Trang chủ Bài nổi bật Vẽ đẹp từ những điều không hoàn hảo

Vẽ đẹp từ những điều không hoàn hảo

418

Từ năm 1992, Liên hiệp quốc đã chọn ngày 3/12 là “Ngày Quốc tế Người khuyết tật” nhằm kêu gọi lên sự quan tâm cộng đồng đối với quyền và lợi ích của người khuyết tật.

Tổ chức thế giới ước tính, hiện nay trong số hơn 7 tỷ người trên toàn cầu thì có gần 1 tỷ người bị khuyết tật với nhiều tình trạng, hoàn cảnh, cấp độ khác nhau, chiếm khoảng 15% tổng dân số. Trong số đó, có đến 80% người khuyết tật đang sống ở các nước đang phát triển.

Theo quan điểm Phật giáo, khi thân thể chúng ta bị khiếm khuyết là lúc chúng ta phải tiếp nhận những thời khắc thử thách đối với bản thân. Nếu chúng ta có thể chuyển nghịch duyên làm lẻ sống, thì nghịch duyên trở thành “nghịch tăng thượng duyên” – có nghĩa là lấy nghịch cảnh làm nhân duyên lớn để phấn đấu đi lên, vượt qua chính mình.


Ngài Tinh Vân đã từng chia sẻ một câu chuyện ngắn, nói về một cô bé gái khuyết tật, đã làm ông thay đổi suy nghĩ của mình về sự “khiếm khuyết”

Lúc nhỏ, Ngài thường gặp một cô bé, bước đi khập khiểng một mình trên con đường quê. Tay trái, tay phải của bị dị tật bẩm sinh, ngắn hơn so với những người bình thường; còn đôi chân của cô bé thì quệt quẹt thấp cao, nên việc đi lại rất loạng choạng không vững.

Trong giao tiếp, cô lại nói lấp, nên thường bị những bạn nhỏ hàng xóm chế giễu. Mỗi lần như vậy, cô ấy thường là im lặng không nói gì. Bà ngoại ngài Tinh Vân thấy thế, liền nói với ngài rằng: “Con không nên giống như những bạn vừa rồi bắt nạt cô bé như vậy nhé. Con cần nên biết, khiếm khuyết cũng chính là vẻ đẹp”

Ngày hôm sau, ngài Tinh Vân lại gặp cô bé này. Lần này, ngài phát hiện một vài điểm mà trước kia không chú ý đến – gương mặt của cô bé trong thật thanh thoát và hiền lương. Bước chân khập khiểng, không ổn định, nhưng cô ấy vẫn luôn kiên trì trong từng bước đi và tỏ ra mạnh mẽ trong mọi hoạt động sống. Nhìn thấy cảnh cô bé đi dạo một mình, bỗng nhiên ngài ngộ ra rằng: Mặt trăng không nhất định lúc nào cũng tròn đầy, sự khiếm khuyết cũng là một vẻ đẹp kỳ diệu trong cuộc đời.

Ngài Tinh Vân cho rằng, chính hình ảnh và những điều cảm nhận về cô bé đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của ông sau này về sự “khiếm khuyết”. Năm 1967, ngài đã thành lập Phật Quang Sơn, biến vùng đất hoang vu trở thành cõi tịnh độ nhân gian, đồng thời điều phối gần 200 đạo tràng, hội đoàn trên toàn thế giới. Trải qua nhiều thập kỷ, ngài đã trải qua vô số thử thách và gian khổ. Ngài nghĩ rằng, những khó khăn đó đều là “vẻ đẹp của sự khiếm khuyết”.

Trong quyển sách “100 câu nói về cuộc sống”, ngài Tinh Vân viết “Trên thế gian này, cảnh vật thế gian nếu không có núi non trùng điệp, nhấp nhô, há chẳng phải là đơn giản và nhàm chán lắm sao. Nếu chúng ta có mục tiêu trong đầu, cũng sẽ không tính toán được hành trình gian nan phía trước. Bởi vì nếu đi giữa con đường bằng thẳng, cây cối xanh tươi, mát mẻ thì dĩ nhiên là thong dong tự tại rồi, nhưng ngược lại chúng ta phải tận sức băng rừng vượt suối để hành trình thì há chẳng phải đó cũng có giá trị riêng của nó hay sao”

Trong ca khúc “vẻ đẹp của sự khiếm khuyết”, ngài viết: “Buổi sáng sớm, ta thấy cô bé …kiên trì bước đi, mặc dù bước từng bước một… vẫn những bước chân tuyệt vời, biết bằng lòng với cuộc sống hiện tại, đứng lên, vai kề vai…”

Ngài chia sẻ thêm, có một vị nữ cư sĩ ở Hồng Kong có đứa con tật nguyền, gia đình đang chăm sóc cho em ấy từng ngày khiến vị cư sĩ này nhận ra cuộc đời này là khổ, rồi phát nguyện hành bồ tát đạo, tu tập bố thí ba la mật làm lợi ích chúng sinh.

Ngài từng gặp rất nhiều người tàn tật, đều là những người có thái độ sống tích cực và giỏi giang. Điển hình như ở Đại Học Nam Hoa có một nam sinh không có tay, cậu ấy đã dùng đôi bàn chân của mình để giặt quần áo, ăn cơm, đọc sách, gõ máy tính. Cuối cũng cậu ấy cũng đã lấy bằng thạc sĩ và trở thành chuyên gia thiết kế phần mềm tin học.

Nguyễn Bảo tổng hợp