Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Năm hạng người ăn bình bát

Năm hạng người ăn bình bát

75

Một thời Thế Tôn ở Kosala, ngài cho gọi các Tỷ khiêu:


 


Này các Tỷ khiêu, có 5 hạng người ăn từ bình bát này. Thế nào là năm?


– Hạng đần độn ngu si ăn từ bình bát


– Hạng ác dục ác tánh ăn từ bình bát


– Hạng kiêu mạn loạn tâm ăn từ bình bát


– Hạng ăn từ bình bát vì được nghe Thế Tôn và các đệ tử Phật tán thán


– Hạng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này, ăn từ bình bát.


 


Trong 5 hạng người ăn từ bình bát, này các Tỷ khiêu, hạng ăn từ bình bát vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ.


 


Ví như, này các Tỷ khiêu, từ con bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có sinh tô, từ sinh tô có thục tô, từ thục tô có đề hồ. Đây được gọi là đệ nhất. Cũng vậy, này các Tỷ khiêu, trong 5 hạng người ăn từ bình bát, hạng ăn từ bình bát vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ.


(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương V, phẩm rừng, phần ăn từ bình bát, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.666).


 


Lời bình:


 


Chư Tỷ khiêu ôm bình bát khất thực vào mỗi buổi sáng là hình ảnh đẹp và quen thuộc đối với những địa phương có chư Tăng Phật Giáo Nam Tông. Phật giáo Bắc Tông tuy không trì bình khất thực nhưng mỗi năm vào mùa An Cư, chư vị Tỷ khiêu vẫn giữ truyền thống thọ bát.


 


Theo quan điểm của Thế Tôn thì thành phần của những người thọ bát này rất đa dạng, có đến 5 hạng. Điều này cũng dễ hiểu bởi chúng sinh căn tánh và nghiệp lực sai biệt. Do vậy, dẫu xuất gia rồi nhưng trong quá trình phấn đấu chuyển nghiệp để đạt đến sự hoàn thiện thì những biểu hiện của sự tồn tại, hạn chế xuất phát từ nghiệp là tất nhiên. Tuy cùng hình thức xuất thế, đầu tròn áo vuông, tam y nhất bát nhưng trong bản chất thì mỗi Tỷ khiêu phải phấn đấu để khắc phục nghiệp dĩ của chính mình. Có người nặng về nghiệp si, nghiệp tham, nghiệp sân hoặc nặng về danh vọng và cung kính…, nói chung là những chướng ngại cho tiến trình thăng hoa và thanh tịnh tâm.


 


Trong 5 hạng người ăn từ bình bát, Thế Tôn tán thán hạng người ăn vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành. Bởi đây là những Tỷ khiêu hạt giống, là tiềm năng cho quả vị A-la-hán. Vì muốn ít và biết đủ là nền tảng cơ bản của việc đoạn trừ tham, một phiền não cơ bản của việc đoạn trừ tham, một phiền não cơ bản vốn là bản chất của chúng sinh. Đoạn giảm là nỗ lực chế ngự dần đến triệt tiêu những chướng ngại của phiền não. Viễn ly là xa lìa những ảnh hưởng và tác động của thế tục để hướng đến sự thanh tịnh đồng thời nỗ lực làm tất cả các điều hành để phát triển thiện nghiệp. Vì lẽ ấy mà những Tỷ khiêu nào thực hành đầy đủ các công hạnh này thì được Thế Tôn tán thán là thượng thủ, đệ nhất. Và đây cũng là tất cả những nỗ lực mà vị Tỷ khiêu hướng đến trong mùa An Cư.


 


Không chỉ chư Tăng, mùa An cư cũng là dịp để hàng Phật tử tại gia nỗ lực tu học. Tuy không thọ bát nhưng hàng Phật tử nên dự lễ quá đường, đảnh lễ quá đường, kinh hành sau quá đường đồng thời tích cực tụng kinh bái sám, công phu công quả và làm tất cả những việc phước thiện trợ duyên cho chúng Tăng tu học.


 


Từ sữa qua quá trình tinh luyện sẽ thành đề hồ. Cũng vậy, từ 5 hạng người ăn từ bình bát, nếu chư Tỷ khiêu biết nỗ lực tu học, nhất là trong mùa An cư thì sẽ còn một hạng duy nhất, đó là hạng thượng thủ, tối thắng. Đây cũng là bản hoài của Thế Tôn đối với hàng Thích tử trong thời Ngài còn tại thế và mãi cho đến tận hôm nay.