Trang chủ PGVN Cửa thiền Ni sư nơi cửa biển

Ni sư nơi cửa biển

65

Di nguyện của tiền nhân


Xuất gia năm 10 tuổi vào ở chùa, Thích Đàm Tâm đã được cụ nuôi là nghiệp sư Thích Đàm Tuất nuôi cho ăn học và gieo ý tưởng khuyến học. Đến nay, ni sư đã có 44 năm làm tròn bổn phận của phật tử và luôn có cuộc sống tốt đời, đẹp đạo. Được hỏi vì sao ni sư tâm huyết với sự nghiệp khuyến học – khuyến tài, ni sư Thích Đàm Tâm vui vẻ trả lời: “Tôi nhớ lời trăng trối của thầy tôi: Vì thầy ít được học nên việc phụng sự cho đạo phật cũng chưa tròn. Vậy con phải cố gắng mà học và lo cho nhiều người được học, mới làm tròn được bổn phận của người Phật tử”.


Được nghiệp sư Thích Đàm Tuất cho đi học văn hoá, rồi sau đó Thích Đàm Tâm được cử đi học tại trường Phật Giáo tỉnh Nam Định và những năm tiếp sau còn được theo các khoá học của Hội Phật giáo Việt Nam. Đến nay, Thích Đàm Tâm đã có 29 hạ nạp và được phong ni sư từ Đại hội Phật giáo Việt Nam lần thứ V, năm 2001.


Nơi chia sẻ nỗi đau trần thế


Ngoài việc học tập, tu luyện để thành đạt trên con đường học Phật, Ni Sư Thích Đàm Tâm đã dốc lòng làm các công việc khuyến học – khuyến tài. Bằng tiền của riêng của ni sư từ các nguồn phụ cấp đại biểu HĐND huyện hàng tháng, từ bổng lộc riêng, mỗi năm ni sư giành khoảng 1,5 triệu đồng để tặng cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh giỏi và ủng hộ quỹ khuyến học huyện. Riêng năm học 2004-2005, ni sư đã tặng thưởng cho 48 giáo viên, học sinh giỏi của xã Tây Phong với số tiền hàng triệu đồng.


Với tấm lòng từ bi hỷ xả, những năm qua ni sư đã trực tiếp nuôi ăn học và hỗ trợ tiền ăn học hàng chục triệu đồng cho 13 học sinh có hoàn cảnh éo le, đã được học tập và thành đạt trên mọi lĩnh vực. Tiêu biểu như:


Nguyễn Văn Anh vào chùa Nguyệt Lũ xã Tây Tiến năm 13 tuổi, được ni sư cấp tiền cho ăn học và đã tốt nghiệp THPT, hiện đang học tại Học viện Phật giáo Việt Nam với pháp danh Thích Thiện Chí.


Nguyễn Thị Gái xã Nam Thắng, nhà nghèo gặp nạn, bố phải tha phương, phải bỏ học. Ni sư xin về chùa giúp việc và nuôi ăn, học. Tốt nghiệp THPT tại trường Tây Tiền Hải, hiện đang học kế toán thương mại tại Hải Phòng và đã xây dựng gia đình.


 Vũ Thị Trang ở xã Nam Hải, nhà nghèo, cha mắc bệnh hiểm nghèo, mẹ tần tảo sớm hôm để nuôi cả nhà. Ni sư xin về chùa năm 10 tuổi và nuôi cho ăn học, hiện đang học lớp 6 trường THCS Nam Phú.


Nguyễn Thị Liên con bộ đội liệt sĩ ở xã Tây Phong hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ni sư đã trợ cấp tiền ăn học trong 3 năm học THPT khoảng trên 5 triệu đồng, nay đã tốt nghiệp THPT và đang là quân nhân chuyên nghiệp.


Phạm Thị Nhuần ở xã Nam Hải, là con thương binh, hoàn cảnh rất khó khăn không tiếp tục đi học được, ni sư nhận vào chùa Phúc Khánh giúp việc và nuôi ăn học tiếp, đã tốt nghiệp THPT và đã đi lao động tại Hàn Quốc.


Vũ Thị Huyền quê ở xã Tây Phong vào chùa Phúc Khánh năm 10 tuổi mới học lớp 3, nay đang học lớp 4…


Ước nguyện làm việc thiện


Với vai trò là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Khuyến học huyện, ni sư thường xuyên kêu gọi các phật tử tham gia các hoạt động của Hội, chăm lo tạo mọi điều cho con cháu học hành tấn tới. Các khoá học do Hội Phật giáo tỉnh mở cho các vị chức sắc của 2 huyện Thái Thuỵ và Tiền Hải những năm gần đây do ni sư phụ trách, các nội dung học về chính trị, pháp luật đã được coi trọng đúng mức. Chùa Phúc Khánh do ni sư trụ trì 15 năm liên tục đạt “Chùa cảnh gương mẫu”, được UBND tỉnh và Uỷ ban MTTQ tỉnh tặng nhiều bằng khen và giấy khen.


Với những đóng góp cho các hoạt động xã hội những năm qua, ni sư Thích Đàm Tâm đã vinh dự được Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân”, Ban chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng huy chương “Vì sự nghiệp khuyến học” Ban chấp hành Trung ương hội Chữ Thập đỏ Việt Nam tặng huy chương “Vì sự nghiệp Chữ Thập đỏ”. Ni sư luôn coi việc sống tốt đời, đẹp đạo là niềm hạnh phúc của đời mình. Điều ước nguyện cao nhất của ni sư là phụng sự được nhiều cho đạo Phật và làm được nhiều việc có ích cho đời.