Trang chủ Văn học Tùy bút Có “chao đảo” thì mới có…trưởng thành

Có “chao đảo” thì mới có…trưởng thành

98

 Mình vẫn nhớ những ngày chập chững bước chân vào tòa soạn, biết bao bỡ ngỡ. Từ việc làm quen với mối quan hệ công sở đến việc thực hiện các đề tài liên quan đến mảng Phật giáo. Chưa một ngày được đào tạo nghiệp vụ báo chí nên lúc đầu mình không hiểu thế nào là một tin ngắn? Bao nhiêu chữ đủ một tin; bài? Sapo là cái gì? Bao nhiêu chữ thì đủ một Sapo…? Nói chung, mình giống như một tờ giấy trắng tinh. Vào nghề chỉ có một chút kiến thức mỏng manh về Phật học mà mình được biết thông qua việc đến chùa và tu tập cùng tăng thân.

Do vậy, những ngày đầu làm báo thấy mình vất vả nhiều. Không ít lần đã khóc, đã muốn bỏ việc, tự tạo ra nhiều áp lực cho bản thân…nhưng thật may mắn và hạnh phúc cho mình khi có một người sếp thật tuyệt vời. Anh ấy nghiêm khắc nhưng sống tình cảm sâu sắc. Anh đã hướng dẫn và dạy dỗ mình nhiều thứ từ những cái cơ bản liên quan đến nghiệp vụ làm báo đến việc trấn an tinh thần mình.

Bên cạnh đó, mình có một người thầy, mặc dù thầy không nói quá nhiều về vấn đề làm báo của mình nhưng những điều “ngắn gọn” ấy của thầy cũng khiến mình phải nhìn lại và thay đổi theo một hướng tích cực.

Rồi kể đến những quý thầy, những bạn đạo hữu, những anh chị em đồng tu với mình. Họ đã luôn đồng hành và yểm trợ cho mình hết lòng khi mình cần phỏng vấn, cần hỏi han hoặc khi tinh thần suy sụp…

Vâng, lúc này, mình đang tự hỏi: nếu không có những con người ấy thì không biết mình có thể đứng được như ngày hôm nay không nữa?

Ai cũng biết, nghề làm báo nói chung có nhiều phức tạp và nhạy cảm, cho dù làm ở ban/bộ phận nào. Với mình cũng vậy, làm ban Phật sự (như bên báo gọi là ban Thiền), gặp không ít khó khăn, từ kiến thức Phật học đến cách làm việc.

Nó luôn đòi hỏi một “chuẩn mực” nào đó. Nhiều lúc “chao đảo”, nhiều khi “va chạm”: với cái này, cái khác; khi đứng giữa người này, người kia; bên đời hay bên đạo;…Nếu như là một tu sĩ hay một người đời hẳn thì có lẽ đã khác nhưng với mình thì có một chút khác biệt…

Song bây giờ nhìn lại những cái được gọi là “chao đảo” hay “va chạm” ấy giúp mình lớn khôn và trưởng thành hơn nhiều. Nhìn vào những cái đó đã quán chiếu và nhìn nhận cho kỹ để rồi đưa ra những quyết định (cứ gọi là đúng đắn) trong công việc. Và tìm ra cho mình được một phương hướng làm việc nhất định (hình như  không giống ai hoặc giống như nhiều người đang làm) trong công việc, lối đi của riêng mình.

Tuy nhiên, không chỉ có những “chao đảo” hay “va chạm” mà quãng thời gian qua, mình có rất niềm vui “gom nhặt” từ những chuyến đi làm  việc với nhiều người thầy; nhiều người bạn; hoặc đi thực tế ở một số những ngôi chùa quê ở miền Bắc và miền Trung. Mỗi chuyến đi đó là một niềm vui bình dị, mộc mạc nhưng để lại trong mình nhiều ấn tượng, sâu lắng biết bao.

Đúng! Một năm làm báo không quá nhiều nhưng là một năm đầy trải nghiệm với mình. Được – thua cũng có nhưng trong đạo, cái này đâu có: “cân, đo, đong, đếm” đúng không? Quan trọng là cần nhìn lại mình xem đã làm được gì cho bản thân, cho việc cộng đồng mà thôi. Nhưng hơn hết những cái việc đó mình phải làm trong sự an lạc và niềm vui, chứ không phải là phiền não.

Và hôm nay khi được một năm làm báo Phật giáo, tuy nhìn nhận được nhiều thứ nhưng có lẽ mình thấy sâu sắc nhất, rằng: “Có chao đảo thì mới có trưởng thành”.

Cuối cùng, con xin được tri ân tất cả…!

(Hà Nội, ngày 17/10/2012 – Viết cho một năm làm báo!)