1. Đặt vấn đề
Như chúng ta biết, trong suốt chặng đường 30 năm, kể từ ngày thông nhất Phật giáo, GHPGVN đã đạt được rất nhiều những thành quả to lớn trong công tác kiện toàn tổ chức, công tác giáo dục và rất nhiều các Phật sự khác. Tuy nhiên, bên cạnh nhũng thành quả đã đạt được, theo xu hướng phát triển chung của xã hội, GHPGVN cũng còn có những tồn tại nhất định.
Công tác quản lý con người và sự nghiệp giáo dục con người cho thế hệ tương lai là một công tác cực kỳ quan trọng ở tất cả mọi thời đại. Nó luôn mang trên mình một sứ mệnh sống còn hay hủy diệt, của mọi lĩnh vực cuộc sống, là sự sâu chuỗi từ quá khứ đến tương lai, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Vì thế, ở bất kỳ thời điểm nào, Quốc gia nào, hay tổ chức nào thì việc quản lý con người và giáo dục con người cũng luôn cần được quan tâm đặc biệt. Chính vì thế mà đời sống tu và học của Tăng ni trẻ Phật giáo Việt Nam chúng ta hôm nay, cũng là việc cần được quan tâm đúng mức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
2. Về việc tu tập của Tăng Ni trẻ hiện nay
2.1. Những tồn tại
Tìm về quá khứ cho chúng ta thấy, Phật Giáo Việt Nam có đứng vững hay không, là do những nhà lãnh đạo Giáo hội và ý thức cá nhân trong cộng đồng Phật Giáo. Sự thăng trầm của Phật Giáo không phải của riêng ai mà là một thể tính chung nhất, trong đó nó mang tính thiêng liêng của đời sống tâm linh. Vì thế, chúng ta không thể tách rời mình ra khỏi vai trò ý thức cá nhân trong cộng đồng Phật Giáo.
Lâu nay, Chư Tôn Đức thường lo lắng, than phiền về vấn đề tu tập, đạo đức, lối sống, và sự tha hóa về phẩm chất của một số Tăng Ni trẻ thời nay. Một thực tế mà xã hội đang phản ánh và lên tiếng đã đến mức đáng báo động. Có thể nói điều này đang là một vấn nạn lớn của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận và tìm hiểu về các nguyên nhân chủ quan, khách quan để kịp thời khắc phục.
2.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến những thực trạng tồn tại trong đời sống tu học của Tăng Ni trẻ hiện nay. Ngoài ý thức tự giác của mỗi người thì bên cạnh đó công tác quản lý và giáo dục của Giáo hội cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng dẫn dắt Tăng Ni trẻ hoặc đi đúng con đường chính pháp, hoặc đưa họ xa dần nếp sống thiền gia và thế tục hóa rất nhanh. Điều đó được thể hiện ở những thực trạng tồn tại sau đây:
Sở dĩ có sự buông lung trong đời sống tu tập, suy thoái về đạo đức lối sống, mất dần nề nếp thiền gia quy củ, thế tục hóa rất nhanh và trầm trọng ở một số Tăng Ni trẻ hiện nay là vì:
– Yếu tố chủ quan: Ý thức tự giác trong một số vị tu sĩ ngày càng giảm sút, con người thời nay đạo tâm có phần giảm sút, nhiều người đến với đạo không phải vì chí nguyện cần cầu giải thoát, mà vì hoàn cảnh đưa đẩy.
– Yếu tố khách quan: Do bên ngoài xã hội ngày một phát triển, phương tiện cuộc sống quá đầy đủ tiện nghi, tiện ích, mọi thứ đều rất dễ dàng tiếp cận. Trong đạo lại rất thiếu các bậc mô phạm dẫn dắt, tổ chức và đoàn thể rời rạc, chưa thực sự đoàn kết hòa hợp. Những người làm việc hết lòng vì sự xương minh đạo pháp chưa nhiều, tổ chức Giáo hội mới chỉ quan tâm đến công tác điều hành và quản lý hành chính, chưa thực sự quan tâm đến đời sống tu tập và việc hành trì giới luật của Tăng Ni. Tất cả mọi vấn đề Phật sự tại các cơ sở tự viện, đều do Tăng Ni tự tổ chức, tự giải quyết, Tăng Ni chưa được Giáo hội quan tâm bảo vệ khi cần, dẫn đến tình trạng muôn mầu muôn vẻ, trăm hoa đua nở cả về nội dung lẫn hình thức. Do vậy mà sự lệch lạc về tư tưởng và đường lối hành đạo đã xảy ra, đạo hạnh của một số người xuất gia cũng dần bị biến chuyển theo xu hướng của người thế gian.
Trong cuốn “Đạo Đức Phật Giáo” Hòa Thượng Thích Đức Nghiệp có nhận định:
“…Phẩm hạnh và đạo đức của người tu sĩ trẻ nước ta hiện nay đang đứng trước bờ vực của sự suy thoái, lâm vào cảnh “tiến không đường, thoái chẳng nơi”, chơ vơ đơn chiếc, chẳng khác gì chiếc thuyền giữa biển không ai biết lái, như người đi bộ đứng giữa ngã ba, không biết đi đường nào cho phải. Tìm đến căn bệnh tuy có nhiều nguyên do, nhưng cái nguyên do nặng nhất là kém bề hạnh phúc, phần học đa số chỉ mấy câu sáo thường, cưỡi ngựa xem hoa, không hiểu lý nghĩa bất biến, đã không dung thông được tính tướng lại chấp mê ngoan cố, nhắm mắt bước liều, lẽ tự nhiên là phải sụp đổ. Ý kiến không đồng nhau, đường tu không có đích, đoàn thể rời rạc, ai biết phận nấy, ai ngã mặc ai, cùng học một thầy trở lại tương phản lẫn nhau, thậm chí trở lại phản cả lời thầy dạy, tránh sao cho khỏi cái hoạ nghiêng đổ suy tàn…”[1]
Bài viết: “GHPGVN nên lấy hệ phái sơn môn làm nền tảng” được đăng trên trang Phật Tử Việt Nam. Ở mục II nói về “những hạn chế tồn tại và yếu kém”, tác giả Lê Minh nhận định:
“Hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay đang vận hành là mô hình của hệ thống tổ chức thế tục và nếu tiếp tục duy trì lâu hơn nữa thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển chung của xã hội mà sẽ dẫn đến một tổ chức hữu danh vô thực, không đem lại sự phát triển cho đạo pháp và nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề của thế tục đan xen, đạo pháp xa dần đời sống của người dân và đạo hạnh của Tăng ni sẽ bị giảm sút…”[2]
Những nhận định trên, cũng đã phần nào nói lên được nỗi trăn trở trong cuộc sống tu học của đa số Tăng Ni trẻ. Đạo đức của người tu sĩ trẻ nước ta hiện nay không phải là đang đứng trước bờ vực của suy thoái, mà là đã rất suy thoái, suy thoái đến mức báo động! Tại sao lại trầm trọng như vậy? Suy cho cùng là: “Tri hành không hợp nhất, đường tu không có đích”. Vì bản thân mỗi người thiếu tính tự giác, ỷ lại và phóng túng, a dua và tham vọng, thiếu các bậc mô phạm dẫn dắt chỉ dạy, đoàn thể nhìn vào thì đồ sộ nhưng lại rời rạc, thiếu sự hòa hợp đoàn kết. Quả thực! Cái họa nghiêng đổ suy tàn như Hòa Thượng Thích Đức Nghiệp nói là điều trông thấy trước mắt. Đúng là tăng ni trẻ: “Tiến không đường, thoái chẳng nơi”.
2.3. Giải pháp
– Tăng Ni trẻ mỗi người cần nâng cao ý thức rằng mình là người xuất gia, cần tự giác khép mình trong nếp sống thiền gia quy củ, tôn trọng và thực hành lời Phật dạy, tìm cho mình một vị thầy hướng dẫn và một pháp môn tu tập phù hợp.
– Giáo hội cần quản lý chặt chẽ hơn nữa về vấn đề người xuất gia, thụ giới, và đạo hạnh của người xuất gia.
– Mỗi vùng miền cần có vị Giám Luật để giám sát việc hành trì giới luật của Tăng ni. Vị Giám Luật có quyền đề nghị Giáo hội xem xét, nhắc nhở hoặc kỷ luật đối với những Tăng ni có dấu hiệu vi phạm hoặc đã vi phạm.
– Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội cần đoàn kết và hòa hợp hơn nữa để làm nơi nương tựa cho Tăng ni.
– Giáo hội cần thống nhất và trách nhiệm hơn nữa, đối với việc tổ chức hoằng pháp và tổ chức các sự kiện lễ hội Phật giáo theo vùng miền cho phù hợp trình độ nhận thức và nguyện vọng của tăng ni Phật tử.
3. Về việc học của Tăng Ni thời nay:
3.1. Một số tồn tại:
– Về người học:
Nếu thời xưa, chư Tổ chèo non lội suối, không quản gian lao khó nhọc, để tìm các bậc minh sư cầu học đạo. Mong phần nào khai mở trí tuệ, hiểu rõ đường tu và tìm về chân tâm Phật tính của chính mình, tự giác, giác tha. Đồng thời, cầu mong giải thoát, xa lìa khỏi mọi hệ lụy ràng buộc của ngũ dục, không màng danh lợi…
Thì thời nay, không ít người học đạo đi học không phải như vậy, mà đang tu và học vì những tấm bằng, vì những mảnh giấy chứng nhận. Đôi khi không phải vì muốn thông hiểu nghĩa lý để tu tập mà học vì cần phải có bằng cấp để được thụ giới, được trụ trì, được nuôi đệ tử, được làm chức này chức kia… Do vậy, không có bằng thì phải tìm mọi cách để có bằng. Nếu có học chỉ mang tính đối phó, ép buộc, chứ không có động lực cầu học. Bởi trong đầu còn biết bao toan tính, làm sao có thể an tâm để ngồi mà tư duy quán chiếu lời Phật, ý Tổ.
– Về công tác quản trị
Về công tác quản trị vẫn chưa có mô hình quản lý cụ thể , chưa có hoạch định và chiến lược tổng thể lâu dài cũng như trước mắt. Đồng thời, cũng chưa có quy định thống nhất về quản lý hệ thống giáo dục. Về nội dung giáo dục, chất lượng giáo dục, tiêu chuẩn giảng sư, văn bằng, thi cử… chưa được quan tâm triệt để. Công tác quản lý đội ngũ cán bộ, giảng sư dường như chưa được quan tâm ở các cấp Giáo hội. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng của sự phát triển đúng mức nền giáo dục Phật giáo Việt Nam hôm nay và ngày mai. Do vậy, chưa khắc phục được vấn đề này thì chưa thể khắc phục những vấn đề tồn tại khác.
-Về phương pháp dạy và phương tiện dạy học:
Đây là yếu tố gắn liền với kết quả của quá trình đào tạo. Trong thực tế, các giảng sư – những người có trách nhiệm khai đường, dẫn lối cho thế hệ trẻ. Mặt khác chưa đặt hết sự quan tâm và trách nhiệm của mình vào sự nghiệp giáo dục còn kiêm nhiệm nhiều công tác Phật sự khác. Cho nên không có nhiều thời gian để nghiên cứu, soạn thảo giáo án một cách nghiêm túc. Khi giảng dạy chỉ mang tính truyền đạt kiến thức, đôi khi còn rất hạn chế về trình độ. Vấn đề ở đây là trình độ, một thực tế cho thấy đội ngũ giảng sư của chúng ta chưa có chuyên môn cao. Điều kiện cần thiết nhất của một người đứng trên bục giảng là phải có trình độ chuyên môn sư phạm, tư cách, phẩm chất đạo đức của một người thầy thực sự.
Ngoài trao truyền những kiến thức của môn học, còn có thể trao truyền cho người học trò những phẩm chất đạo đức, những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm hoạt động trong mọi lĩnh vực hành đạo. Ngoài khẩu giáo còn có cả thân giáo để làm tiền đề cho sự tư duy và động lực sáng tạo.
Từ những hạn chế trên, dẫn đến thực trạng: Lỏng lẻo trong công tác giáo dục, khiến xu hướng đạo đức của Tăng Ni trẻ giảm sút trầm trọng. Sở dĩ như vậy là vì, họ không biết tin ai, không có ai dành cho họ thì giờ và làm nơi nương tựa cho họ. Tổ chức thì không chặt chẽ, đội ngũ quản lý quá yếu, lại rất mỏng. Hầu như các bậc Hoà Thượng, Thượng Toạ chỉ có rất ít thì giờ dành cho Tăng Ni trẻ.
3.2. Một số biện pháp khắc phục.
– Thứ nhất là về mặt nhân sự quản lý: Khuyến khích, động viên Tăng Ni đã tốt nghiệp các khóa đào tạo tham gia công tác quản lý của trong ngành giáo dục. Sắp xếp nhân sự phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động của Học viện như công tác quản lý, công tác hành chính văn phòng, công tác đào tạo… phù hợp với khả năng của mỗi Tăng Ni.
– Thứ hai là về mặt trình độ quản lý: Giáo hội cần quan tâm và phối kết hợp với các Trường Đại học bên ngoài để tổ chức các khóa bồi dưỡng về công tác quản trị hành chính, quản trị giáo dục cho các Tăng Ni tham gia công tác trực tiếp tại các trường Phật học để nâng cao năng lực, trình độ quản lý.
– Thư ba là về chương trình giáo dục: Sắp xếp lại chương trình giáo dục ở cấp Học viện. Thực hiện chương trình đào tạo theo tín chỉ, chuyên khoa chuyên ngành. Đồng thời, loại bỏ một số môn học không cần thiết, bổ sung một số môn quan trọng như Quản trị hành chính Giáo hội, Quản trị tự viện…nhằm đảm bảo cho Tăng Ni tốt nghiệp ra trường có thể tham gia được các lĩnh vực hoạt động của Giáo hội, đáp ứng theo nhu cầu phát triển của Giáo hội trong thời đại mới.
– Thứ tư là về lực lượng Giảng sư: Giáo hội cần phải chú trọng và quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo, phát triển đội ngũ Giảng sư theo hướng chuyên môn hóa, nhằm đáp ứng được công tác đào tạo của Tăng tài của Giáo hội.
– Thứ năm là về phương pháp đào tạo: Giáo hội cần nghiên cứu cải cách, đổi mới phương pháp đào tạo. Quy định rõ ràng phương pháp dạy và học cho Giảng sư và Tăng Ni sinh để Tăng Ni sinh phát huy tính tự lực, phát triển tư duy của mỗi người.
– Thứ sáu là về mô hình đào tạo: Cần phải xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất của nhà trường như Thiền đường, Thư viện, nơi ở cho giảng viên và cán bộ văn phòng, quản chúng… để tạo điều kiện tốt cho môi trường làm việc và học tập. Tăng Ni sinh có thể thực hiện đầy đủ mô hình vừa học vừa tu. Đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, học hỏi của Tăng Ni.
4. Kết luận:
Nói tóm lại, những khó khăn trong việc tu và học của Tăng Ni còn rất nhiều nhưng trọng tâm vẫn là vấn đề nhân sự quản lý và kinh phí đầu tư đúng mức cho ngành giáo dục. Ban lãnh đạo Giáo Dục Tăng Ni Trung Ương đảm trách, kiêm nhiệm nhiều phật sự nên thiếu sự tập trung vào công tác giáo dục. Do vậy chậm hoàn thành các việc như thống nhất sách giáo khoa cho các cấp học, yếu về mặt tổ chức giáo dục như đào tạo chuyên viên giảng huấn, chuyên viên quản trị, thanh tra góp ý xây dựng…
Trong khi đó, xã hội ngày một phát triển, trình độ dân trí cao hơn, bên cạnh đó, đạo đức đang bị vật chất và lòng tham lấn át. Do vậy, điều xã hội rất cần là những con người có đạo hạnh và trình độ thực sự, biết thức tỉnh lòng người, biết cảm thông và chia sẻ, biết lắng nghe và thấu hiểu nỗi khổ niềm đau của cộng đồng… Người làm được những việc này tiêu biểu phải là những người có tu tập, có thực hành giáo pháp từ bi cứu khổ, vô ngã vị tha của Đức Phật.
Nói như vậy, để thấy rõ vai trò và trách nhiệm của Tăng đoàn Phật giáo là một tổ chức rất quan trọng trong đời sống xã hội. Vì, “Tăng Là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui, tu tập giải thoát làm an lạc cuộc đời”.
Do vậy, mọi chương trình giáo dục, đào tạo lên những vị Tăng đúng nghĩa, đều cần nhắm đến sự tu tập và thực hành lời Phật dạy, cần chú trọng đến phẩm hạnh đạo đức, chứ không chỉ quan tâm đến vấn đề trao truyền tri thức
Đồng thời cũng cần liên tục đổi mới, đi trước nhận thức của xã hội. Giáo dục là ngành liên quan mật thiết đến tất cả các phương diện của cuộc sống. Vì vậy, luôn đổi mới trong ngành giáo dục là vấn đề luôn cần sự quan tâm đúng mức của các nhà lãnh đạo. Nhưng đổi mới như thế nào để phù hơp với thực tế, để đạo hạnh của Tăng Ni được củng cố, quy củ thiền gia ngày một nề nếp và được tôn trọng, để lối sống của thế tục không còn xâm lấn vào cửa thiền… thì quả là không đơn giản. Đổi mới chính là khắc phục những tồn tại trong thực tế, mở ra cái mới cho tương lai, gạn đục khơi trong để lòng người quy thuận và kính phục thuận hành.
Trên đây là một vài suy nghĩ của con về “thực trạng tồn tại trong đời sống tu học của Tăng nị trẻ hiện nay”, cũng như một vài giải pháp con vừa trình bày, kính xin chư Tôn đức Tăng Ni, cùng quý đại biểu khách quý hoan hỷ chia sẻ, liễu tri. Nếu con có điều gì sơ thất, ngưỡng mong chư tôn đức cùng quý vị niệm tình tha thứ.
Cuối cùng con xin kính chúc chư tôn thiền đức Tăng Ni vô lượng an lạc, vô lượng cát tường. Kính chúc quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, gia đình an khang hạnh phúc.
NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT