

“Người của chúng tôi xuống dưới đó còn bị một số đối tượng quá khích xúc phạm chửi bới đòi đánh, họ còn đổ cho chúng tôi bao che trộm cắp”, ông Vượng nói.

Ngày 7-9-2012, Ban đại diện Phật giáo huyện Gia Lâm (PGHGL) đã có văn bản trả lời về vấn đề này. Ban đại diện PGHGL xét thấy việc làm của sư thầy Thích Đàm Chinh cho mượn tượng là không sai về mặt pháp luật.

Pho tượng mà thầy Thích Đàm Chinh cho mượn thuộc diện không phải để thờ, không yểm tâm mà chỉ dùng tượng vào dịp Phật Đản.

Hai pho tượng là Thích Ca Nhập Niết Bàn, và pho tượng Thích Ca Sơ Sinh (được làm bằng thạch cao mới) cùng với chậu hoa sen Bát Tràng dùng để tắm phật được ông Nguyễn Văn Hướng (Hà Tây cũ) tặng, không phải là di vật cổ.

Theo Tiền Phong